Nguyên Đức Thiệng sinh ngày 15/1/1922 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại xã Bắc Thành, Yên Thành. Từ năm 1936 đến năm 1941 ông tích cực hoạt động trong tổ chức Tân Tiến cách mạng của Đảng hoạt động công khai rồi Mặt trận phản đế tại quê nhà. Đầu năm 1941 Nguyễn Đức Thiệng bị địch tình nghi bắt giam 1 tháng tại nhà giam Yên Thành, kẻ địch tìm mọi cách dụ dỗ, khảo tra nhưng không tìm ra chứng cứ buộc chúng phải thả Nguyễn Đức Thiệng cùng với ông Phan Thế Nghiện.
Đồng chí Nguyễn Đức Thiệng.
Giữa năm 1945, đồng chí được đồng chí Chu Văn Biên chắp nối liên lạc giao trách nhiệm xây dựng tổ chức Việt Minh bí mật tại xã Tân Thành (nay là 3 xã Bắc Thành, Trung Thành, Nam Thành) và trực tiếp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Đồng chí là Chủ tịch Việt Minh và là Phó Chủ tịch ủy ban xã đầu tiên của xã Tân Thành ngay chiều 25/8/1945.
Tháng 11/1945 đồng chí được kết nạp vào Đảng và được giao trách nhiệm phát triển Đảng ở địa phương và được bổ sung vào Ban Chấp hành Huyện ủy Yên Thành, ngay sau đó đồng chí về nhà thờ họ Nguyễn Đức tổ chức hội nghị thành lập chi bộ đảng đầu tiên của xã Tân Thành, do đồng chí làm Bí thư. Từ những hạt giống đỏ đầu tiên ấy, những năm 1948 - 1955 chi bộ này đổi tên là chi bộ Hồ Mỹ Xuyên, số đảng viên có lúc lên tới trên 500 đồng chí. Cũng trong năm ấy đồng chí được cử làm Ủy viên chấp hành nông hội tỉnh Nghệ An. Năm 1946 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Thành và được bầu giữ chức Chủ tịch mặt trận Liên Việt huyện Yên Thành.
Năm 1948 Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành đã bầu đồng chí làm Bí thư Huyện ủy Yên Thành. Ở cương vị mới, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ lãnh đạo công cuộc kháng chiến, đẩy mạnh mọi mặt hoạt động xây dựng Yên Thành trở thành hậu cứ vững chắc cung cấp sức người sức của cho tiền tuyến. Cũng trong năm 1948 đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Đầu năm 1950 đến đầu 1952 đồng chí được cử giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An. Giữa năm 1952 đồng chí được Liên khu ủy 4 điều lên làm thường trực tuyên huấn Ủy ban phát động quần chúng giảm tô của Liên khu IV. Từ năm 1953 đến năm 1955 đồng chí được cử đi đào tạo học tập ở nước ngoài. Đầu năm 1955 đồng chí được cử làm Bí thư thứ nhất đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam đồng thời là Bí thư chi bộ tại Hunggari. Năm 1961 đồng chí được điều về làm Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức và Phó Vụ trưởng Liên Xô Đông Âu - Bộ Ngoại giao. Năm 1963 ông được cử làm Vụ trưởng Vụ Tây Á Phi châu.
Năm 1964 đến năm 1966 ông lại được điều sang làm Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Từ năm 1966 đến tháng 5/1972 đồng chí được điều sang làm Đại sứ Việt Nam tại Ghinê kiêm một số nước. Từ tháng 7/1969 đến 7/1972 là đại sứ Việt Nam tại Angiêri kiêm Sê nê gan. Trong nhiều năm làm công tác đối ngoại, qua nhiều cương vị ở nhiều nước châu Âu, châu Phi, đồng chí đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước công việc, dự nhiều cuộc hội thảo quốc tế, đồng chí luôn tìm cách làm cho bạn bầu quốc tế hiểu rõ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, đoàn kết ủng hộ Việt Nam.
Từ giữa năm 1972 đến ngày về hưu năm 1986, Nguyễn Đức Thiệng được cử giữ các chức vụ Thường trực ủy ban, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, từ 1990 đồng chí là thành viên ủy ban điều tra chất độc hóa học.
Với trí tuệ mẫn tiệp, với phong cách nhanh nhẹn, thẳng thắn, bằng nhiều diễn đàn, đặc biệt là bằng vũ khí báo chí sắc bén, hàng tháng, hàng quý, có khi hàng tuần, hàng ngày, các bài báo chính luận sắc bén của Nguyễn Đức Thiệng xuất hiện thường xuyên trên bản tin của các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, trên đài Tiếng nói Việt Nam, trên các báo lớn từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh những bài chính luận, đồng chí còn viết về những đổi thay trên những vùng đất mà bom đạn cày xới như các bài: Giữ vững biên cương Tổ quốc; Sức sống Hà Tuyên; Cuộc sống mới ở Tây Sơn; Cây lúa Yên Thành (báo Nhân Dân)...
Cánh đồng lúa ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Sau ngày về hưu đồng chí còn tham gia sưu tầm tư liệu cung cấp cho ban biên soạn Lịch sử huyện Yên Thành và trực tiếp chấp bút viết Lịch sử xã Bắc Thành. Đồng chí xem đó là tình cảm đóng góp thiết thực nhất cho quê hương.
Đồng chí Nguyễn Đức Thiệng qua đời sau một cơn đau tim vào ngày 27/7/1998, bấy giờ đồng chí đang là Ủy viên ủy ban điều tra chất độc da cam của Mỹ ở Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, từ một trí thức nông thôn yêu nước trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Tân Thành rồi trở thành Bí thư Huyện ủy Yên Thành, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An rồi trở thành nhà ngoại giao, trở thành Phó Chủ tịch một ủy ban của nhà nước, ở cương vị nào đồng chí Nguyễn Đức Thiệng cũng "giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tiên phong gương mẫu trong mọi công việc được giao, không ngừng học tập nâng cao trình độ bản lĩnh chính trị, thẳng thắn, chân tình, nêu cao đạo đức cách mạng của người cán bộ ưu tú" (trích điếu văn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đọc trong lễ tang đồng chí Nguyễn Đức Thiệng).
Với những cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, đồng chí Nguyễn Đức Thiệng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương vì sự nghiệp Ngoại giao, Huy chương vì sự nghiệp Lao động – Thương binh và Xã hội, Huy hiệu 50 tuổi Đảng... và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ngô Đức Tiến
Nguồn baonghean.vn
https://baonghean.vn/nguyen-duc-thieng-nguoi-cong-san-liem-chinh-mau-muc-ngoi-but-chinh-luan-sac-ben-269498.html