Cửa vào Đoạn trường tân thanh
[Thanh Tâm Tuyền]
Có người hỏi ta rằng: Thuý Kiều có phải là người thật hay không? Ta đáp rằng: Không biết. Người ta lại hỏi rằng: Thế thì làm sao mà lại có truyện Thuý Kiều? Ta đáp lại rằng:
Từ lúc mờ mịt chưa có gì, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi, có tứ tượng, rồi tự nhiên biến hoá không ai dò được manh mối tự đâu. Trong khoảng ấy có rét, có nóng, có âm, có dương, lúc sinh ra, lúc mòn đi, lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào giữ mãi được mực thường. Đã không giữ được mực thường thì tất có cuộc biến. Vì thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc năm sáu mươi năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường, thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố ở tình cảm ắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượn đến bút mực để chép ra, như những truyện anh hùng, truyện phong tình, truyện trung thần, liệt nữ, truyện đạo sĩ ni cô, chẳng qua là mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh ngộ lịch duyệt của bản thân mà thôi. Truyện Thuý Kiều có lẽ cũng là một thứ sách như thế cả.
Phong Tuyết, Chủ nhân Thập Thanh Thị:
… nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời thì tài nào có cái bút lực ấy.
Tiên Phong, Mộng Liên Đường chủ nhân:
Giữa những đêm tối vô cùng, sự thao thức kiếm tìm giấc ngủ bình yên dìm đắm ý thức vào một luồng chập chờn hư vô bất tận. Chợt trong khoảnh khắc nào đó, con mắt bỗng nhận ra đang nhìn đêm tối; như tia chớp lòe lên, ý thức bỗng sáng rõ nhìn suốt thấy mình. Đó là lúc ngoại giới tan biến mất, chỉ còn ý thức đối diện với chính nó theo một nhịp quằn quại triền miên, đó là lúc ý thức muốn nhận định hình dáng của chính nó trong tự thân không chịu để mất mình ở ngoại giới; đó là lúc đau đớn nhất của ý thức, cưỡng lại sức cuốn hút của ngoại giới nó tự giam mình vào nỗi cô quạnh chỉ ở nó.
Nỗi cô quạnh hãi hùng đầy ý thức vào thật sâu trong nó, trở ngược về quá khứ, gặp lại cái dòng sống đã trôi qua, cái dòng sống đã từng hiện hữu, lối giải thoát độc nhất và nguy hiểm cho ý thức. Độc nhất vì hiện tại lúc này cũng chập chờn và tù túng như ý thức, nguy hiểm vì có thể quá khứ là một vật không hồn chết cứng mà ý thức chỉ lởn vởn xung quanh than khóc thương tiếc. Phút linh diệu bắt đầu khi ý thức mở được cửa quá khứ thoát ra cùng ngoại giới trông suốt trong một cái nhìn cả cuộc đời huyền bí: Ý thức nhập thể vào tác phẩm. Một tác phẩm chỉ làm bằng những cái đã qua, không làm bằng những cái sắp tới.
Mộng Liên Đường chủ nhân đã viết: Người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, cũng chỉ là một – Giải thoát cái ý thức tù túng, Nguyễn Du đã trở ngược quá khứ gặp nàng Kiều, mở cửa nhìn ra đời bằng Đoạn trường tân thanh; chúng ta tìm về Nguyễn Du nơi tác phẩm của người cũng bằng con đường ấy: con đường độc đạo của nghệ thuật.
*
Thiên tài vốn dĩ là cô đơn. Phải hiểu nghĩa câu ấy cho chân xác. Đó không phải là sự cô đơn tầm thường khoảnh khắc, sự cô đơn của kẻ bỗng chốc thấy mình chia lìa cùng cuộc đời. Cái ý thức quằn quại giây lát là những phút cô đơn của người đời, khi nó trở vào sâu tìm kiếm hình dáng một cách bướng bỉnh và không ra thoát là nỗi cô đơn của kẻ lạc loài, chỉ khi nào cái ý thức nhập một vào tác phẩm lúc ấy mới là nỗi cô đơn của thiên tài. Đó là nỗi cô đơn rộng lớn lắm vì ý thức đã trở về với đời và ôm lấy cuộc đời một mình, người đời buông cho ngoại vật ôm lấy ý thức, kẻ lạc loài là ý thức ôm lấy ý thức.
