“Bến đò Cố Xin”
Biển chỉ dẫn Bến đò Cố Xin trên đường đê Tả Lam thuộc xã Xuân Lam (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên |
Có dịp ngược xuôi trên tuyến đường đê Tả Lam, qua xã Xuân Lam (Hưng Nguyên), hành khách sẽ nhìn thấy tấm biển chỉ dẫn “Bến đò Cố Xin”. Theo hướng chỉ dẫn, chúng tôi đi ra phía bãi sông, ngược dòng thời gian qua trang sử địa phương và ký ức của những người thuộc thế hệ chống Mỹ. Để rồi, những chi tiết, hình ảnh về bến đò Cố Xin trong những năm tháng ác liệt lần lượt hiện ra như thước phim quay chậm.
Ngày 19/3/1968, một tốp máy bay đánh vào bến đò khi đang vận chuyển người qua sông làm chết 3 người, trong đó có 2 người lái đò, chủ đò là ông Lưu Xuân Khuồi (còn gọi là cố Xin). Nhiều phương tiện, nhà cửa bị phá hỏng.
Với mong muốn có được thông tin cụ thể, sống động, chúng tôi tìm gặp bà Hoàng Thị Dung (SN 1944) là một trong những nhân chứng từng gắn bó với bến đò. Với vai trò Xã đội phó, rồi Xã đội trưởng trong những năm đánh Mỹ, bà Dung là người trực tiếp chỉ huy việc tổ chức đưa bộ đội qua sông.
Bà Hoàng Thị Dung (phải) – nguyên Xã đội trưởng xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) kể về Bến đò Cố Xin. Ảnh: Công Kiên |
“Cũng như mẹ Suốt ở Quảng Bình, cố Xin không kể ngày đêm và sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, luôn sẵn sàng chở bộ đội qua sông kịp chi viện cho chiến trường miền Nam. Chuyến đò cuối cùng chở 4 quân nhân vượt sông, lúc trở lại bị máy bay địch dội bom, con thuyền vỡ tan, cố Xin bị trúng mảnh bom và không qua khỏi…”, bà Dung nhớ lại.
ADVERTISEMENT
Bến đò Cố Xin mang tên vợ chồng người chèo đò ngang đưa khách qua sông, nối xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên) ở phía tả ngạn với xã Nam Cường (Nam Đàn) phía hữu ngạn. Cố Xin tên thật là Lưu Xuân Khuồi (SN 1910), vợ là Phạm Thị Diện (SN 1915), có 5 người con (2 gái, 3 trai), dựng nhà ở cạnh bến sông.
Những năm chống Mỹ, phà Bến Thủy bị máy bay địch đánh phá hết sức ác liệt nên Bến đò Cố Xin được lựa chọn để đưa bộ đội qua sông Lam, tiếp tục hành quân vào chiến trường. Mưu sinh bằng nghề chèo đò ngang, vợ chồng cố Xin được xã giao nhiệm vụ chở bộ đội vượt sông.
Ông Lưu Xuân Khuồi (cố Xin). Ảnh: GĐCC |
Không kể ngày đêm, dưới làn bom ác liệt, cố Xin luôn vững tay chèo, đảm bảo đưa bộ đội qua sông an toàn. Nắm được nguồn tin bộ đội qua sông trên con đò ở Hưng Xuân, địch cho máy bay tăng cường đánh phá với mức độ ngày càng ác liệt, phá tan nhà cửa, làng mạc, khiến nhiều dân thường tử nạn.
Đêm xuống, địch thả pháo sáng dọc bến đò, hễ phát hiện thấy mục tiêu là trút bom ồ ạt. Mặc cho bom đạn kẻ thù dội xuống, vợ chồng cố Xin luôn bám trụ kiên cường, sẵn sàng chèo đò chở bộ đội qua sông, có đêm chở 300 người với hàng chục chuyến đò và hoàn thành nhiệm vụ trước lúc trời sáng. Có lúc, thuyền phải dừng ở giữa sông và tìm cách ngụy trang, chờ hết pháo sáng mới tiếp tục hành trình.
Khẳng định giá trị lịch sử
Ngày 20/5/1967, một chiếc ca nô kéo 2 xà lan bị trúng thủy lôi của địch thả xuống sông Lam, khoảng 800 tấn đạn pháo cao xạ 100 ly bị chìm xuống lòng sông. Dân quân xã Hưng Xuân được lệnh tổ chức trục vớt, hàng chục người cùng ngụp lặn hàng tháng dưới sông, vớt từng quả đạn, chở vào bờ, lau chùi khô ráo và cất giấu an toàn, chờ lệnh chuyển ra chiến trường.
