QĐND - Dù mới chỉ là một lời thề hẹn trước khi anh vào chiến trường, nhưng khi nhận tin anh hy sinh, chị đã tự coi mình là con dâu của gia đình anh. Hằng năm, cứ đến ngày anh hy sinh và ngày 27-7, chị đều làm giỗ anh chu đáo. Những lúc nhớ anh, chị vẫn giở sổ viết những dòng nhật ký đẫm nước mắt. Hơn thế nữa, chị đã tự thân lặn lội hàng vạn cây số trong mấy chục năm trời để tìm hài cốt người yêu của mình.
Từ một lời hẹn thề
Người phụ nữ đáng nói trên là nữ thanh niên xung phong (TNXP) Phùng Thị Huệ (sinh năm 1950) ở thôn Hội Tiến, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1968, chị Phùng Thị Huệ vừa tròn 16 tuổi đã tình nguyện viết đơn xin gia nhập Đoàn Thanh niên xung phong 557, C18N5, vượt suối trèo đèo theo dãy Trường Sơn vào chiến trường ở phía nam Bình-Trị-Thiên chiến đấu.
Suốt 4 năm tham gia chiến đấu, Huệ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ chia sẻ của chiến sĩ Đặng Xuân Thọ - cùng đơn vị. Lần đầu tiên bắt gặp ánh mắt trìu mến của nhau, họ đã để hai trái tim cùng hòa nhịp, yêu thương lúc nào không hay biết, với lời thề sắt son, hẹn ước ngày trở về xây dựng hạnh phúc khi đất nước hoàn toàn được giải phóng.
4 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường, chị Huệ bị thương và xuất ngũ trở về quê tham gia công tác sản xuất, hoạt động đoàn đội. Còn anh đi học Trường Trung học Hàng hải (Hải Phòng). Hơn một năm sau, mẹ và em trai anh Thọ bị trúng bom và mất ở quê nhà, anh Thọ lại tái ngũ, tiếp tục lên đường vào chiến trường B chiến đấu. Ngày ra đi, bước lên xe anh chỉ kịp dặn chị: “Em ở nhà chờ anh trở về”. Chị trả lời: “Anh cứ an tâm lên đường, em ở nhà dù 5 năm, 10 năm, 20 năm hay cả cuộc đời em vẫn chờ anh trở về”.
|
Ngày ngày chị Huệ vẫn nâng niu những kỷ vật mà anh Thọ để lại.
|
Đợi chờ như hoa bất tử
Từ ngày xa anh, đêm nào chị cũng mơ thấy anh. Cho tới một ngày chị nhận được giấy báo tử của em trai mình là Phùng Thanh Bình cùng giấy báo tử của người yêu.
Kể từ đó, năm tháng đi qua, tuổi thanh xuân cũng dần biến mất, bố mẹ thúc giục đi lấy chồng nhưng chị luôn tìm cách từ chối. Không lấy chồng, chị xin bố mẹ cho ra ở riêng bên bờ sông Lam trong căn nhà 2 gian nhỏ để đặt bàn thờ và di ảnh của anh. Chị cũng tự hứa với lòng mình sẽ quyết tâm đi tìm mộ anh.
Bao nhiêu năm làm lụng, chị tích cóp tiền của định xây nhà thờ cho anh, nhưng năm 1989, một cơn lũ khủng khiếp đã tràn qua vùng quê chị, cuốn trôi hết toàn bộ tài sản. Không nản chí, chị vẫn ngày ngày đi bán cá kiếm tiền, dựng một túp lều bé nhỏ ven dòng sông Lam để có chỗ đặt bàn thờ cho người yêu.
Dù chưa một lần được làm vợ anh nhưng chị tự coi mình là con dâu của gia đình anh. Hằng năm, cứ đến ngày anh hy sinh và ngày 27-7, chị đều làm giỗ cho anh chu đáo. Những lúc nhớ anh, chị vẫn giở sổ viết những dòng nhật ký đẫm nước mắt.
