Với hơn 52 năm hoạt động cách mạng, 86 tuổi Đảng, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn nỗ lực hết mình vì sự nghiệp chung của cách mạng, của đất nước. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc, không gì bù đắp được đối với tất cả chúng ta. Sự đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, hết lòng vì nhân dân của đồng chí sẽ mãi mãi được ghi nhớ”…
Bài viết sau đây của tác giả Ngô Đức Tiến như một tiếng lòng, một nén tâm hương gửi lên đồng chí Nguyễn Côn – một trí thức lớn, người con ưu tú của mảnh đất Thanh Lâm, Thanh Chương.
Những năm 1976 đến năm 1981, khi còn làm cán bộ Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, tôi được phân công thu thập tư liệu khởi thảo Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương thời kỳ 1930-1945, nên được Huyện ủy bố trí cho đi về tất cả các xã để gặp gỡ các đảng viên lão thành, có người một lần, có người hai, ba lần để sưu tầm thêm tư liệu, để hiểu biết sâu hơn những sự kiện nhân vật lịch sử. Và tôi đã hai lần được gặp Phó Thủ tướng Nguyễn Côn…
Thanh Chương là vùng đất cách mạng, trong cao trào cách mạng 1930 -1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, Thanh Chương cũng là huyện có phong trào Xô viết diễn ra sớm nhất, sôi nổi nhất, quyết liệt nhất, từ những ngày đầu cho đến đỉnh điểm là cuộc biểu tình của hàng vạn người kéo về huyện lỵ ngày 1/9/1930 phá huyện đường, thành lập chính quyền Xô viết ở nhiều làng xã: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên”.
Các giai đoạn đấu tranh tiếp sau đó cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945, Thanh Chương cũng là nơi có cơ sở Đảng và phong trào quần chúng mạnh nhất, nhưng đây cũng là huyện có nhiều đảng viên, quần chúng bị địch bắt tù đày, số cán bộ đảng viên được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng đông nhất. Hàng năm vào dịp giữa tháng Chạp âm lịch, Huyện ủy thường tổ chức các cuộc họp lão thành cách mạng. Những dịp này lãnh đạo huyện thường kết hợp báo cáo tình hình địa phương cho các bác lão thành, lấy ý kiến các đảng viên cùng thời để xét công nhận những cán bộ đảng viên chưa được xét trong các kỳ trước. Những dịp này tôi cũng tranh thủ gặp gỡ các bác ở xa về để thu thập tư liệu và đặt hàng các bác viết hồi ký cách mạng.
Từ vùng quê cách mạng Thanh Chương, nhiều đảng viên lão thành đã trở thành những cán bộ nổi trội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, như: Võ Thúc Đồng (đảng viên 1930, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An), Tôn Thị Quế (cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ 1930), Tôn Quang Phiệt (Ủy viên Thường vụ Quốc hội), Lê Nam Thắng (tên thật là Nguyễn Đình Khiếng, đảng viên 1930, Thiếu tướng – Tư lệnh Quân khu Thủ đô), Nguyễn Đình Tùng (đảng viên năm 1930, Đại tá, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương)… Và nổi trội hơn cả là bác Nguyễn Côn. Ông là vị Chủ tịch đầu tiên của huyện Thanh Chương (năm 1945), nhiều khóa là Ủy viên BCH Trung ương Đảng, tham gia Ban Bí thư Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Lần gặp đầu tiên, bác Nguyễn Côn từ Hà Nội về sớm hơn cuộc họp một ngày, tôi được anh Nguyễn Phương Quê bố trí đi theo ông về Thanh Lâm quê ông. Bấy giờ qua sông Lam phải đi phà Rộ, dọc đường đi tôi thấy ông xúc động ngắm nhìn quê hương, thỉnh thoảng hỏi đồng chí cán bộ Văn phòng Huyện ủy một vài đổi thay dọc đường đi. Khi về đến đầu làng, ông cho dừng xe ở đường lớn phía ngoài làng rồi xuống xe đi bộ. Ông nói: “Thời trẻ đi trên đường ni giờ về già ta đi bộ một đoạn để có gặp bà con tiện thăm hỏi”. Khi vào thắp hương ở nhà thờ họ Nguyễn, ông bảo lái xe lấy phần đồ lễ vợ ông chuẩn bị sẵn ở Hà Nội thành kính đặt lên bàn thờ tổ tiên. Anh cán bộ văn phòng nói với tôi: “Anh Quê dặn em mua lễ đây nhưng Phó Thủ tướng khi mô về quê cũng mua lễ sẵn không bao giờ làm phiền đến huyện và khi mô cũng đậu xe từ xa”. Tôi không ngờ làng quê nghèo đói nơi đây lại sinh ra những bậc trí thức tài cao mà rất khiêm nhường như Giáo sư Đặng Thai Mai, đồng chí Nguyễn Côn.
Khi trở về cơ quan Huyện ủy, ông cũng cho xe đậu ngoài cổng huyện rồi đi bộ vào. Tranh thủ thời gian ông đến từng phòng thăm hỏi các đồng chí già, những người từng ngồi tù với ông ở nhà tù Ly Hy – Quảng Trị, ở Côn Đảo. Tôi thấy các bác có người hỏi: “Đồng chí Phó Thủ tướng về khi mô?”, nhưng cũng có bác thân mật: “Côn à mi về khi mô?, Vợ con khỏe không?”. Tôi nghe các bác nói với nhau cứ “tau mi” như những ngày còn ở tù.
