Nguyễn Thiếp (1723-1804) tự là Khải Xuyên, hiệu là Lạp Phong cư sĩ, quê ở làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ) tỉnh Hà Tĩnh. Ông được đương thời tôn xưng là La Sơn phu tử. Phu tử là danh hiệu xưa kia dành cho người được coi là bậc thầy thiên hạ. Nguyễn Thiếp “thiên tư sáng suốt, học rộng hiểu sâu” và đỗ đạt sớm: hai mươi tuổi đỗ hương giải (đỗ đầu thi Hương), hai mươi sáu tuổi đỗ tam trường (đỗ ba kỳ trong bốn kỳ của thi Hội). Ông làm huấn đạo (quan coi việc học hành của phủ, huyện) sau làm tri huyện, tất cả trong vòng mười năm, sau đó về ẩn dật.Theo các nhà nghiên cứu, thơ La Sơn phu tử được giới thiệu xưa nay chưa phải là toàn bộ thơ của vị danh sĩ đất Lam Hồng. Vậy mà ta thấy trong số đó đã có nhiều bài viết về quê hương, một bài báo ngắn không thể kể ra hết được.
Vùng địa dư nay thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, xưa vốn là một đơn vị hành chính, nhưng rồi theo sự đổi thay của thời cuộc mà tách làm hai tỉnh, rồi nhập, rồi tách. Trong cảm nhận của nhiều người hiện nay, trên đất nước Việt Nam, thật khó có nơi nào “tuy hai mà một” - núi sống liền một dải, chung một truyền thống địa linh nhân kiệt, cùng một cốt cách làm người như ở nơi đây. Đọc thơ Nguyễn Thiếp, chúng ta cũng được củng cố nhận thức và tình cảm đó. Bài thơ Hoan Châu viết theo thể ngũ ngôn bát cú, ngôn từ thuần phác thật hợp để viết về vùng quê văn vật này:
Trung thổ địa tài kiệt,
Minh thời thuộc Diễn Hoan.
...
Niên lai văn khí thịnh,
Quang xạ Đẩu Ngưu gian.
(Đất trung thổ nhiều người tài giỏi,
Thời thịnh ở châu Diễn, châu Hoan.
...
Năm nay văn khí thịnh,
Sáng dọi đèn sao Đẩu sao Ngưu(1)).
Từ ngàn đời nay, tổ tiên ta dựng nước và giữ nước thật gian nan. Bởi vậy mỗi tấc núi sông đều như in bóng của tiền nhân. Với những người luôn sống với ý thức sâu sắc về quá khứ và hiện tại như Nguyễn Thiếp thì cảm thấy quá khứ oai hùng của dân tộc thật gần gũi. Lên núi Thiên Nhẫn thăm thành Lục Niên, nhà thơ nhớ tới năm xưa người anh hùng Lê Lợi đã dựng căn cứ nơi đây chống giặc Minh trong sáu năm. Tên của thành là để nhắc mãi thời kỳ gian khổ đó. Đứng trước di tích, con người thường nẩy sinh nỗi niềm hoài cổ, đó là một tình cảm phổ biến, tuy nhiên giá trị của những cảm xúc và suy tưởng về nhân sinh đó không giống nhau. Có người trước sự trường tồn của cảnh vật càng thấm thía sự nhỏ nhoi, vô nghĩa của kiếp người. Cảm xúc và suy tưởng của Nguyễn Thiếp thì khác:
Thập niên khiêu cúc dân vô chủ,
Vạn lý quan hà địa hữu ngư.
(Mười năm gian nan hiểm nguy dân không có chúa,
Muôn dặm núi sông, đất vốn có ngựa hay).
