Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 22/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Hậu phương người lính biên phòng nơi tuyến đầu xứ Nghệ Hậu phương người lính biên phòng nơi tuyến đầu xứ Nghệ , Người xứ Nghệ Kiev
 
(Baonghean.vn) - Thực hiện phương châm “Chống dịch như chống giặc”, nhiều tháng qua, trên những đường mòn, lối mở, cửa khẩu tuyến biên giới, bước chân của người lính quân hàm xanh vẫn ngày đêm không nghỉ để chống dịch Covid-19. Và góp phần giúp họ vững vàng nơi tuyến đầu luôn có hậu phương vững chắc. Đó là những người vợ, người chồng tần tảo gánh vác việc gia đình, chăm sóc con cái để động viên người thân yên tâm làm nhiệm vụ.

“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”

Tháng Ba này anh để lại vấn vương/ Khi lỗi hẹn với em ngày đính ước/ Nơi biên giới đang cần anh tiếp bước, cùng đồng đội ngăn đại dịch Covid/ Hết dịch dã ta chọn ngày vu quy/ Anh sẽ tặng em hoa lan, mua, sim tím/ Tặng cuộc đời, tặng trái tim người lính/ Tặng người vợ hiền những tháng Ba xinh...”, đó là những vần thơ xúc động của Trung tá Trịnh Văn Quế - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn gửi tặng Trung úy Lê Đình Thành - nhân viên quân khí, cùng đơn vị và vợ sắp cưới là chị Nguyễn Thị Giang - giáo viên Trường Mầm non Keng Đu (Kỳ Sơn).

Trung úy Lê Đình Thành đang thực hiện nhiệm vụ tại điểm chốt trên biên giới. Ảnh: Hải Thượng

Mặc dù ngày lành đã chọn, thiếp mời đã in, ảnh cưới đã chụp, nhưng đôi bạn trẻ vẫn quyết định hoãn cưới để Trung úy Lê Đình Thành yên tâm trực chốt chống dịch. Căn nhà nhỏ bình dị của gia đình cô giáo Giang nằm lọt giữa khoảng đất khá rộng, có mảnh vườn xanh tươi ở xã Hoa Sơn (Anh Sơn). Cùng quê Anh Sơn, nhà Trung úy Thành ở xã Đức Sơn, cách nhà cô giáo Giang vài cây số, và họ quen nhau qua mạng xã hội.

Nơi Giang dạy học cách đơn vị Thành đóng quân gần 100 km đường rừng, lại thuộc 2 tuyến đường khác nhau nên dù cùng đang công tác ở Kỳ Sơn, họ cũng không mấy khi được gặp mặt, mà chủ yếu trò chuyện qua điện thoại. Giang kể lần đầu tiên họ hẹn gặp nhau là ở thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Vốn là đồng hương, nên tình cảm giữa cô giáo trẻ và người lính biên phòng cứ thế được vun đắp, phát triển qua thời gian. Sau hơn 1 năm tìm hiểu, cảm nhận tình yêu chín muồi, đôi trẻ quyết định nên duyên vợ chồng. Hoàn cảnh tương đồng, bố mẹ hai bên đều làm nông nghiệp, lại cùng quê nên họ được gia đình, người thân hết lòng ủng hộ. Tết Nguyên đán Canh Tý, Trung úy Thành xin phép đơn vị về nhà tổ chức lễ ăn hỏi, đến cuối tháng 2/2020 mới tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần về nhà chụp ảnh cưới rồi trở lại đơn vị.

Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, BĐBP Nghệ An thành lập thêm nhiều điểm chốt ở các đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới để kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh. Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cán bộ, chiến sỹ đơn vị hàng ngày phải bám trụ tại các điểm chốt 24/24 giờ. Vì vậy, chỉ 2 ngày sau khi chụp ảnh cưới, Trung úy Lê Đình Thành đã bàn bạc với vợ sắp cưới xin phép 2 gia đình được hoãn đám cưới để chung tay cùng đồng đội phòng, chống dịch Covid-19.

