Tổng Thanh tra Lê Minh Khái (Ảnh: Như Phúc)
Đây là lần thứ 2 dự luật Phòng chống tham nhũng được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Do tính chất phức tạp của vấn đề, luật này đã được Quốc hội thống nhất kéo dài theo quy trình thông qua tại 3 kỳ họp.
Một nột dung được Tổng Thanh tra Lê Minh Khái báo cáo là Chính phủ tiếp tục mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ra khu vực ngoài nhà nước, do có sự tán thành của nhiều đại biểu Quốc hội. Dự thảo luật đã quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; trừ quỹ đầu tư.
Mặc dù một số đại biểu Quốc hội đề nghị thu hẹp phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai; tập trung vào các đối tượng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, nhưng Chính phủ giữ nguyên phạm vi như dự thảo cũ, tức là đối tượng kê khai là tất cả những người có chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên. Chính phủ cho rằng đây là “bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai”, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hằng năm.
Về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; mọi trường hợp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tiếp thu ý kiến này, dự thảo luật đã được chỉnh lý ở cả 2 phương án theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà quy định chung như đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị.
Có nhiều ý kiến đại biểu đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách ở Trung ương để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Qua tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng, Chính phủ cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là “chưa có bộ máy được giao nhiệm vụ chuyên trách quản lý bản kê khai và sử dụng, khai thác các thông tin, dữ liệu có được để kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai”.
Để khắc phục, dự thảo đề nghị 2 phương án: thứ nhất là thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhưng giao cho cơ quan thanh tra các cấp hoặc đơn vị phụ trách tổ chức để tránh phát sinh về tổ chức và biên chế.
Thứ hai là giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.
P.Thảo
http://dantri.com.vn/chinh-tri/kiem-soat-tai-san-can-bo-thuoc-bo-chinh-tri-quan-ly-nhu-the-nao-20180531101126222.htm