Lan tỏa yêu thương Lan tỏa yêu thương , Người xứ Nghệ Kiev
Đêm đến, sau những ánh đèn lung linh của thành Vinh, tại những nơi mà người ta vẫn gọi là “đầu đường góc chợ”, có những con người với những mảnh đời, số phận khác nhau sống không nhà cửa, không tương lai.
Tưởng như cuộc đời đã bỏ quên họ. Nhưng vẫn còn đó những tấm lòng bao dung, những con người làm việc thiện với tâm nguyện “Cảm ơn cuộc đời”…
Thông qua kết nối facebook của bạn bè, chúng tôi biết được hoạt động thiện nguyện của một nhóm các lao động ở chợ Vinh. Họ là những người ăn bữa nay lo bữa mai, nhưng vẫn dành thời gian, sự quan tâm, đồng cảm chân thành với những mảnh đời còn khó khăn, cơ cực sống vô gia cư, bữa no, bữa đói không chỉ quanh khu vực chợ Vinh mà cả trên nhiều địa điểm khác ở thành phố Vinh. Không ít lần “theo chân” nhóm thiện nguyện này, chúng tôi có dịp được hiểu hơn về những “góc khuất ” của cuộc sống, những dấu lặng của số phận con người nơi đây.
Một ngày cuối tháng 3/2020, đã hơn 9 giờ tối, mưa bắt đầu nặng hạt và cái lạnh bắt đầu len lỏi theo từng hơi thở, tôi cùng mấy anh em nhóm thiện nguyện đến chợ Quán Lau ở phường Trường Thi. Đêm đến, chợ đóng cửa. Ở một góc nhỏ tối tăm, có 2 người nằm còng queo trước cửa một ki-ốt nhỏ. Thấy có người đến, một người đàn ông ngồi dậy ngó mắt nhìn rồi nhoẻn nụ cười khi thấy người quen, rồi nói: “Chú Sơn, chú Trung đó à, hôm nay đến hơi muộn”. Anh Phan Hùng Sơn (người khởi xướng hoạt động thiện nguyện) đưa cho ông cụ gói xôi giò còn nóng. Cụ cho biết, cụ tên là Nguyễn Đình Hiền, quê ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, năm nay 57 tuổi. Tôi thực không tin người đàn ông này 57 tuổi, bởi vẻ ngoài già nua, hom hem, đôi mắt trũng sâu và đôi má hóp lại sâu hoắm, răng đã rụng mấy chiếc, đầu tóc bạc trắng. Ông Hiền cho biết, mình đã lang thang khắp các huyện, thị trong tỉnh Nghệ An hàng chục năm nay để hành nghề mài dao kéo, và điểm dừng lâu nhất là thành phố Vinh.
Ông đã sống vô gia cư ở Vinh 20 năm. Bố mẹ mất sớm, nhà quá nghèo khổ, lấy vợ sinh được 2 đứa con, vợ lại mất sớm, hiện nay 2 con của ông Hiền được cô em gái chăm sóc. Em gái của ông không lấy chồng, ở vậy nuôi cháu. Ông Hiền lang bạt đi làm nghề mài dao kéo thuê, dành dụm tiền để mỗi tháng về nhà 1 lần đưa về nuôi con, nuôi em. Ngày nào được nhiều thì mua chiếc bánh mì, bánh bao ăn qua bữa. Hôm nào ế ẩm thì nhịn đói. Ban ngày đi các chợ, ban đêm tiện đâu ngủ đó, bất kể nắng hay mưa. Mùa Đông lạnh đến mấy ông cũng chỉ có manh áo mỏng và chiếc chăn chiên đã cũ nhàu, cáu bẩn. Tài sản quý giá nhất của ông là mấy hòn đá mài dao đã mòn vẹt. Ông Hiền cho hay, càng ngày càng ít người thuê mài dao, kéo nên chuyện phải nhịn đói là bình thường. “Từ bữa ra Tết tới nay nhờ có các chú hay cho cơm, cho bánh nên đỡ đói”, ông Hiền vừa ăn vừa nói.
