Đền cổ Làng Hiếu ở Nghệ An thờ vị thần y bí ẩn cứu dân qua đại dịch, có nghĩa địa kỳ lạ Đền cổ Làng Hiếu ở Nghệ An thờ vị thần y bí ẩn cứu dân qua đại dịch, có nghĩa địa kỳ lạ , Người xứ Nghệ Kiev
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Đền cổ-đền Làng Hiếu ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã có niên đại hơn 350 năm. Ngôi đền cổ gắn với huyền tích về một vị thần y bí ẩn cứu dân làng qua khỏi đại dịch. Tại đền Làng Hiếu, còn có một nghĩa địa kỳ lạ với 89 ngôi mộ.
Huyền tích về vị thần y cứu dân trong đại dịch
Đền Làng Hiếu ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng để thờ Bản cảnh Thành hoàng.
Ngoài ra, đền còn là nơi dân cư miền biển Cửa Hội chọn để thờ các vị thần như: Cao Sơn, Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, cá Ông.
00:01:13
CLIP: Đền cổ-đền Làng Hiếu ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An nơi có một nghĩa địa (nghĩa trang) đặc biệt. Ngĩa địa này có 89 ngôi mộ trong đó có xương cốt cá voi, người dân nơi đây hay gọi là cá Ông. Thực hiện: Thắng Tình
Đền Làng Hiếu có bề dày lịch sử hơn 350 năm, được sắc phong của vua Lê Hiến Tông. Cho đến nay, đền vẫn còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong, nhiều đồ tế khí, tượng pháp xưa.
Tại đây người dân vẫn lưu truyền một huyền tích kể lại chuyện một vị "thần y" bí ẩn cứu dân khi dịch bệnh hoành hành.
Theo đó, vào năm Nhâm Dần 1782, vùng đất Cửa Hội, tỉnh Nghệ An xuất hiện đại dịch tả hoành hành, các thầy lang trong vùng đều bất lực, nhiều người không qua khỏi.
Trong lúc nhân dân đang khốn khổ, bỗng có một vị thầy lang đi qua, cứu chữa bệnh dịch tả cho nhân dân một cách thần kỳ. Ai được vị thầy lang chữa trị đều hết bệnh, họ coi vị thầy lang này như một thần y.
Sau khi bệnh dịch tả được dập tắt, vị thần y cũng rời đi một cách bí ẩn mà không để lại danh tính. Để tưởng nhớ công lao to lớn của vị ân nhân này, nhân dân đã tôn ông là Bản cảnh Thành hoàng và dựng đền Làng Hiếu để thờ phụng.
Trải qua, nhiều thăng trầm của lịch sử, đền Làng Hiếu đã bị tàn phá khá nhiều. Năm 2011, đền Làng Hiếu được chính quyền cùng người dân góp công, góp sức phục dựng, tôn tạo trên nền đất cũ. Đền Làng Hiếu được xây dựng Thượng điện, Trung điện, Hạ điện và các công trình phụ trợ. Ngôi đền sau khi được trùng tu vẫn mang phong cách cổ kính truyền thống.
Năm 2015, đền Làng Hiếu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngôi đền rất linh thiêng, người dân trong vùng thường đến thắp hương, cầu khấn, nhất là vào các dịp mùng 1, ngày rằm hàng tháng. Đặc biệt, vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm diễn ra lễ cầu Ngư.
Nghĩa địa cổ với 89 ngôi mộ đặc biệt
Điều đặc biệt, trong đền Làng Hiếu có một nghĩa trang với 89 ngôi mộ thờ xương cốt vị Thần Ngư (hay còn gọi là cá voi, cá Ông). Đối với người dân nơi đây, cá Ông chính là thần Nam Hải luôn bảo vệ, giúp đỡ người dân trước muôn ngàn sóng gió.
Trong đời sống tâm linh của người dân miền biển, cá Ông có một vị trí quan trọng. Người dân nơi đây quan niệm tuyệt đối không săn bắt và ăn thịt cá voi. Mỗi lần gặp cá voi mắc cạn, người dân đều cố gắng cứu giúp và đưa cá ra biển. Còn nếu phát hiện cá đã chết, dạt vào bờ, người dân đều đưa về đây chôn cất. Sau khi chôn cất được 3 năm, người dân nơi đây sẽ làm lễ cất mồ, mang hài cốt cá về đền Làng Hiếu thờ phụng.
Trong số nhiều ngôi mộ cá voi được chôn cất, lo hương khói tại đây, có một ngôi mộ đặc biệt hơn cả. Đây là phần mộ, lăng thờ thần cá. Tương truyền đây là "ông cá" đầu tiên được an táng tại đền từ thế kỷ 19. Trong lăng có đặt bệ thờ, chính giữa là bài vị thần Ngư; phía sát mái có đề 3 chữ Hán "Lăng Thần Ngư".
Để thể hiện lòng tôn kính đối với cá ông và các vị thần linh, người dân phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An chọn ngày 15/3 âm lịch để tổ chức lễ hội Cầu Ngư. Chính quyền địa phương và người dân tổ chức rước kiệu từ đền ra biển để cầu bình an, một năm mưa thuận gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều lộc biển. Mục đích là cầu cho mưa thuận gió hòa, người dân bình yên trở về, đánh bắt được nhiều tôm cá.
Lễ hội cầu Ngư chính là một điểm nhấn quan trọng, là tín ngưỡng tâm linh của ngư dân vùng biển, tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của ngư dân. Lễ hội này còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công đức các vị tiên hiền có công lập đền, dựng nghề của người dân.