Hai anh trai làng Nghệ An bán bánh đa đặc sản ra nước ngoài, thu gần 15 tỷ/năm Hai anh trai làng Nghệ An bán bánh đa đặc sản ra nước ngoài, thu gần 15 tỷ/năm , Người xứ Nghệ Kiev
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Sau nhiều năm trăn trở, hai chàng trai quyết định trở về quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An khởi nghiệp từ chính thứ bánh đa đặc sản ròn rụp. Quả ngọt đã đến khi những chiếc bánh đa bắt đầu xuất ngoại, mang về doanh thu gần 15 tỷ đồng mỗi năm.
Trăn trở với đặc sản quê hương
Bánh đa vừng ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nổi tiếng xa gần với những sản phẩm thơm ngon, đậm vị truyền thống được khách hàng khắp mọi nơi ưa chuộng. Nơi đây cũng có làng nghề bánh đa truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm. Gần đây, hàng triệu chiếc bánh đa ròn rụp còn được xuất ngoại mang lại doanh thu rất lớn.
Đó là những sản phẩm của công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thực phẩm Lương Sơn, ở xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Công ty dưới sự điều hành của hai giám đốc trẻ Nguyễn Bá Thắng (SN 1990) và Nguyễn Ngọc Phương (SN 1989, cùng trú tại huyện Đô Lương) đã nâng tầm loại đặc sản của quê hương, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.
Để có được thành công như ngày hôm nay, hai chàng trai trẻ đã có những quyết định đột phá xuất phát từ những trăn trở với chính món đặc sản của quê hương mình. Mặc dù đã có công việc với mức thu nhập ổn định. Trong đó, anh Thắng là một kỹ sư, thường rong ruổi theo những công trình khắp mọi miền đất nước.
Đến đâu anh cũng nhận thấy các loại đặc sản ở mỗi địa phương đều được đầu tư, tạo thương hiệu mang lại nguồn thu nhập lớn. Có rất nhiều người thành công, làm giàu từ chính những thứ đặc sản của quê hương mình.
Trong khi đó, ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, quê của anh Thắng, bánh đa cũng là một món đặc sản vốn nổi tiếng xa gần, được thị trường đón nhận.
Tuy nhiên, bà con ở quê vốn chỉ sản xuất thủ công, chưa chú trọng gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và tầm nhìn để phát triển. Từ đó, anh Thắng luôn trăn trở, ấp ủ giấc mơ trở về quê lập nghiệp.
Tình cờ, anh Thắng gặp anh Nguyễn Ngọc Phương (SN 1989), người đồng hương và cũng là đồng môn. Ngay khi anh Thắng tâm sự về giấc mơ được về quê sinh sống với gia đình, lập nghiệp từ chính những chiếc bánh đa. Hai chàng trai như "bắt sóng" bởi chính anh Phương cũng đang ấp ủ giấc mơ này.
Sau một thời gian bàn bạc, tích góp được ít vốn, cả hai quyết định cùng trở lại quê nhà, khởi nghiệp từ nghề làm bánh đa truyền thống.
"Bánh đa quê hương tôi là đặc sản rất được ưa chuộng. Nhưng bà con chủ yếu chỉ sản xuất thủ công, mướt mồ hôi tráng từng chiếc bánh. Sản phẩm làm ra cũng chỉ loay hoay tiêu thụ trong tỉnh, mình nghĩ tại sao không mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ để đưa bánh đa quê mình vươn ra các tỉnh, thành và xuất khẩu ra thế giới.
Hai anh em quyết định nghỉ việc về quê cũng là một quyết định khá táo bạo. Cả hai anh em cũng khá lo lắng, bởi nếu thất bại sẽ không có việc làm, mất vốn, ôm nợ như chơi", anh Thắng tâm sự.
