Truyền thống gia đình
Ông Tôn Quang Phiệt (1900 - 1973) và bà Tôn Thị Quế (1902 - 1992) sinh ra ở làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Quê gốc của ông bà ở làng Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Gia đình có truyền thống Nho học lâu đời. Ông nội là Tôn Đức Tiến (1794 - 1877), hiệu Lỗ Xuyên, ba lần đỗ Tú tài. Cụ có 5 con trai thì 4 người đậu Cử nhân, 1 người đỗ Tú tài. Cụ làm nghề dạy học, có hai học trò đỗ Tiến sĩ là Phan Sỹ Thục và Nguyễn Tài Tuyển. Thân phụ của ông Tôn Quang Phiệt là cụ Tôn Thúc Định (1870 - 1926), đậu Tú tài khoa Canh Tý (1900), ở nhà làm nghề dạy học.
Đình Võ Liệt thuộc xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh tư liệu: Huy Thư
Dòng họ Tôn (ở Võ Liệt) rất coi trọng truyền thống gia phong, gia đạo. Cụ Lỗ Xuyên dạy con cháu: "Họ Tôn là một dòng họ có lối sống thuần phác, đạo đức, nên phải coi việc giữ gia phong đạo lý của mình như ăn cơm bữa hàng ngày. Đời sau sinh con phải lấy việc nhân đức làm đầu. Trong cuộc sống, nên thật thà, liêm khiết và giản dị. Những người trong dòng họ khi đang làm việc nước đến khi về hưu nên làm một trong hai nghề: một là làm thầy thuốc để cứu người; hai là làm nghề giáo để dạy chữ cho người". (Hồi ký Tôn Quang Phiệt).
Chính khách, học giả Tôn Quang Phiệt
Hồi nhỏ ông Tôn Quang Phiệt học chữ Hán với cha. Năm 12 tuổi được đi xem thi hương. Năm 15 tuổi, ông đi thi hạch và học ở Trường Đốc học Vinh; học Pháp văn ở huyện và ở Vinh. Năm 1917, ông học Trường Quốc học Vinh. Năm 1923, ông ra Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1925, ông cùng những người yêu nước đương thời như: Đặng Thai Mai, Phạm Thiều... sáng lập tổ chức Việt Nam Nghĩa đoàn, tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu.
Ngày 14 tháng 7 năm 1925, người thanh niên Tôn Quang Phiệt đã cùng Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên, Trần Đình Thanh, Trần Phú, Ngô Đức Diễn nhóm họp tại rú Con Mèo (Bến Thủy - Vinh) chính thức thành lập Hội Phục Việt. Tôn Quang Phiệt là hội trưởng.
Sau khi tổ chức vận động đòi thả cụ Phan Bội Châu và truy điệu cụ Phan Chu Trinh (3/1926), để tránh bị lộ, Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam. Tiếp đó, để chuẩn bị cho việc sáp nhập với Hội Thanh Niên, đầu năm 1927, Hội lại đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng. Giữa năm 1927, lại đổi tên thành Việt Nam cách mạng đồng chí Hội. Ngày 14/7/1928, Việt Nam cách mạng đồng chí Hội tổ chức đại hội tại Huế và đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt). Do sự phân hóa trong nội bộ, tháng 9/1929, phái tả của Đảng Tân Việt đã ra tuyên cáo giải tán và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Ông Tôn Quang Phiệt. Ảnh tư liệu
Tháng 6 năm 1926, khi cùng các đồng chí Trần Phú, Vương Thúc Oánh… sang Trung Quốc gặp các nhân vật trong tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng thì đồng chí Tôn Quang Phiệt bị Pháp bắt ở Móng Cái, sau đó bị đem về giam tại Hà Nội. Sau một thời gian, ông được trả tự do, tiếp tục bí mật hoạt động và dạy tại Trường tư thục Thăng Long.
Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng lại bị bắt và bị kết án tù 7 năm, đày đi Buôn Ma Thuột. Năm 1934, ra tù, ông dạy học ở Vinh một thời gian rồi vào Huế xin mở trường tư thục Thuận Hóa và bắt liên lạc với phong trào cách mạng. Từ 1936-1945, ông tham gia Mặt trận Dân chủ, phong trào Đông Dương đại hội, tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ và sau đó hoạt động trong Thành bộ Việt Minh Nguyễn Tri Phương (mật danh Thừa Thiên Huế).
