Ngôi đền cổ Song Đồng Ngọc Nữ nổi tiếng có từ thời Hậu Lê với truyền thuyết "giữ xác chết" trôi sông ở Nghệ An Ngôi đền cổ Song Đồng Ngọc Nữ nổi tiếng có từ thời Hậu Lê với truyền thuyết "giữ xác chết" trôi sông ở Nghệ An , Người xứ Nghệ Kiev
Hà Thủy
Ngự trên một chỏm núi sát con sông Con (xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), từ lâu đền Song Đồng Ngọc Nữ được biết đến là ngôi đền nổi tiếng một vùng xứ miền Tây xứ Nghệ. Ngôi đền là chốn sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của đông đảo bà con trong vùng, trong đó có đồng bào dân tộc Thổ.
Tương truyền, gia đình nào có người đuối nước không tìm thấy xác, chỉ cần thành tâm sắm sửa lễ vật đến đền thắp nhang, cầu khấn ắt sẽ tìm thấy.
Kỳ bí đền Song Đồng Ngọc Nữ
Nằm lọt thỏm giữa chỏm núi, đền Song Đồng Ngọc Nữ nằm giáp ranh giữa hai xã Nghĩa Hợp và Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Đền thờ hai chị em họ Trần Đình mà người dân vẫn thường hay gọi là Đức Thánh Địa Tam, đền cách TP. Vinh khoảng 100km theo hướng Tây Bắc.
Đền Song Đồng Ngọc Nữ được xây dựng từ thời Hậu Lê. Lúc đầu đền người dân dựng lên một cái am thờ nhỏ bằng gỗ lim, thiết kế kiểu nhà sàn đồng bào dân tộc Thổ, ba phía thưng ván gỗ, phía trước là cửa ván ghép.
Đền nhìn về hướng Bắc, được xây dựng với thế "tọa sơn vọng thủy". Phía trước có dòng sông Con khởi nguồn từ dãy Trường Sơn chảy từ Tây sang Đông. Sau lưng đền là núi Vực Lồ rừng cây bao phủ.
Theo ghi chép, đền Song Đồng Ngọc Nữ được xây dựng để thờ hai cô gái là hậu duệ đời thứ 6 họ Trần Đình thuộc làng Tri Lễ, xã Dương Hạp, tổng Cự Lâm, huyện Nghĩa Đường, phủ Quỳ Châu, trấn Nghệ An. Hai cô là con gái của cụ Trần Đắc Tiên – hậu duệ đời thứ 5 họ Trần Đình nay thuộc xã Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An).
Nhiều tài liệu ghi lại, năm 1846 nhân dân trong vùng bị dịch bệnh, đói khổ, hai bà ứng vào một người dân chỉ nơi lập làng.
Cũng từ đó, làng ấp được lập lên, dân làng được bình an, xóm làng trù phú, làm ăn phát đạt. Năm 1849, lý trưởng làng Tri Lễ đã lập bản khai thần tích hai bà để xin triều đình phong sắc. Năm 1851, triều đình nhà Nguyễn đã ban cho hai bà đạo sắc phong Nhị vị Thành hoàng Song Đồng Ngọc Nữ.
Truyền miệng từ đời xưa kể lại khi đến tuổi trưởng thành hai chị em họ Trần Đình vào rừng kiếm củi. Đến chiều, trên đường trở về nhà hai chị em đến bên Vực Lồ ngồi nghỉ.
Nhìn thấy phía trước có cây thị to lớn, hai chị em rủ nhau trèo lên hái quả. Không may, người em trượt chân ngã xuống vực, người chị thấy vậy liền nhảy xuống cứu em. Thế nhưng ở dưới vực lại có một con hổ đang chờ sẵn vồ lấy hai chị em.
Đêm về không thấy con gái đâu, người cha vội vàng gọi người trong làng cùng đi tìm con. Khi mọi người đến Vực Lồ thì phát hiện vết máu loang nhưng không thấy hai cô gái. Thế nhưng, gần nơi có vết máu có hai chiếc mộ mới do mối đùn tạo nên. Thấy sự lạ, dân làng mới cho là mộ do hổ chôn xác hai chị em, nên lập đền thờ ngay cạnh Vực Lồ.