Có tiếng ho húng hắng, khó nhọc vang lên từ phía bên kia “vách ngăn” là tấm ván bán hàng xén, đối diện với chỗ ông Hiền trú ngụ. Anh Phan Hùng Sơn cho biết, ở chợ Quán Lau này còn có 1 phụ nữ thường xuyên trú ngụ ở đây vào ban đêm. “Giường ngủ” của chị là tấm chiếu rách tươm trải trên nền bê tông lạnh buốt, nhám sệt. Tấm chăn hoa màu xanh mỏng, sờn cũ. Mái tóc cắt ngắn nham nhở, bết dính, miệng móm mém, lời nói thều thào không ra tiếng. Chị tên là Hoàng Thị Thanh, sinh năm 1971, quê thị trấn Nam Đàn.
Chị Thanh cho biết, chị một mình lang thang xin ăn ở thành phố Vinh đã 6 năm nay. Ban ngày đi các chợ, các nơi đông người xin ăn, tối về góc chợ ngủ. Tiền xin được chị để dành nuôi mẹ già hơn 80 tuổi cùng đứa con gái 10 tuổi ở quê. Hôm nào xin được nhiều thì mua xôi, mua bánh ăn, ngày nào ít người cho thì chị nhịn đói. “Đã lâu lắm không được nếm mùi cơm trắng, cơm nóng. Chỉ toàn thức ăn thừa, nguội lạnh. Mấy bữa nay ốm không đi lại được nhiều, không xin được nên không có chi ăn”, chị Thanh thều thào cho biết.
Và những lúc như vậy, gói xôi nóng trị giá 10 ngàn đồng mà nhóm thiện nguyện mang tới là một bữa tiệc xa hoa đối với những người như chị Thanh, ông Hiền và nhiều người khác nữa.
Hơn 10 giờ đêm, chúng tôi đến chợ Cửa Bắc, phường Hưng Bình. Trước một ki-ốt đã đóng kín cửa có chiếc màn mắc xiêu vẹo, bốn góc màn buộc tạm vào chiếc xe đạp cũ và một tấm ván cũ. Thấy “người quen” gọi, cụ ông mò mẫm chui ra khỏi màn. Dáng người mảnh khảnh, gầy gò và mái tóc bạc phơ, đôi mắt hiện rõ sự mệt mỏi.
Qua câu chuyện ngắt quãng, được biết cụ tên là Trần Nhật Minh, quê ở Hà Tĩnh, năm nay cụ 82 tuổi cũng là một người vô gia cư, làm nghề mài dao kéo thuê. Ngày cụ đạp xe đi các chợ trong thành phố Vinh, đêm về tá túc trước các ki-ốt kinh doanh đã đóng cửa ở chợ Cửa Bắc. Ngày chúng tôi ghé thăm, cụ nói: “Mấy hôm nay ốm nên không đi làm được. Ban ngày người ta không cho ở trước ki-ốt, nên đi vật vờ, đêm đến mới được nằm nghỉ”. Cũng vì không “đi làm” được nên không có tiền mua thức ăn, thật may có sự quan tâm của các anh em thiện nguyện. Cụ Minh cho hay, trước đây cụ là một quân nhân, lúc 30 tuổi, cụ lái xe đưa vợ con và 5 người bạn đi sang Lào chơi. Không may trên đường đi chiếc xe gặp tai nạn, vợ con cụ cũng như những người khác trên xe tử vong, chỉ mình cụ sống sót.
Sau vụ tai nạn ấy, cụ phải bán toàn bộ gia tài, nhà cửa để đền bù cho những nạn nhân khác. Không còn nhà cửa, cụ lang thang tìm việc, rồi làm bảo vệ cho một công ty khai thác cát, sỏi ở Hà Tĩnh. Được một thời gian thì cha mẹ cũng mất, cụ bỏ xứ đi lang thang, làm đủ nghề để kiếm sống.
Cụ Minh sống lang thang ở thành phố Vinh cũng đã ngót nghét 30 năm. Cũng chừng ấy thời gian cụ không nhà cửa, một thân một mình cùng gió mưa cuộc đời.