Cái ý thức của thiên tài không thể bảo là cô đơn theo nghĩa thông thường vì nó không là sự cách biệt tối tăm, nó là luồng sáng trong khoảng nhất định nào của cái ý thức bao trùm – ý thức thời đại – soi rọi vào đời sống. Đó là nỗi cô đơn sâu thẳm bởi thiên tài đã "nhìn thấu sáu cõi, trông suốt nghìn đời".
Cái đêm tối khi Nguyễn Du tỉnh giấc đã kéo dài ba trăm năm, cơn khủng hoảng xã hội bắt đầu từ thế kỷ XVI khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê vẫn chưa dứt. Trước Nguyễn Du, không phải là sự mê muội hoàn toàn, đã có những sự thức tỉnh không đáng kể. Ở Nguyễn Du là sự thành hình của cái ý thức đã quằn quại quá lâu. "Bất tri tam bách dư niên hậu…" tại sao Nguyễn Du lại chờ đợi tri âm ở người ba trăm năm sau, nếu không phải là người đã thương kẻ ở ba trăm năm trước? Kẻ ba trăm năm trước tại sao người ta chỉ nghĩ là một nàng Kiều ở chân trời mơ mộng nào đó mà không phải là những kiếp người đày đoạ có thật trong suốt ba trăm năm lịch sử mà Nguyễn Du đã sống? (Nguyễn Du đã sống vài chục năm trong khoảng ba trăm năm, nhưng ý thức của người đã thâu nhận, chịu đựng hết cả ba trăm năm ấy). Tiếng kêu đoạn trường này sao người ta không nghe thấy là tiếng kêu ba trăm năm? Sao người ta chỉ nghe là tiếng kêu của tâm sự cá nhân, của một thời đại ngắn ngủi bằng kiếp sống của thiên tài?
Bởi thế muốn hiểu cho nổi Nguyễn Du, người ta phải trông rõ cái ý thức trước khi nhập vào Nguyễn Du đã thế nào, người ta còn phải định lại những ý niệm cho chính xác tương ứng với những danh từ quá quen thuộc mà người ta vẫn hiểu cạn hẹp nên sai lệch khi nhắc đến Nguyễn Du. Đọc lại những bài viết về Tố Như của kẻ đồng thời, tôi thấy người ta hiểu Tố Như hơn những kẻ sinh sau.
*
Trong suốt ba trăm năm tối tăm nhất trong lịch sử, cái ý thức chỉ tỉnh được ở lúc khởi đầu và lúc tận cùng, còn lại là mê muội hoảng hốt. Khởi đầu là sự sáng suốt rất gần với Đạo của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhà thi sĩ đồng thời là tiên tri ấy trông trước được cái bước đường sắp tới của thời cuộc, nhận định rõ cơn khủng hoảng trầm trọng của lịch sử, chọn lấy cái an nhiên của đạo sĩ. Cái an nhiên trong đời sống nhất là trong thi ca của Bạch Vân sau này không thể nào tìm lại được, có thể bảo Bạch Vân tiêu biểu xứng đáng nhất cho tư tưởng của Lão tử trong văn chương của chúng ta. Không kể đến cái cốt cách lẽ đạo của Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện được là bởi người sống trong cái thế kỷ đầu tiên của thời kỳ, áp lực của ngoại giới chưa đủ sức nặng giam giữ ý thức.
Sau đó không bao giờ chúng ta còn gặp lại cái con người hồn nhiên yêu đời thảnh thơi như thế nữa:
Chín mươi thì kể xuân đà muộn,
Xuân ấy qua rồi xuân khác còn.
