Trung Quốc sẽ trả đũa Mỹ, Đài Loan thế nào sau chuyến thăm của bà Pelosi? Trung Quốc sẽ trả đũa Mỹ, Đài Loan thế nào sau chuyến thăm của bà Pelosi? , Người xứ Nghệ Kiev
V.N tổng hợp
Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan đã đẩy quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp chưa từng có. Khi mỗi bên đã đo lường được phản ứng của bên kia về vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ trả đũa Mỹ thế nào với chuyến thăm táo bạo của bà Pelosi?
Bất chấp những lời cảnh báo từ các quan chức hàng đầu khác của Washington, bà Pelosi trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm hòn đảo này trong 25 năm, kể từ khi Chủ tịch Hạ viên lúc đó Newt Gingrich tới Đài Loan - nhưng tình hình bây giờ đã khác xa so với lúc đó.
Các đoàn đại biểu Quốc hội, không chỉ từ Mỹ mà nhiều nước phương Tây, đến Đài Loan thường xuyên. Chuyến thăm của bà Pelosi cũng được coi là tách biệt với chính sách chính thức của chính phủ Hoa Kỳ vì nhánh lập pháp của chính phủ tách biệt với cơ quan hành pháp, có nhiệm vụ quản lý chính sách đối ngoại.
Nhưng Trung Quốc không nhìn nhận như vậy. Trung Quốc coi hành vi của chính quyền Mỹ là sự chấp thuận ngầm chuyến thăm của bà Pelosi nhằm vào chủ quyền của họ.
Bà Pelosi đã đi máy bay chính thức của chính phủ Mỹ đến Đài Bắc, ngụ ý có mối liên hệ chính thức giữa các quan chức ở Đài Bắc và Washington. Các ước tính đưa ra chi phí cho chuyến đi này vào khoảng 90 triệu USD. Một phần trong cam kết ‘Một Trung Quốc’ của Mỹ là Mỹ sẽ chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan.
Đồng thời, quân đội Mỹ - một phần của chính quyền - được cho là đã lên kế hoạch bảo vệ máy bay của Pelosi trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào. Trên hết, cả bà Pelosi và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều là thành viên của cùng một đảng chính trị. Điều này chỉ nhấn mạnh sự khăng khăng của Trung Quốc rằng chính quyền Biden ủng hộ các hành động của bà Pelosi.
Cho dù Trung Quốc có những cảnh báo rất nặng nề, nhưng việc không để xảy ra sự cố đụng độ giữa hai bên trong chuyến thăm của bà Pelosi đã được đoán trước. Mỹ - Trung đều đã đo được phản ứng của nhau. Đụng độ sẽ gây thiệt hại quá lớn với quan hệ hai nước, với thế giới và khu vực, cả hai bên đều không muốn điều đó, nhất là Trung Quốc cần ổn định để tiếp tục phát triển cạnh tranh với siêu cường số 1.
Nhưng các biện pháp trả đũa tiếp theo trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế có thể sẽ tiếp tục rất căng thẳng. Trung Quốc đã mở tập trận đạn thật xung quanh Đài Loan, lần đầu tiên máy bay Trung Quốc vượt qua đường giới tuyến không chính thức trên eo biển Đài Loan. Cũng lần đầu tiên Trung Quốc tập trận đã bắn tên lửa qua bầu trời Đài Loan. Từ giờ sẽ là tiền lệ để Trung Quốc đưa vũ khí áp sát Đài Loan như vậy.
Về kinh tế, từ 4/8, cơ quan hải quan Trung Quốc đại lục đã đình chỉ nhập khẩu các loại trái cây họ cam quýt bao gồm bưởi, chanh và cam, cũng như hai loại cá từ Đài Loan, với lý do những hàng hóa này đã nhiều lần bị phát hiện mang dịch hại hoặc hóa chất quá mức cho phép.
Dai Shugeng, giáo sư kinh tế tại Đại học Hạ Môn, nói với Global Times: “Lệnh cấm ngày càng nhiều trái cây và hải sản của Đài Loan có thể kéo GDP của Đài Loan giảm 0,1 điểm phần trăm". Ông tính toán rằng GDP của Đài Loan sẽ giảm xuống nếu đại lục cấm tất cả các loại sản phẩm, vì đóng góp của đại lục vào GDP của hòn đảo là 21,72%.
Đại lục cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu năm 2021 là 1,1 tỉ USD, tăng 10,15% so với năm trước đó. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng trừng phạt của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đè nặng lên kinh tế Đài Loan vốn đã chịu sức ép đi xuống, cho đến khi chính quyền Đài Loan buộc dân chúng phải trả giá cho các hành động mà Trung Quốc xem là gây hấn.
Ngoài ra, các chuyến bay ở tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc gần Đài Loan đã bị gián đoạn. Văn phòng người đứng đầu Đài Loan bị hứng chịu một cuộc tấn công từ chối dịch vụ DDoS từ nước ngoài và thậm chí còn có một lời đe dọa đánh bom được gửi đến Sân bay Quốc tế Đào Viên của Đài Loan.
Đối với Mỹ, có thể Trung Quốc sẽ nhằm vào lĩnh vực mà nước này thực sự có thể gây tổn hại và Mỹ đã chứng kiến sự bất ổn nhất - lĩnh vực kinh tế và thương mại. Chuỗi cung ứng của Mỹ gắn bó vô hạn với Trung Quốc và cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai bên đã là nguyên nhân chính gây ra lạm phát.
Theo các nhà quan sát, chỉ với một cú nhấp bút, các quan chức Trung Quốc có thể làm đảo lộn nền kinh tế Mỹ một cách nghiêm trọng, làm trầm trọng thêm lạm phát và khiến đảng Dân chủ của ông Biden "gặp hạn" trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, điều này cũng đồng nghĩa với việc làm lung lay vị trí của bà Nancy Pelosi với tư cách là Chủ tịch Hạ viện. Chưa thể nói hết hệ lụy vủa chuyến thăm mà vẫn còn phải chờ xem Trung Quốc sẽ phản ứng đến mức nào trong những ngày sắp tới.