Trung Quốc sẽ không giúp châu Âu
Thông điệp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường chứa nhiều ngôn từ sáo rỗng và ít nội dung thực chất. Nhưng một đoạn trong thông cáo của chính phủ Bắc Kinh về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại của EU Kaja Kallas có thể đã khiến một số chính trị gia châu Âu chú ý.
Theo tuyên bố của Trung Quốc, họ ủng hộ "vai trò quan trọng của châu Âu trong tiến trình đàm phán hòa bình."
Tuyên bố về đàm phán hòa bình cho cuộc chiến Ukraine không có nội dung cụ thể cũng như hệ quả thực tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh những ngày đầy biến động tại Hội nghị An ninh Munich, điều này có thể vẫn mang ý nghĩa nhất định đối với châu Âu.
Trước tiên, Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đã so sánh châu Âu với một chế độ độc tài kiểu Liên Xô trong bài phát biểu đầy gay gắt của mình. Sau đó, Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg tuyên bố rằng châu Âu sẽ không được phép có tiếng nói trong các cuộc đàm phán về tương lai của Ukraine. Hội nghị lần này có thể đánh dấu rạn nứt lớn nhất trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương kể từ sau Thế chiến II.
So với những đại diện đầy quyết liệt của Washington, đặc phái viên của Bắc Kinh gần như trở thành tiếng nói của lý trí. Trong bài phát biểu ngay sau Phó Tổng thống Mỹ vào thứ Sáu, cũng như trong các cuộc gặp song phương, Vương Nghị đã cố gắng, như thường lệ, thể hiện Trung Quốc như một cường quốc hòa giải và thân thiện với châu Âu.
Liệu Trung Quốc có bất ngờ trở thành bạn mới của châu Âu?
Ai nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc đang dang tay với châu Âu lúc này thì đã nhầm. Sự rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương không làm thay đổi thái độ của Bắc Kinh. Những lời lẽ ngoại giao của Trung Quốc tại Munich chẳng qua cũng chỉ là những câu nói xã giao như trước đây. Trung Quốc sẽ không giúp châu Âu.
Quan hệ Trung - Âu đã chạm đáy trong những năm gần đây. Một mặt là do chiến tranh Ukraine. Mặt khác là do hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu, đe dọa đến các ngành công nghiệp của châu Âu. Không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình này sẽ thay đổi.
Cho đến ngày nay, Bắc Kinh vẫn chỉ gọi cuộc xâm lược của Nga là một "cuộc khủng hoảng," chứ không phải một cuộc chiến tranh. Trung Quốc vẫn duy trì dòng chảy không bị gián đoạn của các mặt hàng có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự vào Nga, gián tiếp hỗ trợ chiến dịch của Tổng thống Vladimir Putin.
Thay vì lên án chiến tranh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với Putin. Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau nhiều lần, và vào tháng 5 tới, Tập cũng sẽ đến Nga tham dự "Ngày Chiến thắng" – một trong những ngày lễ quan trọng nhất của nước này.
Bắc Kinh tận dụng tối đa quan hệ thân thiết với Moscow
Trung Quốc hưởng lợi từ quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga trên nhiều lĩnh vực, từ việc mua dầu, khí đốt và than đá giá rẻ cho đến việc tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Nga, nơi mà ô tô Trung Quốc đang chiếm lĩnh.
Vậy Trung Quốc có lý do gì để thay đổi lập trường của mình?
Dường như ở châu Âu, nhận thức về điều này chưa thực sự rõ ràng. Trong chiến dịch tranh cử tại Đức, một số chính trị gia dường như đang ảo tưởng rằng Bắc Kinh có thể đóng vai trò trung gian hòa giải cho Ukraine – theo hướng có lợi cho Kyiv.
Cũng là một ảo tưởng nếu nghĩ rằng Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách xuất khẩu của mình chỉ để làm hài lòng châu Âu.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Trung Quốc vẫn cần thị trường châu Âu để tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đã chứng minh rằng họ không sẵn sàng nhượng bộ trước những mối quan ngại chính của châu Âu.
Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là chia rẽ châu Âu và Mỹ. Và có vẻ như, hiện tại, quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang tự rạn nứt mà không cần Bắc Kinh phải làm gì cả.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, châu Âu và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn để đối phó với chính sách bảo hộ của Mỹ. Giờ đây, các nước châu Âu cần nhận thức rõ rằng vị thế của họ đã suy yếu hơn nữa sau những căng thẳng với Washington.
Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm những gì có lợi cho mình. Suy cho cùng, giới lãnh đạo Trung Quốc trên bàn đàm phán cũng không kém phần cứng rắn so với tổng thống Mỹ.
BTV NGƯỜI VIỆT KYIV LƯỢC DỊCH