“Cuộc giành chính quyền sớm nhất nhì trong cả nước”, đó là cuộc giành chính quyền huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) của Đội Thanh niên vũ trang (TNVT) khởi nghĩa Can Lộc năm 1945. Đó cũng là những dấu ấn lịch sử rất đỗi tự hào và kiêu hãnh của các Anh.
- Vậy, Đội TNVT là những ai? thuộc tổ chức nào.
Đội TNVT gồm các thanh niên học sinh, công nhân, viên chức yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, đã từng tham gia và được tôi luyện trong các hoạt động bí mật của Mặt trận Việt Minh Huế, Hà Nội, hoạt động trong các phong trào học sinh, công nhân, nông dân ở thành thị, ở nông thôn (Vinh, Hà Nội, Ba Xã - Can Lộc). Hoặc đã từng tham gia các hoạt động Việt Minh dưới danh nghĩa “Thanh niên Đoàn” của chính quyền Trần Trọng Kim.
Đoàn Thanh niên Cứu quốc (TNCQ) Can Lộc được manh nha hình thành từ 1939, cuối năm bị khủng bố, bắt bớ nên đã phải tạm ngừng hoạt động. Vào khoảng tháng 3 năm 1943, đồng chí (đ/c) Chu Huệ, 1 đảng viên vượt ngục Đăcmin (Buôn Mê Thuột) được Đảng phân công về xây dựng cơ sở Đảng, cơ sở Mặt trận Việt Minh ở Hà Tĩnh. Các Hội cứu quốc được thành lập, trong đó có Đoàn TNCQ Can Lộc. Đ/c Chu Huệ đã phân công đ/c Nguyễn Chung Anh phụ trách Đoàn TNCQ Can Lộc với nhiệm vụ: liên lạc với các cơ sở cũ ở Can Lộc, thành lập Mặt trận Việt Minh, in ấn tài liệu, nghiên cứu vùng Hương Khê, Hương Sơn, chuẩn bị xây dựng cơ sở du kích.
Chấp hành quyết định trên, Nguyễn Chung Anh đã tổ chức một cuộc họp ở Trại Hồng - là cơ sở kinh tế của Huyện ủy Can Lộc từ 1930, tại chân núi Hồng Lĩnh để tập hợp thanh niên, tìm hiểu tình hình trong nước và trên thế giới, phổ biến chủ trương xây dựng lực lượng thanh niên. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tình hình thực tế của đất nước có nhiều thuận lợi, thúc đẩy họ nghĩ đến việc thành lập Đoàn TNCQ, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, tìm hiểu và xây dựng căn cứ du kích ở Trại Tụi (Hương Khê) và Trại Nắng (Vũ Quang). Tổ chức Đoàn TNCQ được thành lập, củng cố và mở rộng ra các vùng Ba Xã, Thương Tục, Nga Khê (Can Lộc), Trung Lễ, Thanh Lạng (Đức Thọ), Cửa Sót, Vĩnh Lộc (Thạch Hà).
Đến 22/6/45, trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi, đ/c Chung Anh đã tổ chức 1 cuộc họp ở Trại Hồng để chính thức ra mắt Đoàn TNCQ Can Lộc, trong Mặt trận Việt Minh. Chung Anh được bầu làm Bí thư, chuẩn bị bí mật chọn người thành lập lực lượng vũ trang - Đội TNVT, cử người đi bắt liên lạc chính thức với Mặt trận Việt Minh.
Nguyễn Hiền được cử đi Tràng Sim, tìm gặp đ/c Nguyễn Trọng Tạo do Trung ương cử về Ban lãnh đạo Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, để báo cáo tình hình hoạt động của Đoàn TNCQ Can Lộc và xin ý kiến chỉ đạo. Đ/c Tạo đã có ý kiến chỉ đạo trực tiếp:
1/ Đoàn TNCQ Can Lộc được công nhận chính thức là một thành viên của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh.
2/ Đoàn cần phát triển và củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ du kích. Đội TNVT được bí mật tổ chức, chọn khoảng gần 20 thanh niên, chuẩn bị trang bị vũ khí và luyện tập quân sự.
