Tháng Năm về, trên đất Nghệ quê hương, lắng nghe nhịp bước đi của đất nước, chúng ta càng nhớ Bác, nhớ những hình ảnh của Bác với nông dân, những tình cảm và những tôn vinh đẹp đẽ của Bác về Nông dân – Những người đầu tiên khai phá và dựng nên hình hài đất nước hôm nay.
Thế nhưng, hơn lúc nào hết, nông dân, đất đai, nông nghiệp và nông thôn lại đang rộ lên nhiều vấn đề nóng bỏng. Bên cạnh Chương trình xây dựng Nông thôn mới đang triển khai khá rầm rộ khắp cả nước, chưa có bao giờ dưới chính thể Việt nam Dân chủ Cộng Hòa/Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại có nhiều mâu thuẫn, nhiều xung đột, nhiều vụ khiếu kiện của nông dân như hiện nay. Theo số liệu của cơ quan Thanh tra Chính phủ thì đất đai chiếm đến 70% số đơn khiếu kiện. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) đã làm nóng tình hình chính trị - xã hội không chỉ ở các địa phương này mà là cả nước. Trong lúc đó, cho đến hiện nay vẫn còn 528 vụ (chiếm khoảng 1/3 số vụ việc) khiếu kiện kéo dài về đất đai vẫn chưa được giải quyết. Về nguyên nhân các vụ khiếu kiện, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định: “Có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bồi thường và giá thị trường hoặc giá bán của nhà đầu tư bán, chuyển nhượng lại cho người khác nên người dân không nhất trí với phương án bồi thường”. Các nhà quản lý, các nhà khoa học đang có nhiều trao đổi rộng rãi và sôi nổi về nguyên nhân sâu xa của tình trạng này. Chưa có kết luận nào được khẳng định với một sự đồng thuận cao bởi các lập luận khoa học và chứng cơ thực tiễn nhưng có một thực tế là có một bộ phận không nhỏ nông dân không còn đất đai để sản xuất, đang bị bần cùng hóa và chưa thể hòa nhập vào công cuộc đô thị hóa quá nóng như hiện nay. Nếu không nói đến nhu cầu đất cho các công trình an ninh - quốc phòng quốc gia, các công trình phát triển kinh tế lớn của nhà nước, các công trình phúc lợi… thì rất nhiều đất đã rơi vào tay một bộ phận các nhà đầu tư, các thương gia. Họ đã trở thành địa chủ thời mới. Lợi dụng luật pháp, chính sách, cơ chế quản lý đất đai lỏng lẻo, lạc hậu của Nhà nước, các nhà tư bản đã “tích lũy” một cách rất dễ dàng và có lúc “thuận lợi” đến khó hiểu?!. Dù muốn hay không, sự liên hệ của các “địa chủ mới” với một số cán bộ thoái hóa biến chất là điều có thật ở một số dự án, gây thiệt hại cho nông dân và làm cho xã hội bất bình, bất an.
Không phải ngẫu nhiên, trên bìa số tạp chí kỳ này, chúng tôi in ảnh tư liệu về Bác Hồ với nông dân. Bây giờ là Tháng Năm, tháng kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Tháng mà trước lúc đi xa Bác đã cho ban hành Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp, rồi Bác dặn phải có Ngày Nông dân; Và trong Di chúc để lại, Bác dăn phải miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân sau ngày kháng chiến thắng lợi.
Điều mà chúng ta cần phải nhớ là Bác Hồ luôn đánh giá cao và tôn trọng vai trò của giai cấp nông dân. Người khẳng định nông dân là lực lượng đông đảo nhất của phong trào dân tộc, là cơ sở cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong Sách lược cách mạng của Đảng, Bác viết: “ Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến.”
Bác cũng đã từng khẳng định: “Trải qua các thời kỳ, Đảng ta đã nắm vững và giải quyết đúng đắn vấn đề nông dân, củng cố được liên minh công nông. Đảng ta đấu tranh chống những xu hướng “hữu khuynh” và “tả khuynh” đánh giá thấp vai trò của nông dân là quân chủ lực của cách mạng, là bạn đồng minh chủ yếu và tin cậy nhất của giai cấp công nhân, là lực lượng cơ bản cùng với giai cấp công nhân xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đã có những lúc Đảng ta, Nhà nước ta nhận thức và giải quyết sai về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, điển hình là Cải cách ruộng đất năm năm 1954 – 1955. Nhưng Đảng ta đã kịp thời nhận ra sai lầm, và sửa chữa. Nếu không có Sửa sai sau cải cách ruộng đất chắc hẳn tình hình chính trị - kinh tế và xã hội nước ta những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc sẽ khó khăn gấp nhiều lần như chúng ta đã biết. Có lẽ, đó vẫn là một bài học lớn cho hôm nay.
Dù có công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa đến mức độ đi chăng nữa nào thì cũng đừng bao giờ quên rằng tổ tiên của chúng ta là nông dân, đất nước này vẫn đang còn đến hơn 70% nông dân, cái không gian văn hóa mà các nhà tư bản và địa chủ “mới” đang tồn tại vẫn là văn Hóa Việt Nam, văn hóa do những người nông dân và các trí thức tinh hoa của họ sáng tạo, tích lũy và gìn giữ mà nên.
Tháng Năm này, và chắc là mãi mãi, Sen làng Kim Liên quê Bác vẫn tỏa hương. Hương ấy là tinh túy rút ra từ lòng đất Kim Liên, từ mồ hôi bàn tay chăm sóc của người Nông Dân Kim Liên - Nông Dân Việt nam.
Theo tạp chí Văn hóa Nghệ An
|