Ngôi nhà ở Hoàng Trù quê ngoại - nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Đào Tuấn
Những ngày đầu năm 1956, sau khi nước ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương khôi phục lại các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Người. Để thực hiện được chủ trương này tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban lãnh đạo và Ban chuyên môn xây dựng quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các chuyên gia Bảo tồn - Bảo tàng từ Trung ương cùng với Ty Văn hóa Nghệ An đã tổ chức tiến hành, nghiên cứu, sưu tầm xác minh, gặp gỡ nhân chứng và những người cao tuổi để tìm lại ngôi nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen và ngôi nhà 3 gian tại Hoàng Trù – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời.
Cùng với việc phục hồi các di tích, Ty Văn hóa Nghệ An đã tổ chức những đợt nghiên cứu, sưu tầm hiện vật để về trưng bày trong những ngôi nhà vừa được phục dựng, trong đó có những hiện vật quý giá, mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc như:
CHIẾC GIƯỜNG CỦA BÀ HOÀNG THỊ LOAN
Trên chiếc gường này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Đào Tuấn
Đây là một kỷ vật thiêng liêng của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sưu tầm vào năm 1959. Chất liệu được làm bằng gỗ xoan, dài 1,58m, rộng 1,5m, cao 0,35m, liếp nứa to bản, trên trải một chiếc chiếu mộc.
Chính trên chiếc giường này bà đã sinh ra 3 người con yêu nước cho dân tộc Việt Nam:
Cô Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1884, cậu Nguyễn Sinh Khiêm sinh năm 1888. Đặc biệt ngày 19 tháng 5 năm 1890 cậu Nguyễn Sinh Cung (tên gọi thuở nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã cất tiếng khóc chào đời.
CHIẾC RƯƠNG GỖ CỦA GIA ĐÌNH BÁC HỒ Ở LÀNG HOÀNG TRÙ
Chiếc rương gỗ này là món quà của gia đình cụ Hoàng Xuân Đường tặng con gái Hoàng Thị Loan ngày lấy chồng ra ở riêng. Ảnh: Đào Tuấn
Chiếc rương gỗ này được xem là của hồi môn của Bà Hoàng Thị Loan được bố mẹ tặng lúc lấy chồng ra ở riêng. Với chiều dài 99cm, chiều rộng 77cm, chiều cao 80cm, làm bằng chất liệu gỗ. Năm 1895, khi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Huế, Bà Hoàng Thị Loan đã cho em gái của mình là Hoàng Thị An chiếc rương. Sau đó vì túng thiếu bà Hoàng Thị An bán cho ông Trần Đăng Lê người cùng làng. Lúc ông Lê qua đời, chiếc rương do người con trai của ông là Trần Đăng Thi sử dụng, sau đó ông Thi đã đem chiếc rương đổi cho chú ruột của mình là Trần Tín để lấy cái tủ, khi khôi phục lại ngôi nhà, cán bộ Ty Văn hóa Nghệ An đã sưu tầm chiếc rương về để trưng bày trong di tích.
Thửa nhỏ, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã men theo chiếc rương gỗ này để chập chững tập đi, bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Ngày 9 tháng 12 năm 1961, sau hơn nửa thế kỷ cách xa ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp trở về thăm quê. Người vô cùng xúc động khi thăm lại ngôi nhà. Khi nhận ra chiếc rương gỗ, kỷ vật thiêng liêng của gia đình, đôi bàn tay của Bác run run lần theo mép rương. Nén xúc động quay ra Người bảo: "Các cô, các chú thật khéo giữ, chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn". Chiếc rương gỗ món quà ông, bà ngoại cho mẹ ngày đi lấy chồng, nơi cất giữ những đồ vật quý giá của gia đình và là nơi ghi dấu những kỷ niệm êm đềm của Người cùng với gia đình tại quê hương.
CHIẾC VÕNG CỦA GIA ĐÌNH BÁC HỒ Ở LÀNG HOÀNG TRÙ
Chiếc võng trong ngôi nhà Bác Hồ ở làng Hoàng Trù. Ảnh: Đào Tuấn
Chiếc võng nằm ngang giữa 2 gian nhà phía trong ngôi nhà 3 gian bé nhỏ của gia đình Bác. Võng dài 3,2m, rộng 1,5m, đan bằng chất liệu cói, được phục chế hàng năm. Đêm đêm dưới mái nhà tranh quen thuộc ở làng Hoàng Trù, hòa cùng tiếng thoi đưa, Bà Hoàng Thị Loan đưa võng ru những đứa con thân yêu của mình, trong đó có Nguyễn Sinh Cung đi vào giấc ngủ. Những câu hát vừa nhẹ nhàng, vừa chứa đựng những tình cảm và ước mơ của mẹ.
"À... ơi... con ơi mẹ dặn câu này
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh phủi nhẹ nước non phải đền".