Cái thế kỷ XVII là một sự im lặng, lạnh lẽo, cuộc chiến tranh Nam Bắc thực sự khai diễn từ 1627 đến 1672. Mãi đến đầu thế kỷ XVIII, ý thức mới bắt đầu trở mình. Tiếng nói đầu tiên là lời ca thán: Khúc Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, tác phẩm được các danh sĩ đương thời tán tụng. Chinh phụ ngâm tuy mới là sự nhận thức khách quan một hoàn cảnh chưa có gì là bi thảm tuyệt vọng, một tác phẩm còn yên ổn lắm, nhưng nó đã báo hiệu được sự quay về của ý thức với đời sống. Chưa đi sâu vào tư tưởng triết lý nhưng cũng không đứng lại ở luân lý đạo đức, Chinh phụ ngâm chỉ là tác phẩm tự tình, nghĩa là hoàn toàn nhân đạo. Nó không chủ ngợi ca cái khí phách anh hùng của chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, cái đức hạnh gương mẫu của người chinh phụ chờ chồng, nó không là khúc anh hùng ca, nó là một khúc bi ca về thân phận của "khách má hồng" trong "cơn gió bụi". Người ta đã nghe thấy thấp thoáng đâu đây cái tiếng nói thành thật của nhân loại muốn đòi thấy hạnh phúc của mình:
Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy,
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau,
Thiếp xin chàng chớ bạc đầu,
Thiếp thì giữ mãi lấy màu trẻ trung.
Một thứ hạnh phúc gần gũi với hiện tại, hết sức tầm thường và thế tục. Tại sao lại không như thế?
Và một khi ý thức đã tỉnh dậy thì nó chỉ còn một đường là mỗi ngày mỗi vào sâu trong nó, khắc khoải hơn cho đến khi nào giải phóng được hoàn toàn. Tới Cung oán ngâm khúc, tiếng kêu đòi hạnh phúc rõ ràng hơn, thúc bách hơn, tầm thường hơn, não nùng tuyệt vọng hơn và cũng bi thảm hơn bao giờ. Ngoài ba trăm câu thơ suy nghĩ những nỗi khao khát thèm thuồng cực lực sự vuốt ve ôm ấp của hạnh phúc (ở đây các nhà đạo đức hãy ngoảnh mặt tránh xa, không phải chỗ của họ nữa) mà chỉ là hạnh phúc vật dục thôi. Sự thèm khát cuồng bạo ấy đã sinh ra một thứ nghệ thuật độc đáo: Nghệ thuật chú trọng vào cảm xúc giác quan; tác phẩm đầy dẫy người hình ảnh thô bạo, những cảm giác táo tợn vui tới độ tan hoang thần phách, buồn tới độ chết lịm thịt da:
Cung đàn, càng địch, càng mê,
Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng.
...
Giết nhau bằng cái Lưu Cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa.
Sự nhận thức của Cung oán ngâm khúc không dưng lại trong một cảnh ngộ riêng, nó muốn mở rộng bao lấy cái kiếp nhân sinh này, Cung oán ngâm khúc là một tác phẩm triết lý. Triết lý bi thảm quá mức, kiếp sống có nghĩa là khổ đau như là một lò lửa lớn, con người không còn một chút tự do nào hết và bi phẫn tới độ nếu có thể dám chống lại Định mệnh:
Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra.
Với Cung oán ngâm khúc, con người bị dồn vào thế tuyệt vọng cô độc hoàn toàn không một sự giúp đỡ, không một nguồn an ủi. Tiếng ca thán cất lên trong đêm thu lạnh lẽo, trong cung quế vắng ngắt, không bóng dáng đồng loại. Một thế giới thê lương hiu quạnh chưa từng thấy.
Có ai nghe thấy tiếng oán than ấy trong cái thế kỷ hỗn loạn mê hoảng là thế kỷ XVIII? Cái ý thức quằn quại bắt đầu thành hình ở Nguyễn Gia Thiều, cái con người đã phải giả điên ở cuối đời mình để cô đơn ôm lấy ý nghĩa của kiếp sống tìm thấy.
