Ngũ Bàu, cầu Giát, sông Thai Ngũ Bàu, cầu Giát, sông Thai , Người xứ Nghệ Kiev
(Baonghean.vn) - Con sông Giát phát nguyên từ chân phía Đông - Nam dãy Mồng Gà, khối núi có cả 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu cùng tiếp giáp. Về phía Đông Bắc nơi ấy, núi và đất tạo nên một vùng trũng, gọi là Bàu Đột. Từ đó, một số ngòi nước, ngọn khe tụ lại thành con sông Giát. Sông theo hướng Đông Bắc mà đổ ra biển. Sách xưa gọi đó là nguồn Thai nên cư dân nơi cuối dòng được gọi theo tiếng địa phương, là Kẻ Thơi. Và trải qua bao đời, con người sống trên lưu vực của mạch sông này đã làm cho đất đai mình nổi tên tuổi.
Đến thời trung đại của lịch sử thì có thêm một dòng tộc đến đây cư ngụ mà ông tổ mang họ Hồ. Trần Trọng Kim viết trong sách “Việt Nam sử lược”: rằng: Hồ Quý Ly dòng dõi từ Chiết Giang bên Tàu, tổ tiên là Hồ Hưng Dật, đời Ngũ Quý (thế kỷ X) sang nước ta, ở Bàu Đột, huyện Quỳnh Lưu”.
Từ ý thức tầm nguyên đó mà vào đầu thế kỷ X, sau khi thay ngôi vua của nhà Trần, Hồ Quý Ly đã cử con trai là Hồ Hán Thương vào Bàu Đột xây đền thờ cho tông tộc mình. Cơ sở ấy nay vẫn còn dấu tích. Phía Đông Bắc của vùng núi Mồng Gà cũng là một miền dân cư sớm sầm uất. Cùng đổ về Đông, các mạch nước, ngọn khe từ Bàu Đột tụ lại, tìm lối đi ra biển. Đất đỡ chân người và cư dân ở đây khai sáng ra cách vượt những trở lực để đi tới.
Thị trấn Cầu Giát. Ảnh: Nhật Thanh
Ngược thời gian, ta biết, khi con đường thiên lý Bắc - Nam do tổ tiên mình khơi mở đã định hình thì nơi dòng nước cũng là lối đi về phía Đông ấy được bắc cầu, gọi là cầu Giát. Có cầu thì thêm đông khách qua lại, dừng chân, hội tụ thành nơi trao đổi, mua bán, dù quán xá còn rất đơn sơ. Dần dần, một ngôi chợ được hình thành: Chợ Giát. Phía Nam cầu và chợ có chùa, có miếu. Miền đất Ngọa Trường, Nhân Huống quanh năm xanh tốt những khoai, lúa, dâu tằm. Đến thế kỷ XIV thì nổi lên Giáo xứ Thuận Nghĩa của đạo Thiên Chúa, ở bên phải con đường quan lộ Bắc - Nam.
Còn phần hướng về biển, đôi bên bờ sông Thai xóm, thôn ngày thêm trù mật, tăng sức đô hội cho thị trấn Cầu Giát. Thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954), địa danh “Giát” nằm trong một câu ca, ngang với Cầu Bố (Thanh Hóa), Ba Đồn (Quảng Bình). Nay, ở phía Bắc huyện Quỳnh là vùng Hoàng Mai đã trở thành thị xã. Những ruộng lúa ngâm chân và rừng thông soi bóng xuống làn nước ngọt từ hồ Vực Mấu chảy về. Dòng kênh ấy do từ việc mới đắp đập, khơi dòng từ thời ông Nguyễn Hữu Đợi làm Bí thư Huyện ủy. Nó tô thêm màu “Hồng” mà thi hào Nguyễn Du tưởng tượng khi tác giả “Truyện Kiều” qua đây vào hồi đầu thế kỷ XIX.
Trở lại với dòng Thai. Khi sắp qua vùng chợ Giát mà tuôn ra biển, sông tạo nên ở bên tả ngạn của nó một vùng đất để khách buôn tre, gỗ làm chỗ gom hàng, nên nơi đó được gọi là thôn Hàng Bè, nay thuộc xã Quỳnh Hồng. Cũng từ buổi cổ sơ, một ngôi chùa được dựng lên, khiến cảnh trí nơi đây thêm thi vị. Hồi làm Hiệp trấn Nghệ An, Hoàng giáp Bùi Huy Bích đã ghé thăm, để lại bài thơ mà hai câu đầu được Đỗ Ngọc Toại dịch là:
“Thành đâu nổi giữa cánh đồng,
Đường quan vẫn lối nhà nông đi về”.
Từ vùng đất Hàng Bè, với những kẻ vốn là “nhà nông” ấy, về sau, một tông tộc nơi đó đã sinh ra một con người, với tên gọi nôm na là Nguyễn Hữu Đợi (1927-1998). Ông có tham vọng “Thay trời, đổi đất, xếp đặt lại giang sơn”!
Đáng nhớ nhất là thời ông được bầu làm Chủ tịch rồi Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu và là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ - Tĩnh.
Ông Nguyễn Hữu Đợi (giữa) - nguyên Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu trong một lần đi cơ sở. Ảnh tư liệu Với cách làm của ông, nhà báo Nguyễn Sỹ Đại viết trên báo Nhân dân (số ra ngày 4/7/2004) bài: “Về Quỳnh Lưu tìm bóng hình ông Đợi”. “Ông Đợi” hóa thân thành một phần nhân vật “Lão Khúng” trong truyện ngắn “Phiên chợ Giát” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Gần đây, Hồ Ngọc Quang viết trên báo Nghệ An (đầu năm 2019) bài “Ngọn lửa mang tên Nguyễn Hữu Đợi”...
Đúng như sách xưa dạy: “Nhân vô thập toàn”. Lúc còn sống, ông Đợi cũng có lần nhắc đến câu: “Thời thế tạo anh hùng”. Điều ta học được là: Sống ở đời, phải cật lực lao động, dám xả thân vì nghĩa cả./.