Những dấu mốc qua các thời kỳ
Ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL về việc thành lập Nha Dân tộc thiểu số.
Ngày 3/11/1946, tại làng Yên Dũng Thượng (nay là phường Hưng Dũng), thành phố Vinh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ III khai mạc. Đại hội quyết định thành lập “Ty Quốc dân thiểu số” để giúp Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh chỉ đạo các huyện miền núi và lo việc “Tổ chức, giáo dục tư tưởng và mưu lợi ích cho đồng bào các dân tộc ít người”. Như vậy, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc thiểu số.
Hội nghị tổng kết công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2020. Ảnh tư liệu: Đào Tuấn
Giai đoạn 1954 - 1975 Ty Quốc dân thiểu số được đổi thành nhiều tên gọi như:
Tiểu ban dân tộc Tỉnh ủy, Ban Dân tộc Ủy ban (1955-1959); Ban Chỉ đạo miền Tây (1959 - 1968); Ban Dân tộc (1968 - 1975).
Sau năm 1975, nhằm phù hợp với chức năng nhiệm vụ theo từng thời kỳ Cơ quan công tác Dân tộc tỉnh Nghệ An đã nhiều lần tiến hành đổi tên:
- Giai đoạn 1976 - 1985: Ban Miền núi;
- Giai đoạn 1985 - 1992: Ban Dân tộc;
- Giai đoạn 1992 - 2004: Ban Dân tộc và Miền núi
- Giai đoạn 2004 - nay: Ban Dân tộc.
Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 16.487 km2; trong đó, diện tích vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số là 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi. Nghệ An hiện có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là: Thái (338.559 người), Thổ (71.420 người), Khơ Mú (43.139 người), Mông (33.957 người), Ơ Đu (411 người). Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản, trong đó có 106 xã thuộc khu vực 3, 100 xã khu vực 2 và 46 xã khu vực 1; 1.182 thôn bản đặc biệt khó khăn.
Đường vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Sách Nguyễn
Một vùng đất giàu tiềm năng
Khu vực miền Tây Nghệ An chiếm đến 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đây là nơi sinh sống, lao động, sản xuất chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta. Với diện tích rừng rộng lớn và đa dạng, miền Tây Nghệ An đang sở hữu khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng bậc nhất của khu vực và trên thế giới.
Nói đến thế mạnh của miền Tây Nghệ An còn là nói đến nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Trên khu vực này có 113 vùng mỏ lớn và 171 điểm quặng, nhiều khoáng sản quý như: vàng, thiếc, man - gan,… Khu vực miền núi còn có hệ thống sông, suối dày đặc, có những đặc trưng riêng về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai và những cây, con đặc hữu... là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế từ công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp...
Miền Tây Nghệ An còn là nơi có sự đa dạng về văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hóa của những cộng đồng dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi cũng được xem là một dạng tài nguyên phi vật thể, đó chính là di sản tinh thần, nhân văn mà không phải ở đâu cũng có được. Bên cạnh đó, theo thống kê chưa đầy đủ vùng này có khoảng 800 di tích, danh thắng và trên 1.000 di vật, cổ vật, hàng trăm hang động, di chỉ khảo cổ, điểm đến văn hóa tâm linh, lễ hội… Đây là những yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh thông qua phát triển các loại hình, dịch vụ, du lịch sinh thái thân thiện với môi trường.
Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Nhiều chính sách thay đổi miền Tây và vùng đồng bào DTTS
Triển khai các chương trình, hoạt động của ngành Công tác dân tộc vào khu vực miền Tây và vùng đồng bào các DTTS là cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tác động tích cực để thay đổi, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu đưa miền núi theo kịp miền xuôi.
Tỷ lệ hộ nghèo của 11 huyện miền núi giảm từ 36.19% (năm 2010) và nay còn 11,12%. Đến năm 2020 có 121/252 xã đạt chuẩn nông thôn mới, và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 100% xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã.
Sau hơn 5 năm (2015 - 2020), thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng vùng miền Tây bằng các nguồn lực đầu tư từ Chương trình 135, Chương trình 30a, Nông thôn mới... và các nguồn lực khác đã tạo ra chuyển biến quan trọng. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng; hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư; hệ thống lưới điện được tiếp tục đầu tư nâng cấp; các công trình y tế được cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang hơn...
Mô hình trồng nghệ trên núi của nông dân bản Phà Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: Đ.T
Công tác giáo dục và đào tạo, y tế vùng miền Tây có nhiều tiến bộ rõ rệt. Cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS cũng được nâng lên rõ rệt. Hiệu quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã đem lại những chuyển biến tích cực, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, hướng tới nếp sống văn minh.
Tính đến nay, Trung ương ban hành 118 chính sách trực tiếp và gián tiếp được triển khai trên địa bàn toàn quốc; nhiều chính sách tỉnh Nghệ An đã thực hiện có hiệu quả. Từ chỗ chính sách cho vùng miền Tây chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp cho người dân chuyển sang chính sách vừa đầu tư phát triển vừa hỗ trợ trực tiếp. Giai đoạn 2015 -2021 đã tập trung vào giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc, tạo đà cho khu vực này phát triển...
Cần đổi mới để tạo đột phá
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù đã đời sống vùng đồng bào DTTS đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng so với mặt bằng chung của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, người dân chưa tạo được thu nhập ổn định, sinh kế chưa bền vững. Đồng bào DTTS sinh sống ở những vùng có diện tích rừng lớn nhưng chưa có được thu nhập ổn định từ rừng, nhất là những vùng có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Y tế, giáo dục đã có bước phát triển, nhưng chất lượng còn hạn chế. Văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một, nhất là chữ viết, tiếng nói, trang phục.
Bên cạnh đó, nguồn lao động miền Tây Nghệ An cũng đang là vấn đề nan giải đối với động lực phát triển của khu vực. Lao động trình độ còn thấp, không đồng đều.
Mở đường vào miền Tây Nghệ An (Quốc lộ 16). Ảnh: ĐT
Để công tác dân tộc phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống của vùng đồng bào miền Tây Nghệ An, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ yên biên giới cần thực hiện nhiều giải pháp căn cơ và đồng bộ.
Trước hết là tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt tập trung thực hiện Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 222-KH/TU ngày 20/12/2019 của Tỉnh ủy Nghệ An về tiếp tục thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc, qua đó thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS
Chú trọng công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ; tiếp tục thực hiện Chương trình bồi dưỡng kiến thức DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn trao Giấy khen của Ban Dân tộc cho 7 tập thể. Ảnh tư liệu: Đ.T
Để kinh tế - xã hội khu vực miền Tây Nghệ An phát triển vững mạnh như kỳ vọng, phải đặt trong tổng thể phát triển của tỉnh, của khu vực, của quốc gia nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang chuyển biến mạnh mẽ. Xác định những lĩnh vực có lợi thế so sánh của miền Tây Nghệ An với các địa phương khác, tỉnh khác để kêu gọi, thu hút đầu tư. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chế biến với các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Cần xây dựng chương trình phát triển dài hạn cho miền Tây Nghệ An với mô hình mới phát triển nền kinh tế xanh; chú trọng phát triển kinh tế di sản nhằm khai thác, phát huy các giá trị truyền thống, giá trị tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Tăng cường vận động nhân dân đổi mới tư duy theo hướng phát triển dịch vụ, sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế so sánh. Đặc biệt, thường xuyên chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc; phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của mỗi dân tộc đồng thời tạo không gian phát triển chung cho các cộng đồng thiểu số. Đây là những vấn đề có tính then chốt để công tác dân tộc phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân khu vực miền Tây không ngừng được nâng lên.