Họ tạm gác niềm vui riêng để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Cô giáo trẻ cho biết, mới đầu nghe chồng bàn chuyện hoãn cưới cũng có chút chạnh lòng, hụt hẫng, nhưng đã trải qua 5 năm công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, là cô giáo cắm bản nên Giang thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sỹ biên phòng tuyến biên giới. Vì vậy, cô tự động viên bản thân và gia đình hai bên cùng chia sẻ, thông cảm để Trung úy Thành yên tâm làm nhiệm vụ. Họ chỉ biết động viên nhau qua những cuộc điện thoại ngắt quãng, chập chờn lúc có, lúc không, bởi Trung úy Thành thường xuyên phải bám chốt, tuần tra trên những đường mòn, lối mở.

Câu chuyện của Thành và Giang trở thành tấm gương cho tinh thần gác tình riêng vì việc chung. Tuy phải hoãn lại ngày quan trọng nhất của cuộc đời, nhưng tin rằng, sau khi đẩy lùi dịch bệnh, họ sẽ có một đám cưới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc trong sự chúc phúc của đồng đội và người thân...

 

Chồng làm hậu phương cho vợ chống dịch Covid-19

Nói đến hậu phương của người lính, người ta thường nghĩ đến hình ảnh những người vợ, người mẹ trong gia đình, thế nhưng, trong lực lượng Biên phòng Nghệ An hiện có 6 cán bộ nữ, chia làm 3 cặp đang công tác ở các đồn biên phòng tuyến núi thuộc các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông. Trong đó có Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh - cán bộ Đội Vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Môn Sơn (Con Cuông). Gần 2 năm, Thiếu tá Thanh viết đơn xin lên tuyến núi, là chừng đó thời gian ông xã của chị, anh Phạm Văn Đào - công tác tại Công ty CP Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh ở nhà làm hậu phương. Khi chúng tôi đến thăm, anh Đào đang nhặt rau chuẩn bị cho bữa cơm trưa, trong khi cậu con trai và cô con gái vẫn miệt mài bên máy vi tính để học trực tuyến. 

Anh Phạm Văn Đào đảm đương công việc nội trợ gia đình để vợ yên tâm công tác. Ảnh: H.T

Anh Đào cho biết, đi chợ, cơm nước là công việc thường ngày của anh khi vợ vắng nhà. Nhìn ngôi nhà gọn gàng ngăn nắp, căn bếp sạch tinh tươm không ai nghĩ rằng lại thiếu vắng bàn tay người phụ nữ. Bình thường, cô con gái đầu học đại học ở Hà Nội nên chỉ có anh và cậu con trai đang học lớp 10 ở nhà, nhưng hai bố con vẫn động viên nhau nấu ăn đầy đủ ngày 3 bữa.

Từ khi lên công tác ở Đồn Biên phòng Môn Sơn, số lần chị Thanh về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn từ đợt phòng, chống dịch Covid - 19 đến giờ chị chưa một lần về thăm chồng con. Mọi liên lạc đều thông qua chiếc điện thoại. Thương vợ vất vả, anh Đào luôn cố gắng chu toàn việc nhà để chị Thanh yên tâm công tác, dù như anh tự nhận “công việc ở tổ quản lý hệ thống điện chiếu sáng đường phố của anh cũng như con mọn, có sự cố thì dù đêm khuya cũng phải đi để khắc phục sửa chữa”.

Từng là bộ đội thuộc Quân đoàn 3, nên anh Phạm Văn Đào rất thấu hiểu nỗi vất vả của người lính, đặc biệt là phái nữ. Để động viên vợ, anh còn lên thăm đơn vị chị công tác, cùng vợ lặn lội vào những bản đồng bào dân tộc Đan Lai ở thượng nguồn Khe Khặng. Sau những chuyến đi như thế anh lại càng thương và chia sẻ với vợ nhiều hơn.

