Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: Công trình tri ân, biểu tượng văn hóa lịch sử mới của Bình Dương Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: Công trình tri ân, biểu tượng văn hóa lịch sử mới của Bình Dương , Người xứ Nghệ Kiev
Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 19/05/2025
Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là công trình mang ý nghĩa tri ân sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa và tạo điểm nhấn cho không gian đô thị lịch sử tại thành phố Thủ Dầu Một.
Khởi công xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Bình Dương
Ngày 19/5, trong không khí cả nước kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bình Dương long trọng tổ chức Lễ khởi công Dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – tại thành phố Thủ Dầu Một.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho yêu nước tiêu biểu, người đã từ bỏ chốn quan trường để dấn thân đi khắp miền Nam, truyền bá tinh thần tự tôn dân tộc và hun đúc tư tưởng yêu nước cho đồng bào.
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng sinh sống và làm việc tại chùa Hội Khánh (Bình Dương). Chùa Hội Khánh đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trong hành trình ấy, giai đoạn từ năm 1923 đến 1926, Cụ đã lưu trú và hoạt động lâu dài tại Chùa Hội Khánh, nơi được xem là địa điểm dừng chân và gắn bó sâu sắc nhất của Cụ trong chặng đường truyền bá tư tưởng yêu nước.
Với tấm lòng tri ân, nhân dân và chính quyền Bình Dương từ nhiều năm qua đã trân trọng giữ gìn việc thờ cúng Cụ tại Chùa Hội Khánh, đồng thời tổ chức giỗ Cụ vào ngày 27 tháng 10 âm lịch hằng năm.
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng ấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất chủ trương xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc kết hợp chỉnh trang đô thị, tạo thành quần thể văn hóa, lịch sử, tâm linh mang tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc.
Dự án có tổng diện tích khoảng 3,6ha, được quy hoạch theo hướng không gian mở, hài hòa với kiến trúc cổ kính của Chùa Hội Khánh. Các hạng mục chính bao gồm: Nhà thờ, Nhà lễ, không gian trưng bày, quảng trường lấy cảm hứng từ trống đồng và hệ thống công viên, hạ tầng cảnh quan hiện đại. Trong đó, phần Nhà thờ, Nhà lễ do Tổng công ty Becamex đầu tư hơn 83 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa; các hạng mục còn lại sử dụng ngân sách nhà nước, triển khai từ năm 2025 đến 2028.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: PV
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh khẳng định: Công trình không chỉ là biểu tượng tri ân với thân sinh Bác Hồ mà còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau, đồng thời tạo điểm nhấn cho bộ mặt đô thị Thủ Dầu Một trong thời kỳ phát triển mới.
Dấu ấn Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên vùng đất Thủ Dầu Một
Hơn một thế kỷ trước, trong bối cảnh đất nước chìm trong ách đô hộ thực dân, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã chọn Thủ Dầu Một làm nơi dừng chân để vừa chữa bệnh cứu người, vừa truyền bá tinh thần yêu nước thông qua các hoạt động dạy học, giảng đạo, mở lớp dạy chữ nho và y thuật.
Cụ cùng các chí sĩ như Phan Đình Viện, Hòa thượng Thích Từ Văn sáng lập Hội Danh dự yêu nước tại Chùa Hội Khánh – tổ chức tập hợp trí thức, nhà sư yêu nước. Bằng hình thức thuyết pháp, giảng đạo, các buổi học mang tính học thuật nhưng ẩn chứa tư tưởng chống thực dân, Hội đã gieo mầm cho phong trào yêu nước lan rộng trong quần chúng.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang – nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé, người có nhiều năm nghiên cứu về Cụ, thì chính sự vận dụng tinh thần Phật giáo một cách linh hoạt đã giúp Cụ vừa tránh được sự theo dõi gắt gao của mật thám Pháp, vừa truyền đạt được tinh thần “đạo và đời” song hành trong sự nghiệp cứu nước.
Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là công trình tri ân, biểu tượng văn hóa lịch sử mới của Bình Dương. Ảnh: PV
Hòa thượng Thích Huệ Thông – Trụ trì Chùa Hội Khánh cũng xác nhận, nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với Cụ như đôi câu đối do chính Cụ viết, cuốn sổ coi địa lý, chiếc la bàn, các tư liệu ảnh và bản đồ hành trình hoạt động của Cụ tại Nam Bộ.
Từ Thủ Dầu Một, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đến nhiều vùng phụ cận như Tân Khánh, Tương Bình Hiệp… tiếp tục gầy dựng phong trào yêu nước trong dân gian. Dáng dấp người “ông thầy Huế” với tay nải thuốc, mái đầu bạc và ánh mắt nhân từ đã để lại trong lòng người dân vùng đất Bình Dương hình ảnh một bậc chí sĩ đức độ, gần gũi, sống trọn vẹn với lý tưởng yêu nước thương dân.
Ngày nay, việc xây dựng Khu lưu niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại nơi Cụ từng sinh sống không chỉ có giá trị giáo dục, lịch sử mà còn là sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống, khẳng định đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân Bình Dương trong dòng chảy phát triển bền vững.