Còn một bản truyền miệng khác sau khi hai bà ngã xuống thì bị hổ vồ song hổ không ăn thịt mà kéo xác hai bà đi rồi tự đào huyệt chôn. Thương xót cho hai bà, người thân cùng dân làng đã đem xác hai bà về mai táng tại khu mổ tổ họ Trần Đình. Thế nhưng đêm hôm sau con hổ lại về đem xác hai bà ra chôn ở vị trí cũ. Nhân dân trong vùng sợ hãi cho rằng đó là ý trời nên đã lập đền thờ hai bà.
Cây thị nơi hai chị em gặp nạn có tuổi đời khoảng 400 năm, trải qua nhiều biến cố thân cây thị đã mục chia làm hai cây nhỏ cao hơn 25m tán rộng che mát một vùng. Dưới chân gốc đặt bức tượng đá hình con hổ chính là ngôi mộ "hổ táng" của hai chị em.
Đền Song Đồng Ngọc Nữ nổi tiếng với truyền thuyết "giữ xác chết" trôi sông
Theo những vị cao niên ở trong làng, có nhiều giai thoại gắn với sự linh ứng của ngôi đền được người dân trong vùng truyền lại qua nhiều thế hệ. Đặc biệt là những giai thoại nói về sự ly kỳ của ngôi đền trong việc "giữ xác" những người không may bị đuối nước.
Nhiều trường hợp bị đuối nước nhiều ngày người thân tìm không thấy xác lên đền cầu xin hai bà. Điều kỳ lạ là người nào đó sau khi cầu xin thì đều tìm thấy thi thể người thân.
Ông Trần Đình Lệ (87 tuổi) xóm 6, xã Nghĩa Đồng kể lại, trước đây ông Nguyễn Xuân Đôn ở cùng xã là người thường xuyên chèo thuyền bên bến phà Sen đã từng vớt hàng chục xác chết. Một ngày nọ, ông Đôn đã lên đền khấn hai bà linh thiêng thì mọc lên hai cây thị ở đây thì ông Đôn sẽ lập đền thờ cúng hai bà.
Sau đó hai tháng, nơi đây mọc lên hai cây thị, một cây lớn và một cây nhỏ hơn. Mọi người hay gọi là thị chị, thị em. Như lời mình nói, ông Đôn và gia đình đã mua vật liệu lên tự xây đền thờ cúng hai bà. Hiện nay thị chị thị em đã cao hơn 5 mét có tán rộng che mát sân đền.
Ông Lệ cũng không nhớ rõ đã bao nhiêu trường hợp đến đền cầu xin tìm xác. Ông nhớ có lần một người ở huyện Nghĩa Đàn xuống cầu xin tìm xác con đuối nước ở sông Con thì sau đó vài giờ xác đã nổi lên, còn trường hợp ở ngay trong xã con đi bắt dế rơi xuống sông tìm mãi không thấy xác. Sau khi lên đền cầu xin thì gia đình đó tìm thấy xác con nổi lên.
Hay như chuyện một lái xe tắc xi chở khách đến đền cưới vợ đã lâu mà vẫn hiếm muộn. Sau khi lên đền cầu xin thì mấy tháng sau vợ mang bầu. Sau đó ít lâu người tài xế xuống đền làm lễ tạ ơn.
Theo một số tài liệu ghi chép, đền tọa lạc ngay cạnh Phà Sen, là tuyến giao thông huyết mạch trên đường Trường Sơn để vẩn chuyển quân, lương thực, vũ khí nên nhiều lần bị bom đánh phá. Trong kháng chiến chống Mỹ, đền bị hai lần bom đánh trúng chỉ còn lại nền móng cũ vào những năm 1965 và 1972. Sau đó nhân dân trong vùng và con cháu họ Trần Đình xây dựng lại và gìn giữ, bảo vệ đến nay.
Chuyện "níu giữ" xác ở ngôi đền vẫn là điều bán tín bán nghi được truyền miệng, không ít người nghe những câu chuyện này cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Năm 2017 đền Song Đồng Ngọc Nữ được công nhận di tích lịch sử. Đền là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân, trong đó có đồng bào dân tộc Thổ vùng đất phủ Quỳ Châu xưa. Để tưởng nhớ hai vị thần Song Đồng Ngọc Nữ nhân dân tổ chức lễ tế vào ngày 14 – 15/7 âm lịch hằng năm. Trong hai ngày tế lễ đông đảo nhân dân, du khách thập phương, con cháu họ Trần Đình tới dự lễ.