Theo anh Phan Hùng Sơn, ngoài cụ Minh, nhóm thiện nguyện của anh còn thường xuyên tặng thức ăn, quần áo, chăn, chiếu cho 10 trường hợp sống vô gia cư khác ở thành phố Vinh. Là một người làm nghề bốc vác ở chợ Vinh, từ nhỏ đã gắn bó với môi trường sống ồn ã của khu chợ Vinh sầm uất, anh Sơn hiểu rõ từng ngóc ngách, từng con người thường xuyên gắn bó với khu chợ này.
Trong đó, anh đặc biệt chú ý đến những người lang thang, sống không nhà cửa quanh khu chợ. Một lần tụ họp bạn bè đón mừng năm mới 2020, sau khi mọi người ăn uống xong, còn rất nhiều thức ăn ngon mà mọi người không ăn hết, anh Phan Hùng Sơn chạnh lòng nghĩ đến những người vô gia cư ngủ nơi đầu đường, góc chợ cùng chiếc bụng đói, anh gói ghém thức ăn mang đi cho.
Sau những tấm hình cùng đôi dòng tâm sự trên facebook của anh về mong muốn giúp đỡ những người vô gia cư, anh Phan Hùng Sơn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của rất nhiều bạn bè. Anh quyết định thành lập nhóm thiện nguyện “Chuyến xe 0 đồng”, đêm đêm mua thức ăn, các vật dụng thiết yếu tặng những người vô gia cư ở thành phố Vinh.
Cũng từ thời điểm đó, 11 người sống lang thang trên địa bàn thành phố mỗi đêm được nhận những tấm lòng sẻ chia của anh Phan Hùng Sơn, anh Hồ Sỹ Trung và nhiều bạn trẻ thiện nguyện khác. Tuy chỉ 1 chiếc bánh bao nóng hổi, hay đùm xôi trứng, xôi giò chỉ 8 – 10 ngàn đồng nhưng chứa chan tình nhân ái, cảm thông, chia sẻ, như lời cảm ơn đầy xúc động của ông Nguyễn Văn Hường, 57 tuổi, một người vô gia cư thường trú ngụ ở đường Trường Chinh, phường Đội Cung: “Được các anh quan tâm, tôi thấy vậy là cuộc đời vẫn còn nhớ đến những người như tôi”.
Các anh Phan Hùng Sơn, Hồ Sỹ Trung là những lao động tự do ở khu vực chợ Vinh. Họ cũng là người làm thuê, bốc vác kiếm sống. Anh Phan Hùng Sơn, sinh năm 1971, có vợ và con còn nhỏ. Vợ anh Sơn cũng là lao động tự do, thường nhận đưa hàng cho một số tiểu thương gần chợ. Còn anh Hồ Sỹ Trung năm nay đã gần 30 tuổi, là “phụ tá” đắc lực cho gánh hàng xén của bố mẹ mỗi đêm ở chợ Vinh.
Mẹ của Trung bán cháo đêm phục vụ các lao động nghèo, đêm đêm Trung phụ giúp mẹ dọn hàng. Ban ngày thì tham gia buôn bán nhỏ, thi thoảng thì về quê Nam Đàn phụ giúp bố trông nom mấy ao cá. Tuy vất vả, nhưng những lao động nghèo như Phan Hùng Sơn, Hồ Sỹ Trung bằng tấm lòng của mình, kết nối qua mạng xã hội để lan tỏa mong muốn được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Và mỗi lần có người tặng đồ dùng, tặng tiền để ủng hộ hoạt động của nhóm thiện nguyện, anh Phan Hùng Sơn lại trả lời bằng một câu nói quen thuộc “Cảm ơn cuộc đời”. Hầu hết những người ủng hộ việc làm của Sơn đều là bạn bè quen biết, là những tiểu thương quanh khu vực thành Vinh. Sau mỗi lần đưa tận tay người nhận, anh Phan Hùng Sơn, Hồ Sỹ Trung lại đăng ảnh cảm ơn các tấm lòng hảo tâm, kèm theo là câu nhắn gửi “Cảm ơn cuộc đời”, cảm ơn sư thầy Minh Quang ở chùa Vạn Phúc (Hà Tĩnh), hoặc nhiều bạn bè khác đã gắn bó, ủng hộ việc làm của các anh.
