Nhập ngũ sau tôi 1 năm, nhưng Đa chắc xấp xỉ hoặc lớn hơn tôi một vài tuổi vì trông anh cỏ vẻ già dặn từng trải; anh cùng với một chiến sỹ mới là một kỹ sư cầu đường được bổ sung về đại đội trinh sát thuộc Trung đoàn Triệu Hải của chúng tôi đúng vào thời điểm chiến dịch phản kích mang tên “Tái chiếm lãnh thổ” của địch diễn ra khốc liệt nhất tại mặt trận Quảng Trị.
Vào giai đoạn này, địch huy động tối đa lực lượng thủy quân lục chiến và lính dù được phi pháo yểm trợ hòng chiếm bằng được Thành Cổ. Bom, pháo địch ngày đêm trút xuống trận địa ta.
Bộ binh ta tại các điểm chốt bị tiêu hao sinh lực không kịp bổ sung lực lượng, tổ trinh sát của tôi và Đa vừa làm nhiệm vụ nắm tình hình địch, vừa cùng bộ binh chiến đấu bảo vệ trận địa phòng ngự.
Cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Ảnh tư liệu
Tôi không nhớ đã cùng Đa trải qua bao nhiêu đêm bò vào trận địa địch dò gỡ mìn cho bộ binh tập kích; cũng không nhớ được bao nhiêu đợt cùng hứng chịu bom, pháo địch dội xuống trận địa. Thật hiếm hoi những khoảnh khắc yên tĩnh để chúng tôi có dịp tâm sự chuyện riêng tư. Rồi khoảnh khắc ấy cũng đã đến – rạng sáng hôm ấy không hiểu sao khu vực phòng ngự của tiểu đoàn bộ binh 2 yên ắng đến kỳ lạ. Kinh nghiệm chiến trường và linh tính của người lính dường như đã báo trước: “Sóng yên, biển lặng, trời đẹp là dấu hiệu của cơn bão sắp ập đến”! Tôi giục Đa tranh thủ phút yên tĩnh cùng ngả lưng một lúc để lấy sức.
Căn hầm chữ A chật hẹp được kê lát ván làm sạp nhưng bị ngập nước vì mới qua một trận mưa lớn đêm qua nên 1 đứa phải thay nhau đứa nằm, đứa múc nước. Đa giành chiếc mũ sắt múc nước cho tôi nghỉ trước nhưng tôi không tài nào nhắm mắt được. “Đa ơi, nếu không có chiến tranh giờ này chắc anh đang hát... anh sẽ là một ca sĩ rất được khán giả mến mộ với giọng ca trời phú cho mình”! Tôi buột thốt lên niềm cảm xúc với người đồng đội.
“Vâng ạ”! - Đa đáp, ngừng tay moi gói thuốc lá, anh chưa kịp mời tôi thì vội thốt lên mừng rơn như một đứa trẻ: “Ôi! Một bài hát anh ơi!”. Tôi bật dậy vừa lúc Đa rút ra từ trong ruột gói thuốc Trường Sơn 1 cuộn giấy nhỏ bằng 1 điếu thuốc, nhưng đó là một bản nhạc. Hồi đó ở chiến trường, bộ đội ta thường nhận được những bài hát trong những bao thuốc lá nhu yếu phẩm từ hậu phương gửi vào.
Chiến sĩ Quân giải phóng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Ảnh tư liệu
Đa vui quá xướng to cho tôi nghe: “Đường chúng ta đi - nhạc Huy Du, lời thơ Xuân Sách; đây là một bài hát gam đô trưởng”. Rồi anh cất cao giọng: “Việt Nam trên đường chúng ta đi, nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó…”. Đa ngừng hát nói với tôi: Bài này hay lắm, tôi sẽ bày anh hát nhé: “Xòn đô rê đồ rê mí rê mí rê đô…”. Tôi vừa xướng âm theo Đa chưa hết 2 lần câu đầu của bản nhạc thì một trận oanh kích của pháo địch bất ngờ cấp tập trút xuống trận địa chốt. “Chắc lại hỏa lực dọn đường đây”!- Đa nói rồi nhét vội bản nhạc vào túi ngực, một tay quơ vội khẩu AK báng gập ngó ra cửa hầm quan sát. Mặt đất rung chuyển chao đảo, căn hầm như đưa võng vì những đợt pháo khoan tới tấp dội xuống.
- Chuẩn bị chiến đấu - Tôi hô và ra hiệu cho Đa vận động ra đoạn chiến hào râu tôm quan sát tình hình phía trước tiền duyên phòng ngự của bộ binh khi pháo địch sắp chuyển làn.
- Báo cáo có bộ binh và xe tăng địch tấn công trên hướng chính diện! -Tôi vừa kịp truyền thông tin trinh sát về cho chỉ huy bộ binh thì pháo từ xe tăng địch đã xối xả nhả đạn.
- B40, 41 chuẩn bị đánh tăng.
