CHUYỆN Ở LÀNG QUỲNH ĐÔI - QUỲNH LƯU - NGHỆ AN CHUYỆN Ở LÀNG QUỲNH ĐÔI - QUỲNH LƯU - NGHỆ AN , Người xứ Nghệ Kiev
Từ Thủ đô Hà Nội quốc lộ 1A xuôi về Nam khoảng 240 km đến gần một nơi gọi là Cầu Bèo (thuộc làng Bào Hậu, nay là xã Quỳnh Hậu) cách thị trấn Cầu Giát gần 3 km, khách sẽ thấy bên đường có một tấm biển có mũi tên chỉ ghi:- "Nhà bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương 3 km". Nhà tưởng niệm đó được Quỹ hợp tác phát triển văn hoá Thụy Điển -- Việt Nam tài trợ xây dựng ngay địa đầu xã Quỳnh Đôi, phía dưới nhà thờ Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích, phía trên khu mộ cụ Hồ Tùng Mậu và Anh hùng Cù Chính Lan. Quỳnh Đôi! Không biết từ bao giờ còn truyền mãi đến nay câu ca: "Bắc Hà -- Hành Thiện, Hoan Diễn -- Quỳnh Đôi". Quỳnh Đôi là một làng ở phía bắc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, xưa là một vùng cây hoang, cỏ dại giáp sông Mai (gọi là sông Mõ), gần biển cửa Quèn là một trong ba cửa biển của huyện Quỳnh Lưu: Cửa Cờn (Càn), Cửa Quèn (Quyền), Cửa Thơi (Thai). Năm thứ II Xương Phù (1378) có 3 ông tổ họ Hồ, họ Nguyễn, họ Hoàng đến khai phá mà lập ra trang Thổ Đôi (xưa sử chép Quỳnh Đôi là Hoàn Hậu, thực ra Quỳnh Đôi là một thôn trong xã Hoàn Hậu). Tính đến nay Quỳnh Đôi đã có trên 600 năm tuổi. Theo thuyết phong thủy thì Quỳnh Đôi được đất "địa linh nhân kìệt". Làng có một ngôi đình lớn trông về hướng Nam.Trước mặt là lèn Mục tức lèn Yên Ngựa (Mã Yên Sơn) sau lưng là lèn Tàn (Trụ Hải) trông như cái tàn che cho ngôi đình. Hai phía Đông, Tây là hai hòn lèn hình cái bảng chầu về (ở hai xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Bảng). Xế đông nam là hai cột đá nhô lên như hai quản bút và một vũng đá giống cái nghiên mực gọi là Hòn Bút, Hòn Nghiên (ở làng Bút Luyện). Các nhà trí thức Tây học, Hán học như các ông: Nguyễn Thiệu Lâu, Vũ Tuấn Sán đã về nghiên cứu. Có phải vậy mà dân Quỳnh Đôi có truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ cao, làm quan to? Thời phong kiến thực dân nhiều gia đình nghèo phải đi mò cua, bắt ốc nhưng vẫn cố gắng cho con theo đòi nghiên bút "Ăn mày lấy dăm ba chữ thánh hiền". Quỳnh Đôi xưa chỉ có 2 nghề: đi học và dệt lụa, làm nghề nông ít vì ít ruộng. Thời ấy Quỳnh Đôi có 531 sinh đồ (Tú tài), 203 hương cống (Cử nhân) với 958 lượt người đỗ 116 khoa thi hương trong đó có đến 13 giải nguyên như: Dương Cát Phủ, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Dương Dực, Phan Đình Phát... đỗ đại khoa thì có 4 phó bảng: Hồ Bá Ôn, Phan Duy Phổ, Hoàng Mậu, Lê Xuân Mai. Có 6 tiến sĩ: Hồ Sĩ Tân, Phan Hữu Tính, Hồ Sĩ Tuần, Văn Đức Giai, Nguyễn Sĩ Phẩm, Dương Thúc Hạp; 2 hoàng giáp: Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống; một thám hoa: Dương Cát Phủ; một bảng nhãn: Hồ Sĩ Dương. Về văn học Quỳnh Đôi có nhiều người nổi tiếng như: Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Dương, Hồ Xuân Hương, Phạm Đình Toái, Dương Quế Phổ.. . Sau Cách mạng Tháng 8, Quỳnh Đôi là quê hương của các nhà thơ Hoàng Trung Thông, Lam Giang, Hồ Phi Phục, Dương Quân, Sĩ Giang, Hồ văn Khuê (trào phúng), các nhà văn Hồ Anh Thái, Hồ Anh Tuấn, nhà nghiên cứu văn học Phan Cự Đệ, nhà sử học: Hoàng Thanh Đạm, hoạ sĩ: Hoàng Tuấn Nhã, Dương Viên, nhà hoạt động sân khấu Hồ Thi (Hồ Ngọc)... Với một truyền thống như vậy nên phong tục của Quỳnh Đôi cũng rất đáng nói. Dân Quỳnh Đôi thuần hậu nhưng không kém lịch lãm, biết nhẫn nhục nhưng cũng rất kiên cường, thẳng thắn tuy có lúc nóng nảy... Quỳnh Đôi là một xã có hương ước sớm và hương ước đó quy định cho Quỳnh Đôi xưa một nếp sống văn hoá đươc gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay. Cho nên Quỳnh Đôi được Sở Văn hoá -- Thông tin Nghệ An chứng nhận là "Làng văn hoá", một trong những làng đầu tiên ở tỉnh Nghệ. Quỳnh Đôi còn có một vinh dự rất lớn là đã được cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và con là Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) về thăm. Nay ở Quỳnh Đôi duy nhất còn có một ngôi nhà tranh được giữ làm lưu niệm, đó là ngôi nhà của cụ cử Hồ Sĩ Tư (ông nội ông Hồ Viết Thắng), nơi cụ Phó bảng và con trai đã đặt chân đến.