Tiên sinh Nguyễn Thúc Chuyên (người đứng bên trái ảnh)
và Nguyễn Thế Quang
Quê Tiên sinh ở Nam Xuân,Nam Đàn,quê tôi ở Thanh Tường,Thanh chương cùng vùng “nước biếc non xanh” Xứ Nghệ. Trải qua những biến động của lịch sử chúng tôi sống ở những vùng đất xa nhau. Mãi đến năm 1992 nhờ ân đức của các bậc tiền nhân chúng tôi mới gặp nhau.Hồi ấy,tôi mang bài văn bia “Đồng Dinh Vĩnh am Nguyễn tiên sinh bi” viết về ông nội tôi: cử nhân khoa Mậu Dần (1878) Nguyễn Thế Cát do Ngài Thượng thư trí sự Phó bảng Mai Khê Nguyễn Thúc Dinh –thân phụ của tiên sinh soạn, ra Hà Nội đưa tới tận tay Giáo sư Nguyễn Thúc Hào (Con cả của cụ Thượng).Giáo sư cầm đọc,rất xúc động nói: Tài sản của Thầy tôi chỉ còn lại chừng này! Là người đã trải qua những cảnh dâu bể,bể dâu tôi rất cảm thông điều đó. Thế nhưng,tất cả những gì đáng quý của gia đình Giáo sư không mất. Tiên sinh Nguyễn Thúc Chuyên –người con thứ năm của cụ Thượng đã làm được điều đó. Suốt gần chục năm trời (1997-2005) đã cất công đến những nơi mà gia đình đã từng sống, gặp gỡ những người thân, những người quen biết, đến những thư viện để tìm hiểu, ghi lại những sự việc, những kỷ niệm, những bài viết về gia đình mình. Tôi đã sớm được đọc những trang bản thảo ngắn gọn, chân thực, sinh động ấy. Giờ đây cầm trên tay hai cuốn sách “Nguyễn Thúc gia đình ký “ và “Văn thơ về dòng họ Nguyễn Thúc,” chăm chú đọc từng trang viết về gia tộc của tiên sinh từ Tổ phụ cử nhân Nguyễn Thúc Kiều đến con cháu hôm nay, tôi kính cẩn cúi đầu trước vẻ đẹp trong sáng , cao cả của một gia đình khoa bảng suốt hai trăm năm trải qua bao giông bão mà vẫn vẹn nguyên một tấm lòng yêu nước thương dân. Qua từng dòng chữ tôi cảm nhận được tấm lòng hiếu thảo chí nghĩa, chí tình của người viết - Tiên sinh Nguyễn Thúc Chuyên. Tôi miên man nghĩ đến trên đất nước này có biết bao nhiêu gia đình lớn, bao nhiêu người có học vấn, có tài năng, có điều kiện đã mấy ai nghĩ được điều đó, cách làm đó và làm được điều đó.
Không chỉ viết về gia tộc mình, Tiên sinh đã bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết lặn lội đến nhiều nơi, gạt bỏ đám bụi dày của thời gian tìm từ trong quên lãng những vẻ đẹp của Văn hóa, của những con người sống vì nghĩa lớn của dân tộc. Bàn chân nhỏ nhắn ,dẻo dai của Tiên sinh đã đến bao thành phố, bao làng quê, đến từng nhà, đến các thư viện tìm bao tư liệu quý đẻ viết nên cuốn”157 nhân vật xuất dương trong phong trào Đông du’(Nhà xuất bản Nghệ An 2007). Tôi còn nhớ những ngày Đông giá lạnh Tiên sinh cùng tôi về Thanh Chương gặp những bà con, những cụ già tìm hiểu về liệt sĩ Trần Đông Phong và những chiến sĩ ưu tú khác để đưa vào cuốn sách. Với khát vọng tìm cho ra sự thật của Lịch sử, tiên sinh đã bao tâm huyết đi tìm tư liệu làm sống lại bao vẻ đẹp đã phôi pha, chứng minh được sự thật về những con người mà thời gian và định kiến làm cho biến dạng, khôi phục danh dự cho những người đã khuất. Có lần ,đêm đã khuya,Tiên sinh vẫn gọi điện cho tôi báo tin đã tìm được tài liệu quý về cụ Phan Anh, về gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Huế.
Lặng lẽ đi, lặng lẽ tìm, lặng lẽ nghĩ suy, lặng lẽ viết…Tiên sinh đã khôi phục được bao vẻ Đẹp của gia tộc, của bao anh hùng liệt sĩ, bao chí sĩ. Có lần tôi vui hỏi Tiên sinh vì sao làm được nhiều điều như vậy. Tiên sinh trìu mến nhìn tôi “Đó là Nghĩa lớn của Đời mà mình phải trả anh Quang ạ!”
Cả cuộc đời của Tiên sinh sồng trọn vì chữ Nghĩa. Đối với mọi người xung quanh từ bà con thân thích cho đến những người quen biết không kể tuổi tác, thân phận, gia cảnh bao giờ Tiên sinh cũng sống giản dị, chân thành. Biết tôi đang viết về Cụ Nguyễn Tiên Điền, mỗi lần tôi vào Huế, trên hai chiếc xe đạp tàng, Tiên sinh đưa tôi đến gặp nhà Huế học Phan Thuận An, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn Nguyễn Khắc Phê.. Quên sao được buổi chiều hè Tiên sinh và nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng đưa tôi qua chiếc cầu nhỏ đến vùng đồi Bàu Đá, đứng trên chỗ ngày xưa Đại thi hào Nguyễn Du yên nghỉ, nghe trong gió ngàn dội về bao nỗi tang thương kim cổ mà lòng càng thấm thía tấm lòng chí tình của Tiên sinh dành cho mình. Viết về Triều Nguyễn tôi có bao điều cần biết mà chưa biết, Tiên sinh là kho tri thức mà tôi nhờ cậy. Có những ý mà tôi nghĩ suy chưa được, tôi phải hỏi ý Tiên sinh, bao giờ tôi cũng được chỉ bày cặn kẽ . Có những điều chưa rõ,Tiên sinh đã bỏ nhiều công sức tìm tòi rồi gửi ra cho tôi.Trong những trang viết thành công của tôi có phần trí tuệ, tâm huyết và nghĩa tình của Tiên sinh.
Giờ Tiên sinh đã đi vào cõi khác, tôi mất một người Thầy để được học hỏi, mất một người Anh để được bảo ban, mất một người Bạn lớn để chia sẽ. Thế nhưng Người “đi” mà những trang viết mãi còn, Tiên sinh Nguyễn Thúc Chuyên vẫn mãi vẹn nguyên đằm thắm hai chữ NGHĨA TÌNH.
Vinh –những ngày buồn thương nhớ 10/11/201