Vợ chồng cố Xin thay nhau chở dân quân ra vị trí trục vớt rồi chở đạn vào bờ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ trục vớt số đạn chìm dưới đáy sông.
Địa điểm thuyền ông Lưu Xuân Khuồi (cố Xin) bị trúng bom ngày 19/3/1968. Ảnh: Công Kiên |
Gần 1 năm sau, ngày 19/3/1968, sau khi chở 4 quân nhân qua sông, khi quay về thì máy bay Mỹ ập đến dội bom, một quả rơi cạnh thuyền khiến cố Xin và một người phụ chèo ngã xuống… Một quả bom khác rơi cạnh nhà, ngôi nhà bị đổ sập khiến cố Xin bà bị thương nặng, một thời gian sau cũng qua đời. Lúc này, việc chèo đò qua sông được giao cho con trai cả của cố Xin là ông Lưu Văn Tín (SN 1949) và các em thực hiện.
Ông Tín nhớ lại: “Từ nhỏ gắn bó với bên sông, biết rõ từng xoáy nước và những vị trí nước xiết nên khi bố, mẹ lần lượt qua đời, anh em chúng tôi nối tiếp công việc chèo đò chở bộ đội qua sông cho đến ngày đất nước giải phóng. Cũng như bố mẹ mình, anh em chúng tôi lúc ấy luôn sẵn sàng, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, góp phần đánh đuổi kẻ thù, không ai đòi hỏi hay nghĩ đến chế độ và ưu đãi cho bản thân”.
Con trai cả Lưu Văn Tín và con gái út Lưu Thị Vinh của cụ Lưu Xuân Khuồi kể về bố mẹ mình. Ảnh: Công Kiên |
Sau chiến tranh, Bến đò Cố Xin tiếp tục là chốn lưu thông của hai xã Hưng Xuân và Nam Cường, người dân hai xã qua lại trên những chuyến đò do những người con của cố Xin chèo chống. Đến lúc cầu đường sắt Yên Xuân được ghép thêm những tấm bê tông để người đi bộ, xe đạp và xe máy qua lại, bến đò hoàn thành sứ mệnh của mình.
Qua dòng chảy thời gian với bao “tang thương dâu bể”, sông Lam đoạn qua Hưng Xuân (nay là Xuân Lam) hình thành bãi nổi với diện tích khoảng 10 ha, chia dòng sông thành hai lạch nước. Phía Nam Cường là dòng chính, phía Xuân Lam là dòng phụ, Bến đò Cố Xin năm xưa giờ là lạch nước nhỏ, là chốn neo đậu những chiếc thuyền chài cư dân ven sông.
Phần lớn những người con của vợ chồng cố Xin đều sinh sống, làm ăn ở gần bến đò xưa, nơi gắn bó với cuộc đời các bậc sinh thành, gắn bó với tuổi thơ nhọc nhằn, lam lũ.
Bến đò Cố Xin nay trở thành chốn neo đậu của những chiếc thuyền chài. Ảnh: Công Kiên |
Năm 2020, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt bổ sung Bến đò Cố Xin vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh. Quyết định nêu rõ: Giá trị lịch sử của Bến đò Cố Xin gắn với sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là nơi tập kết bộ đội, xe chở quân lương, quân dụng để qua sông chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nhận thấy đây là điểm giao thông quan trọng, địch đã ném bom đánh phá ác liệt gây ra bao cảnh tang thương. Chỉ tính từ cuối năm 1968 đến đầu 1969 đã diễn ra 3 trận bom ác liệt, hàng chục người bị thương vong. Sau một lần chở bộ đội qua sông làm nhiệm vụ, đò bị trúng bom, cố Xin đã ngã xuống trên dòng sông quê hương…
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, xã đã bố trí địa điểm lưu niệm, sưu tầm các tư liệu liên quan đến cụ Lưu Xuân Khuồi và sự kiện lịch sử tại Bến đò Cố Xin và làm biển chỉ dẫn di tích. Đồng thời, phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích lịch sử. Những người từng làm nhiệm vụ tại Bến đò thời chống Mỹ và con cháu của cố Xin đang có chung nguyện vọng đề nghị Nhà nước ghi nhận công lao cụ Khuồi bằng cách công nhận liệt sĩ.