Những lời ru ngọt ngào đó còn nhắn gửi những bài học đầu đời bình dị, đơn giản nhưng lại có sức lắng đọng hơn tất cả. Để rồi sau bao nhiêu năm bôn ba trong cuộc hành trình cứu nước, khi nghe thấy tiếng ru con của một người mẹ nơi xứ người, Bác Hồ đã thổn thức không ngủ được và xúc động làm mấy vần thơ:
"Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con".
Những giờ phút cuối đời, Bác muốn nghe một làn điệu ví, giặm Nghệ Tĩnh ... Đó là lúc Bác nhớ Mẹ, nhớ quê hương da diết.
Bộ phản gỗ (Di tích Làng Sen)
Ngôi nhà của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen. Ảnh: Đào Tuấn
Tại di tích Làng Sen - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống cùng gia đình từ năm 1901 đến 1906. Ở gian thứ 5 đặt bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cậu Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Nguyễn Sinh Cung. Với chiều dài 1,56m, chiều rộng 1,5m, chiều cao 0,5m, dày 0,04m được làm bằng chất liệu gỗ. Khi ở Làng Sen, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với anh trai Nguyễn Sinh Khiêm học cùng một lớp nên tình cảm anh em rất đỗi thân thiết, việc học hành, vui chơi, ăn ngủ luôn gắn bó với nhau. Nơi đây đã ghi dấu bao kỷ niệm tuổi niên thiếu của Người cùng với người thân. Năm 1906, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế, ông đã cho ông Nguyễn Sinh Quê người bà con trong họ bộ phản này. Mùa Đông đốt lửa sưởi ấm, gia đình đó đã làm cháy tấm phản ngoài cùng nên đã cưa luôn 3 tấm phản kia cho bằng nhau. Bộ phản có ngắn so với trước.
Bác Hồ về thăm quê hương lần thứ nhất, năm 1957. Ảnh tư liệu
Sau hơn 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp trở về thăm quê vào ngày 16/6/1957. Nhận ra bộ phản gỗ ngày xưa nơi từng chứng kiến biết bao kỷ niệm vui buồn của hai anh em vẫn còn, Người vô cùng xúc động và hỏi bà con đi cùng: "Bộ phản hình như ngắn đi có phải không?". Dẫu đã xa quê gần 50 năm, dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng những kỷ vật tại quê nhà đối với Người vẫn đầy cảm xúc.
Bên cạnh những hiện vật đầy cảm xúc đó, hiện nay Khu di tích Kim Liên còn lưu giữ hơn 4.000 tài liệu, hiện vật với nhiều loại hình, chất liệu và hình thức khác nhau mang những nét đặc trưng và ý nghĩa riêng của nó, tạo nên sự phong phú về nội dung, hình thức trưng bày ở các di tích và bảo tàng, triển lãm chuyên đề, lưu động … phục vụ công tác tuyên truyền trong và ngoài di tích.
Những tài liệu hiện vật đó là tài sản vô giá của Quốc gia, là di sản về tư tưởng, đạo đức và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Người. Và cũng là cơ sở vật chất quan trọng nhất để Khu di tích Kim Liên hoạt động và phát triển.
TẤM ÁO LỤA CỦA BÁC HỒ TRƯNG BÀY TẠI BẢO TÀNG QUÂN KHU 4
Tại Bảo tàng Quân khu 4 đang trưng bày một tấm áo lụa được làm từ tơ tằm thô, màu nâu sồng giản dị. Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành - cán bộ tuyên truyền Bảo tàng Quân khu cho biết, đây là kỷ vật mà gia đình cụ Nguyễn Văn Uy tặng cho bảo tàng vào năm 1970.
Cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 giới thiệu các hiện vật trưng bày. Ảnh: Thanh Quỳnh
Cụ Nguyễn Văn Uy, sinh năm 1890, là người con của xã Phúc Sơn (Anh Sơn). Cụ là một trong những hạt nhân nòng cốt của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 ở phủ Anh Sơn lúc bấy giờ. Lúc ấy ở Anh Sơn có 27 Đội Tự vệ đỏ, trong đó Đội Tự vệ đỏ làng Yên Phúc do cụ Uy làm đội trưởng là một trong những tổ chức thành lập sớm và hoạt động có quy củ nhất. Dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Văn Uy, Tự vệ đỏ Yên Phúc đã nhiều lần tiến hành trừng trị những tên ác ôn trong bộ máy cai trị.
Đầu năm 1931, thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp lên khu vực miền Tây, trong đó có huyện Anh Sơn. Cụ Nguyễn Văn Uy bị thực dân Pháp bắt giam 15 năm. Trong chốn ngục tù, người đội trưởng Tự vệ đỏ vẫn giữ vững khí tiết, động viên đảng viên và quần chúng tiếp tục tích cực đấu tranh.
Tấm áo lụa Bác Hồ tặng cự Nguyễn Văn Uy. Ảnh: Thanh Quỳnh
Sau ngày cách mạng thành công, cụ trở về quê nhà tham gia các hoạt động trong phong trào xây dựng văn hóa mới, vận động tổ chức các tổ đổi công, hợp tác xã. Cụ trở thành tấm gương cho con cháu và thế hệ trẻ noi theo.
