thám hiểm hang Pá Ngùn, Thảm Chàng, động Thẩm ồm và lèn Lòi, ngắm thác Sao Va, thác bảy tầng hùng vĩ, suối nước khoáng ở bản Khạng, bản Bo, bản Lăng, bản Khoọng; thăm bảo tàng dân tộc Thái để hiểu thêm văn hóa Thái biết thêm về tín ngưỡng, văn hóa các tộc người qua việc thăm đền chín gian; thăm làng nghề Thổ Cẩm ở Châu Tiến, thưởng lãm cái mơ màng và hùng vĩ của hang Bua…lắng nghe tiếng ngân nga những làn điệu dân ca của đồng bào Thái, Thổ, thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào như chịn xồm, măng đắng…
Hang Bua
Nằm ở phía Tây Bắc cách thành phố Vinh 170km, trong dãy núi đá vôi “Phà én” thuộc xã Châu Tiến, huyện Qùy Châu. Đến Hang Bua, du khách sẽ có cảm giác mát lạnh khi đứng trong lòng hang mênh mông và ngắm nhìn những hình thù sinh động, kì thú: con ếch đá giữ gìn sự im lặng bí mật của đường hang sâu thẳm; bầu vú đá căng xuống từ nóc hang nhắc nhớ công lao của nàng Xi Đà; từng giọt nước lấp lánh rỏ từ nhũ đá như khắc khoải kể về bao huyền thoại. Hang Bua có vẻ đẹp của huyền sử, huyền tích, của không gian có chiều sâu được hình thành bởi văn hoá và lễ hội văn hoá, các nghi thức trọng thể đậm màu sắc tộc người.
Lễ hội Hang Bua
Hang Bua còn là tâm vùng văn hoá hang động, bởi có sự châu tuần của hệ thống hang động kì thú thuộc dãy núi đá vôi 4 huyện tây bắc Nghệ An là Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Các di chỉ khảo cổ học ở đây cho biết, miền tây bắc với hệ thống hang động kì thú này chính là một trong những cái nôi của người Việt cổ.
Đền Chín Gian
Truyền rằng, xưa trời sai Xi Đà xuống mường đất để làm vợ Khủn Tinh cai quản chín mường ở Quỳ Châu. Hai người được xuống đầu thai cùng một lúc, nhưng Xi Đà xuống trước, Khủn Tinh bởi ham chơi nên xuống muộn. Khi Khủn Tinh dầu thai thành công thì Xi Đà lớn rồi, nhưng Khủn Tinh sinh ra cứ khóc mãi. Thầy mo nói phải cưới Xi Đà cho Khủn Tinh thì Khủn Tinh mới thôi khóc. Việc quả nhiên ứng nghiệm. Khủn Tinh từ đó lớn nhanh, sớm trở thành một dũng sĩ, lập nhiều công lao, sau thay cha là Khủn Tướng làm thủ lĩnh chín mường ở Quỳ Châu.
Đền Chín Gian
Là con trời nhưng Xi Đà là một ngưười đàn bà hiền thục, biết chăm lo cho dân, bà đã trở thành người mẹ thực sự của người Thái ở Quỳ Châu. Khi bà chết, đồng bào Thái lập đền thờ, đó là đền Chín Gian.
Bảo tàng văn hoá các dân tộc ở Quỳ Châu
Bảo tàng hiện còn có 373 hiện vật và tư liệu lịch sử tái hiện sinh động sự vận động của lịch sử các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong và đời sống các dân tộc ở đây từ hồi kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ngoài ra còn rất nhiều các tài liệu, hiện vật giúp cán bộ, sinh viên tham quan nghiên cứu lịch sử địa phương và dân tộc học các dân tộc thuộc vùng núi Nghệ An, các mô hình nhà sàn, chữ viết của dân tộc Thái. Trong tổng số 373 hiện vật còn lưu giữ tại bảo tàng có 41 hiện vật khoa học, 10 hiện vật sành, sứ, thuỷ tinh; 43 hiện vật bằng đất, đá, quặng; 83 hiện vật bằng giấy, 46 hiện vật bằng vải; 57 hiện vật bằng gỗ, 71 hiện vật bằng kim loại; 6 hiện vật bằng xương, sừng, ngà, da và 16 hiện vật khác. Bảo tàng còn lưu giữ 865 ảnh và hơn 2000 thước phim.
Bảo tàng văn hóa các dân tộc Quỳ Châu
Đến thăm bảo tàng các dân tộc Quỳ Châu, ngoài việc củng cố thêm những hiểu biết đã tích luỹ được trên hành trình tham quan, quý khách hoàn toàn có thể mãn nguyện vì hiểu thêm những điều mà hiện thực trần trụi không bao giờ có thể nói cho chúng ta biết, đồng nghĩa với việc quý khách có thể đến với một đời sống khác, với một cung đường thật ngắn và ít tốn kém.