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban Kháng chiến đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên.
Năm 1946, tại quê nhà Nghệ An, ông Tôn Quang Phiệt ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa 1 (2/3/1946) ông được bầu vào Ủy ban dự thảo Hiến pháp; Kỳ họp thứ Hai (28/10 - 9/11/1946), ông được bầu làm Phó Ban Thường trực Quốc hội và Phó Ban Thường vụ Quốc hội, là Trưởng Tiểu ban pháp chế Quốc hội.
Ông tiếp tục được bầu là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV; là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III, IV.
Ông Tôn Quang Phiệt không chỉ là chính khách nổi tiếng mà còn là một nhà nghiên cứu Văn học, Sử học, là nhà văn có nhiều thành tựu. Từ năm 1953, ông là thành viên ban lãnh đạo của Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa trực thuộc Trung ương Đảng.
Bà Tôn Thị Quế một đời với cách mạng
Bà Tôn Thị Quế là em gái ông Tôn Quang Phiệt. Thuở nhỏ bà còn có tên là Tôn Thị Em, sinh ngày 10/8/1902 (theo hồ sơ mật thám Pháp, bà sinh 1906). Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống học hành và yêu nước, được học chữ Quốc ngữ, lại được tiếp xúc với nhiều bạn bè của cha và anh nên bà sớm có tinh thần yêu nước và có ý chí hoạt động cách mạng.
Đầu năm 1926, được sự dẫn dắt của anh trai, bà Tôn Thị Quế gia nhập Hội Hưng Nam, sau lại được kết nạp vào Đảng Tân Việt (7/1928).
Đầu năm 1929, bà được bầu vào Ban Chấp hành Đảng Tân Việt huyện bộ Thanh Chương. Nhưng chồng con bà không may bị chết. Lúc này ông Tôn Quang Phiệt là lãnh đạo của Tổng bộ Tân Việt Bắc Kỳ, vừa học xong chương trình của Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương nhưng cáo ốm không thi để dành thời gian và tâm huyết cho hoạt động cách mạng. Để cả hai anh em có điều kiện hoạt động, Tổng bộ Đảng Tân Việt bố trí bà Tôn Thị Quế ra Hà Nội giúp việc cho Kỳ bộ Đảng Tân Việt ở Bắc Kỳ.
Bà Tôn Thị Quế. Ảnh tư liệu
Bà Tôn Thị Quế ra Hà Nội được một thời gian thì Kỳ bộ Đảng Tân Việt Bắc Kỳ bị khủng bố. Hai anh em về Vinh thì ông Tôn Quang Phiệt bị bắt. Bà Tôn Thị Quế tìm cách bắt liên lạc với tổ chức. Lúc này, Đảng Tân Việt đã chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và Đông Dương Cộng sản Đảng đang xây dựng tổ chức ở Nghệ An. Sau khi hợp nhất 3 tổ chức cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Tôn Thị Quế đã trở thành đảng viên của Đảng.
Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), bà tham gia lãnh đạo phong trào ở xã Võ Liệt và các huyện: Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Yên Thành…
Cuối tháng 11/1931, bà Tôn Thị Quế được bổ sung vào BCH Tỉnh ủy Nghệ An phụ trách tuyên truyền và huấn luyện.
Ngày 4/4/1932, bà bị bắt ở Nam Đàn và giam ở Nhà lao Vinh, bị kết án 20 năm tù. Năm 1941 thực dân Pháp chuyển và vào Nhà lao Nha Trang.
Tháng 4/1945, bà được trả tự do, bà trở về Nghệ An tiếp tục hoạt động.
Cách mạng Tháng Tám thành công, bà Tôn Thị Quế ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I tại Nghệ An.
Từ năm 1946, bà là Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Liên khu IV. Năm 1960, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tiếp tục được bầu là đại biểu Quốc hội khóa II (1960 - 1964) và được cử tham gia lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Một gia đình, hai anh em, hai nhà cách mạng, hai đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và cùng trúng cử ở tỉnh nhà là điều hiếm, chưa từng có và rất đáng tự hào của quê hương Nghệ An.