Vào đầu thế kỷ trước, một người khách lạ, nói giọng Nghệ, trên đường lưu lạc vào Nam, đã đậu lại xóm nhỏ Ngọc Phước, xã Hoà An, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên. Cơ duyên của ông với cô con gái cụ Trương Đống cũng là cơ duyên của một dòng họ, để từ đây, họ Trương nổi tiếng là dòng họ giỏi võ ở tỉnh Phú Yên.
MÔN PHÁI LẠ
Người khách lạ đó là Hoàng Dền (Huỳnh Sáu), quê Nghệ An. Kết duyên cùng cô con gái thứ 6 của cụ Trương Đống, nhưng cụ Hoàng Dền không có người nối dõi. Không để vốn võ học cổ truyền bị thất truyền, ông dành hết tâm huyết truyền lại cho 3 con trai của cụ Trương Đống là Trương Mô, Trương Long A và Trương Hường. HLV Trương Dương, con của cố võ sư Trương Hường cho biết: nguyên lý của môn phái là lấy nhu làm gốc, các thế võ luôn có sự uyển chuyển, biến hóa. Còn theo võ sư Huỳnh Kim Hồng, Phó chủ tịch Hội VTCT tỉnh Phú Yên, thì những bài võ của cụ Hoàng Dền truyền lại rất phong phú, gồm một hệ thống quyền, cước và binh khí, trong đó có nhiều bài độc đáo, nhiều thế võ lạ. Tiêu biểu là bài Bát quái côn, Lệ hoa thương, Bát quái kiếm, Long vương xuất thế, Song long kiếm, Dương hoa côn… Đối chiếu với môn phái võ Nhất Nam nổi tiếng hàng trăm năm nay tại Nghệ An thì môn phái này có nhiều khác biệt.
CÂY ĐẠI THỤ LÀNG VÕ
Cả 3 người con của cụ Trương Đống đều có nhiều thành tựu võ thuật, trong đó nổi bật là người con thứ dư Trương Hường. Ông dáng người nhỏ nhắn, thư sinh, mắt sáng, có năng khiếu đặc biệt về võ thuật, nổi tiếng từ những năm 1930 khi mới 16 tuổi đã thượng đài và đánh bại nhiều tên tuổi đến từ các tỉnh trong khu vực.
ở tỉnh Phú Yên còn truyền tụng nhiều câu chuyện về sự nghiệp hành hiệp võ thuật của cố võ sư Trương Hường. Vào đầu những năm 1960, giới võ thuật các tỉnh phía nam không ai không biết danh Bảy Cọp. Võ sỹ này thủ đài khắp 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên không có đối thủ. Ra Phú Yên, Bảy Cọp dương dương tự đắc, tỏ ý khinh thường giới võ thuật tỉnh này. Tự ái, võ sư Trương Hường lên đài quyết một phen cao thấp. Trận đấu được giao hẹn trong 10 hiệp, nhưng chỉ mới đến hiệp thứ 6, Bảy Cọp đã bị đá văng khỏi đài bởi thế song long phi vô cùng lợi hại.
Võ sư Trương Hường đặc biệt ghét thói ngạo ngược, lộng hành của lính Đại Hàn, nhan nhản tại các tỉnh miền Trung trước 1975. Hồi đó, để ra uy và khoe môn võ taekwondo, sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn tổ chức thi đấu biểu diễn tại sân vận động Tuy Hòa. Thi đấu xong, một nhóm kéo lên vườn hoa Diên Hồng uống nước quỵt. Gai mắt, Võ sư Trương Hường thộp cổ một sỹ quan kéo xuống. Tên này lập tức rút lê đâm thẳng vào ông. Trương Hường nhẹ nhàng né tránh và bằng thế song hầu triệt chưởng, khoá tay đối phương. Sau “sự kiện” này, Trương Hường càng được giới võ thuật Phú Yên nể phục.
Võ sư Trương Hường là cây đại thụ trong làng võ Phú Yên. Võ đường của ông tại thôn Ngọc Phước, xã Hoà An rất đông môn sinh, không chỉ trong vùng mà nhiều người ở tỉnh khác nghe danh cũng gửi con cháu theo học. Nữ võ sỹ Lý Thị Hoa nổi danh khắp miền Nam trước năm 1975, nghe tiếng ông cũng đến xin thọ giáo một thời gian.
