Tôi được tiếp kiến bác Nguyễn Thúc Chuyên từ những năm cuối của thế kỷ XX khi bác đến đọc sách tại Thư viện tỉnh Nghệ An. Tôi kính mến và rất nể phục bác ở chỗ, bác luôn tỏ là người rất khiêm tốn, dung dị, hòa nhã, cầu thị.
Hàng năm, bác cất công từ Huế về Nam Xuân, Nam Anh thăm họ tộc, thắp hương cho tiên tổ, rồi ra chăm sóc mồ mả các cụ thân sinh, thân mẫu và các thân nhân, ôn lại những kỷ niệm nơi "Chôn nhau cắt rốn" của mình. Bác là em trai Nhà giáo Nguyễn Thúc Hào, con cụ Phó bảng, Thượng thư Nguyễn Thúc Dinh. Thân mẫu của bác vốn là con nhà trâm anh, dòng hoàng tộc triều Nguyễn.
Bác rất tâm đắc với vốn tài liệu địa chí địa phương, nhất là các tài liệu liên quan đến các nhân vật nổi tiếng của xứ Nghệ. Đặc biệt đối với nhà văn hóa lớn, chí sĩ Phan Bội Châu, bác Chuyên rất khâm phục và dẫn dắt tôi đến với lòng yêu nhân vật này. Có lần bác đưa tôi đi thăm mộ ông nội của bác là Cử nhân Nguyễn Thúc Kiều ở trên núi Đại Huệ và đọc cho tôi nghe bài văn bia chữ Hán do Phan Bội Châu viết gửi cho con cháu để khắc đá, dựng tại mộ thầy, rồi dịch lời minh rằng:
Chỉ phác mới quý,
Chỉ lan thơm xa
Đời không Bá Di
Thánh thanh đâu ra?
Hùng Sơn Lam thủy,
Chung đúc tinh hoa.
Vẹn toàn cao khiết,
Chính tiên sinh ta.
Cụ Cử Kiều chính là thầy dạy học cho Phan Bội Châu và được cụ Phan ca ngợi hết lời như trong bài văn bia này. Cụ Phan lại là đồng liêu, đồng môn với Nguyễn Thúc Dinh, con trai cụ Nguyễn Thức Kiều. Tình bạn của hai cụ rất uyên thâm, đến mức khi cụ Phan bị đưa đi quản thúc ở Huế đã phó thác cho cụ Dinh lưu giữ bản "Phan Bội Châu niên biểu" của mình. Bác Chuyên cũng đọc cho tôi nghe đôi câu đối cụ Thượng Dinh làm khóc Phan Bội Châu khi mất rằng:
Nhiệt huyết nhất xoang sái hà địa;
Cao danh thiên cổ trọng ư sơn.
Tôi kịp đưa in vào sách "Câu đối xứ Nghệ" và xin tạm dịch như sau:
Một bầu nhiệt huyết lay động trời đất;
Muôn thưở nêu tên sừng sững núi cao.
Tôi đã hết lòng cung cấp tài liệu về phong trào Đông Du cho bác Chuyên để bác hoàn thành các bài viết về Phan Bội Châu và đặc biệt là công trình "157 nhân vật trong phong trào Đông Du". Bác Chuyên cũng đã kịp hoàn thành cuốn gia phả dòng họ theo thể ký: Nguyễn Thúc gia đình ký (Tiểu chi họ Nguyễn Thúc ấn hành.- Huế, 2005; 320 trang). Bác rất mừng, vội từ Huế về Nghệ An để báo cáo với dòng họ, các tiên tổ để tri ân với quê hương, những thân nhân nơi chín suối đã linh thiêng phù hộ cho mình hoàn thành công trình này. Tôi đã được bác lưu bút ở trang tên sách như sau: "Thân tặng anh Đào Tam Tỉnh - tháng 10 - 2005, [ký tên] Nguyễn Thúc Chuyên". Bác đã quá ưu ái với tôi vì sách chỉ in được 32 bản, chưa đủ phân phát cho gia đình, dòng họ. Thật tội cho bác, vì phải đôn đáo chạy đi chạy lại Huế - Nghệ An để lấy tư liệu và tự biên soạn sách, trong khi phu nhân ở Huế đang đang đau ốm, tiền lương hưu ít ỏi không đủ tiêu dùng, nhà cửa thì còn tạm gác gỗ, lợp ngói... và chỉ đủ tiền để in 32 bản sách. Cuối sách ghi: "Mùa xuân năm 1997 (Viết phần I và II). Hè - Thu năm 2001 (Viết phần III, IV, V). Xuân - Hạ 2005 (Chỉnh lý in láser). Người soạn: Nguyễn Thúc Chuyên".
Bác Chuyên ơi! Năm trước bác về quê, ở tuổi 80, bác còn đạp xe đạp đến Thư viện tỉnh Nghệ An, còn hăng say luận bàn về sách vở, thời cuộc, thế mà nay không còn được gặp bác nữa! Cháu thật ân hận chưa được tiếp đãi bác một bữa cho ra hồn, ngoài bát nước chè chát và mấy củ khoai nướng nóng mua ở vỉa hè. Bác có vẻ thích thú vừa đọc sách vừa thổi phù súyt soa: "Khoai nướng quê choa ngon thật". Bác Chuyên ơi! Lần giở lại những bức thư, những lưu bút trong sách của bác, như còn thấy hiển hiện một cụ đồ xứ Nghệ gầy gộc, nhỏ thó, mà tâm huyết thì tràn trề.