- Việc chuẩn bị giành chính quyền huyện Can Lộc như thế nào
Được biết Trung ương Đảng đã ra lệnh tổng khởi nghĩa, Đoàn TNCQ Can Lộc tổ chức một cuộc họp ở nhà Nguyễn Đổng Chi tại Ba Xã. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tình hình đang diễn biến trên đất nước ta và thống nhất nhận định: Đức, Nhật sẽ đầu hàng đồng minh, thời cơ giành chính quyền của Cách mạng Việt Nam đã đến. Mọi người đều nhận thấy phải tích cực, ráo riết chuẩn bị, chờ lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương và thống nhất chương trình hành động như sau:
1/ Gấp rút tổ chức và củng cố Đội TNVT để khi gặp thời cơ kịp giành chính quyền ở huyện, tỉnh;
2/ Nếu bị chống trả lại, rút lên Tràng Sim để đánh lâu dài theo lời căn dặn của đ/c Nguyễn Trọng Tạo.
3/ Nguyễn Hiền lại được cử đi gặp đ/c Nguyễn Trọng Tạo để báo cáo tình hình cụ thể của Đoàn và xin chỉ thị.
Ngày 13/8/45, Nguyễn Hiền từ Tràng Sim về, đ/c Tạo cho biết: Trung ương Đảng đã có lệnh tổng khởi nghĩa. Việc giành chính quyền huyện Can Lộc cần phối hợp với Uỷ ban khởi nghĩa nam Hà Tĩnh, cần nhanh, gọn. Rồi giao cho một huy hiệu “lá cờ đỏ sao vàng” bằng vải và mật khẩu liên lạc “người của đ/c Thanh”.
Trong lúc đó, tổ chức Việt Minh ở Can Lộc cũng đã tìm cách gặp Huyện trưởng và Ban chỉ huy đồn bảo an Can Lộc, giải thích đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh và cảnh báo: sắp tới Huyện cần phối hợp hành động với Mặt trận Việt Minh Can Lộc. Tuy nhiên, Việt Minh Can Lộc vẫn chưa có quyết định gì về việc giành chính quyền. Song cũng nhờ sự chuẩn bị đó, khi Đội TNVT thuộc Đoàn TNCQ Can Lộc thực hiện cuộc khởi nghĩa thì mọi khó khăn trắc trở đã được giảm bớt. Đó cũng là một động thái làm cho cuộc giành chính quyền huyện Can Lộc được tiến hành mau lẹ đến bất ngờ và hoàn hảo, không đầy một tiếng đồng hồ đã giành được chính quyền của một huyện, chiếm được một đồn bảo an với đầy đủ súng đạn mà không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu. Mặc dù lực lượng của Đội TNVT chưa đầy 20 người, chỉ vẻn vẹn có 2 khẩu súng lục.
Giờ hành động đã điểm. Đoàn TNCQ Can Lộc quyết định giành chính quyền huyện Can Lộc vào ngày 16/8/1945, tức ngày 09/7/Ất Dậu, theo đúng kế hoạch đã định.
Quá trưa ngày 16, tất cả đội TNVT (thuộc Đoàn TNCQ) đã có mặt tại những nơi được bố trí sẵn. Một số thanh niên vào nhà lục sự Trần Văn Khơi ở ngay trước cổng huyện đường để chờ lệnh, một số cảnh giới ở ngoài.
Đúng 4h 30 chiều 16/8/45, một số thành viên do Nguyễn Đổng Chi, Đặng Giá và Nguyễn Hiền dẫn đầu đi thẳng vào huyện đường gặp Huyện trưởng Đặng Văn Doãn, sau lúc giải thích đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh, Đội TNVT đã chĩa súng bắt ông ta đầu hàng, giao nộp ấn tín, vũ khí. Mọi người hô to “Việt Minh muôn năm”. Một thanh niên đã nhanh chóng hạ cờ địch, kéo ngay cờ đỏ sao vàng lên cột cờ trước sân huyện đường. Tất cả súng ống của huyện được phân phát cho toàn đội TNVT.