Chồng và các con của Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh luôn động viên vợ, mẹ yên tâm công tác. Ảnh: K.L

Nhờ có hậu phương vững chắc nên Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh luôn yên tâm để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đi đến đâu, chị cũng được bà con dân bản quý mến. Trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid -19, Thiếu tá Thanh cùng đồng đội và cán bộ địa phương đã đến từng nhà, rà từng cửa để tuyên truyền cho bà con cách phòng, chống dịch. Từ công thức mà quân y của BĐBP chuyển giao, Thiếu tá Thanh đã phối hợp với y tế địa phương hướng dẫn bà con pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn cho từng hộ gia đình. Tuy bận rộn và đã lâu chưa được về thăm nhà, nhưng như chị tâm sự, chính nhờ sự chia sẻ và động viên của chồng con - hậu phương vững chắc mà chị yên tâm để cùng động đội chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

 
Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh hướng dẫn nhân dân trên địa bàn pha chế dung dịch nước sát khuẩn. Ảnh: Hải Thượng

 

Vượt suối, băng rừng động viên chồng công tác

Nằm nép mình trong một con ngõ nhỏ ở phường Hà Huy Tập (TP. Vinh), căn nhà của vợ chồng Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng - cán bộ Đồn Biên phòng Mường Ải (Kỳ Sơn) luôn tràn ngập tiếng cười của 2 cậu con trai chăm ngoan và người vợ đảm đang - cô giáo Hoàng Thị Minh Thắng (giáo viên Trường THPT chuyên Đại học Vinh).

Chia sẻ về chồng - Thiếu tá biên phòng Nguyễn Văn Dũng, cô giáo Thắng vui vẻ pha lẫn tự hào: “Anh ấy chẳng mấy khi ở nhà nên ba mẹ con cũng quen rồi. Tuy xa nhưng không xa, bởi khi anh Dũng về nhận công tác tại Trạm Biên phòng Ái Khe thuộc Đồn Biên phòng Mường Ải, tôi đã lên tận nơi, chứng kiến điều kiện sống hà khắc, thiếu thốn của các chiến sỹ biên phòng tại trạm, nên hai vợ chồng quyết định “đầu tư” bộ phát sóng wifi để tiện liên lạc, giờ hầu như ngày nào cả nhà cũng liên lạc với nhau qua điện thoại, gọi video”.

Cô giáo Hoàng Thị Minh Thắng cùng các con luôn động viên Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng yên tâm công tác. Ảnh: NVCC

Chúng tôi (PV) đã từng đến Trạm Biên phòng đóng tại bản Ái Khe của xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn. Từ trung tâm xã Mường Ải để đến được bản Ái Khe phải vừa đi xe máy vừa đi bộ gần 30 km dọc theo đường tuần tra biên giới. Nơi đóng chốt là một địa điểm lưng chừng núi, địa hình nhỏ hẹp và khá dốc.

Đặc biệt khí hậu rất khắc nghiệt, mùa Đông có khi có băng giá, sương mù dày đặc, còn mùa Hè thì nắng cháy da. Quãng đường từ thành phố Vinh để lên đến được Trạm Ái Khe rất vất vả, ấy vậy mà chị Hoàng Thị Minh Thắng với cái bệnh đau cột sống, kèm say xe nhưng trong hơn 2 năm Thiếu tá Dũng nhận công tác ở Mường Ải, chị đã nhiều lần vượt quãng đường ấy để lên thăm và động viên chồng công tác. Mỗi lần lên thăm, chị lại mang theo đủ thứ đồ dùng cùng với các loại thực phẩm do chính tay chị nấu, kèm theo một vài thứ thuốc men mà chồng mình quen dùng để giúp chồng cùng đồng đội tăng cường sức khỏe, yên tâm công tác. Thậm chí, lên đến trạm, cô giáo Thắng còn động viên chồng cùng đồng đội cải tạo cơ sở vật chất, xây công trình vệ sinh khang trang, san gạt mặt bằng để trồng rau xanh, chăn nuôi gia cầm phục vụ cải thiện đời sống.

