QĐND - Nguyễn Thị Minh Khai sinh năm 1910 tại làng Vịnh Yên (Vinh, Nghệ An) nên khi nhỏ còn có tên là Vịnh. Thân phụ của chị là người gốc làng Mọc. Thân mẫu là con gái một nhà nho ở làng Đào, xã Đức Tùng, phủ Đức Thọ, Hà Tĩnh.
|
Lê Nguyễn Hồng Minh và hai cháu ngoại của Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh tư liệu
|
Lên 9 tuổi, Minh Khai đi học ở Trường tiểu học Vinh, 14 tuổi, vào học lớp nhất trường Cao Xuân Dục. Năm 1926, chị cùng nhiều học sinh ở Vinh tham gia truy điệu Phan Chu Trinh. Và cũng từ ấy, cô nữ sinh Nguyễn Thị Minh Khai bắt đầu dấn bước trên con đường hoạt động yêu nước của mình.
Năm 1927, chị được kết nạp vào Đảng Tân Việt sau trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ mùa xuân năm 1930 lịch sử.
Cũng trong đầu năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được Đảng cử sang Hương Cảng làm công tác liên lạc, trợ giúp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Ở Trung Quốc, Nguyễn Thị Minh Khai hoạt động bí mật dưới tên chị Duy. Ngày 29-4-1931, chị bị mật thám Anh bắt. Nhà cầm quyền Anh giao cho chính quyền Tưởng Giới Thạch và chị đã trải qua hơn 3 năm trong các nhà tù ở Hương Cảng, Quảng Châu, Thượng Hải.
Khoảng giữa năm 1934, được trả tự do, chị đã gặp Lê Hồng Phong ở Thượng Hải và được cử làm đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và Đại hội lần thứ VI Quốc tế thanh niên họp tại Mát-xcơ-va.
Sau khi dự Đại hội Quốc tế thanh niên, chị được cử vào học Trường Đại học Phương Đông và Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa. Thời gian này, đồng chí Lê Hồng Phong cũng ở lại công tác và học tập tại Liên Xô. Hai người đồng hương, hai người đồng chí, chung một lý tưởng trên con đường hoạt động cách mạng đã tạo cho họ những điều kiện nảy nở một tình yêu. Họ đã kịp làm đám cưới. Trong những năm 1935-1936 đẹp đẽ và tràn đầy hạnh phúc, đôi vợ chồng trẻ, hai người đồng chí, đã có nhiều dịp làm cho Quốc tế Cộng sản và các Đảng cộng sản anh em hiểu thêm về tình hình cách mạng ở Đông Dương, về Đảng Cộng sản Đông Dương... Tuy nhiên, những ngày tháng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai tại Mát-xcơ-va không dài. Cuộc đấu tranh trong nước đang chờ đợi họ.
Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Đại học Phương Đông, tháng 2-1937, Nguyễn Thị Minh Khai từ Liên Xô qua Pháp, Đức, Ý, về Hương Cảng rồi về tới Sài Gòn và được phân công lãnh đạo phong trào cách mạng vùng Chợ Lớn, Gia Định.
Tháng 11-1937, Lê Hồng Phong cũng về Sài Gòn cùng BCH Trung ương trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ của nhân dân đang lên cao trong cả nước. Cùng hoạt động ở vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, không xa cách nhau nhiều về không gian song những điều kiện ngặt nghèo của cuộc đấu tranh không cho phép Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai dễ dàng gặp nhau.
Để che mắt kẻ thù, Lê Hồng Phong phải dùng nhiều bí danh, dùng căn cước giả, thường xuyên thay đổi chỗ ở và phương thức liên lạc. Bước chân Lê Hồng Phong đã in dấu trong xóm lao động vùng chợ Thiếc, vùng Ngã sáu, vùng "vành đai đỏ" Mười tám thôn vườn trầu... khi thì trong vai công nhân, có lúc lại giả làm thương lái Hoa kiều đi mua lợn...
Đầu năm 1939, Nguyễn Thị Minh Khai được cử làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Chị bươn chải dọc ngang khắp vùng Sài Gòn - Gia Định lãnh đạo phong trào đấu tranh. Ngoài việc hoàn thành những nhiệm vụ Đảng trao, chị còn gánh vác vẹn tròn thiên chức của người phụ nữ: Đầu năm 1940, chị sinh con gái Lê Nguyễn Hồng Minh. Hạnh phúc gia đình của "vợ chồng cô Năm" đã khai hoa kết trái trên con đường cách mạng đầy gian khổ, hiểm nguy mà họ đã cùng dấn thân. Niềm hạnh phúc đó không được trọn vẹn vì ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt, bị kết án 6 tháng tù và trục xuất về quê. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương lập tức chuyển sang thi hành chính sách khủng bố trắng, lùng bắt những người cộng sản. Ngày 20-1-1940, Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai.
Ngày 30-7-1940, Nguyễn Thị Minh Khai cũng bị địch bắt. Chính quyền thực dân ở Đông Dương ghép chị vào tội phải chịu trách nhiệm về Khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940) và lập tòa án binh xét xử chị cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng.
Ngày 28-8-1941, Nguyễn Thị Minh Khai hiên ngang bước ra pháp trường, đi vào cõi bất tử cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ; Hà Huy Tập; Võ Văn Tần; Phan Đăng Lưu; Nguyễn Hữu Tiến, Tạ Uyên... Khi đó, Lê Hồng Phong đã bị đày ra Côn Đảo không biết tin người vợ yêu quý đã hy sinh. Ngày 6-9-1942, đồng chí qua đời do sự tra tấn, đày đọa dã man của kẻ thù. Lê Nguyễn Hồng Minh lớn lên trong tình cảm yêu thương đùm bọc chở che của bà con cơ sở cách mạng.
Chúng ta mới hiểu về mối tình Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai một cách sơ lược và gián tiếp nhưng cũng đủ thấy những nét đẹp cao cả giữa hai tâm hồn đồng điệu cùng chung một lý tưởng. Hạnh phúc của hai chiến sĩ cộng sản kiên cường đồng hành với họ trên con đường đấu tranh cách mạng.
Vương Thiện Phương
|