...một đứa con xa quê, đang lang thang ngoài đường... Bất chợt nghe đâu đó loáng thoáng cái giọng nằng nặng, lớ lớ. Tôi giật mình, thảng thốt, nhìn quanh như chợt gặp lại một điều gì đó thiêng liêng lắm - giọng Nghệ của quê mình ! Một mùa hè nữa đã lại sắp về, mùa hè gợi đến những cuộc chia tay của bọn học trò cuối cấp, mùa hè gợi trong lòng người ta những “nỗi buồn hoa phượng”, những buổi chiều thả diều trên đồng cỏ, những con sóng vu vơ của biển…. Mùa hè cũng mang đến cho tôi biết bao cảm xúc, nỗi niềm của một đứa con xa quê, nhớ về mảnh đất nắng gắt và gió Lào bỏng rát. Ba năm trước, kết thúc 12 năm học phổ thông, tôi khăn gói vào Huế nhập học. Lần đầu tiên xa quê, Huế lại luôn ướt sũng trong những cơn mưa dầm dề dai dẳng, những ngày đầu tôi nhớ nhà nhớ quê da diết tưởng chừng như không chịu nổi. Lạ quê, lạ người, bạn bè cũng chẳng quen biết ai tôi chỉ biết vùi đầu vào chăn khóc cho thỏa nỗi nhớ nhà. Tôi biết, không chỉ riêng tôi mà những ai xa nhà đều có cảm giác như vậy. Những ngày đầu, lang thang ngoài đường, chỉ cần bất chợt nghe đâu đó loáng thoáng cái giọng nói nằng nặng, lớ lớ là tôi giật mình thảng thốt, nhìn quanh như chợt gặp lại một điều gì đó thiêng liêng lắm - giọng nói của quê nhà...! Nhớ ngày đầu vào lớp bạn bè tôi đã từng mắt tròn mắt dẹt khi tôi tự giới thiệu “mình ở Nghệ An chứ mô” Và đâu đó sẽ ồn ào lên, “A! dân Bác Hồ đó”, “Ồ, dân cá gỗ anh em ơi !” Và lần đầu tiên trong đời tôi còn biết có một thứ “nội ngữ” của Việt Nam là tiếng Nghệ Tĩnh. Có đứa bạn đập nhẹ vào tai tôi thì thầm “nghe bảo ở Nghệ An cậu có quả “trốc tru” với có “con gấy” gì đó ăn ngon lắm hả ? ” Tôi suýt nữa thì cười phá lên ngay giữa lớp, lại thầm kính phục, không biết có bậc “tiền bối” nào đã nghĩ ra cái trò hay như thế. Giờ môn văn học dân gian tôi bỗng nhiên trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng, đó là làm “phiên dịch” cho cả cô giáo và các bạn trong lớp cho những câu thơ của người xứ Nghệ sáng tác. Các bạn tôi đã tròn mắt lên khi biết “cầm lấy đọi thì đọi rớt, cầm lấy đụa thì đụa rơi” là gì. Có lẽ vui và có ý nghĩa nhất trong đời sinh viên chúng tôi là những cuộc họp đồng hương trên đất khách, một tấm bạt lớn được trải ra, mấy chục con người chen chúc, trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm ở quê nhà và hát những bài hát truyền thống của quê hương. Những lúc ấy sao thấy yêu quê mình quá ! Và tự hào hơn hết thảy là cứ mỗi năm đến ngày 19/5 chúng tôi lại hẹn nhau tới Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế để thắp hương và dâng hoa cho Người. Được nghe các cô hướng dẫn viên kể cho nghe về cuộc đời hoạt động, những cống hiến và nét sống dản dị của Bác. Được ôm nhau khóc òa lên khi xem những bộ phim tư liệu về Bác, cảm động, kính phục và tự hào chen lẫn nhau. Hầu như trên mọi miền đất nước hôm nay đều có những người gốc Nghệ sinh sống và làm việc. Đất Nghệ An nổi tiếng là “đất học”, là “địa linh nhân kiệt”. Truyền thuyết “cá gỗ” có thể gợi cho nhiều người những suy nghĩ khác nhau, nhưng với tôi đó là niềm tự hào lớn nhất về một miền đất hiếu học, chịu thương chịu khó. Giọng nói nằng nặng hôm nào tôi thấy quê quê và xấu hổ mỗi khi nói ra thì hôm nay đã trở thành một điều gì đó rất thiêng liêng. Cái bản sắc riêng của người xứ Nghệ. Một mùa hè nữa sắp về, mỗi lần hình ảnh quê hương chợt hiện lên với cái nắng găy gắt và những cơn gió Lào khắc nghiệt là lòng chúng tôi lại run run một niềm thương, một nỗi nhớ. Cái khắc nghiệt của thiên nhiên dạy chúng tôi thấm thía hơn về cái nghèo, quý trọng hơn những đồng tiền cha mẹ chắt chiu gửi vào, sâu sắc hơn cái tình người trong khó khăn gian khổ và cả cái nghị lực để vươn lên không thua bạn kém bè. Trích lại một bạn thân đã học ở Huế !ghi lại niềm cảm xúc này .Nguyễn Thanh Trà - Khoa báo chí ĐẠI HỌC HUẾ.Quê quán .Hùng Tiến - Nam Đàn theo trang đồng hương nam đàn