Nửa năm khốn khó...thậm chí phải chịu lỗ
Bắt đầu từ năm 2018, cả hai quyết định trở về khởi nghiệp từ chính bánh đa vừng. Thay vì đắp lò đất, mua củi đốt lò tráng bánh, Thắng và Phương đã mượn đất, mở nhà xưởng khép kín, thuê thợ cơ khí thiết kế dây chuyền máy móc sản xuất bánh đa. Các công đoạn xay bột, đảo bột, tráng bánh đều được bán tự động hóa.
Trong đó, anh Thắng phụ trách sản xuất từ nguyên liệu đầu, chế biến, đóng gói sao cho đẹp. Anh Phương sẽ phụ trách mảng thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Trong khi anh Thắng ngày đêm cùng những người thợ lành nghề có kinh nghiệm nhất thử nghiệm để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đúng với hương vị bánh đa vừng truyền thống, đáp ứng thị yếu của khách hàng.
Còn anh Phương lại chạy đôn, chạy đáo khắp nơi khảo sát nhu cầu, thị hiếu của khách, xây dựng mạng lưới cộng tác viên, đại lý, kết nối để đưa bánh đa vừng vào giới thiệu tại các gian hàng, siêu thị có thương hiệu.
Phải mất gần nửa năm, sau rất nhiều lần thử nghiệm, thất bại, chúng tôi mới tạo ra được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đây cũng là quãng thời gian vô cùng khó khăn, thậm chí doanh nghiệp phải bù lỗ. May được mọi người cùng đồng hành, giúp đỡ nên anh em mới có thể vượt qua.
Bên cạnh đó, để bánh đa ngon, ngoài bí quyết truyền thống, hai chàng trai trẻ đã mày mò thử nghiệm nhiều lần để tìm ra công thức làm bánh thơm ngon hơn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Bắt đầu "chốt" được công thức, dây chuyền bắt đầu đi vào hoạt động ổn định. Bánh ra lò đến đâu, được tiêu thụ ở những siêu thị lớn, các đơn đặt hàng cũng bắt đầu tìm về. Đến năm 2021, bánh đa Lương Sơn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Bánh đa 3 sao ra thị trường quốc tế
Năm 2021, cũng là năm đánh dấu những thành công của bánh đa Lương Sơn khi các sản phẩm bắt đầu xuất khẩu ra thị trường quốc tế với hai thị trường chính là Nhật Bản và Đài Loan. Bên cạnh đó, các mặt hàng cũng được thị trường trong nước đón nhận với số lượng tiêu thụ rất lớn.
Từ giữa năm 2022, hai chàng trai quyết định mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, một dây chuyền bán tự động với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng được đưa vào hoạt động bằng công nghệ khép kín. Với dây chuyền này, mỗi ngày công ty có thể sản xuất khoảng 50.000 chiếc bánh đa vừng.
Dây chuyền này từ khâu trộn nguyên liệu, tráng bánh, sấy bánh, đến nướng bánh đều được khép kín. Vì thế có thể quản lý tối đa chất lượng, hương vị của sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, cũng hạn chế được yếu tố thời tiết, điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
"Trước đây bánh tráng xong phải phơi nắng, phụ thuộc vào thời tiết nên có khi quá giòn, có khi lại ẩm mốc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hiện nay với công nghệ sấy khép kín, chất lượng luôn đảm bảo để giữ trọn vị bánh đa truyền thống", anh Thắng chia sẻ thêm.
Hiện nay, bánh đa Lương Sơn đã "phủ sóng" cả nước với gần 600 đại lý và cộng tác viên. Trong năm 2022, bánh đa vừng Lương Sơn đã xuất khẩu 6 container sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc với sản lượng 1 triệu chiếc bánh đa.
Bên cạnh đó, thị trường Đài Loan cũng tiêu thụ một lượng rất lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2022, doanh thu của công ty đạt gần 15 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 30 lao động địa phương.
Vượt qua mọi khó khăn, hai chàng trai trẻ đã hiện thực hóa giấc mơ làm giàu ngay chính trên quê hương mình. Bên cạnh đó, đưa đặc sản của quê hương vươn tầm quốc tế. Trong thời gian tới, anh Thắng và anh Phương dự định sẽ mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.