*
Năm 1798, Nguyễn Gia Thiều mất trong cảnh ẩn dật ở Tây Hồ. Vào lúc ấy Nguyễn Du cũng đã sống hết cuộc đời của người, cuộc đời suy nghĩ, trở về nương náu ở quê nhà. Bên dòng Lam Giang, trên đỉnh Hồng Lĩnh, trong cảnh cô đơn, cái ý thức của người sáng dần lên rực rỡ khi quay nhìn lại bao nhiêu biến cố đã trải qua, những mộng ước cùng hoài bão đã tan tành. Ba mươi tuổi đầu tóc bạc trắng, vì lo lắng phiền muộn, vì cảnh đói khổ lang thang mười năm ở đất Bắc sau cuộc Cần Vương thất bại, vì bệnh tật không thuốc thang, thân thể thì gầy mòn, tinh thần thì "đóng cửa gối cao nằm khểnh chơi, mắt xem việc đời như phù vân, lưng đeo kiếm dài trước gió thu" [1] . Có thể lấy lời của Nguyễn Gia Thiều mà chỉ Nguyễn Du – tôi coi Nguyễn Gia Thiều và Nguyễn Du đồng thời với nhau và so sánh tác phẩm của hai người để soi sáng lẫn cho nhau:
Hình thì còn bụng chết đòi nan,
...
Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,
Lớp cùng thông như đốt buồng gan.
Bệnh trần đòi đoạn tâm can,
Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da
Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê…
Có thế mới hiểu cái thái độ của Nguyễn Du khi miễn cưỡng nhận lời mời của Gia Long, cái hình bóng vất vưởng của Nguyễn Du trong sân triều nhà Nguyễn, cái lời nói cuối cùng của người khi từ biệt cõi thế. Cho nên phải nhận định trong mười năm của triều Nguyễn, người có đó mà sự thật người đã xa lìa cái thế giới ấy rồi.
Nhưng vượt hơn Nguyễn Gia Thiều, trong cuộc hành trình tìm về đời sống, ý thức của Nguyễn Du không chỉ ôm lấy cái đau khổ riêng tư để suy lý về kiếp nhân sinh trừu tượng, trong ý thức của Nguyễn Du còn thấp nhập những nguồn đau khổ gớm ghê của kẻ khác, thập loại chúng sinh, những người có thật trong một kiếp sống chồng chất những thảm sầu từ ba trăm năm. Bởi thế cái thế giới của Nguyễn Du cũng thê thảm, cũng bi đát như thế giới của Nguyễn Gia Thiều nhưng chưa đến nỗi tuyệt vọng như Nguyễn Gia Thiều. Cơ cứu khổ vẫn còn, những oan hồn lẩn quất tìm được lượng từ bi của Phật tổ, nàng Kiều sạch nợ ở bến sông Tiền Đường vì "thiện tâm" của nàng.
Diễn trình ý thức ở Nguyễn Gia Thiều đi đến tự hủy, ở Nguyễn Du đi đến hồi sinh. Và thiên tài Nguyễn Du xuất hiện từ chỗ đó. Bỏ cái thế giới lạnh lẽo rợn rùng của Nguyễn Gia Thiều, người ta bước sang cái thế giới có những lẽ an ủi, những hơi thở ấm gần gũi của đồng loại.
*
Toàn thể tác phẩm của một thiên tài là một sự thống nhất hiển nhiên không thể phủ nhận. Với thiên tài gần như mỗi tác phẩm chỉ là một lần theo đuổi tìm kiếm soi sáng cái ám ảnh chẳng bao giờ dời đổi trong tâm khảm. Cả cuộc đời rộng lớn phức tạp, thiên tài triệt tiêu hết để chỉ nhìn thấy một phía, phóng lớn phía ấy, cho nó bao lấy hết cuộc đời, đào sâu phía ấy để tìm vào đến bản thể của sự vật, nhưng bao giờ cũng bắt được đúng cái phía sinh tử của vật thể – Nói như một nhà thơ [2] là "Tôi không hiểu là tôi đang nhìn một bầu trời sao hay đang ngắm một giọt nước qua kính hiển vi". Vì tác phẩm chỉ là sự thể hiện của ý thức, mà ý thức khi nhập vào tác phẩm đã phải tìm thấy cho nó một hình thể, dù đó là một hình thể tơi tả sau cơn khủng hoảng quằn quại.