Ngày hôm sau vào buổi họp, khi anh Nguyễn Ký giới thiệu các đại biểu, tôi thấy giới thiệu bác Nguyễn Côn trước, sau đó lại giới thiệu ông lên tham gia Chủ tịch đoàn điều hành hội nghị, thì ông có ý kiến: “Tôi xin cảm ơn Huyện ủy đã mời chúng tôi về dự họp, nhưng tôi là lớp sau mới hoạt động thời kỳ 1936 – 1939, lại xa quê lâu nên tôi xin không tham gia Chủ tịch đoàn và xin đề cử anh Võ Thúc Đồng, đảng viên thời kỳ đầu 1930, người cựu tù Côn Đảo tham gia điều hành hội nghị với các anh Huyện ủy”.
Suốt kỳ họp hai ngày, có những lúc bàn cãi sôi nổi, có lúc gay gắt to tiếng, những lúc ấy tôi thấy đồng chí Bí thư Huyện ủy thường mời bác Nguyễn Côn lên phát biểu, tôi thấy ông từ tốn bước lên bục rồi nhỏ nhẹ chậm rãi phân tích, gợi mở nhiều vấn đề tưởng như gay cấn nhưng được ông tháo gỡ bằng kiến thức thông tuệ, tinh thần khiêm tốn, cầu thị, đoàn kết nên ai nghe cũng phải chấp nhận. Lần gặp đầu tiên ấy, ông hẹn tôi ra Hà Nôi sẽ viết hồi ký.
Lần thứ hai tôi được gặp ông tại Hà Nội.
Năm ấy khi bản thảo Lịch sử Đảng bộ Thanh Chương đã viết hòm hòm, tôi được anh Nguyễn Phương Quê cho đi Hà Nội gặp các bác để xin ý kiến nhận xét bổ sung của các bác lão thành. Khi đến nhà bác ở đường Nguyễn Gia Thiều, chúng tôi được biết bác gái người họ Nguyễn Như làng Văn Long, bà con gần với các chiến sỹ Xô viết Nguyễn Như Kỷ, Nguyễn Như Cầu, tôi càng cảm phục sự gắn bó giữa hai dòng họ, hai dây cộng sản ở Thanh Chương.
Ngày hôm sau ông ra nhà khách số 8 Chu Văn An làm việc với Bí thư Nguyễn Phương Quê và tôi một ngày. Hầu như những vấn đề lớn của Đảng bộ Thanh Chương viết trong sơ thảo đều được ông ghi chép cẩn thận và góp ý chân tình sâu sắc. Đặc biệt là thời kỳ tiền khởi nghĩa đầu năm 1945, khi các chiến sỹ cộng sản Nghệ An vừa mới ra tù, trận đói đang hoành hành, Đảng bộ Nghệ An chưa được khôi phục, có nơi còn phân tâm nhưng với kinh nghiệm đã được rèn luyện trong những năm tháng tù đày, đồng chí Nguyễn Côn đã chắp nối, tập hợp, đoàn kết các đảng viên vừa mới ra tù nhanh chóng thành lập Việt Minh Thanh Chương chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945.
Phó Thủ tướng Nguyễn Côn đã trao lại cho đồng chí Nguyễn Phương Quê bản góp ý bản thảo và tập hồi ký, cả hai tài liệu này đều viết tay, chữ đẹp chân phương và có đánh thứ tự từng trang. Đồng chí Bí thư Huyện ủy cầm phong bì ngỏ ý muốn cảm ơn bác, nhưng bác dứt khoát từ chối. Lại một bất ngờ nữa với tôi, khi đã làm đến cán bộ cấp nào đó người ta thường sử dụng chuyên gia, thư ký viết hoặc đánh máy, nhưng bác Nguyễn Côn tự viết tay để trải lòng với quê hương.
Bằng trí nhớ tuyệt vời, bằng cách trình bày khúc chiết có tính khái quát cao, ông đã truyền cảm hứng cho đồng chí Bí thư Huyện ủy và tôi. Cuối buổi làm việc, trước khi chia tay ông dặn: “Các anh nên tranh thủ thêm ý kiến của anh Lê Nam Thắng (Nguyễn Đình Khiếng), Nguyễn Đình Tùng và các đồng chí hoạt động ở các tổng ủy, các chi bộ để bổ sung sửa chữa, cố gắng viết đúng, lịch sử Đảng bộ có thể còn thiếu thì sau bổ sung, không được viết sai. Cậu là rể Thanh Chương nhớ viết đúng sự vật hiện tượng, không vì tình cảm mà đề cao tôn vinh không đúng mực. Ông cha dạy nói thì dễ làm lễ khó, viết đúng viết đủ rất khó, nhưng chúng ta cùng cố gắng”.
Sau những lần gặp gỡ ấy tôi về viết lại bản thảo nộp cho Ban. Trong mười năm ở cơ quan Tỉnh ủy, được gặp nhiều bậc lão thành từng là cán bộ Trung ương, Khu ủy, Tỉnh ủy, “từng vào tù ra tội”. Mỗi người có hoàn cảnh gia đình khác nhau, đến với cách mạng bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng có một điều như là mẫu số chung ai cũng hy sinh tận tụy trung thành, sẵn sàng xả thân vì cách mạng. Đồng chí Nguyễn Côn, người con ưu tú của xứ Nghệ, một trong những chiến sỹ cộng sản xuất thân từ trí thức đã trở thành một cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, có những đóng góp xứng đáng cho cách mạng, cho đất nước. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, 107 tuổi đời, 85 tuổi đảng, đồng chí Nguyễn Côn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương cao quý khác. Tôi viết những dòng này như một nén tâm hương cùng bà con xứ Nghệ tưởng nhớ ông, người con ưu tú của quê hương.