Hói Nồi là vùng đất tận cùng phía đông của làng tôi, nơi có con sông Mơ nước mặn lừng đừng chảy lên xuống theo con nước thủy triều. Con sông chắn ngang,tạo một vùng đất chua phèn ngập mặn cơ man nào là năn lác, cỏ dại, ốc sắt, cua cá rạm coong cáy đủ loài sống ở nước mặn nước lợ, lại có con kênh tiêu Cù Chính Lan nối kênh Bình Sơn uốn lượn theo dòng chảy tự nhiên qua các cánh đồng đổ về sông Mơ… Ngồi trên thuyền đi dọc từ đầu làng về cuối làng rồi xuống Hói Nồi như đi du lịch kênh rạch trong Đồng bằng sông Cửu Long vậy, nhưng thơ mộng hơn là ngồi trên thuyền bởi có thể buông lưới bắt được cả yến cá nước ngọt như cá rô, cá gáy, cá quả…
Khi mùa chiêm vừa gặt xong, cánh đồng trở nên mênh mông, luồng gió biển mặn mòi thổi vào Hói Nồi qua rặng phi lao của các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh nghe cứ ro ro vi vu bên tai. Con sông Mơ hiền lành bỗng trở nên phóng khoáng và hoang dại hơn. Trên cánh đồng, những gốc rạ còn lại đang nhuốm màu vàng xỉn, váng sắt, vương vãi đây đó những hạt lúa rơi rụng vàng ươm rải khắp từ đồng Phần Xôi, Đồng Gãy, Đập Bản cho đến Hói Nồi… Ấy là lúc những đàn vịt cỏ đông đến hàng ngàn con của dân các xã quanh Hói Nồi được thả ra các cánh đồng. Vịt chúng tôi cũng đã toe lông bút, to bằng nắm tay thi ăn với đàn vịt của nhà làng. Chúng ríu rít mò nhủi tất cả những gì mà thiên nhiên hào phóng ban tặng và những hạt lúa, dé lúa khó nhọc từ bàn tay con người sót lại. Khi đoàn quân đông nghịt ấy đi qua thì cơ man nào cua, ốc, cóc nhái, cá tôm và thóc rụng được thu nhặt kỹ càng.
Chúng tôi đi chăn vịt đàn, khi mùa gặt vừa xong giống như dân du mục, mỗi đêm ở một cánh đồng, sáng Đập Bút, chiều Đầm Họ, hôm sau lại Đầm Hiếu, Đầm Tạ Mạc, Đầm Huyện... Vịt ăn no và đủ chất nên rất chóng lớn, chéo cánh, đủ lông và vào mùa đẻ rộ đúng giữa kỳ nghỉ hè. Giống vịt cỏ khéo kiếm ăn và đẻ lai rai, nhất là khi phải chạy đồng. Có nhiều người nông dân đi làm vẫn nhặt được những quả trứng đẻ sót trên ruộng của mình. Chúng tôi ngửa mũ nhặt trứng rơi vãi nổi lập lờ trong những bụi cỏ, trong đám rong rêu. Số trứng này Văn thường bảo hai đứa luộc lên cải thiện, còn trứng trong kế hoạch thì dứt khoát không được ăn để nộp cho cha mẹ đang mong ở nhà, đem đi chợ đong gạo. Quy định nghiêm ngặt thế
Dịp nghỉ hè tôi đi chăn vịt với bạn cả tuần mới về nhà ăn cùng gia đình bữa cơm hôm. Những đêm ngủ lại trong lều vịt, trời giá lạnh, mùi phân vịt hăng chua, tanh tanh, lúc đầu hơi khó chịu sau lâu rồi cũng quen. Lều vịt thường cắm trên mô đất cao, gần đường cho đỡ sợ ma. Do vậy, với sự ồn ào của đàn vịt cộng thêm tiếng các bà, các cô vùng Kẻ Mơ đi chợ huyện, cười nói ầm ĩ, lịch kịch lúc gần sáng khiến chúng tôi phải dậy sớm từ tinh mơ. Hai mắt mở chong nằm cạnh nhau trên chiếc chõng tre, chúng tôi ngước nhìn những vì sao nhấp nháy trên bầu trời qua những lỗ thủng của mái lều tranh lợp tạm, tâm sự đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhưng cuối cùng vẫn về chuyện những con người của làng Quỳnh và chuyện làm ăn của làng.
Minh họa của ĐẶNG TIẾN |
Hói Nồi là vùng đất có nguồn thủy sản thật phong phú và dễ tìm cái ăn. Khi trời mưa xuống chỉ cần đặt cái Đó to ở cống ba cửa đêm trời mưa lâm thâm, sáng ra có thể vớt được cả tạ rạm vàng ươm, bò rào rạo trong thúng. Rạm bé hơn cua nhưng độ đạm thật nhiều. Tất cả các loại thủy sản nước lợ đều rất ngon, ăn không chán đã ăn thì nhớ mãi một đời… Cứ mỗi buổi sáng bình minh rực rỡ lên khi con nước sinh (con nước xuống), chúng tôi tay cầm xô rủ nhau xuống sông Mơ bắt cáy, cua và cả cá thòi lòi. Theo ven sông những sinh vật đó nhiều vô kể. Con vật ngon bắt nhặt cho người. Tất nhiên những đặc sản ấy phải nấu ngay đồng, hay đưa về lều vịt luộc lên ăn tại chỗ mới thấm hết cái vị ngon ngọt. Các loại hiếm hơn, như cá bống, cá đối thì hun lửa rạ mới có mùi đặc biệt. Cua, còng nước lợ, gạch nó thơm ngon không gì tả nổi, lóng lánh trong nồi đất. Khi nước lên thức ăn đã dự trữ hàng chum rồi, chúng tôi lại đi thuyền vào rừng đước, sú vẹt trong lòng sông Mơ. Ở đây là nơi trú ngụ sinh sản của hàng trăm loại chim như cò, vạc, gà lôi, cuốc cuốc… Hàng năm đến tháng 9 tháng 10 là khi đàn chim biển di cư về trú ẩn như vịt trời, ngỗng trời, hàng nghìn con đậu trắng cả vùng sú vẹt, chỉ cần giơ tay có thể đỡ được ổ chim đầy trứng hoặc ổ chim non đang hoác mỏ chờ mồi…
Thế nhưng dù vui với cái vui hoang dã đến mấy, ăn ngon đến mấy thì nhiều đêm hai thằng vẫn suy nghĩ như người lớn và đôi lúc cảm thấy cô đơn… Khi nhìn thấy ven bờ đã thấy hoa cúc, hoa cải rộ vàng, là lúc chúng tôi chuẩn bị bán lứa vịt gốc để tôi rảnh tay vào năm học mới trường huyện. Tôi sắp xa Văn để tập trung học hành. Những ngày ấy nó càng trở nên lầm lì như con gấu. Có bữa cơm không muốn nói chuyện, không muốn nhếch mép cười. Lúc ấy tôi đã nói với nó điều ấp ủ, suy nghĩ bấy lâu nay:
- Văn ơi, mình nói điều này, bố mình mỗi lần về quê đều tâm sự với mình rằng: Làng Quỳnh ta xưa nay là đất học. Học cũng là một nghề, có đam mê thì mới giỏi được. Mình hiểu nỗi khát khao và những thiệt thòi của cậu khi không được học tiếp cấp 3 như mình. Tuy nhiên cậu cũng có thể thoát ly làng đi làm một việc gì đó, rồi có vốn để học thêm lên chẳng hạn. Mình thiết tha khuyên cậu đừng nên loay hoay ở Hói này với mấy con vịt, giỏi lắm là đủ ăn chứ không thể giàu được. Cậu nghĩ mà xem, con cua, con cáy ở Hói Nồi này, dù nhiều đến đâu rồi cũng có ngày cạn kiệt. Chúng mình kiếm ăn theo cách khác, bằng hai tay và cả cái đầu nữa, được không bạn?
Văn ngồi im không nói gì, cũng chẳng tỏ ra tán thành hay phản đối nữa. Nhưng từ ngày hôm đó, nó có vẻ bồn chồn như đang ấp ủ một ước mơ gì đó, to tát lắm, dữ dội lắm…
2
Không biết có phải Văn nghe lời tôi hay không mà cuối năm đó bạn xung phong đi bộ đội, mặc dù còn thiếu một tuổi. Tôi nhận được vài lá thư đầu báo tin nó nhập vào đoàn quân tình nguyện sang Campuchia chiến đấu. Tôi viết thư cho bạn nhắc đến kỷ niệm về Hói Nồi mà rơm rớm nước mắt. Rồi tôi ra Hà Nội học đại học, nhận công tác ở đó, chưa nóng chỗ lại chuyển về Vinh dạy học, nên hai thằng cũng chẳng có điều kiện quan tâm đến nhau nhiều. Mỗi lần về quê, chiều chiều lại lấy xe đạp, đạp vòng xuống sông Mơ rồi đạp quanh Hói nhìn những đàn vịt bơi lội, thao thức nhớ về một thời. Tôi nghĩ, nếu còn sống, với đức tính cần cù dũng cảm và nhanh nhạy của Văn, chắc nó cũng lên cấp tá, cấp tướng rồi cũng nên. Chẳng biết nó có nhớ đến Hói Nồi này nữa không, mà mình cứ ôm mãi khối tương tư mãi thế này?
Thế rồi tình cờ trong một chuyến tham quan Đà Lạt, đoàn chúng tôi lại ở đúng khách sạn có tên là "Hói Quê". Khách sạn vào loại sang, 3 sao và có nhiều đặc sản gợi nhớ quê hương. Chúng tôi được biết ông chủ khách sạn quê gốc Nghệ, vào đây làm ăn to, ngoài khách sạn này còn một cái nữa ở Trung tâm thành phố. Lại còn thêm tiệm vàng nữa. Tôi đang tự hào cho xứ sở "Cá Gỗ" mình thì bỗng dưng Văn xuất hiện bất ngờ trước mắt tôi, to béo như phi công Liên Xô, mặt bầu bĩnh hồng hào, hai tay lông lá ôm chầm lấy tôi. Gặp nhau hai chúng tôi mừng quá, tôi ngửi lên vai áo nó mùi nước hoa mà cứ thoảng thoảng cái mùi mồ hôi chua chua dạo còn rét ôm nhau ở Hói Nồi. Hai đứa ôm nhau rung rưng một lát rồi cùng thả nhau ra ngắm nhìn nhau từ đầu tới chân. Ai hỏi, chủ nhà hàng cũng bô bô, tự hào giới thiệu:
- Cái thằng “thầy” trắng trẻo này - bạn chỉ vào tôi - thuở hàn vi vừa là cùng quê, bạn học, vừa là bạn chăn vịt với tui đó!
Tôi cũng thơm lây khi thấy bạn thành đạt. Từ hôm ấy hai đứa quấn quýt nhau, Văn trở thành hướng dẫn viên du lịch, bao ăn bao ngủ toàn bộ cho đoàn chúng tôi. Những đồng nghiệp của tôi ai cũng thấy vinh dự cho những người con xa quê thành đạt, ước được một phần của bạn.
Văn rủ tôi về thăm nhà riêng, thăm cái "lều vịt" hiện nay của mình. Tôi biết ngay khách sạn của Văn lớn vậy thì nhất định dinh cơ hẳn rất bề thế. Mải suy nghĩ mung lung ô tô đã tới nơi biệt thự lung linh của bạn từ lúc nào. Đón tôi ngay ở cổng là một phụ nữ nở nụ cười rất tươi, niềm nở, ánh mắt long lanh sắc ngọt. Chị mới ngoài ba mươi, mảnh mai, da trắng nõn nà, nói giọng Hà Tĩnh ngọt lịm:
- Trời ơi! Em nghe chồng em kể về anh rất nhiều, lại còn viết truyện về anh nữa đấy. Rứa mà bữa ni mới được gặp anh. Anh ở đây một tuần đi, để hai người "ôn nghèo kể khổ" với nhau cho thỏa, em sẽ hầu chuyện hai anh chu đáo…
Văn cười nhìn vợ thỏa mãn, hạnh phúc…
Đêm ấy tôi và Văn lại nằm gác chân lên bụng nhau, câu đầu tiên vẫn là: sau vụ vịt ở Hói Nồi mày đi những đâu? Tôi kể vắn tắt, cốt để nghe sự thay đổi kỳ diệu ở đời bạn.
Văn cho biết: Sau mùa đó đi bộ đội sang chiến đấu ở Campuchia, hết chiến tranh đi Đức làm quản lý lao động, gom góp được ít vốn về thành phố này định cư, lấy vợ là người Hà Tĩnh, học xong đại học sư phạm Đà Lạt không đi dạy ở nhà phục vụ chồng con. Vợ chồng bây giờ đã được ba cháu - Tau thật hạnh phúc và mãn nguyện…
Bản thân Văn vừa là ông chủ kinh doanh khách sạn Hói Quê vừa là lính cơ động ở những cơ sở còn lại. Mọi việc Văn làm hết, quản lý người làm ở hiệu vàng khách sạn, không muốn vợ bắt tay động chân một việc gì, chỉ ở nhà trông con và phục vụ gia đình, Văn thì đi từ sáng sớm đến khuya mới về, có nhiều hôm vì rượu nhiều lại không về nữa ở luôn khách sạn - Mệt hơn dạo chăn trăm con vịt ở Hói Nồi, tau đặt tên khách sạn Hói Quê chắc chỉ mình mày hiểu thôi.
Nói chuyện gần nửa đêm Văn dậy mở tủ, lấy ra một chai rượu ngâm vàng sánh, nói là rượu ngâm tay gấu. Vừa lấy ly rót rượu Văn vừa nói:
- Đúng thật mi nạ, người làng ta đi xa mới làm ăn được. Tau dừ có khoảng trăm tỷ với hai khách sạn, vài tiệm vàng nữa. Đời không cần gì thêm, chỉ cần bình yên, sức khỏe và bạn bầu thôi. Hay mi vô đây ở, làm quản lý cho tau. Chứ hồi đêm nghe mi nói dự định về quê sắp tới, tao thấy cò con quá - Lát sau lại thấy mặt Văn rưng rưng như muốn khóc, bảo - may mà hồi đó mi nói cái câu ở lều vịt giữa đêm rét, mày nhớ nữa không? Nhờ câu đó tau mới quyết tâm ra đi, chớ đi chăn vịt mãi... không biết dừ răng hậy!
Chia tay Văn dúi cho tôi bọc tiền về nhà mới biết năm mươi triệu.
3
Sau năm đó, tôi về lại chuyển sang làm báo, vì công việc bận rộn túi bụi nên cũng không liên lạc được với Văn nhiều. Chỉ nghĩ ở thành phố sang trọng, bạn là một người sang trọng một doanh nhân thành đạt, giàu có và quý bạn, vậy thôi. Khi có dịp lại đưa anh em vào đập phá.
Tôi về làm nhà ở quê, ngay trên mảnh đất hương hỏa của ông bà bố mẹ để lại. Đúng các cụ ngày xưa nói thâm thúy thật - từ trước tới nay, người làng Quỳnh ai đi đâu làm quan to đến mấy khi về hưu cũng thường về quê ở, quên hết chốn quan trường và việc xã hội, tập trung lo lắng cho sự học hành, dạy dỗ con cháu, xây dựng các mối quan hệ tình làng nghĩa xóm và hương khói cho ông bà tổ tiên. Tôi cũng vậy, đến bây giờ đã thấy mình thật thanh thản và toại nguyện, được hít thở gió nồm từ quê hương trong lành mơn man.
Theo sáng kiến của anh bạn trẻ cùng làng đang làm giám đốc Rừng phòng hộ huyện, rủ cùng nhau xuống khai phá văn minh vùng Hói Nồi. Nghe nói về Hói Nồi tôi hưởng ứng ngay, cùng bạn trẻ nhận lại mấy hecta đất của người bà con trong làng mà lâu nay đã cho người xã khác canh tác hoặc bỏ hoang. Đây cũng chính là mảnh ruộng ngày xưa của nhà Văn, nay chúng tôi mở rộng thêm nhiều thửa nữa, đầu tư xây hồ, làm ao dựng nhà để nuôi tôm công nghiệp và nuôi cá đặc sản.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm lâu nay của chúng tôi nên qua mấy vụ, những hồ nuôi tôm thâm canh đã cho thu hoạch. Hồ cá rộng cả hecta nuôi nhiều loại thủy sản quý như cá vược, cá chim biển, cá đối… đủ thứ bơi lượn tung tăng. Trong trang trại xây dựng cả cầu “Thê Húc” bắc qua kênh ban đêm hàng trăm bóng đèn điện rọi xuống nước trông rất lung linh, huyền ảo và thơ mộng. Chúng tôi còn xây dựng cả cột cờ cao và hệ thống truyền thanh phục vụ cho nhân nhân ở đây. Xung quanh hồ trồng dừa và mít đã tươi tốt, ở giữa hồ dựng một ngôi nhà sàn để bạn bè đến chơi đàm đạo thơ văn, buông cần câu xuống ao là có cá tươi nhắm rượu. Hói Nồi vẫn như xưa, nhiều tôm cá tự nhiên, muốn bắt bao nhiêu cũng được. Chỉ khác là bây giờ ngồi nhà sàn buông câu, chứ không phải lấm lem như trước, và uống rượu với không gian đầy lãng mạn chứ không còn phải co ro trong lều vịt, nhìn lên mái là thấy sao trời qua mấy phên rạ lưa thưa nữa.
Sau hơn ba phần tư cuộc đời đi ăn cơm thiên hạ, kể cả trong và ngoài nước, bây giờ lại về với Hói Nồi nuôi tôm cá, tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu thường nói cửa miệng “nơi chôn rau cắt rốn” là như thế nào. Hói Nồi dần dần trở thành khu tham quan nghỉ mát của bạn bè cùng với sự làm ăn bắt đầu có hiệu quả của chúng tôi.
Thật tình cờ, hôm rồi nhân ngày tế họ rằm tháng giêng, tôi lại gặp Văn về quê dâng hương ở Nhà thờ Hồ đại tộc. Gặp nhau, Văn chạy tới bá vai tôi hỏi ngay:
- Mi về Quỳnh Đôi dừ mần chi, nghe nói xuống Hói Nồi phát triển mạnh lắm à?
- Mình về nhận lại mảnh đất của gia đình cậu hồi xưa ở Hói Nồi, nơi ta đóng “đại bản doanh” lều vịt ấy. Đầu tư, nuôi tôm, cá, cũng hay
Tôi kéo Văn ra thăm lại cơ ngơi ăm ắp kỷ niệm xưa của hai đứa. Dọc đường đi Văn vẫn vẻ trầm ngâm suy nghĩ, khi sắp đến trang trại của chúng tôi, bạn thở dài:
- Tau bán hai khách sạn và hai hiệu vàng rồi. Mi biết đó, con vợ tau như dao sắc, vì đẹp mà tau không muốn cho hắn đi làm, ở nhà phục vụ chồng con. Vậy mà sinh ra thờ cúng lên đồng. Tau thì lo làm ăn nên cũng mặc hắn ở nhà làm gì cũng được. Mãi tới gần đây mới phát hiện ra vợ tau theo thằng thầy cúng mấy năm rồi... Cực chẳng đã, tau đuổi đi rồi, chỉ thương mấy đứa con thôi...
Tôi ngậm ngùi nghĩ về người phụ nữ đẹp, quý phái, mẹ của ba đứa con Văn và cái cơ ngơi của hai vợ chồng mà chúng tôi đã từng trầm trồ ao ước…
Tối đó, hai thằng chăn vịt ngày xưa ra nhà sàn ngồi hóng gió biển mặn mòi, bảo mấy người làm bắt tôm càng xanh luộc lên rồi cùng nhâm nhi chén rượu. Nhìn mặt nước sủi bong bóng tôm búng, tôi an ủi bạn:
- Thôi cũng là số phận cả Văn ạ. Cậu cố quên cho nhẹ người. Bây giờ cậu đã tính sao chưa?
- Hai năm nay tau vô rừng sâu cách thành phố đến chừng độ 70 cây số bỏ tiền mua rừng cũ của bà con dân tộc Ê Đê và nhận rừng khoanh nuôi, để trồng cao su. Hiện nay số cao su mua lại cũng đã cho thu hoạch, tao không muốn ra phố nữa, chán lắm! Thôi ở luôn trong rừng thôi.
Tôi nắm tay Văn lắc lắc:
- Hay cậu bỏ quách trong đó, về Hói Nồi này cùng làm ăn với tụi mình?
Văn cười nửa miệng, vẻ chua xót:
- Giá mày nói cách đây vài năm trước thì tau cũng có thể về thật đấy. Giờ thì muộn rồi, quỹ thời gian không còn nhiều nữa. Vả lại, sự nghiệp tau giống như cái xe đạp, chạy thì không ngã nhưng đứng lại thì đổ kềnh. Cơ sở trong ấy cũng đang gối cái này lên cái kia. Các con đang cần tau.
Một lát, Văn lại hỏi tôi:
- Tau hỏi thật nhá, tại răng mi lại về quê đầu tư vô Hói Nồi?
Tôi chưa trả lời vào câu hỏi, mà đọc cho nó nghe bài thơ của nhà thơ Lam Giang, người cùng làng với chúng tôi, viết về sông Mơ, Hói Nồi
Hỏi em còn dải sông Mơ?
Lại bâng khuâng tiếng Hói Nồi ngái xa
Hoang sơ một thoáng hồn ta
Sóng lay đỏ ráng phù sa nào buồn
Sông Mơ chát mặn cuối nguồn
Nắng mưa xao xác lạch luồng em đi
Anh về thuơng lại sông quê
Còn xanh hoài cỏ ven đê phía trời
Người xa gần trọn vòng đời
Trách chi ai nhạt đò vơi đò đầy
Đoái trông ngút ngát chân mây
Lắng trong anh dáng hao gầy sông Mơ
- Một mảnh đất đầy tình người như thế ai nỡ lãng quên, cho dù thành đạt đi chăng nữa. Mình về vui thú với cảnh điền viên, hưởng gió trời, ở Hói Nồi như ở bãi biển Cửa Lò vậy. Cảnh trăng thanh gió mát ở đây thì cậu quá biết rồi.
Tự nhiên Văn ôm mặt khóc sụt sịt! Rồi hắn lại cười: Hớ… hớ… hớ, và cuối cùng phang một câu: Giỏi! Ước gì bây dừ tau được ở Hói Nồi! Hức! hức! Giá như mọi thứ đều có thể...
Bạn của tôi ơi, hơn nửa đời người lên rừng xuống biển, vinh hoa giàu có không thiếu, sao bạn lại ước ao được trở về Hói Nồi. Ôi Hói Nồi! Con hói nho nhỏ, giòng nước khi đục khi trong, hai bờ cua cá ẩn dưới tán cây mà sao như cứ chảy hoài trong trái tim của những đứa con xa? Con hói bình dị mà sao những đứa con làng Quỳnh dù đi xa đến đâu đều muốn trở về như trở về với lòng mẹ, để được ôm ấp, vỗ vễ và vùng vẫy đến vậy?... Tôi ôm chầm lấy bờ vai đang rung rung từng đợt của bạn. Nhìn về phía chân trời, nơi mây trắng đùn lên như bông và ngửa mặt đón lấy làn gió mát lạnh thổi từ biển qua sông Mơ về Hói Nồi, mơn man da thịt…
Tối nay tôi lại phải khuyên bạn một điều như 40 năm trước, chắc bạn lại sẽ nghe thôi. Cuộc đời thật không nói trước được điều gì./.
Hồ Ngọc Quang
Ảnh dưới: Tác giả và đầm tôm của mình tại Hói Nồi, Quỳnh Đôi , Quỳnh Lưu, Nghệ An