Người ta không thể thấu hiểu Nguyễn Du, hay rất dễ sai lạc khi nhận định, nếu người ta chỉ chú ý đến Đoạn trường tân thanh mà thôi. Đoạn trường tân thanh là tác phẩm chính của Tố Như. Nhưng bên cạnh Đoạn trường tân thanh, còn có Văn tế thập loại chúng sinh, hai tác phẩm của một ý thức, chúng soi sáng lẫn cho nhau. Bởi vậy muốn hiểu Đoạn trường tân thanh, sự thể hiện hết sức phức tạp của ý thức Nguyễn Du, người ta hãy hiểuVăn tế thập loại chúng sinh đã, ở đấy sự thể hiện còn đơn giản minh bạch.
Chúng ta sẽ phải tìm được cái mối ám ảnh chính của Tố Như qua hai tác phẩm của người rồi từ đó vượt lên mà bắt gặp ý thức của người. Để hiểu một thiên tài, những điều kiện xã hội và đời sống là cần thiết nhưng phụ, tài liệu quan trọng hơn hết là tác phẩm. Tác phẩm làm phát hiện một thế giới riêng phản ảnh của ý thức.
Văn tế thập loại chúng sinh giống như một Divine Conmédie thu nhỏ, ở đây Nguyễn Du là thi sĩ dẫn đường đưa chúng ta vào cõi âm. Theo chân người chúng ta gặp những oan hồn vất vưởng không nơi nương tựa, từ những kẻ "chí những chăm cướp gánh non sông" chỉ còn là "quỷ không đầu van khóc đêm mưa", "những kẻ màn lăn chướng huệ" "mà khi nhắm mắt không người nhặt xương", "những kẻ mũ cao áo rộng" bây giờ thì "mang oan khôn nhẽ tìm đường hoá sinh", "những kẻ bài binh bố trận" "bãi sa trường thịt nát máu rơi", những kẻ tri phú chết trong cảnh "hòm gỗ đa bỏ đóm đưa đêm", những kẻ mưu cầu công danh thì lìa cửa lìa nhà khi chết, "vững vàng liệm sấp chôn nghiêng" không người thân thích, đến một lũ dân thường kẻ thì "thân chôn dấp vào lòng kính nghê", kẻ mắc vào khoá lính mà "buổi chiến trận mạng người như rác", kẻ buôn nguyệt bán hoa, kẻ hành khất ngược xuôi, kẻ mắc đoàn tù rạc, những tiểu nhi "lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha", kẻ chìm sông lạc suối, kẻ gieo giếng thắt dây, kẻ trôi nước lũ lây lửa thành, tất cả đám oan hồn ấy bồng bế dắt díu nhau trong "trường dạ tối tăm trời đất" lánh ẩn bóng mặt trời lang thang nơi "điếm cỏ bóng cây", "đầu chợ cuối sông", tất cả là:
Sống đã chịu mọi bề thảm thiết,
Ruột héo khô, dạ rét căm căm,
Dãi dầu trong mấy mươi năm,
Thở than dưới đất, ăn nằm trên xương.
Cái cảnh địa ngục lẩn khuất ở trần gian ấy phải chăng nó chỉ mới có trong thế kỷ mười tám? Không, những oan hồn mà chúng ta gặp đó, chúng kêu khóc đã từ ba trăm năm rồi (có thể là hơn thế nữa) và bây giờ mới có một người nghe thấy chúng. Cũng như Dante, Nguyễn Du đã dẫn chúng ta vào cõi âm để nhìn cho rõ bộ mặt thật của xã hội, của kiếp sống. Cái địa ngục lẩn lút quanh trần gian trong Chiêu hồn ca cho ta trông lên cái trần gian địa ngục mà người đã sống.
