“Có ngã thì ngã cùng một phía nhé”
Trong hành trình tác nghiệp ở miền Tây Nghệ An, phóng viên báo Đảng chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng Biên phòng đóng chân ở địa bàn biên giới. Bởi vậy, nên dù có lội suối, vượt đèo, hay xuyên đêm tới bản xa trên những cung đường khúc khuỷu, gập ghềnh thì phóng viên chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn hẳn. Mỗi lần ghé đồn lại được chào đón như khách quý và tạo mọi điều kiện để tác nghiệp thuận lợi.
Phóng viên Khánh Ly tuần tra đường biên, cột mốc với Bộ đội Biên phòng. Ảnh: H.T
Còn nhớ sau trận mưa bão lớn, tôi và một nữ đồng nghiệp mượn xe máy của Huyện ủy Kỳ Sơn vượt cung đường lầy lội, chủ yếu là dắt bộ với sự trợ giúp của dân để vào Đồn Biên phòng Mường Ải. Sau khi tác nghiệp mấy ngày tại địa bàn về tình hình sạt lở, nhất là tuyến đường tuần tra biên giới, lường trước chúng tôi không thể đi xe máy trở ra thị trấn Kỳ Sơn, Đồn Biên phòng Mường Ải đã liên hệ với một xe công trình để gửi phóng viên ra trước, còn xe máy 1 tuần sau khi đường thông, đồn đã cử cán bộ đưa ra giao lại cho Huyện ủy Kỳ Sơn.
Lần thứ hai, khi chúng tôi liên hệ vào tác nghiệp ở Mường Ải, Đồn trưởng Phan Hưng liền nhắn nhủ: “Hai nhà báo đến thị trấn thì ở yên đấy nhé, sẽ có người đón” và cử 2 cán bộ đi xe máy ra chở chúng tôi vào...
PV Hoài Thu phỏng vấn người dân tham gia bảo vệ biên giới. Ảnh: KL
Lần khác, chúng tôi có chuyến hành trình tuần tra đường biên cột mốc với Đồn Biên phòng Nhôn Mai. Trước khi khởi hành chúng tôi được trang bị đầy đủ mũ, tất, quần áo rằn ri, dép rọ để chống muỗi vắt, cả lương khô và nước uống. Mới đầu tôi và đồng nghiệp khá hào hứng, ấy thế nhưng, đến gần trưa mọi chuyện trở nên khó khăn hơn khi trời đổ mưa và những cung đường xuyên rừng có nhiều chỗ biến thành những vũng bùn lầy lội, đôi dép rọ bộ đội quá cỡ mặc dù đã được thít cho vừa chân nhưng khi gặp bùn nhão trở nên không chịu nghe lời. Dẫm chân xuống, nhấc lên là dép cắm chắc dưới bùn. Trời mưa mà mồ hôi chúng tôi cứ vã ra như tắm.
Phút nghỉ chân của PV Báo Nghệ An (ở giữa) trên đường tuần tra đường biên, cột mốc với Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Tương Dương). Ảnh tư liệu
Cuối cùng với sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nhôn Mai thì chúng tôi cũng tới được đích cần tới và trở về an toàn. Chưa kịp mừng vì kết thúc chuyến hành trình vất vả thì cô bạn đồng nghiệp đã hét lên và chỉ cho tôi thấy dòng máu tươi đang chảy ròng ròng trên bắp chân “có lẽ bị vắt rừng cắn rồi”.
Đúng lúc mất điện, trời tối như mực, hai chị em run rẩy bật đèn điện thoại ra soi, may mắn con vắt rừng sau khi “ăn no” có lẽ đã rớt xuống ở đâu đó. Sau khi được Quân y Biên phòng xử lý và trấn an thì chúng tôi đã bình tĩnh hơn. Sau này, đi tác nghiệp ở địa bàn biên giới bị vắt rừng và ruồi vàng cắn thêm mấy lần nữa, có khi chân sưng cả tháng vì độc thịt nhưng chúng tôi đã quen hơn…
Phóng viên Báo Nghệ An (áo trắng) thăm cơ sở cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Tam Quang (Tương Dương). Ảnh. H.T
Không thể kể hết những kỷ niệm về những chuyến đi rừng, đi bản xa với lực lượng biên phòng, chỉ biết càng đi càng thấy trân quý những người lính nơi biên cương Tổ quốc. Giờ mỗi khi ngồi sau “ngựa sắt” của biên phòng đi trên những cung đường cheo leo, chúng tôi đã thuộc câu cẩm nang “có ngã thì ngã về cùng một phía nhé!”. Nói thế thôi chứ dù đường đi có khó khăn, vất vả, họ cũng cố gắng vững tay lái để các nữ nhà báo ít phải đi bộ, leo dốc nhất có thể.
