Một ngôi đền cổ ở Hà Tĩnh tựa lưng núi Hồng Lĩnh, cạnh dòng sông Lam thờ Thánh Mẫu Một ngôi đền cổ ở Hà Tĩnh tựa lưng núi Hồng Lĩnh, cạnh dòng sông Lam thờ Thánh Mẫu , Người xứ Nghệ Kiev
Tập Thoả
Đền Củi thờ Thánh Mẫu tọa lạc tại Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng vào cuối đời nhà Lê, nổi tiếng linh thiêng, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1993. Nơi đây, được ví như “tiên cảnh”, lưng đền tựa núi Hồng Lĩnh, bên cạnh là dòng sông Lam thơ mộng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
00:02:40
Clip: Đền Củi thờ Thánh Mẫu, xã Xuân Hồng, Nghi Xuân (Hà Tĩnh), mỗi năm đón hàng nghìn du khách thập phương đến dâng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu...
Tọa lạc núi Hồng Lĩnh ví như "tiên cảnh" ở Hà Tĩnh
Muốn đến đền Củi (hay gọi là đền Chợ Củi) du khách có thể đi từ TP.Vinh (Nghệ An) theo QL1A về hướng Nam khoảng 10km hoặc di chuyển từ TP.Hà Tĩnh theo hướng Bắc khoảng 40 km.
Đền Củi nằm bên dãy núi Hồng Lĩnh vươn mình ôm ấp, vỗ về dòng sông Lam, đây là 2 địa điểm nổi tiếng của Nghệ An và Hà Tĩnh. Ngôi đền tọa lạc ở phía Bắc ngọn núi, ngoảnh ra sông, lưng tựa vào núi, thiên nhiên hùng vĩ của núi cao sông rộng và sự giao hòa sắc duyên của sơn thủy.
Toàn cảnh cao dần theo thế núi uy nghiêm, ngút ngàn màu xanh của rừng cây cổ thụ, ngắm nhìn mênh mông sông nước của dòng Lam, tạo nên một khối không gian kiến trúc vừa huyền ảo linh thiêng, vừa khoáng đạt và gần gũi. Bởi vậy, đền Chợ Củi được ví như "tiên cảnh", vùng sơn thủy hữu tình thu hút đông đảo du khách thập phương đến dâng hương và vãn cảnh.
Đền Củi có tên chữ là Thánh Mẫu linh từ được xây dựng từ cuối đời nhà Lê, trải qua một vài lần tôn tạo nhưng vẫn giữ lại nét kim trang nghiêm thần bí, hài hòa với cảnh quan sông núi và tâm thế của dân gian.
Tam quan đền ở cạnh liền bến sông, cao 2 tầng, có lưỡng long chầu nguyệt, đường nét uyển chuyển mà tinh xảo. Qua tam quan, vòng hồ bán nguyệt ở sân dưới của đền, qua 7 bậc thềm nữa là đến sân trên và thêm 5 bậc thềm nữa là đến đền. Tổng quan kiến trúc của ngôi đền được xây dựng theo kiểu chữ tam, bao gồm 3 toà, mỗi tòa 3 gian.
Các tòa nhà được liên kết thống nhất với nhau, toàn bộ không gian nội thất được bố trí thành các cung thờ: Tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ); Ngũ Vị Tôn Ông; cung Hoàng Mười; cung Chầu Mười; cung Trần Triều. Ở tòa trên có cung thờ tam tòa Thánh Mẫu gồm: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Mẫu Liễu Hạnh mặc trang phục màu đỏ, Mẫu Thượng Ngàn mặc trang phục màu xanh và Mẫu Thoải mặc trang phục màu trắng.
Mặt tiền hạ điện ngôi đền có hai tầng mái, trông bề thế, cổ kính nhưng vẫn có nét thanh thoát, uyển chuyển. Bức tường giữa hai tầng mái có đề bốn chữ Linh Từ Thánh Mẫu - đền thiêng thờ Thánh Mẫu.
Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên - chủ nhân sáng tạo ra bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Công chúa Quỳnh Hoa của Ngọc Hoàng, do phạm lỗi phải giáng thế xuống trần làm con của nhà Lê Thái Công, tên là Giáng Tiên, được gả cho Đào Lang-con nuôi của người bạn là Trần Công.