Tác phẩm của Nguyễn Du không thu hẹp, giới hạn trong một vài hoàn cảnh, một vài hạng người, nó bao trùm toàn thể xã hội cuộc đời. Nhưng Nguyễn Du không chủ nhắm vẽ lại bức hoạ lớn của một xã hội, một cuộc đời, con mắt nhìn bao trùm lấy toàn thể ấy để giúp cho người nhận định rõ cái ý nghĩa của đời sống được hoàn toàn. Cũng như Nguyễn Gia Thiều, ý nghĩa đời sống đối với Nguyễn Gia Thiều cái kiếp tang thương khiến cho con người cô đơn tuyệt vọng bi phẫn đòi chống lại Định mệnh một cách bướng bỉnh vô ích, thì ở Nguyễn Du là một sự chấp nhận lặng lẽ và can đảm tìm về một chút hy vọng gần gũi ở kiếp sống dù mong manh. Bởi thế ở Văn tế thập loại chúng sinh, đám oan hồn còn gặp được lòng thương của thi sĩ bên cạnh nguồn từ bi của Phật tổ. Trong Đoạn trường tân thanh, nàng Đạm Tiên thay vì bị ném xác ra ngoài suối còn gặp được mối tình của người khách viễn phương tình cờ, nàng Kiều gặp Mã Kiều ở lầu xanh, gặp mụ quản gia ở nhà họ Hoạn. Mối an ủi, nguồn hy vọng hết sức nhỏ bé so với nỗi "đoạn trường" nhưng đó là những hơi thở ấm yếu ớt quý báu của đồng loại trong cơn băng giá, những đốm lửa yếu lập lòe trong đêm địa ngục, đó là tính cách nhân đạo trong tác phẩm của Nguyễn Du. Thế giới của Nguyễn Du là một thế giới chưa tuyệt vọng, còn có thể sống được dù số kiếp đoạn trường.
Phải nhận định được rằng lòng nhân đạo mới chính là nguồn động lực khiến Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh cũng như Văn tế thập loại chúng sinh. Và Đoạn trường tân thanh chỉ là sự phóng lớn của Văn tế thập loại chúng sinh mà thôi. Tôi không thể hiểu tại sao người ta lại cho rằng Nguyễn Du viết hơn ba ngàn câu thơ Kiều để ký thác tâm sự – cái tâm sự của kẻ tôi trung phải thờ hai chúa (?), của kẻ chiến bại, đâu phải dài dòng như thế, một bài tứ tuyệt là quá đủ (cả trong trường hợp Nguyễn Gia Thiều nữa) – trừ phi người ta hiểu tâm sự có nghĩa là ấm ức vì "ngổn ngang những biến cố ở trước mắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng" như Phong tuyết chủ nhân Thập Thanh Thị đã nói. Cái đau khổ riêng tư có thể làm nên những nhà văn tài mọn, không làm ra thiên tài; với thiên tài mối đau khổ riêng chỉ mở đường cho người vào gặp cái mối đau khổ rộng lớn, tâm sự cá nhân phải trở thành tâm sự thời đại, ý thức cá nhân phải vào gặp ý thức thời đại và hơn nữa muôn thuở. Muốn đạt tới chóp đỉnh nghệ thuật trong Đoạn trường tân thanh, ngòi bút của Nguyễn Du phải đang đuổi theo một hình bóng gì to lớn hơn chính mình, cái hình bóng ấy chính là một cuộc đời đoạn trường bạc mệnh không phải là của người.
Vậy Đoạn trường tân thanh là tiếng kêu đứt ruột của một giấc tỉnh sau ba trăm năm. Ý thức ấy tìm về cuộc đời đem vào một chút hy vọng cho những số kiếp đày đoạ không còn thiết sống, đó là một ý thức muốn hồi sinh, ý thức của thiên tài. Vào Đoạn trường tân thanh bằng cửa ngõ ấy, người ta mới mong gặp Nguyễn Du trong thế giới của người, thế giới chân thật có đời sống và nghệ thuật.
(*)
|