BÌNH AN TRONG TÂM HỒN
Đó là một người đàn ông đặc biệt. Đặc biệt bởi ông luôn mang đến nhiều sự bất ngờ cho những người đã từng gặp gỡ và tìm hiểu về cuộc đời lắm thăng trầm của ông. Những thăng trầm đó bắt đầu từ một tai nạn vào năm 1964, lúc đó Hồ Sỹ Giáp tròn 10 tuổi. Trong một lần đi chăn trâu với bạn, không may ông bị ngã từ lưng trâu khiến cho vùng não và cột sống bị chấn thương nặng. 3 năm tiếp theo là quãng thời gian ông cùng gia đình phải vào ra nhiều bệnh viện để chiến đấu giành lại sự sống. Thương con, gia đình nghèo phải vay mượn đưa ông đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sỹ.
Ông Hồ Sỹ Giáp. Ảnh: Thanh Quỳnh
Hồ Sỹ Giáp phải chấp nhận sự thật rằng, mình sẽ sống quãng đời còn lại với di chứng liệt toàn thân, chỉ còn đôi bàn tay có thể cử động một cách yếu ớt. Phải bỏ dở việc học hành, mọi sinh hoạt thường ngày đều trở nên khó khăn, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân đã khiến cho cuộc sống trở thành chuỗi ngày bế tắc. Thế giới của ông giờ đây chỉ còn thu hẹp trên chiếc giường nhỏ.
Khi những cơn đau bắt đầu vơi bớt, ông đã mượn sách, vở của các bạn để tự học ở nhà. Tình yêu với sự học ngày càng lớn dần khi ông được những thầy giáo trong xóm làng tặng thêm nhiều sách vở. Nhờ năng khiếu bẩm sinh và lòng say mê với đặc biệt với môn Văn, ông thường tìm tòi, sưu tập những câu ca dao, tục ngữ và các tác phẩm văn học dân gian. Rồi ông bắt đầu sáng tác những bài thơ đầu tiên khi bước sang tuổi 15 trước con mắt ngạc nhiên của mọi người. Những bài thơ của Hồ Sỹ Giáp bắt đầu được lũ trẻ trong làng đem ra đọc thuộc lòng. Sau này nhiều người trong các buổi sinh hoạt của xóm làng cũng thích thú đọc những bài thơ ấy.
Khi đến tuổi trưởng thành, vì nhà nghèo, là con trai thứ 2 trong gia đình 7 anh em, nên ông bắt đầu học cách kiếm tiền để có thêm kinh phí mua sách vở tự học. Bằng nghị lực phi thường, ông tự mày mò, tìm hiểu nghề đan lát như làm rổ, rá, nơm rồi nhờ mẹ đưa lên chợ bán. Thời điểm đó, nhiều người đã tự hỏi, làm sao một người bị bại liệt lại có thể làm ra những sản phẩm chỉn chu như vậy. Ông thật thà chia sẻ: “Người ta có chân để dẫm lên sợi tre để đan, mình không có chân thì lấy bàn cờ và đá đè lên thay chân. Tất cả những phần việc còn lại chỉ phụ thuộc vào đôi bàn tay. Có những khi vì làm việc liên tục, tay bị co rút khiến mình trào nước mắt nhưng phải vượt qua để bản thân không trở thành gánh nặng cơm áo gạo tiền cho bố mẹ”.
Bà Nguyễn Thị Hoa - em dâu, là người trực tiếp chăm sóc ông Giáp bên chiếc thúng do ông Hồ Sỹ Giáp đan cách đây 20 năm. Ảnh: Thanh Quỳnh
"Có những khi vì làm việc liên tục, tay bị co rút khiến mình trào nước mắt nhưng phải vượt qua để bản thân không trở thành gánh nặng cơm áo gạo tiền cho bố mẹ”.
Ông Hồ Sỹ Giáp
Những lúc đó, động lực giúp ông vượt qua được những khốn khó ấy là câu nói của Thiền sư Viên Minh rằng: “Không có sự bình yên trong cuộc đời, chỉ có sự bình an trong tâm hồn ta”. Và đó là chân lý sống theo ông cho đến tận bây giờ.
ĐỜI VẪN ĐẸP SAO
Khi bố mẹ qua đời, ông được người em trai là Hồ Sỹ Tuất chăm sóc. Thương anh trai mình, ông Tuất đã mua cho ông một chiếc máy tính và hòa mạng để ông có thể “bầu bạn” cho đỡ buồn những khi nằm ở nhà một mình. Từ đây, một thế giới mới đã mở ra trước mắt ông. Ông bắt đầu cặm cụi gõ từng dòng thơ mà mình đã sáng tác cũng như nỗi niềm của bản thân. Qua những sáng tác chất lượng, ông được mời tham gia các hội thơ trên mạng, được quen biết và được đọc thơ của nhiều người nên ngày càng tiến bộ.
Giấy chứng nhận đạt giải Nhì cuộc thi "Tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Trung Quốc "do Đài Phát thanh Bắc Kinh tổ chức vào năm 1991 được gửi về từ Bắc Kinh của ông Giáp.
Cuộc đời của ông thật sự biến đổi kể từ khi đạt giải Nhì cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Trung Quốc” do Đài Phát thanh Bắc Kinh tổ chức vào năm 1991. Nhờ hiểu sâu những điển tích, điển cố liên quan đến lịch sử, văn hóa Trung Quốc và những tác phẩm kinh điển của văn học nước này, ông đã thể hiện xuất sắc bài thi của mình. Biết tin ông đạt giải cao, bà con trong vùng ai cũng mừng cho ông và dành thêm nhiều nguồn sách và tư liệu để tặng ông nghiên cứu. Giấy chứng nhận và cúp đạt giải hiện vẫn được gia đình ông gìn giữ, trân trọng để động viên, cổ vũ niềm đam mê học tập cho cả con cháu.
Bằng lao động bền bỉ, đến nay kho “tài sản” tinh thần lên tới hơn 3 nghìn bài thơ. 300 bài trong số đó đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn trân trọng xuất bản thành một tập thơ và được phát hành rộng rãi vào cuối năm 2020. Với nhiều tác phẩm xuất sắc viết về tình yêu quê hương, tình yêu cuộc sống và những khao khát yêu thương, tận hiến, tập thơ đã chạm đến cảm xúc của rất nhiều người yêu thơ. Từ đây, ông đã quen biết và trao truyền tình yêu cuộc sống đến nhiều người khuyết tật mà ông quen biết.
Ảnh bìa tập thơ của ông Hồ Sỹ Giáp.
Như lời tựa của Ban Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã viết về ông rằng: “Bằng nghị lực phi thường, ông đã viết nên câu chuyện cuộc đời theo cách riêng và trở thành thứ ánh sáng đặc biệt giúp những người kém may mắn tìm thấy động lực sống. Và cũng như ông, họ sẽ vượt lên nghịch cảnh bằng trái tim thiết tha yêu đời giống như hai câu thơ trong bài “Đời vẫn đẹp sao” mà ông đã viết: “Lòng người rộn rã bao điều mới/ Sướng khổ nhưng đời vẫn đẹp sao…”.