Kể đến đây, cô giáo Thắng cười xòa giải thích thêm: “Lên đó thấy chồng mình và các anh em chiến sỹ phải sống kham khổ nên thương lắm. Chẳng giúp được gì hơn thì cũng động viên các anh, các em chịu khó cải thiện, vợ con hỗ trợ hết lòng, nhất là tinh thần. Anh ấy đi công tác, tôi ở nhà luôn cố gắng lo chu toàn việc gia đình, con cái để chồng yên tâm làm nhiệm vụ”.

Cô giáo Thắng cho biết, việc theo chân ông xã đã trở thành thói quen không thể bỏ được của ba mẹ con. Trước đó, lúc anh Dũng tình nguyện vào công tác ở Đăk Nông, Tây Nguyên, mẹ con chị Thắng cũng đã lặn lội quãng đường hàng trăm km để vào thăm. “Quãng đường đi dài, cả ba mẹ con đều say xe, chặng đầu đi máy bay, sau đó thì ngồi xe khách, rồi lại xuống đi xe ôm hơn 40 km đường rừng mới đến được nơi chồng đóng quân, vất vả không sao kể xiết. Dọc đường đi, chị bị dị ứng chân tay sưng to không thể đi lại được do bị côn trùng cắn. Sau khi về phải điều trị mãi mới khỏi”, chị Thắng kể.

Qua lời kể chuyện lúc vui tươi, lúc như chùng xuống của chị, chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương, xen lẫn tự hào mà bao nhiêu năm qua chị dành cho chồng, cho cha của các con mình.

Cô giáo Hoàng Thị Minh Thắng. Ảnh: H.T

Hiểu được khó khăn, vất vả của người lính biên phòng nơi tuyến biên giới, chị Thắng cùng các con luôn cổ động tinh thần cho Thiếu tá Dũng yên tâm công tác. Mặc dù ở nhà, đã có lúc chị rơi vào những tình huống vô cùng vất vả như thời gian chị mới sinh cháu đầu được 5 tháng thì bố chồng bị tai nạn mất, mẹ chồng nằm viện, chồng lại ở xa.

Là con dâu cả, chị đứng ra lo toan, gánh vác mọi việc thay chồng để trọn đạo hiếu với mẹ cha. Những lần con ốm, con phải đi viện cấp cứu cũng chỉ mình chị đứng ra xoay xở, mọi việc xong xuôi, con ổn định sức khỏe chị mới gọi điện thông báo cho chồng, “vì biết tính anh ấy hay lo, nên nếu nói thì anh ấy cũng không về được, lại thêm lo lắng, tội lắm”, chị Thắng bộc bạch. Không chỉ luôn đồng hành cùng chồng trên mọi nẻo đường biên giới, cô giáo Hoàng Thị Minh Thắng còn “lan tỏa” tình thần chia sẻ với biên cương đến các đồng nghiệp, học trò của mình. Đặc biệt là trong thời gian chống dịch Covid -19, chị đã kết nối nhiều chuyến đi tình nguyện của các đồng nghiệp, học trò cũ lên miền biên ải tặng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... động viên các chiến sỹ quân hàm xanh cắm chốt ở các đường mòn, lối mở.

Vì nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn ở đường mòn, lối mở, nhiều cán bộ, chiến sỹ biên phòng nhiều tháng nay chưa được về nhà. Ảnh: Tư liệu

Được gặp, nghe những tâm tư của hậu phương người lính, chúng tôi cảm phục đức hy sinh và tấm lòng sắt son của họ. Do yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống dịch, cán bộ, chiến sỹ quân hàm xanh chốt chặn nơi đường mòn, lối mở, cửa khẩu nhiều tháng nay chưa về nhà thăm nhà, thậm chí cả khi người thân ốm đau, bệnh tật, họ cũng phải nén lại, nhờ hậu phương lo toan, gánh vác. Hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng. Có lẽ vì thế mà “nửa kia” của những người lính biên phòng đã luôn kiên cường, mạnh mẽ. Dường như, với họ “ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn”...

H.Thu- K.Ly

Nguồn baonghean.vn

https://baonghean.vn/hau-phuong-nguoi-linh-bien-phong-noi-tuyen-dau-xu-nghe-266484.html


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65986401

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July