Liễu Hạnh đi mây về gió, hóa phép khôn lường để đùa cợt với người đời. Kẻ nào bỡn cợt thói trăng hoa bị nàng trừng trị, gây cho nhiều tai họa. Về sau được dân nhiều nơi lập đền thờ, được triều đình phong tặng là Mã Hoàng công chúa, lại được phong là chế thắng Hòa Diệu Đại Vương, dân gian gọi là bà chúa Liễu Hạnh-vị chúa cai quản cả mười phương, là mẫu nghi thiên hạ-mẹ của thiên hạ.
Mẫu Thượng Ngàn, hóa thân Thánh Mẫu Toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống chính là của các dân tộc người thiểu số. Ngài biết cách dời núi khai sông, đưa nước về tưới cho ruộng đồng tươi tốt, mang lại ấm no cho dân làng. Nhân dân biết ơn, thờ tôn vinh là bà chúa Thượng Ngàn, hàng năm mở hội vào mùng 1/4 (Al) để ghi nhớ công tích của Thánh Mẫu.
Mẫu Thoải, vị thần trị vì vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương. Sự tích kể rằng: Thuở trời đất mới mở mang, rừng núi, sông hồ vẫn còn hoang vu, Kinh Dương Vương thường đi chu du khắp nơi. Một hôm đến vùng sông nước đầm lầy, gặp một người con gái có nhan sắc tuyệt trần, xưng là con gái của Long Vương ở Động Định Hồ, Kinh Dương Vương đem lòng yêu mến và lấy nàng làm vợ, sau sinh ra Sùng Lãm, chính là Lạc Long Quân - thủy tổ bố rồng của Lạc Việt, Người con gái xinh đẹp đó về sau suy tôn là Mẫu Thoải.
Cũng ở tòa điện này, phía bên phải tam phủ còn có cung thờ Nhị Vị Chầu Bà-Chầu Thượng Ngàn và Chầu Thoải. Đây là điểm khác so với các đền thờ Mẫu khác ở các nơi, chỉ có Nhị Vị Chầu Bà chứ không có Tứ Vị Chầu Bà. Duy chỉ có Chầu Mười lại có cung thờ riêng.
Chầu Thượng Ngàn-Chầu Đệ Nhị là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn, vị Thánh thống soái trong các hàng chầu, cai quản vùng núi non, sơn cước. Khi giáng bà mặc sắc phục màu xanh, đặc trưng cho Nhạc Phủ. Chầu Đệ Tam là hóa thân của Mẫu Thoải-vị Thánh có dáng vẻ u buồn, y phục và khăn trùm màu trắng. Phía bên trái tòa điện có bàn thờ các Chư Phật. Phía dưới cung thờ Tam Phủ là cung thờ Ngũ Vị Quan Lớn (Ngũ Vị Tông Ông) từ quan Đệ Nhất đến quan Đệ Ngũ.
Dưới cung Ngũ Vị Quan Lớn là hàng các ông Hoàng, được gọi theo thứ tự từ ông Hoàng Đệ Nhất tới ông Hoàng Mười. Tương truyền, các ông Hoàng đều có gốc tích là con trai Long Thần Bát Hải Đại Vương ở hồ Động Đình.
Tuy nhiên theo khuynh hướng địa phương hóa thì các ông Hoàng đều được gắn với một nhân vật nào đó ở cõi nhân gian, những danh tướng có công dẹp giặc, những người khai sáng, mở mang cho đất nước.
Kiến trúc truyền thống cổ kính, linh thiêng
Tương truyền ông Hoàng Đệ Nhất là danh tướng của Lê Lợi. Ông Hoàng Đệ Nhị là người Mán có công bảo vệ dân lành. Ông Hoàng Tam có công phò vua đánh giặc. Ông Hoàng Lục tức tướng Trần Lựu có công chống giặc Minh. Ông Hoàng Bảy là viên quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai-Yên Bái. Ông Hoàng Bát là người Nùng.