Làng nghề dệt thổ cẩm ở Châu Tiến - Quỳ Châu
Nghề dệt thổ cẩm là một nghề mang đậm dấu ấn truyền thống của đồng bào người Thái ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, hình thành từ hàng trăm năm trước, như một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con. Sản phẩm dệt thổ cẩm bao đời nay vẫn thế, được làm theo phương pháp thủ công truyền thống với những tấm vải, những chiêc váy, khăn đủ hoa văn, màu sắc, chuyển tải những triết lí văn hoá, tín ngưỡng các dân tộc trong cuộc trường kì tìm tiếng nói chung với tự nhiên mà tồn tại. Các mẫu mã vốn có nguồn gốc từ cuộc sống được cách điệu, tạo hoa văn sặc sỡ, công phu, giàu tính sáng tạo trên thứ chất liệu cỏ cây của núi rừng.
Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Thái ở Châu Tiến - Quỳ Châu
Người phụ nữ dệt thổ cẩm thường tự làm cho mình một chiếc khăn Piêu - một thứ sản phẩm đặc biệt của thổ cẩm. Du khách đến với làng nghề dệt thổ cẩm Châu Tiến sẽ không cầm được lòng mình khi bên một chiếc nhà sàn ven suối, giữa cảnh non nước hữu tình, những người phụ nữ vẫn nhẫn nại và đam mê với tiếng thoi như muôn đời nay, sắp đặt từng sợi chỉ, trong khi trời dệt từng sợi nắng chiều xuống tóc.
Thác Xao Va
Thác thuộc địa bàn huyện Quế Phong, cách thành phố Vinh khoảng 170km về phía tây bắc. Thác Xao Va cao, rộng, mỗi chiều chừng 30 đến 35m, nước từ trên cao mạnh mẽ dội xuống vách đá hai bên và chân thác tung bọt trắng xoá phả vào quý khách một cảm giác mát mẻ, tươi mới lạ thường. Hoà trong tiếng thác chảy là tiếng con chim rừng lảnh lót, đây đó có tiếng những làn điệu dân ca của đồng bào Thái, Thổ…, tiếng gió khắc khoải lướt trên dòng Nậm Việc tạo thành một bản phức âm vẫy gọi sự sống. Đến thăm Xao Va, quý khách có thể có cơ hội để cùng các chàng trai, cô gái Thái chung uống một sừng rượu cần, hát một điệu nhuôn, lăm…
Thác Xao Va - huyện Quế Phong
Với vẻ đẹp như là sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người, ngay từ những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỉ trước, thác Xao Va đã luôn là một địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách gần xa.
Thăm người Thái ở Quỳ Châu, Con Cuông
Từ xa xưa, Quỳ Châu đã vẫy gọi rất nhiều cư dân đến sinh sống, trong đó, cho đến nay, nơi đây có đến 75% dân số là đồng bào Thái với một nền văn hoá đậm đà bản sắc riêng. Đến với Quỳ Châu, du khách sẽ bằng lòng với những chuyến du lịch thám hiểm luồn rừng, thăm thú những hang động với vẻ đẹp nhiều khi đến kinh ngạc được kiến tạo bởi các dãy núi đá vôi; đắm say với những xên bản, xên mường, xăng khan, hội cầu mùa, cầu mưa; với kho tàng dân ca, dân vũ đặc sắc say đắm lòng người như xuối, lăm, khắp, nhuôm, òn, tơm, cự xia, loọng pe và những điệu ru con, trong những hình thức diễn xướng khác nhau; với các loại hình nhạc cụ đa dạng mang những đặc trưng văn hoá tộc người là khèn bè, khèn môi, khèn lá…, ghé thăm và nhìn trong nắng chiều, nắng sớm những bàn tay thoăn thoắt, duyên dáng và nhẫn nại của người phụ nữ Thái đang dệt tấm vải Thổ cẩm; hoặc quý khách có thể đến Con Cuông, nơi có con sông Giăng, hồ Phà Lài, vườn quốc gia Pù Mát, thác khe Kèm… với vẻ đẹp mạo hiểm nhưng không kém phần thơ mộng, cũng là cái nôi văn hoá vùng tây nam Nghệ An với nhiều sắc tộc trong lịch sử hàng vạn năm.
Người Thổ ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp
Địa bàn cư trú hiện nay của phần lớn người Thổ vốn là giao điểm của các luồng di cư xuôi ngược do những biến động của lịch sử ở các thế kỉ trước. Những nhóm người Mường từ miền tây Thanh Hoá dịch chuyển vào phía nam gặp gỡ người Việt từ các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương ngược lên hoà nhập với cư dân địa phương, rồi những người tha phương ấy hoà trộn với nhau tạo nên các thế hệ cư dân người Thổ. Lương thực chủ yếu của họ trước đây là nếp - một thứ nếp thơm, hạt lẳn, ăn không ngán - ngày nay chuyển sang gạo tẻ. Lễ tết của người Thổ cúng bằng bánh chưng, bánh dày và bánh gai. Về trang phục, đàn ông gần như người Kinh với quần cạp trắng và áo dài lương đen, đầu chít khăn nhiễu tím, phụ nữ Lâm La mặc váy vải sợi bông màu đen, ở Quỳ Hợp mặc áo trắng cánh cổ viền, váy Thái. Người Thổ ở nhà sàn, thờ nhiều loại thần và ma, nhất là những thần liên quan đến đánh giặc và mở cõi. Tại đây đang giữ nhiều phong tục, tập quán độc đáo, nhất là trong các lễ ma chay cưới hỏi.
Nguồn tin: Du Lịch Nghệ An