BÀI VÕ QUÝ QUỐC GIA
Một trong những đặc sắc mà cụ Hoàng Dền truyền lại là bài Bát quái côn. Bài này không dài, chỉ độ hơn 1 phút nhưng động tác linh hoạt, quyền pháp ẩn hiện, biến hoá vô cùng. Người tinh thông bài võ này có thể một địch nhiều người.
Để học được Bát quái côn, đòi hỏi phải có một vốn võ học nhất định và phải kiên tâm, dày công tập luyện. Trước đây, Bát quái côn là bài võ trấn môn, chỉ lưu truyền trong dòng họ Trương. Nhờ luyện được Bát quái côn mà võ sư Trương Hùng - cháu gọi Võ Sư Trương Hường là chú ruột, vừa là học trò - đã đạt bằng danh dự tại Đại hội Quyền thuật tỉnh Phú Yên năm 24 tuổi. Năm 1969, võ sư dùng Bát quái côn và một số thế võ khác hạ gục võ sư tam đẳng Thái cực đạo người Đại Hàn sang dạy võ cho sĩ quan Mỹ ở sân bay Tuy Hoà. Võ sư Huỳnh Kim Hồng là người phát hiện ra đặc sắc của bài võ này trong một lần xem võ sư Trương Hùng biểu diễn tại võ đường của ông ở xã Hoà Phong, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. Thấy bài võ quá độc đáo, võ sư Huỳnh Kim Hồng thuyết phục võ sư Trương Hùng giới thiệu rộng rãi cho nhiều người. Tại Giải võ thuật cổ truyền toàn quốc năm 1994 tổ chức ở Phú Yên, với bài Bát quái côn, võ sư Trương Hùng giành HCV với số điểm tuyệt đối. Và bài võ cũng lọt vào mắt xanh của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, được chọn là một trong mười bài võ thống nhất phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước.
Võ sư Trương Hùng cũng như con cháu họ Trương ở tỉnh Phú Yên rất tự hào đã đóng góp cho quốc gia một bài võ quý. Hiện ngoài việc dạy võ tại võ đường ở xã Hòa Phong, võ sư Trương Hùng còn được nhiều nơi trong cả nước mời đến truyền thụ bài Bát quái côn.
TÂM NGUYỆN CỦA GIA TỘC
Đã trở thành quy định bắt buộc, tất cả con cháu họ Trương đều phải biết võ. Không kể trai hay gái, con cháu họ Trương, đến tuổi đến trường đồng thời cũng là đến tuổi… học võ. Hiện họ Trương có 3 võ đường: tại thôn Ngọc Phước do HLV Trương Dương điều hành; tại thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hoà Phong, huyện Tây Hoà, do võ sư Trương Hùng điều hành, và tại thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, do HLV Trương Minh Cường điều hành.
Anh Trương Vương Nguyên, con thứ của cố võ sư Trương Hường cho biết: học võ không chỉ nâng cao sức khoẻ, gìn giữ vốn võ học ông cha, mà quan trọng hơn là rèn luyện nhân cách sống. Vì thế họ Trương tự hào là dòng họ văn hoá.
Tiếp nối truyền thống ông cha, con cháu họ Trương có nhiều người thành danh về nghiệp võ, đạt nhiều HC trong các giải võ cổ truyền của tỉnh, khu vực và toàn quốc. Nổi bật là võ sỹ Trương Mạnh Phương, từng 5 lần giành HCV Giải võ cổ truyền toàn quốc, hiện đang thi đấu trong màu áo Quân khu 7.
Tâm nguyện của con cháu họ Trương là tìm được gia thế, gốc tích của cố võ sư Hoàng Dền tại Nghệ An cũng như môn phái võ mà ông truyền dạy. Hằng năm, vào ngày 25.12 âm lịch, con cháu họ Trương và các môn sinh làm lễ giỗ tổ võ, tri ân võ sư Hoàng Dền và Trương Hường.
Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ An
|