Nha lại, lính khố lục được tập trung để nghe Đội TNVT tuyên bố đường lối cách mạng của Mặt trận Việt Minh. Mọi người tuy ngỡ ngàng nhưng cũng vui lòng bàn giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu, hứa thực hiện đầy đủ lời căn dặn của cách mạng.
Sau lúc bố trí người canh gác huyện đường, Đội TNVT súng ống chỉnh tề dẫn Huyện trưởng lên đồn bảo an. Đến cổng đồn, một thanh niên Đội TNVT tuyên bố : “Huyện trưởng đã đầu hàng, chính quyền huyện đã thuộc về cách mạng, nay đồn cũng là của cách mạng”. Cánh cổng đồn được mở rộng, cả Đội hô to: “Việt Minh muôn năm”. Tuy Đồn trưởng đi vắng nhưng Đồn phó đã tình nguyện giao kho vũ khí cho Đội TNVT. Một thanh niên đã nhanh chóng hạ cờ Chính phủ Trần Trọng Kim, kéo ngay cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột cờ ở chính giữa sân đồn. Tất cả binh lính đã tập trung, được giải thích đường lối và chính sách của Mặt trận Việt Minh, cũng hô to: “Việt Minh muôn năm”.
Trại giam ở ngay đồn, có khoảng 30 phạm nhân đều bị can tội hình sự nên được cách mạng khoan hồng, tha cho về gia đình làm ăn. Huyện trưởng được đưa vào phòng tạm giam. Ít lâu sau Đồn trưởng về, sau lúc được giải thích đường lối của Mặt trận, cũng được đưa vào phòng tạm giam.
Một số thành viên ở lại kiểm kê tài sản, vũ khí trong đồn rồi tập trung vào một phòng riêng. Hai thành viên khác là Nguyễn Chung Anh và Nguyễn Đổng Chi đi gặp các đ/c Việt Minh Can Lộc, báo cáo lại tình hình giành chính quyền ở huyện và bàn giao tài sản của huyện và đồn, chuyển giao vũ khí cho tỉnh để lo việc giành chính quyền tỉnh và bàn về thành lập chính quyền mới.
Một số thành viên nữa được phân công đi báo cáo với Ủy ban khởi nghĩa Nam và Bắc Hà Tĩnh. Các thành viên còn lại trở về tổng, xã tham gia giành chính quyền ở địa phương, việc giành chính quyền huyện Can Lộc đã hoàn tất.
Sáng 17/8/1945, Mặt trận Việt Minh Can Lộc đã huy động đông đảo quần chúng tham gia cuộc mít tinh lớn nhất từ trước tới nay ở sân vận động huyện. Cả sân vận động ngập cờ đỏ sao vàng và khẩu hiệu để hoan nghênh cuộc giành chính quyền huyện, tuyên bố thành lập Ủy ban khởi nghĩa và ra lệnh giành chính quyền ở các xã, tổng, nên chỉ trong vài ngày toàn bộ chính quyền các xã, tổng đã thuộc về nhân dân.
- Những nhận định và đánh giá về cuộc giành chính quyền huyện Can Lộc của Đội TNVT như thế nào?
Sự kiện giành chính quyền huyện Can Lộc của Đội TNVT không được ghi nhận và đánh giá một cách suôn sẻ, mà đã trải qua những bước thăng trầm không đáng có như: trong những năm 1946, 1947, mặc dầu đã được Ủy ban khởi nghĩa tỉnh thông báo đến tận các xã, khẳng định vai trò của Đội TNVT, nhưng các cấp Đảng, Đoàn của huyện Can Lộc, của tỉnh Hà Tĩnh vẫn giữ thái độ hoài nghi, thậm chí còn có những biểu hiện không lành mạnh, thiếu thiện chí. Qua những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sự kiện giành chính quyền huyện Can Lộc của đội TNVT Can Lộc gần như rơi vào lãng quên.
