Chiều 24.5, một số doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo cho biết, tình hình xuất khẩu gạo nếp đang có phần “ảm đạm” hơn khi có thông tin từ 1.6 tới đây, phía Trung Quốc sẽ siết chặt hoạt động nhập khẩu gạo nếp bằng việc áp quota. Giá gạo nếp xuất khẩu sang Trung Quốc hiện cũng đã xuống khá thấp, chỉ còn khoảng 470USD/tấn, tương đương với giá mua vào nên doanh nghiệp không có lời.
Bà Đặng Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực, Thực phẩm Long An, cho biết, nếu như thời điểm tháng 1 - 2.2018, giá gạo nếp xuất khẩu dao động ở mức 530-540 USD/tấn thì nay chỉ còn 470 USD/tấn. Với mức giá này, chỉ khi doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa nếp tươi nội địa dưới 5.000 đồng/kg thì mới có lợi nhuận.
Giá gạo nếp xuất khẩu đã giảm xuống ngang bằng với giá thu mua trong nước, khoảng 470USD/tấn.
Do đó, một số doanh nghiệp chuyển sang cung cấp cho thị trường Indonesia, Philippines… Tuy nhiên, thị trường cũng không còn sôi động vì các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng, xin quota nhập khẩu gạo sau đó bán lại thì có lợi nhuận cao hơn là kinh doanh nếp. Chưa kể, nhu cầu tiêu dùng nếp cũng không cao vào dịp giữa năm như hiện nay.
Chưa kể, có thông tin từ 1.6 tới đây, phía Trung Quốc sẽ siết chặt kiểm soát hoạt động nhập khẩu gạo nếp vào thị trường này. Do đó, doanh nghiệp trong nước đang khá lo lắng vì xưa nay, Trung Quốc là thị trường chính tiêu thụ nếp Việt Nam.
Một chuyên gia ngành lúa gạo tại ĐBSCL cũng phân tích, xuất khẩu nếp từ tháng 3 đến nay chậm lại do thương nhân Trung Quốc ngừng mua, thị trường khá trầm lắng, Trong tháng 3, giá gạo nếp liên tục giảm mạnh, thị trường thiếu đầu ra trong khi một số doanh nghiệp Việt Nam còn bị tạm ngưng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong khi đó, hồi cuối năm 2017, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), đã cảnh báo, thị trường gạo nếp tại Trung Quốc sẽ có nhiều thay đổi ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp Việt Nam.
Trước đây, gạo nếp nhập khẩu vào Trung Quốc được áp dụng hạn ngạch (quota) nhập khẩu đối với loại gạo hạt ngắn ở mức 20 USD/tấn, cộng với 1% thuế lương thực. Tuy nhiên, mới đây nước này lại ra quy định gạo nếp nhập khẩu phải mua quota hạt dài, lên mức 110 USD/tấn và vẫn đóng thuế 1%. Trong trường hợp doanh nghiệp không mua quota thì phải đóng 65% thuế nhập khẩu.
Sự thay đổi này đã khiến chi phí nhập khẩu gạo nếp vào thị trường Trung Quốc tăng cao. Để bù đắp cho chi phí tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc đã hạ giá thu mua xuống từ 30-50 USD/tấn so với trước.
Trong nước rộn ràng
Trái ngược với gạo nếp, thị trường lúa gạo trong nước đang khá sôi động, giá lúa gạo đã lập mức “đỉnh” mới, cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo nhiều năm qua. Cụ thể, tại vùng Đồng Tháp, giá lúa tưới IR50404 tại ruộng đang được thu mua với giá 5.850 đồng/kg, giá gạo lứt IR50404 ở mức 8.650 đồng/kg trong khi giá gạo thành phẩm đã lên mức 10.200 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với hồi tuần trước.
“Với mức giá này, doanh nghiệp nào nếu đã ký hợp đồng giá từ 512USD/tấn trở lại, giao tại kho người mua, mà phải đi mua lúa mới thì chắc chắn sẽ không có lãi. Do đó, phần lớn doanh nghiệp hiện tập trung bán lúa trong kho để chốt lời thay vì mua vào”, bà Liên nhận định.
Thu hoạch lúa hè thu sớm tại Đồng Tháp, nhiều nông dân bán được giá cao.
Ông Nguyễn Ngọc Tư (ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, gia đình vừa thu hoạch 5 công lúa hè thu sớm, bán được với giá 5.800 đồng/kg tại ruộng. Đây là mức giá mà nhiều năm qua, gia đình ông Tư chưa từng đạt được. Như vậy, coi như mùa này ông Tư vừa “trúng mùa lại được giá”, vì sau khi trừ các khoản chi phí, ông Tư lời xấp xỉ 10 triệu đồng.
Riêng tại huyện Hồng Ngự, thời tiết năm nay thuận lợi nên phần lớn nông dân đạt được vụ lúa đẹp, ít sâu bệnh. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo dự báo, giá lúa sẽ còn tiếp tục giữ ở mức cao trong vụ hè thu tới. Do đó, nông dân kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam ký kết từ đầu năm đến nay phần lớn là gạo phẩm cấp trung bình. Trong khi đó, diện tích lúa phẩm cấp trung bình ở ĐBSCL hiện nay khá ít.
Ông Lâm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Thịnh Phát (Bến Tre), phân tích, giá lúa hiện nay lập đỉnh cao kỷ lục phần vì vụ đông xuân đã thu hoạch xong còn vụ hè thu chỉ vừa thu hoạch rải rác.
Trong khi đó, nhiều tín hiệu tốt từ thị trường như gói thầu 130.000 tấn theo hợp đồng liên Chính phủ của Philippines và Việt Nam (G2G) ký từ hồi đầu tháng 5 vừa qua, rồi thông tin một số nước như Indonesia, Bangladesh… sẽ nhập khẩu số lượng lớn cũng khiến thị trường lúa gạo trong nước sôi động theo.
“Với tình hình như hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu nếu phải mua lúa mới có thể sẽ khó có lời, thậm chí lỗ chút ít. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp đang tích cực bán hàng còn trong kho ra thay vì mua vào nên việc mua bán trong nước cũng chưa thật sự nhộn nhịp”, ông Tuấn cho biết
http://danviet.vn/nha-nong/xuat-khau-nep-am-dam-vi-trung-quoc-thay-doi-chinh-sach-878996.html