“Đã mấy chục năm trôi qua cứ đến ngày giỗ của anh, Ngày Thương binh-Liệt sĩ, điều mong mỏi nhất là cầu mong vong hồn của anh hiện về báo là anh đang nằm ở nơi nào để đi tìm đưa anh về” – chị Huệ tâm sự nỗi lòng chờ đợi người yêu về báo mộng trong mấy chục năm qua.
Và sau khi đất nước thống nhất, đến năm 1976, chị bắt đầu tự mình mò mẫm đi tìm mộ anh. Cầm trên tay tờ giấy báo tử số 215 do Đại tá Hồ Bá Phúc ký ngày 1-6-1974, ghi vỏn vẹn mấy dòng, báo tin liệt sĩ Đặng Xuân Thọ hy sinh ngày 26-1-1973, tại mặt trận phía Nam, thi hài mai táng gần khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận.
40 năm đi tìm hài cốt người yêu
Suốt 40 năm qua chị sống chắt chiu từng đồng kiếm được để đi tìm hài cốt người yêu. Chị đã hàng chục lần tự mình mò mẫm đi khắp Quảng Trị, Đồng Nai, Tây Nguyên rồi Tây Ninh, khắp các nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 và những bìa rừng Trường Sơn, với hy vọng tìm thấy hài cốt anh Thọ.
“Bây giờ nếu kể về những nghĩa trang, địa điểm để tìm hài cốt của anh thì tôi cũng không thể nhớ nổi. Có lần, nghe tin, tôi ra tận Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An rồi lại vào Quảng Trị, Tây Nguyên, Nam Bộ… đều để tìm hài cốt hoặc thông tin về anh. Đã nhiều lần người thân khuyên bảo “có đi hết cả đời người cũng không tìm hết được số nghĩa trang liệt sĩ trên đất nước nhưng tôi vẫn không nản lòng mà tiếp tục đi”.
Chị tâm sự, khổ nhất là những lúc một mình làm liều băng vào rừng, lội suối để đi đến những nghĩa trang, những bãi chiến trường năm xưa ở chốn rừng thiêng nước độc Tây Nguyên để tìm tung tích hài cốt người yêu. Không ít lần chị đi một mình vào đến rừng sâu thì trời tối và đã không kịp quay trở ra nên đành đánh liều ngủ lại trong rừng. Lại có lần đi đường xa vừa hết tiền vừa hết cả lương khô, nước uống dự trữ trong ba lô nên chị kiệt sức và may mắn được người dân địa phương giúp đỡ. Vất vả gian lao thì không kể nổi nhưng tất cả không hề làm nhụt được ý chí và nghị lực để thực hiện lời thề của chị.
Nhìn lại cái khoảng thời gian đằng đẵng mấy chục năm trời chị Huệ đi tìm mộ người yêu người ta đã nhẩm tính chị Huệ đã phải đi hết hàng chục vạn ki-lô-mét đường ở khắp mọi miền trong nước, một con số mà chỉ cần nói tới cũng đã hiểu được tình cảm của người phụ nữ này dành cho người yêu. Mỗi năm, như một thói quen, chị lại bắt xe vào Quảng Trị, vì nghĩ chiến trường khốc liệt này có thể là nơi anh đã hy sinh. Cứ có thời gian rảnh rỗi là chị lại chăm chú đọc báo, xem ti-vi, nghe đài, đến mục “Nhắn tìm đồng đội” là chị lại mở sổ ghi chép, lòng sắt son một niềm tin sẽ có ngày chị tìm được mộ người yêu.
Rồi bao công sức mồ hôi của chị Huệ cũng đến lúc được đền đáp khi đến ngày 22-8-2010, tâm nguyện của chị mới trở thành sự thật. Chị cùng 3 người em của liệt sĩ Thọ nhận được tin báo, tìm vào đến xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang tìm được mộ anh và đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đây cũng chính là ngày vui nhất với chị Huệ hơn 40 năm qua, chị đã làm được lời thề nguyện khi giữ trọn tình yêu với người đã khuất.
Một tình yêu son sắt thủy chung như chị Huệ thật là hiếm có. Không ít người đã phải ví tình yêu của chị Huệ như là bông hoa bất tử.
Bài và ảnh: Phương Nguyên