Tai nạn ngoài ý muốn
Trong những chuyến hành trình tác nghiệp miền Tây với địa hình hiểm trở, phóng viên chúng tôi luôn ý thức việc “đảm bảo an toàn”, nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi những tai nạn ngoài ý muốn.
Phóng viên Báo Nghệ An chụp ảnh cùng phụ nữ Mông ở Nậm Cắn, Kỳ Sơn. Ảnh: PV
Với tôi có lẽ đáng nhớ nhất là cú trượt ngã gãy chân trong một chuyến tác nghiệp trên rẫy gừng của người Mông ở xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Nghĩ đơn giản là bị trật khớp hoặc bong gân nên sáng hôm sau, đồng nghiệp gọi xe đưa tôi về Vinh. Đến bệnh viện kiểm tra thì mới biết bị gãy xương bàn nền, phải bó bột nên suốt mấy tháng trời phải di chuyển bằng nạng.
PV Báo Nghệ An tác nghiệp ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: PV
Thời gian ấy, ngoài nhận được sự động viên, chia sẻ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, thỉnh thoảng lại nhận được sự hỏi thăm của cán bộ, người dân miền núi mà tôi đã gặp: Chân nhà báo đã khỏi chưa? Bao giờ khỏi hẳn lại lên thăm đồng bào ta nhé!. Có người còn gửi lá thuốc của đồng bào tới tận nhà để “nhà báo hơ nóng đắp cho mau liền xương sau khi tháo bột”.
Những tình cảm ấm áp ấy khiến phóng viên chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục những chuyến đi đến với miền Tây, để lắng nghe, cảm nhận, thấu hiểu và chia sẻ.
Chiếc bánh sinh nhật bất ngờ!
Những ngày cuối tháng 4 năm 2021, tôi và đồng nghiệp có chuyến tác nghiệp ở xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong để triển khai chuyên đề đảng viên biên phòng giúp đỡ hộ gia đình khu vực biên giới và phản ánh về tiến độ dự án tái định cư cho 33 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở ở 2 bản Mường Phú, Mường Piệt. Chuyến đi đúng vào dịp sinh nhật đồng nghiệp của tôi. Vì đã nhiều lần tác nghiệp ở xã Thông Thụ nên chúng tôi khá thân quen với cán bộ, công chức xã ở xã biên giới này.
Tối hôm ấy, chúng tôi được mời đến nhà một người dân trong xã chơi, khi đến nơi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy chiếc bánh sinh nhật nhỏ xinh cùng với những ngọn nến lung linh. Chị Lương Thị Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Thông Thụ cười: “Hôm nay biết sinh nhật nhà báo nên cán bộ Đồn Biên phòng Thông Thụ và xã muốn tạo bất ngờ nho nhỏ đấy. Bánh này do người dân trên địa bàn tự làm, xã Thông Thụ hôm nay đã có nhiều đổi mới rồi...”.
Chỉ là một chiếc bánh nhỏ với những lời chúc mộc mạc nhưng đồng nghiệp của tôi thật sự xúc động, cô ấy chia sẻ đó là sinh nhật đáng nhớ nhất trong đời mình. Bởi nó chứa đựng nhiều ân tình dành cho phóng viên báo Đảng.
Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp ở huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu
Hơn 15 năm theo nghề báo, trải qua nhiều cuộc hành trình ở khắp các vùng, miền, thế nhưng, những chuyến tác nghiệp ở miền Tây xứ Nghệ luôn đem lại cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc và kỷ niệm khó quên.