Tháng 6/1957, trong lần đầu tiên về thăm quê sau 50 năm xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh được nghe về câu chuyện và tấm gương của cụ Nguyễn Văn Uy, Người đã tặng cụ chiếc áo lụa nhân dịp mừng thọ tuổi 70. Chiếc áo này cũng là món quà do Hội mẹ chiến sỹ Hoa - Việt và Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Lạng Sơn gửi biếu Bác nhân dịp mừng thọ Người năm 1956.
CÂU CHUYỆN PHÍA SAU TỜ TIỀN MỆNH GIÁ 1 ĐỒNG
Tờ 1 đồng trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4. Ảnh: Thanh Quỳnh
Nằm ngay ngắn trong tủ trưng bày, tờ tiền có mệnh giá 1 đồng. Đây cũng là kỷ vật chứa đựng câu chuyện đầy xúc động của Bác đối với những chiến sỹ Phòng không Không quân nói chung, lực lượng Phòng không Quân khu 4 nói riêng.
Ngược thời gian về mùa Hè năm 1967, lúc đó thời tiết Hà Nội rất nóng. Thấy trời oi bức, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:
- Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc Hội trường Ba Đình thì chịu sao được? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết.
Vâng lời Bác, đồng chí Vũ Kỳ đi tìm hiểu và được biết điều kiện canh gác của các chiến sỹ rất khắc nghiệt. Nắm được tình hình, Bác đã bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy sổ tiết kiệm của Bác, đây là số tiền do các báo trả nhuận bút cho Bác.
Đồng chí Vũ Kỳ xem sổ và báo cáo:
- Thưa Bác, còn lại tất cả hơn 25.000 đồng (món tiền tương đương 60 lạng vàng).
Bác bảo:
- Chú chuyển ngay số tiền đó cho Bộ Tổng tham mưu và nói: Đó là quà của Bác tặng để mua nước cho anh em chiến sĩ trực phòng không uống, không phải chỉ cho những chiến sĩ ở Ba Đình, mà cho tất cả các chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì yêu cầu địa phương nào có bộ đội phòng không trực chiến góp sức vào cùng lo!
Thời điểm đó, bộ đội Phòng không Quân khu 4 đã được Bác gửi tặng 3.000 đồng để mua chè nấu nước.
Đáp lại tình cảm và tấm lòng yêu thương của Người, cán bộ và chiến sĩ quân chủng Phòng không - Không quân Quân khu 4 đã tích cực rèn luyện, học tập và đạt nhiều thành tích trong chiến đấu.
VIẾT TIẾP CÂU CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG
Từ câu chuyện Bác Hồ trao tặng tiền tiết kiệm của mình để mua nước cho bộ đội, Quân khu 4 đã cụ thể hóa bằng mô hình "Bát nước thao trường" trong các đơn vị. Ảnh: Thanh Quỳnh
Từ câu chuyện xúc động về số tiền mà Bác Hồ đã tặng cho bộ đội Phòng không mua nước uống, nhiều năm qua, các đơn vị của Quân khu 4 đã tổ chức chương trình “Bát nước thao trường”. Thượng tá Nguyễn Văn An - Phó Chính ủy Sư đoàn 324 (Quân khu 4) chia sẻ, để thực hiện mô hình “Bát nước thao trường”, hằng ngày cán bộ, chiến sỹ đơn vị, nhất là tổ chức phụ nữ tích cực thu gom sách, báo cũ, các loại phế liệu... đem bán gây quỹ. Cứ thế, mỗi tuần và từng tháng căn cứ vào lịch huấn luyện, diễn tập của đơn vị và thời tiết từng mùa để chuẩn bị nước uống cho bộ đội. Mùa nắng thì chị em nấu chè đậu đen hay pha nước chanh, còn mùa mưa thường là nước chè xanh nóng... Những hành động tuy nhỏ nhưng đã góp phần chia sẻ bớt phần vất vả của bộ đội trên thao trường.
Không những thế, từ câu chuyện tấm áo Bác Hồ tặng cụ Nguyễn Văn Uy cũng được các đơn vị Quân khu 4 triển khai thành các chương trình hành động thiết thực, cụ thể. Trong các điều kiện hành quân, hoạt động huấn luyện, diễn tập trên thao trường quần áo chiến sỹ bị bung chỉ, rách. Để vừa đảm bảo cho bộ đội nghiêm túc trong sử dụng quân trang và tiết kiệm kinh phí, các “Tổ may vá chiến sỹ” đã ra đời. Trước mỗi mùa huấn luyện, tổ chức phụ nữ cơ sở các đơn vị đã đến từng đơn vị để sửa quân phục cho bộ đội. Những việc làm bình dị đó giúp cho nhiều chiến sỹ có thêm động lực học tập và rèn luyện.