Mãi đến năm 1987 về sau, chiến tranh đã kết thúc, bắt đầu khôi phục và phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, Huyện ủy, Huyện đoàn TNCS HCM Can Lộc mới bình tĩnh nhìn lại và viết lại lịch sử Đảng, lịch sử Đoàn, từng bước công nhận vai trò của Đội TNVT thuộc Đoàn TNCQ Can Lộc, đánh giá đúng mức và ghi nhận một cách đầy đủ về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Can Lộc năm 1945 của đội TNVT.
Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng cộng sản huyện Can Lộc đã từng ghi: “Được tin Nhật đầu hàng, tổ chức Thanh niên cứu quốc do đ/c Nguyễn Chung Anh đứng đầu, quyết định chớp thời cơ hành động. Tổ chức thanh niên đã cử đ/c Nguyễn Hiền và Đặng Giá đi báo cáo xin ý kiến Uỷ ban khởi nghĩa Nam Hà Tĩnh. Để đề phòng chia rẽ không hay có thể xảy ra ở Can Lộc, đ/c Lê Lộc, Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Nam Hà Tĩnh đã căn dặn tổ chức thanh niên phải liên hệ, bàn bạc với Ban lãnh đạo Việt Minh huyện để thống nhất kế hoạch khởi nghĩa, không được làm riêng rẽ. Trở về 2 đ/c trên không gặp được lãnh đạo Việt Minh địa phương, nhưng với tinh thần hăng hái cách mạng và sợ lỡ thời cơ nên đã lãnh đạo thanh niên khởi sự ngay. Chiều ngày 16/8/1945, gần 20 thanh niên trong tổ chức TNCQ đã xông vào huyện đường, treo cờ đỏ sao vàng, buộc Huyện trưởng Đặng Văn Doãn nộp ấn tín, sổ sách và tuân theo các yêu cầu của thanh niên nêu ra, không gây trở ngại gì. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang phấp phới bay trên huyện đường Can Lộc mà không sức mạnh nào ngăn cản được. Sau đó số thanh niên này lại kéo lên đồn để tước vũ khí lính bảo an .... Tổ chức thanh niên cũng cho người đi gặp Ban lãnh đạo Việt Minh huyện, yêu cầu đến nhận bàn giao và thành lập chính quyền mới ..... ”(1).
Đến tháng 3 năm 2002, Ban Chấp hành Đoàn TNCS HCM huyện Can Lộc cũng đã ghi nhận sự kiện trên và cụ thể hơn: “Chiều ngày 16/8/1945, gần 20 thanh niên đã xông vào huyện đường, tước súng lính gác, chiếm kho vũ khí, thả phạm nhân, hạ cờ của chính quyền bù nhìn, treo cờ đỏ sao vàng, buộc Huyện trưởng Đặng Văn Doãn nộp ấn tín, sổ sách và tuân theo các yêu cầu đề ra. Tiếp đó, số thanh niên này lại kéo lên đồn bảo an cách đó khoảng 400 m để tước vũ khí của binh lính. Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ với một lực lượng nhỏ, nhưng hành động mau lẹ, việc giành chính quyền ở 2 nơi đã diễn ra nhanh gọn không hề tốn một viên đạn ......”(2).
Lại có dư luận cho rằng việc giành chính quyền huyện Can Lộc năm 1945 của đội TNVT là manh động và hành động theo kiểu anh hùng tiểu tư sản
Vậy thực chất là thế nào?
1/ Mặc dù đã được Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh căn dặn là phải thống nhất kế hoạch hành động với Việt Minh địa phương, nhưng lúc trở về không tìm gặp được các đồng chí lãnh đạo Việt Minh địa phương, Đoàn TNCQ Can Lộc vẫn quyết định tiến hành khởi nghĩa. Vì đã có lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương, Đoàn TNCQ Can Lộc đã cử người trực tiếp báo cáo với Uỷ ban khởi nghĩa Nam Hà Tĩnh, cho nên đó là một việc làm nhằm chớp thời cơ, chứ không phải là manh động. Đúng như lời góp ý của cố lão thành cách mạng Lê Viết Lượng: “Không phối hợp được với tổ chức địa phương đúng là một khuyết điểm lịch sử, nhưng là một việc làm đúng lúc và nhạy bén chính trị, dũng cảm hết mình, chứ không phải là manh động”. Dũng cảm hết mình, đúng, bởi trong tâm lý chung lúc bấy giờ, việc lo sợ kẻ địch có đầy đủ vũ trang trong khi mình không có lấy một tấc sắt, nên cứ chần chừ mà chưa dám hành động, không phải không thể hiện ở một vài người đứng đầu tổ chức khác trong huyện. Tuy nhiên, cũng do có phần nôn nóng, sợ bỏ lỡ thời cơ nên việc làm của Đội TNVT đã để lại dư luận phần nào đáng tiếc trong nhiều năm do những người thiếu thiện chí gây ra.