CCB trung đoàn Triệu Hải tưởng nhớ đồng đội trong chuyến thăm lại chiến trường Quảng Trị. Ảnh: TCY
Giọng của một cán bộ chỉ huy bộ binh lệnh cho tổ hỏa lực vang lên. Đa trở lui rồi nhanh chóng dẫn 2 chiến sĩ mang B40 lên chiếm lĩnh trận địa. “Ùng oàng, ùng oàng…”! Liên tiếp 2 phát B40 của ta đã bắn cháy 1 xe tăng đi đầu, bộ binh địch rối loạn nằm dí xuống mặt ruộng bắn xối xả về phía trước. Hai chiếc xe tăng khác của địch khựng lại tới tấp nhả đạn rồi tiếp tục dũi lên. “Ùng oàng, ùng oàng”- 2 phát B40 của tổ hỏa lực lần này không trúng mục tiêu; xe tăng và bộ binh địch tràn lên tập trung xả đạn về hướng chúng tôi.
Một chiến sỹ đánh tăng trúng đạn gục xuống bên thành công sự, 1 xạ thủ khác cũng bị thương. Chưa có xạ thủ B40 khác thay thế, tình thế thật nguy cấp. Nếu không tiêu diệt được xe tăng địch chắc chắn trận địa chốt của tiểu đoàn sẽ bị phá vỡ. Tôi và Đa dường như cùng suy đoán tình huống hiểm nghèo ấy và cùng hành động như vừa nhận được một mệnh lệnh: “Phải tiêu diệt xe tăng địch”! Tôi và Đa cùng một lúc nhảy phốc khỏi công sự của đài quan sát lao đến chỗ 2 xạ thủ B40, 41 vừa bị thương vong.
- Đa chú ý… diệt thằng bên phải, thằng bên trái để… - Tôi chưa kịp ra lệnh thì đã nghe súng của Đa phát hỏa. Tôi cũng kịp nhắm mục tiêu bóp cò: “Ùng oàng, ùng oàng”. Hai chiếc xe tăng trên hướng chính diện bị chúng tôi thiêu cháy, nhưng ngay lúc đó xuất hiện 2 chiếc xe bọc thép M.113 của địch vu hồi chọc vào hai bên sườn trận địa phòng ngự ta. Đứng dưới công sự không thể bắn được B40 về hướng chiếc thiết xa địch đang hành tiến, nhanh như chớp tôi thấy Đa vọt lên khỏi công sự rồi dương súng trong tư thế quỳ bắn. “Ùng oàng”, viên đạn bắp chuối từ khẩu B40 của Đa đã trùm một quầng lửa lên thiết xa địch.
“Cháy rồi, giỏi quá Đa ơi”! Tôi reo lên quay sang phía Đa thì đã thấy người đồng đội đang quằn quại trên thành công sự, ngực áo ướt đẫm máu. Vừa lúc đó có 2 xạ thủ B40 được tiểu đoàn điều động lên tiếp tục nhiệm vụ tiêu diệt xe tăng địch. Tôi lao sang ôm xốc Đa bò xuống công sư băng bó vết thương cho anh. Tiếng súng bộ binh thưa dần rồi ngưng hẳn, tôi đoán chắc đợt phản kích của địch đã bị quân ta đẩy lui nhưng ngay lập tức những trận oanh kích của phi pháo địch lại trút xuống trận địa chốt.
Bữa cơm nhớ đồng đội trong chuyến thăm lại chiến trường Quảng Trị của tác giả hồi ký cùng đồng đội CCB Trung đoàn Triệu Hải (năm 2017). Ảnh: TCY
Vết thương của Đa rất nặng, không thể cầm máu, 1 viên đạn xuyên qua ngực anh. Đa vẫn còn tỉnh, anh rên khẽ và nằm bất động vì đã kiệt sức bởi mất quá nhiều máu. Tôi bàng hoàng khi nghĩ đến tình huống Đa không thể qua khỏi. “Đa ơi, cậu sẽ được chuyển về tuyến sau…”. Anh lắc nhẹ đầu và đôi mắt bỗng mở to nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi cúi xuống bên người anh; Đa thở mạnh và dường như lấy hết sức chìa 1 cánh tay về phía tôi. Bàn tay anh đã lạnh, mềm nhũn nhưng vẫn đủ sức kéo tay tôi để lên ngực áo anh. Mấy ngón tay Đa như muốn thò vào túi áo lấy một vật gì, anh thều thào không rõ tiếng nhưng tôi đã hiểu ra. Tôi vội bật cúc túi áo anh và rút ra 1 tờ giấy; đó là bản nhạc “Đường chúng ta đi”- bài hát gam đô trưởng mà đêm qua anh vừa hát và dạy cho tôi những nốt nhạc đầu tiên! “Đa ơi, mình sẽ tập hát thật hay bài hát này”!- Tôi nói vào tai Đa, anh nhoẻn miệng như cười rồi gật nhẹ đầu như ra hiệu cho tôi hãy giữ lấy bản nhạc này.
Đa tắt thở trước lúc đội cứu thương của tiểu đoàn chưa kịp chuyển anh về tuyến sau. Người chiến sỹ trinh sát quả cảm, người ca sĩ ấy đã hy sinh như một người anh hùng… Nửa thế kỷ trôi qua, chiến tranh dường như đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng trong tôi chưa bao giờ phai mờ ký ức bi tráng một thời trận mạc và một kỷ niệm bi thương về người đồng đội yêu quý của mình! Việt Nam trên đường chúng ta đi…”! Bài hát gam đô trưởng - giọng ca hào sảng của anh vẫn còn vang vọng và theo tôi đi suốt cuộc đời!