Mười năm là khoảng thời gian từ khi giặc Minh kéo quân sang xâm lược nước ta, phá bỏ thể chế của nhà Hồ, cho đến khi Lê Lợi đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Xưa kia nhà nho thường đồng nhất đế vương với quốc gia dân tộc. Thực tiễn lịch sử đã khiến cho La Sơn phu tử có nhận thức khác, đế vương có thể tiêu vong nhưng khí thiêng sông núi trường tồn, truyền thống quật cường của trăm họ luôn tiềm tàng, chỉ cần có người khơi gợi, từ tia lửa nhỏ sẽ bùng lên ngọn lửa lớn thiêu cháy lũ ngoại xâm. Sách vở nhà nho thấm nhuần quan niệm độc tôn đế vương, tất nhiên không dạy điều này. Chân lý lịch sử đó chỉ được nhà chí sĩ cảm nhận thấm thía khi sống giữa vùng địa linh nhân kiệt.
Muốn nói tới một nhân vật thời trung đại chung đúc được những truyền thống tốt đẹp của cả hai miền Nghệ Tĩnh, người xứng đáng nhất được nhắc tới đầu tiên là Mai Thúc Loan. Ông sinh ra ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) sau dời ra ở vùng Ngọc Trừng thuộc Nam Đàn (Nghệ An). Đương thời ách đô hộ của nhà Đường vô cùng tàn bạo. Ông đã hô hào dân chúng đứng lên chống lại, sau đó xưng đế và tiến quân ra Bắc. Sự nghiệp của người anh hùng ngắn ngủi nhưng là một vết son chói ngời trong lịch sử vệ quốc của dân tộc, đúng như cổ nhân nói: “không thành công thì cũng thành nhân”. Nguyễn Thiếp có bài thơ Kinh Hắc Đế từ (Qua đền Mai Hắc Đế) dành những vần thơ trang trọng trung tụng bậc hào kiệt, khẳng định tiếng thơm của ông trường tồn cùng núi sông:
Tự Đường hất kim thiên dư tuế,
Kỷ độ tàng thương biến nhân thể.
Cổn cổn Sa Nam cổ độ đầu,
Hành nhân do thuyết Mai Hắc Đế.
(Từ đời Đường đến nay hơn nghìn năm,
Mấy lần dâu bể thay đổi cuộc đời.
Nước chảy cuồn cuộn ở bến đò Sa Nam,
Người đi đường còn nhắc chuyện Mai Hắc Đế).
Nguyễn Thiếp có thời gian làm Huấn đạo (quan coi sóc việc học hành của phủ) Anh Sơn nên với vùng đất và con người Nghệ An, ông không chỉ hiểu biết qua sách vở mà còn qua đợt “đi thực tế” lâu dài. Một lần lên núi Đông Chủ, ngọn núi cao nhất trong dãy Thiên Nhẫn, ngắm nhìn hình thể núi, nhà thơ càng cảm nhận sâu sắc về vùng đất địa linh nhân kiệt:
Trung nghĩa Tống Tất Thắng,
Anh hùng Mai Thúc Loan.
Lô Hoa di miếu tại,
Lam thủy đáo kim hoàn.
Tòng lai danh thắng địa,
Chương Đường giáp ngã Hoa.
(Tống Tất Thắng là người trung nghĩa,
Mai Thúc Loan là bậc anh hùng.
Ngôi miếu còn đó ở Lô Hoa,
Nước sông Lam đến nay còn lạnh buốt.
Xưa nay nổi tiếng đất danh thắng.
(Thì) Thanh Chương Nam Đường kể vào bậc nhất châu Hoan ta).
Nghệ Tĩnh là vùng nước non cẩm tú nhưng cũng là miền đất mà thiên nhiên không ưu đãi con người. Thời Nguyễn Thiếp, cùng với chế độ sưu cao thuế nặng lại loạn lạc, hẳn dân tình càng khốn khó. Nỗi u hoài vì quốc kế dân sinh bàng bạc trong nhiều bài thơ của La Sơn phu tử. Tuy nhiên điều này không khiến con mắt nhà thơ nhìn tự nhiên lệch lạc đi. Nhà thơ thật tự hào khi đứng trước cảnh sông núi hùng tráng của quê hương. Điển hình cho cảm xúc này là ở bài thơ Kim Nhan động (Động Kim Nhan):
Kệ Trường cư huyện sách,
Bình địa khởi Kim Nhan.