2/ Thật nghiêm khắc nhìn lại thì: việc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Can Lộc năm 1945 tuy có pha lẫn chút ít tư tưởng anh hùng tiểu tư sản của lứa tuổi thanh niên, nhưng thực chất là một cuộc khởi nghĩa cách mạng đầy tính năng động của quần chúng, một cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở một huyện sớm 3 ngày so với các địa phương khác trong cả nước. Vì lúc này, Nhật còn chiếm đóng ở nhiều nơi, Pháp và tay sai còn hoạt động ráo riết, ... việc đi đầu giành chính quyền ở một địa phương không phải là chuyện dễ.
KẾT LUẬN
Hơn 60 năm nhìn lại, có thể nói:
1/ Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Can Lộc thực sự là một cuộc đấu tranh vũ trang giành chính quyền mau lẹ đến bất ngờ và hoàn hảo nhất, không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu, đã đánh gục hoàn toàn một huyện đường đầy đủ quan lại, lính tráng, súng ống và một đồn lính bảo an bảo vệ với đầy đủ súng đạn, được quân Nhật yểm trợ. Tiếp nhận một cơ sở hành chính, quân sự của Chính phủ Trần Trọng Kim để giao lại cho nhân dân thành lập chính quyền cách mạng.
2/ Trong quá trình hình thành, hoạt động, dù liên hệ ngang hay dọc, tổ chức thanh niên cách mạng do các đồng chí Nguyễn Hiền, Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Đổng Chi và Đặng Giá phụ trách là một tổ chức thành viên của Mặt trận phản đế (Thanh niên dân chủ - 1939), của Mặt trận Việt Minh từ 1942 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải là một nhóm thanh niên yêu nước chung chung, không thuộc một tổ chức nào cả.
3/ Sự vùng dậy mạnh mẽ của Đội TNVT chiều 16/8/1945 ở Can Lộc không phải là một sự manh động, hành động theo kiểu anh hùng tiểu tư sản, cũng không phải là một sự bồng bột, nhất thời của tuổi trẻ, mà là kết quả của một sự nhạy bén về nhận thức, nắm bắt được thời cuộc, là một sự vững vàng về chính trị. Có được những phẩm chất cao đẹp đó, tuổi trẻ Can Lộc đã phải trải qua 15 năm đấu tranh gian khổ, hy sinh dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, được Đảng giáo dục và rèn luyện, được nhân dân đùm bọc yêu thương, che chở.
Mặt khác, tuổi trẻ Can Lộc đã được tiếp thu và nối tiếp truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất của cha ông (Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Hàng Chi, ...), truyền thống hiếu học của các bậc lão nho (Nguyễn Bật, La Sơn Phu tử, ....), nhờ đó vừa bồi dưỡng cho mình dũng khí cách mạng vừa cố gắng tìm tòi hiểu biết để có được một tầm nhìn sáng suốt, đúng với xu thế lịch sử.
(1) Hoạt động của Đảng bộ, nhân dân Can Lộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bước đầu xây dựng chế độ xã hội mới. Thời kỳ 1930 -1975. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Can Lộc. Xuất bản 8/1999, tr. 82, 83.
(2) Những chặng đường vẻ vang của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên huyện Can Lộc. Ban Chấp hành Đoàn TNCS HCM huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Xuất bản 2/2002, tr. 36.
Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An
|