Không chỉ tặng quà các trường hợp vô gia cư, đã 3 năm nay, anh Phan Hùng Sơn còn tham gia phát cháo miễn phí đều đặn hàng tuần tại Bệnh viện Sản – Nhi ở thành phố Vinh. Đều đặn mỗi tuần 3 buổi, anh cùng các nhóm thiện nguyện khác tổ chức nấu cháo phát cho bệnh nhân nghèo đang điều trị nơi đây. Dù mưa hay nắng, vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần, anh cùng các tình nguyện viên tụ họp nấu cháo từ 3 – 4 giờ sáng để kịp phát cho bệnh nhân vào đầu giờ sáng.
Công việc bốc vác của anh Phan Hùng Sơn ở chợ Vinh bắt đầu một ngày cũng từ 3 giờ sáng. “Nếu hôm nào nhiều việc thì làm đến 3 giờ chiều là nghỉ. Còn bình thường thì chỉ làm trong buổi sáng. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều ngày không có việc làm”, anh Phan Hùng Sơn bộc bạch.
Thế nhưng, hễ đọc được trên mạng xã hội về một trường hợp nào khó khăn, hoạn nạn, anh lại đăng facebook cá nhân và kêu gọi bạn bè giúp đỡ. Nếu có người ủng hộ, anh sẵn sàng “phi” xe máy đến tận nơi để tặng quà. Ví như ngày 24/3 vừa qua, được bạn bè facebook và một số nhà hảo tâm gửi gắm nhờ tặng quà các gia đình khó khăn, anh Phan Hùng Sơn và Hồ Sỹ Trung lại chở nhau trên chiếc xe máy, đi đến xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, xã Xuân Trường, huyện Thanh Chương, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương để trao tận tay các gia đình.
Đó là những mảnh đời khốn khó, hoạn nạn như vợ chồng anh Trường, chị Sinh ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Hơn 40 tuổi anh chị mới sinh được người con trai duy nhất, thì nay mới 50 tuổi chị Sinh lại bị ung thư, anh Trường thì sức khỏe yếu, đau ốm thường xuyên. Nhà không có gì đáng giá ngoài con bò mà chính quyền địa phương tặng hộ nghèo.
Hoặc như gia đình anh Sơn, chị Tý ở xã Xuân Trường, huyện Thanh Chương. Anh Sơn trong một lần ra đồng gặp tai nạn hiện nay phải ngồi xe lăn. Chị vợ thì không được minh mẫn, khả năng lao động hầu như không có. Anh chị lại còn phải chăm mẹ già đã 88 tuổi cùng đứa con gái mới lên 4. Gia đình anh Sơn, chị Tý ăn bữa nay lo bữa mai, chỉ biết trông chờ vào mấy sào ngô và sự cưu mang của cộng đồng. Bao nhiêu năm qua, anh Phan Hùng Sơn cũng không nhớ hết những trường hợp mình đã kết nối giúp đỡ. Có những người qua kêu gọi đã được cộng đồng giúp đỡ hàng chục triệu đồng.
Những chuyến xe của anh Phan Hùng Sơn, Hồ Sỹ Trung vẫn bon bon trên đường, kết nối những tấm lòng bao dung. Anh không lập tài khoản, chỉ nhận ủng hộ trực tiếp và đích thân đưa đến tận gia đình người khó. Bởi vậy, niềm tin của những “mạnh thường quân” dành cho các việc làm thiện nguyện mà anh Phan Hùng Sơn và các bạn đồng hành luôn bền chặt. “Tuy nhiên, hiện nay đang gặp đại dịch, nhiều người gặp khó khăn, thất nghiệp nên anh rất lo cho những người vô gia cư, vì nguồn tài trợ đang vơi dần”, anh Sơn lo lắng chia sẻ. Những tâm tư ấy cũng là băn khoăn của những người ủng hộ anh. Trong màn đêm của thành Vinh, sau những “chuyến xe 0 đồng” đi khắp thành phố tặng quà cho người vô gia cư, nhóm thiện nguyện lại mơ ước về một thành Vinh không còn những người lang thang ở những góc tối với nỗi cô đơn, khó nhọc.