Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu làm cầu Tứ Liên có mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng trong 24 tháng Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu làm cầu Tứ Liên có mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng trong 24 tháng , Người xứ Nghệ Kiev
Thành An Thứ hai, ngày 19/05/2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành cầu Tứ Liên trong vòng 24 tháng, thúc đẩy tiến độ dự án trọng điểm, góp phần phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội khu vực.
Sáng 19/5, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu, đoạn từ nút giao đường Nghi Tàm đến đường Trường Sa.
Đây là công trình giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược và có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển đô thị hai bên sông Hồng.
Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian làm cầu Tứ Liên còn 24 tháng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội cùng đại diện các sở, ngành nhấn nút khởi công dự án cầu Tứ Liên. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ, có hai điều ông rất trăn trở với Hà Nội là ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Do đó, mặc dù còn nhiều đề giải quyết, nhưng trước mắt, Hà Nội cần tập trung giải quyết hai vấn đề này.
Theo Thủ tướng, muốn giải quyết nhanh và đảm bảo thì phải có lộ trình, tính toán phù hợp, gắn với khả năng đáp ứng của Hà Nội. Trong quá trình làm, phải chọn trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực phù hợp.
Cho rằng, Hà Nội ngoài là đầu tàu về chính trị - văn hoá còn là đầu tàu về kinh tế, Thủ tướng cho biết, ngoài cầu Tứ Liên, Hà Nội đã và đang chuẩn bị xây dựng nhiều dự án lớn khác như Vành đai 4, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi…
Trong đó, dự án cầu Tứ Liên góp phần kết nối vùng rất rõ ràng, kết nối giữa 2 điểm lớn đang phát triển của Thủ đô là quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, kết nối vùng đông Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang; kết nối giữa 2 sân bay quốc tế lớn là Nội Bài và Gia Bình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại lễ khởi công dự án cầu Tứ Liên. Ảnh: Nhật Bắc.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư cần nêu cao trách nhiệm, đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, không đội vốn, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quá trình triển khai dự án.
Đối với các nhà thầu tham gia thi công dự án, trong đó đứng đầu là Tập đoàn Thái Bình Dương, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung nguồn lực để thi công đảm bảo tiến độ, rút ngắn tiến độ nhanh hơn nữa làm sao thi công dự án trong 24 tháng.
Trong quá trình thi công, phải giám sát chất lượng dự án chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, chất lượng và mỹ quan. Nhà thầu Thái Bình Dương phải mang những công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất để đưa vào thi công dự án…
"Với các nhà thầu tôi đề nghị phải đảm bảo tiến độ, nhưng tôi muốn nhanh hơn nữa, hoàn thành dự án trong 24 tháng. Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia là điển hình, lúc đầu dự kiến 2 năm nhưng giờ chưa đến 1 năm đã chuẩn bị hoàn thành. Đây là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Tập đoàn Vingroup. Vingroup có nhiều kinh nghiệm. Tập đoàn Thái Bình Dương cũng có nhiều kinh nghiệm. Tôi đề nghị rút xuống 24 tháng.
Với Chính phủ và các Bộ ngành, tôi đề nghị phải vào cuộc cùng Hà Nội xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, phải làm nhanh để xử lý vì yêu cầu của tôi là 2 năm phải hoàn thành”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự lễ khởi công cầu Tứ Liên, sáng 19/5. Ảnh: Nhật Bắc
Cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng kết nối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và sân bay Gia Bình
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vai trò quan trọng để kết nối nhanh khu vực phía Bắc, Đông Bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên thông qua đường cao tốc Hà Nội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân số, giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi.
Đồng thời từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho Thủ đô và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.
Bên cạnh đó, dự án cầu Tứ Liên được xác định là một dự án quan trọng được lãnh đạo Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo cần sớm triển khai, phục vụ kết nối với Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình về Trung tâm TP Hà Nội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Lễ khởi công cầu Tứ Liên, sáng 19/5. Ảnh: Nhật Bắc.
Theo lãnh đạo chính quyền Hà Nội, cầu Tứ Liên là một trong 18 công trình cầu đường bộ vượt qua sông Hồng từ nay đến năm 2030.
“Đây là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025. Đồng thời, UBND TP Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi công một loạt 06 công trình cầu lớn, để cũng khởi công trong năm nay, như: cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc”, ông Thanh thông tin.
Để dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị: Chủ đầu tư và nhà thầu tập trung nguồn lực thi công đảm bảo chất lượng, an toàn, tiến độ. UBND các quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên và Đông Anh: Tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại thuộc phạm vi dự án theo quy trình, quy định để sớm bàn giao mặt bằng sạch. Các sở, ngành tham mưu kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo dự án triển khai thông suốt trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền mới (áp dụng từ ngày 1/7/2025).
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục triển khai các dự án lớn như: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các cầu vượt sông khác, TP mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ban, ngành Trung ương để các dự án được triển khai đồng bộ, hiệu quả”.
“Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô”, ông Trần Sỹ Thanh tin tưởng.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) gồm 4 Dự án thành phần (trong đó: 3 Dự án thành phần giải phóng mặt bằng; 1 Dự án đầu tư xây dựng) với tổng mức đầu tư khoảng 20.171 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng: 4.332 tỷ đồng; đầu tư xây dựng: 15.839 tỷ đồng).
Dự án có tổng chiều dài Dự án khoảng 5,15km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ điểm cuối kết nối với đường Trường Sa, huyện Đông Anh.
Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc và sau khi hoàn thành vào năm 2027 sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của thành phố Hà Nội.
Đến nay, Chủ đầu tư Dự án thành phần 2 đã hoàn thành lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu EPC (thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp) là Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Công ty TNHH Tập đoàn Viện khảo sát và thiết kế cầu lớn đường sắt Trung Quốc, Công ty cổ phần Phát triển và Đầu tư xây dựng Vincons, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Thương mại Hưng Phú và đảm bảo các điều kiện để khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa).