Bản lĩnh "ngược sóng"
Từ nửa đêm cho tới sáng 17/9/1982, cơn bão số 7 sức gió giật trên cấp 12 kèm theo mưa to, sóng lớn, triều cường bất ngờ đổ ập vào và càn quét hầu hết các huyện ven biển và trung du của tỉnh Nghệ An. Là phóng viên đài tỉnh, chúng tôi ngày đêm đi hết mọi làng trên, xóm dưới “mô tả” cảnh bão gió tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, trường học, bệnh viện…
Sau đận khó khăn, vất vả đó, gặp nhà văn Bá Dũng, tôi vừa như muốn hỏi chuyện, lại vừa muốn thanh minh về việc nhóm chúng tôi “vấp” phải khi háo hức mang lên tỉnh trình chiếu bộ phim phóng sự về cơn bão nói trên. Tư liệu nhiều, được chọn lọc công phu, cắt dựng có ý đồ, lời bình gọn rõ… Vậy mà xem xong cả nhóm bỗng bị vị lãnh đạo kia vặn hỏi: “Cấp ủy đâu, chính quyền đâu? Không hề có một tý chút mô về lãnh đạo, chỉ đạo cả?”. Thế là nhóm chúng tôi cứ phải chịu trận, cắt đi, sửa lại cho đến khi… trời yên, biển lặng!
Nhà văn Bá Dũng (thứ 2 hàng bên trái) trong chuyến đi thực tế cùng đoàn nhà văn các tỉnh Bắc Trung bộ. Ảnh: Hội VHNT tỉnh
Trong thời điểm đó, nhà văn Bá Dũng trình làng trên báo Văn nghệ một bài bút ký viết ngay sau khi cơn bão số 7 vừa tan với một không khí, giọng điệu khác hẳn. Nhà văn đi về khu vực Cửa Lò, Cửa Hội - nơi bà con ngư dân ven biển vừa gánh chịu tổn thất vô cùng nặng nề về nhà cửa, thuyền lưới. Nhà văn gặp một lão ngư và nhìn ra ở con người quen “ăn sóng, nói gió” này ý chí vươn khơi, bám biển, gây dựng lại tất cả từ con số 0 và mênh mông biển cả. Rằng, với lão ngư này, khi sóng đánh hất tung tàu và lưới lên chính là lúc ý chí của ông và những người đi biển suốt đời như ông vững vàng nhất, kiên định nhất. Còn khi về lại đất liền yên tĩnh, lặng lẽ thì ông lại thấy mình như bồng bềnh, mất thăng bằng bởi vì ông không quen với điều đó, dứt khoát không bao giờ!
Nhà văn Bá Dũng cũng đã tìm về bệnh viện thành phố, không chỉ muốn tìm hiểu về những thiệt hại hay những biện pháp nhanh chóng ổn định mọi việc cần kíp nơi đây, mà ông tìm đến khoa sản, tìm đến những bà mẹ và cháu bé vừa sinh ra trong cơn bão lịch sử này. Trong giờ khắc cơn bão gầm rít, hất tung nóc nhà toang hoác, các cánh cửa trật chốt và mưa xiên, mưa chéo, một công dân của thành phố vừa chào đời trong niềm vui khôn tả của kíp trực và người nhà còn ướt đẫm áo quần, không rõ là do mưa bão hay những giọt mồ hôi thánh thót.
Tôi nhớ là lúc đó, nhà văn không nói gì khi tôi “trần thuật” chuyện làm phim và ngỏ ý thán phục nhà văn về bài bút ký, ông chỉ cười hiền như chia sẻ với những nông cạn, non dại của chúng tôi.
Càng về sau tôi càng hiểu rằng, để có cách nhìn đó, nhà văn Bá Dũng cũng như bao người khác, đã từng trải qua vô số các trận bão của trời đất hàng năm, cũng như ông hoàn toàn không xa lạ với những người, những cảnh, những điều từng ngẫm nghĩ, viết ra để bảo vệ, chống chọi với những "cơn sóng" khó tính, ưa bắt bẻ của không chỉ bạn viết, bạn đọc!
Nhà văn Bá Dũng (thứ 2 từ trái sang) cùng bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: Hội VHNT tỉnh
Ươm mầm, vun vén cho những cây viết trẻ
Làm báo nghị trường như chúng tôi, nói vui là “ăn rồi đi… họp”. Hễ đi họp tỉnh hay thành phố thì lại gặp lãnh đạo kiêm… nhà văn Bá Dũng! Việc nước, việc nhà hoàn thành mà việc văn, việc báo lại xuất sắc như ông kể cũng hiếm thấy.
Thực ra với Bá Dũng, khi lên bục phát ngôn trịnh trọng hay khi tâm tình thủ thỉ với bạn bè, đồng nghiệp thì hai "vai" ấy vẫn gắn kết, hài hòa, không bao giờ thấy lên giọng dạy dỗ cũng như chưa bao giờ thấy xuê xoa hoặc “diễn” nọ kia. Bởi vậy, dễ hiểu khi rời vai Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, ông vẫn không bỏ được thói quen chiều chiều ra sân bóng chuyền “vận động ra mồ hôi, nghỉ ngơi, tắm táp, xem thời sự, đọc hoặc viết gì đó” như có lần ông nói với tôi.
Tôi biết chắc chắn rằng, nếu không đi đây đi đó, không tham gia vào bất cứ công việc to nhỏ lớn bé nào thì sau đó, ông sẽ rất khó khăn khi cầm lấy bút, hoặc cứ ngồi thừ ra trước máy tính, hoặc đóng máy lại, khép cửa lại để ra với hiện thực sôi động đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở làng biển kia, xóm đạo này như ông từng viết.
Một vài tác phẩm của nhà văn Bá Dũng.
Khi hết việc “quan”, ông trở lại với công việc của một nhà-văn-chi-hội-trưởng, lo trại viết cho hội viên, cho phong trào sáng tác, lo tập hợp bài vở, in ấn, phát hành và cả chạy kinh phí cho Tạp chí Nhà văn xứ Nghệ hay tập sách nhiều người mong mà chưa làm được là sách Nhà văn Nghệ An hiện đại.
Tôi nhớ có lần ông đi bộ đến cơ quan tôi, nói là “đến thăm, xem cháu làm việc như thế nào, đồng thời xin bài cho số tới” của Tạp chí Nhà văn xứ Nghệ mà ông đang phụ trách. Tôi vô cùng bối rối, ngượng ngùng, chỉ nói được một câu: “Cháu cảm ơn chú, nhưng cháu chưa… hội viên?”. Ông cười gần gũi: “Chưa hội viên thì tới đây sẽ hội viên, tạp chí giới thiệu cả người đã, chưa và sẽ là hội viên, cháu cố gắng đi, gửi chú 10 bài, chú chọn 5 hoặc 3. Chú tin cháu”.
Tôi cũng còn nhớ có lần con trai tôi được mời tham dự trại sáng tác văn học thiếu nhi do Hội Văn nghệ tỉnh tổ chức, nhà văn Bá Dũng là người được giao trách nhiệm chỉ dẫn các cây viết mầm non. Con trai tôi về khoe, hôm tổng kết, nhà văn Bá Dũng nói trước cả trại: “Viết như Phú Châu là viết văn, còn có bạn vẫn đang viết tập làm văn!”. Khó có lời động viên nào tác động đến thế để bố con tôi hăng hái cầm bút, dù vẫn biết mọi việc không bao giờ dễ dàng.
Nhà văn đóng góp cho văn học bằng tác phẩm, đương nhiên. Những trang viết thành công hay chưa thành công của các nhà văn đều là bài học kinh nghiệm quý cho người kế tiếp. Những chi tiết hay và đắt của nhà văn Bá Dũng trong bài bút ký nọ chắc chắn đã giúp tôi rất nhiều không chỉ trong chuyện viết lách. Nhưng sẽ không đủ nếu quên đi những nhà văn ngày đêm lo cho phong trào sáng tác, vun vén, động viên từng cây bút khi họ còn chập chững, khuyến khích họ tham gia các hoạt động hội và tạo “đất” cho mọi tài năng nảy nở, đơm hoa kết trái. Ở khía cạnh này, tôi tin chắc chắn rằng, nhà văn Bá Dũng có những đóng góp không nhỏ cho lớp nhà văn kế tiếp, trong đó có tôi từ ngày đầu về quê công tác và tham gia hoạt động văn học.
Nhà văn Bá Dũng (tóc bạc, áo đen) trong Lễ khai mạc Trại sáng tác văn học thanh thiếu niên hè 2006. Ảnh: Hội VHNT tỉnh
Mãi nhớ một nhà văn đáng kính
Tôi là người mang ơn ông nhiều thứ và đã không bao giờ trả hết được. Ngày tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Bá Dũng với tư cách là Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Việt Nam tại Nghệ An đã đến cơ quan tôi chúc mừng và lấy bài, tư liệu để kịp giới thiệu trên Tạp chí Nhà văn xứ Nghệ số mới nhất. Ông tận tình với tôi, với mọi người đến thế, vậy mà có lần tôi đã… không nghe lời ông!
Ông rất thích xem bóng đá ở sân Vinh. Quen thắng sân nhà nhưng bỗng nhiên hôm đó Sông Lam Nghệ An thua trận, một số khán giả quá khích đuổi đánh trọng tài, để lại hình ảnh vô cùng xấu xí trong mắt người hâm mộ. Ra về, cùng đi bộ ra phố, ông nhắc tôi: “Cháu làm báo, phải đấu tranh đến cùng với sự việc này. Không thể để công sức bao nhiêu người mới có được bỗng chốc đổ sông, đổ bể chỉ vì một vài người thiếu suy nghĩ…” Đúng là rất nhiều lần gặp ông, tôi chỉ thấy lần đó ông lộ vẻ cáu giận thực sự trước mọi người. Tôi lại cứ vâng dạ nhưng rồi chẳng làm đến nơi, đến chốn, khiến ông gọi điện hỏi và nhắc nhở…
Mới đó mà chú Bá Dũng của chúng tôi đã đi xa hơn chục năm rồi.
Ngày Hội Văn nghệ Nghệ An và Thành ủy Vinh tổ chức Tọa đàm văn xuôi Bá Dũng, tôi đến muộn vì công việc và cũng không có bài tham luận vì thấy không đủ sức viết. Ngày tiễn ông rời cõi tạm, đoàn Hội Nhà văn Việt Nam do các nhà văn Đào Thắng, Nguyễn Hoa, Nguyên An vào viếng, nhập cùng đoàn người xe lặng lẽ, không nói nên lời. Các nhà văn đều hiểu rằng, Hội, Chi hội, giới văn nghệ đã vĩnh viễn mất đi một con người đáng kính trọng, hết lòng xây dựng hội và phong trào sáng tác, một bút lực đang hồi sung mãn!
Tôi ghi lại những dòng này, để nhớ và biết ơn một nhà văn đi trước, một người không mệt mỏi vì thế hệ kế tiếp, người tôi luôn kính cẩn gọi chú, xưng cháu trong đời viết, đời người…