Anh Nguyễn Văn Hạnh – 31 tuổi, trú tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An – cho biết cách đây 5 năm, anh quyết định bỏ công việc thuyền trưởng tàu hàng với mức lương 30 triệu đồng/tháng để về quê trồng dứa.
Không dừng lại ở việc trồng dứa truyền thống, với hy vọng nâng cao giá trị của cây dứa, giảm tải ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ thu hoạch, chàng trai trẻ ở Nghệ An đã mày mò học hỏi, chế tạo thành công máy tách lấy tơ sợi từ lá dứa. Một ngày không xa, những người dân tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An – quê hương anh Thắng sẽ có thêm khoản thu nhập đáng kể từ cây dứa.
Anh Hạnh nhớ lại, ngày đó, mỗi lần về quê thăm gia đình, chứng kiến cảnh nông dân lao đao vì dứa được mùa mất giá, nhiều cánh đồng dứa chín mọng nhưng nông dân không thu hoạch, anh suy nghĩ phải làm gì đó để nâng giá trị cây dứa quê hương. Năm 2015, anh quyết định nghỉ việc lái tàu, về quê mua gần 3ha đất đồi trồng dứa.
Để hiện thực hóa giấc mơ nâng cao giá trị cây dứa, tăng thu nhập cho người nông dân, anh Hạnh mạnh tay đầu tư máy móc, hệ thống sấy khô để chế biến nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái.
Vừa chăm bón dứa, vừa lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng, nỗ lực của anh Hạnh cuối cùng cũng đạt thành quả khi những quả dứa từ trang trại của anh được thị trường đón nhận, các thương lái khen “dứa đẹp”.
Sau nhiều lần đầu tư, mở rộng diện tích trồng dứa lên hàng chục héc-ta, đến nay, Hạnh đã thu đều đặn trên 300 tấn dứa/năm. Các sản phẩm chế biến từ dứa của anh như dứa sấy, siro dứa, mứt dứa, dứa ngậm trị ho, nước dứa cô đặc, dứa ngâm đường, dứa tươi đã được tiêu thụ ở nhiều nơi trên cả nước.
Anh Hạnh tiếp tục nghiên cứu sản xuất tơ sợi từ lá dứa
Sau mỗi vụ thu hoạch, nhìn lượng lá dứa rất lớn bị vứt bỏ trên đồng, gom đốt để làm vụ mới thì khói bụi mù trời, anh Hạnh tiếp tục nghĩ cách tận dụng chúng.
Đây cũng là điều làm anh trăn trở hơn một năm qua. “Tôi muốn làm sao tất cả các bộ phận trên cây dứa khi thu hoạch đều có thể đem lại thu nhập. Rồi tìm hiểu mới biết lá dứa đã được một số nơi trên thế giới tách thành sợi làm nguyên liệu tự nhiên cao cấp cho ngành tơ sợi và dệt may”, anh Hạnh nói.
Sau thời gian miệt mài tìm hiểu, anh mới biết ở nhiều nơi trên thế giới, người ta tách thành sợi lá dứa làm nguyên liệu dệt may. Anh liền dùng bàn chải đánh thủ công lá dứa để lấy sợi. Thấy cách làm này quá kém hiệu quả, anh cùng một số thợ cơ khí nghiên cứu, chế tạo máy đánh sợi. Sau nhiều tháng thử nghiệm, điều chỉnh, chiếc máy này cũng đã hoàn thiện.
“Máy gồm một hệ thống dao bên trong, giúp đánh vỡ lớp thịt, giữ lại lớp tơ dai của lá. Máy này có thể ép được 2-3 tấn lá dứa/ngày. Sau đó, tơ được ngâm vào giấm dứa, phơi khô, nối, se sợi” – anh Hạnh cho biết.
Nếu tơ sợi đáp ứng yêu cầu, nông dân sẽ có thêm thu nhập 30 triệu đồng/ha
Hiện máy tách sợi này vẫn đang trong quá trình chạy thử, khi hoàn thiện, anh sẽ sản xuất khoảng hơn chục chiếc máy. Theo tính toán của Hạnh, dự án thành công sẽ giúp nông dân thu được thêm 30 triệu đồng/ha từ tiền bán lá dứa.
“Nhiều đơn vị sản xuất túi xách, may các sản phẩm thời trang đã đặt hàng mua loại sợi này. Sắp tới, sản phẩm hoàn thiện sẽ được gửi cho khách hàng kiểm tra. Nếu đạt yêu cầu, tôi sẽ sản xuất đại trà. Tôi dự kiến sẽ giao cho mỗi nhóm hộ có diện tích trồng dứa khoảng 50ha một máy tách sợi, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho họ” – anh Hạnh nói.