Riêng ông Hoàng Mười, theo tâm thức dân gian vùng Hà Tĩnh-Nghệ An, hiện thân của Lê Khôi (vị tướng có công lớn trong nghĩa quân Lam Sơn, gọi Lê Lợi bằng chú, đã từng có công chống giặc Minh xâm lược).
Ông vừa có công dẹp giặc lại có công chỉ dạy dân chúng làm ăn, khai mở lưu thông buôn bán với mọi miền. Nhờ vậy, mà đời sống của dân tình ngày một êm ấm, khá giả. Một năm kia, giặc ngoại bang tràn vào, ông đã xông pha trận tiền, đốc thúc binh sĩ dẹp tan giặc giã, giữ yên bờ cõi. Khi thắng giặc trở về thì một trận cuồng phong ập vào, nhà cửa dân chúng đổ nát hư hỏng nhiều vô kể. Thương dân ông lại cùng binh sĩ lên ngàn chặt tre, đốn gỗ đưa về giúp dân làm nhà.
Một lần không may, khi xuôi bè về đến chân Ngàn Hống ở núi Ngũ Mã (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) thì cuồng phong ập đến làm vỡ bè. Ông gặp nạn, quân sĩ và dân làng chưa kịp mai táng thì thi hài ông được mối đùn lên đắp thành mộ, dân trong vùng đã lập đền thờ ông ở núi Ngũ Mã. Thác rồi nhưng ông rất linh thiêng, thường hiển thánh cứu giúp muôn dân.
Dân làng thờ ông Hoàng Mười ở đền Chợ Củi, được dân gian xưa nay truyền tụng là thiêng, mọi người đến cầu nguyện thường được ông linh ứng, phù hộ. Tiếp đến là cung Châu Mười-Tương truyền Chầu Mười gốc người Thổ, đã có công giúp Lê Lợi đánh tan quân Liêu Thăng, trấn ải vùng phía Bắc nước ta.
Cuối cùng phía bên ngoài là cung thờ Trần Hưng Đạo Đại Vương, một nhân vật lịch sử có thật thời nhà Trần, ông là người có công đầu trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, được người dân Đại Việt tôn xưng là Thánh.
Trong tín ngưỡng Đạo Mẫu, ông thường được quy về dòng Long Vương, Bát Hải Đại Vương. Ở đền Chợ Củi, Trần Hưng Đạo Đại Vương được đặt riêng ra thành một phủ - Phủ Trần Triều. Về hạng bậc, ông được đồng nhất với vua Cha, trong đối sánh với Thánh Mẫu, ngày giỗ của ông cũng đồng nhất với ngày giỗ Cha, tháng Tám giỗ Cha cùng với Bát Hải Đại Vương.
Đã từ lâu, đền Chợ Củi nổi tiếng linh thiêng, có hàng nghìn lượt khách từ muôn phương về đây hành hương vãn cảnh mỗi năm. Hàng năm, dịp giỗ Thánh Mẫu vào ngày 3/3 (Al) và dịp hội đền vào ngày 10/10 (Al) suốt nhiều ngày liền khách đông vô kể.
Mọi người về đây với niềm tin sẽ được Thánh Mẫu, các quan lớn, các Chầu, ông Hoàng Mười và Đức Thánh Trần phù hộ độ trì. Không chỉ có vậy, du khách đến đây còn bởi cảnh quan đẹp hiếm có, sông núi đan xen nhau, vấn vít với nhau như để tôn thêm vẻ đẹp huyền ảo, kỳ bí, nên thơ của ngôi đền cổ. Đầu năm 1993, đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, được công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Sỹ Quý-Chủ nhang đền Củi, cho biết: "Đền Củi hay còn gọi là đền Chợ Củi, đã có từ lâu đời, địa điểm tâm linh nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Nhờ sự linh thiêng, phong cảnh hữu tình nên những ngày đầu năm mới, mùng, ngày rằm… Đền Củi đón hàng nghìn du khách thập phương đến dâng hương, dâng lễ cầu may. Hàng ngày, chúng tôi luôn tuyên truyền cho du khách đảm bảo vệ sinh môi trường, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự…".