Liên kết website
Đài truyền hình nghệ an
ngoại vụ hà tĩnh
hội cựu học sinh odesa
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Báo dân trí
Trang chủ >
Truyền thống Nghệ Tĩnh >
Đất và người Xứ Nghệ >
Thăm những di tích của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Hà Tĩnh
Thăm những di tích của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại Hà Tĩnh , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Tại Hà Tĩnh, mỗi địa danh gắn liền với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã trở thành những di tích mang giá trị lịch sử cho muôn đời sau.
Những năm 1930-1931, chính quyền Xô viết tại Hà Tĩnh đã được ra đời ở nhiều địa phương như Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân và Hương Khê… Tại các địa phương này, nhiều đình, đền, nhà thờ họ... từng là trụ sở hoạt động của chính quyền Xô Viết, là địa điểm hoạt động của cơ sở Đảng.
Cũng chính tại nơi đây đã hình thành những cuộc tập trung đấu tranh, biểu tình của nhân dân; nơi chứng kiến thực dân Pháp tra tấn, xử bắn các chiến sĩ cách mạng…
Nhấn để phóng to ảnh
Thượng tuần tháng 3/1930, chỉ sau gần 2 tháng Đảng CSVN ra đời, trên một con thuyền tại bến đò Thượng Trụ (thôn Đoàn Kết, xã Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã diễn ra sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đồng chí Trần Hữu Thiều (tức Nguyễn Trung Thiên), Xứ ủy viên Trung Kỳ đã triệu tập và chủ trì hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời và đồng chí Nguyễn Trung Thiên được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Sự ra đời của Đảng bộ Hà Tĩnh là mốc son đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh ta đầu thế kỷ XX.
Nhấn để phóng to ảnh
Đền Ngọc Mỹ thuộc thôn Ngọc Mỹ, xã Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi thành lập Đảng bộ đầu tiên của xã Phù Lưu vào tháng 4/1930. Sau khi Đảng bộ được thành lập, từ tháng 5 - tháng 9/1930, nhiều cuộc biểu tình của nông dân đưa ra các yêu sách đối với giới cầm quyền đã khiến thực dân Pháp phải nhượng bộ.
Tháng 11/1930 tại cổng đền Ngọc Mỹ và tuyến đường Cầu Trù, Chợ huyện đã diễn ra cuộc biểu tình của nông dân Phù Lưu và Hạ Can chống khủng bố trắng. Chiến sỹ Đặng Văn Mãi, người xung phong hàng đầu đã bị giặc giết hại. Lễ truy điệu liệt sỹ Đặng Văn Mãi ở đền Ngọc Mỹ đã biến thành cuộc biểu dương lực lượng của nông dân Phù Lưu, vạch trần tội ác của thực dân phong kiến.
Nhấn để phóng to ảnh
Miếu Biên Sơn đã được Nhà nước trao tặng Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991.
Miếu Biên Sơn là ngôi miếu nhỏ nhưng linh thiêng thanh vắng, được núi Bin và xóm làng che chắn, có cây cao lá dài mọc um tùm, có nhiều đường và nhiều ngã rẽ lên xuống rất thuận lợi cho công tác hoạt động bí mật, nếu bị phát hiện người cán bộ vờ như đi lễ về để thoát khỏi sự theo dõi của địch. Vì vậy miếu Biên Sơn được Xứ ủy, Tỉnh ủy và Huyện ủy Can Lộc chọn làm trung tâm liên lạc, hội họp, in ấn, cất giấu tài liệu của Đảng.
Nhấn để phóng to ảnh
Nền huyện đường (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc). Ngày 7/9/1930 tại đây hơn 1.000 nông dân từ 5 tổng trong huyện (Phù Lưu, Nội Ngoại, Đoài, Ngà Khê và Lai Thạch) mang cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu đấu tranh, rầm rộ kéo về Huyện Đường đòi thả tù chính trị, làm tê liệt bộ máy cai trị tàn bạo của thực dân phong kiến. Thắng lợi của cuộc biểu tình này đã gây tiếng vang lớn, thôi thúc nông dân các địa phương trong vùng đứng lên đấu tranh giành chính quyền trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931
Nhấn để phóng to ảnh
Ngã ba Nghèn nằm ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của công nông Can Lộc trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.
Từ tháng 5/1930 đến năm 1931 đã có hơn 40 cuộc biểu tình ở cả huyện và tổng với hàng ngàn người tham gia, trong đó tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh ngày 1/8/1930 của hơn một ngàn người ở cả hai vùng Thượng và Hạ Can Lộc kéo về huyện đường đòi lại công điền, công thổ, đòi quyền tự do dân chủ. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng tri huyện Trần Mạnh Đàn đã phải ra tận Cầu Nghèn ký vào bản yêu sách 10 điểm do nhân dân đề ra.
Nhấn để phóng to ảnh
Ngày 7/9/1930 hơn 2 ngàn nông dân Hạ Can Lộc đã dũng cảm kéo về huyện đường đòi thực hiện các yêu sách đã ký. Quần chúng xông vào đập phá huyện đường, thu giấy tờ, đốt sổ sách. Bọn địch đã huy động lính khố xanh ra đàn áp nhưng trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân bọn chúng đã hoảng sợ bỏ chạy .
Cũng tại Ngã ba Nghèn, Huyện ủy Can Lộc đã phát động cuộc biểu tình lớn với quy mô toàn huyện để kỷ niệm ngày Quảng Châu công xã (12/12/1930). Trong cuộc biểu tình này, nhân dân vùng Thượng đã có ba ngàn người, nhân dân vùng Hạ có hai ngàn người đội ngũ chỉnh tề, có băng cờ khẩu hiệu chia thành 3 mũi kéo về huyện đường đòi quyền dân sinh, dân chủ. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của quần chúng bọn đế quốc và phong kiến đã cho lính xả súng bắn vào đoàn biểu tình làm 42 người chết tại chỗ và hàng trăm người bị thương.
Nhấn để phóng to ảnh
Mặc dù, những chính quyền Xô Viết chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn do bị chính quyền của thực dân Pháp phối hợp với chính quyền địa phương của triều đình nhà Nguyễn trấn áp, tuy nhiên, với những thành quả đã có, phong trào Xô Viết đã trở thành cuộc tập dượt vĩ đại của phong trào đấu tranh của nhân dân giai đoạn những năm 1930 - 1931 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
90 năm đã đi qua, những di tích này luôn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và tưởng nhớ những thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Phượng Vũ
https://dantri.com.vn/xa-hoi/tham-nhung-di-tich-cua-phong-trao-xo-viet-nghe-tinh-tai-ha-tinh-20200912144429585.htm
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65089329