Thần bút xung tiêu Hán,
Tiên hồ lạc thế gian.
Long điều giang giới khẩn,
Vạn lý thạch căn bàn.
Thu tận tinh linh khí
An Nam tiểu Thái San.
(Làng Kệ Trường ở huyện sách,
Giữa đất bằng nổi lên huyện Kim Nhan.
Bút thần xông lên tầng mây,
Bầu tiên rơi xuống trần gian.
Hai giải sông áp sát,
Bàn đá dài muôn dặm.
Thu hết khí tinh thiêng,
Núi Thái San nhỏ của An Nam).
Âm hưởng bài thơ thật hào sảng, xứng đáng viết về một kỳ quan. Nhà thơ tự hào tột đỉnh khi gợi ra một danh sơn của Trung Quốc. Người Trung Quốc xếp Thái Sơn vào một trong năm ngọn núi cao nhất (ngũ nhạc) của đất nước bao la này. Theo La Sơn phu tử, đất nước ta nhỏ hơn nhưng cũng có Thái Sơn của mình. Phép so sánh đó ngầm chứa sự tự hào chính đáng.
Nhiều bài thơ của La Sơn phu tử được viết trong thời kỳ ở ẩn nên không tránh khỏi sắc thái yếm thế. Nhìn chung, ta thấy rằng chính tình cảm nhà thơ dành cho quê hương đã nâng đỡ ông, làm cho những vần thơ của La Sơn phu tử có âm hưởng riêng.
Nguyễn Thiếp có bài thơ Phù Thạch phùng lão ngư (Gặp ông lão đánh cá ở bến Phù Thạch) dài 60 câu lưu lại cho chúng ta chân dung một người lao động nơi sông nước của quê hương Nghệ Tĩnh. Bến đò Phù Thạch nay thuộc xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ. Tại đây Nguyễn Thiếp đã gặp một lão ngư. Họ khác nhau về thân phận mà có nhiều điều cùng tâm đắc. Cũng như phần lớn người lao động xứ này, bộ dạng ông lão biểu thị một kiếp mưu sinh vất vả: Đầu phát tiêu hoàng diện lê hoắc (Đầu tóc vàng sém, mặt đen sạm). Vậy mà trong mắt La Sơn phu tử, người ấy không chút hèn hạ tầm thường, không hề mặc cảm về thân phận mà cách chu đáp thoại như tương thức (cách thuyền trò chuyện như đã từng quen biết). Bộ dạng và khẩu khí ông lão phảng phất phong vị anh hùng Lương Sơn Bạc:
Nhất đái trường giang thâm thủy tam.
Lao Tuyền, Phù Thạch, Long Vương đàm,
Tiện nhân chỉ tác thiển lưu khan.
(Một dải trường giang ba nơi vực sâu.
Lao Tuyền, Phù Thạch, đầm Long Vương,
Tôi chỉ coi như dòng nước nông cạn).
Ông lão hiểu biết, đàm đạo về nhân tình thế thái thật thấu tình đạt lý, gợi ta nhớ đến ông tiều, ông quán của Đồ Chiểu sau này. Bài thơ cho thấy sự cảm thông gần gũi giữa La Sơn phu tử và người bình dân nơi quê nhà.
Nhận định về thơ La Sơn phu tử, nhà bác học Phan Huy Chú đã dành những lời trang trọng: “Thơ đều tao nhã, thanh thoát, lý thú, ung dung, thực là lời nói của người có đức, các tao nhân ngâm khách không thể sánh được”.
Những vần thơ của phu tử viết về con người và quê hương Nghệ Tĩnh cũng biểu hiện những phẩm chất ấy. r
Chú thích:
(1). Văn bản thơ Nguyễn Thiếp và lời dịch nghĩa chúng tôi sử dụng theo sách Thơ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp do Nguyễn Sĩ Cẩn biên soạn, Nxb Nghệ An, 1989. Riêng câu này theo thiển ý nên dịch là Năm năm văn khí thịnh.
(Theo ngheandost - 22.3.2012)
|