Những ngày qua, câu chuyện TP Sầm Sơn có đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép dâng bánh dày nặng 3 tấn tại Đền Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 2018 đã gây nên rất nhiều bàn tán rộng rãi trong cộng đồng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Tôi nghĩ rằng, chuyện làm cái bánh hoặc cái gì đó to nhất, lớn nhất, dài nhất… lẽ ra là chuyện rất bình thường nếu chúng ta nhìn nhận đó là một sự giải trí hoặc thể hiện được một năng lực nào đó. Vì dụ, trong hội chợ hoặc trong một lễ hội đường phố nào đó mà làm điều đó thì không có gì phải bàn cãi. Trên thế giới chuyện này khá phổ biến và được nhìn nhận rất bình thường.
Nhưng việc đó ở nước ta trong quy mô một lễ hội tâm linh lại không bình thường. Bởi vì, đây là một lễ hội tâm linh, không ai dâng lên các bậc tiên tổ những thứ kỳ lạ như thế cả. Thêm nữa, xã hội mình chưa có được điều kiện thuận lợi để làm những chuyện này. Làm cái gì chúng ta cũng phải đặt câu hỏi “Làm để làm gì?”.
Nếu làm xong bỏ đi thì đó là một sự cực kỳ lãng phí, còn nếu làm để chia lộc thì làm sao chia nổi khi chúng ta còn chứng kiến những cảnh tranh cướp nhau như thế. Một vấn đề khác nữa là cái này liệu có bảo đảm an toàn thực phẩm không. Hay cuối cùng lại chỉ là một chiêu quảng cáo thôi?
Chiếc bánh giầy nặng hơn 2 tấn được dâng lên đền Độc Cước (TP Sầm Sơn) trong lễ hội đền Độc Cước năm 2017. Ảnh: NLĐ.
Chúng ta không bài bác ý tưởng đó nhưng chúng ta phải làm đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi… Cho nên tôi cho rằng, trong thời điểm này không nên làm bởi làm cũng không mang lại hiệu ứng tích cực nào cả.
Tôi tin rằng, tổ tiên chẳng ai thích trò này cả. Nếu làm rất nhiều bánh dày nhỏ chia cho những người nghèo hoặc các em học sinh đang thiếu ăn ở vùng sâu - vùng xa có khi tổ tiên lại phù hộ cho".
Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vỹ cũng bày tỏ: "Nhu cầu muốn tạo ra những cái to, lớn, bất thường, dị thường… là tâm lý chung của con người trên thế giới đều như vậy, không riêng Việt Nam. Làm những công trình đền chùa, những công viên, những ngôi nhà… là tâm lý chung của con người trên thế giới và mọi nền văn hoá. Họ muốn vượt lên chính mình. Nhưng phải tuỳ theo từng điều kiện, từng hoàn cảnh. Nếu làm điều đó đem lại những giá trị về sự chung tay của cộng đồng, sự góp sức để tự khẳng định họ thì chẳng sao cả.
Hoàn cảnh và tinh thần xã hội hiện nay đã trở thành thứ gì đó rất tiêu cực thì nhiều khi không nên. Đặc biệt, ở Việt Nam hiện nay, việc thích sự nổi tiếng và thói ham danh đang tràn lan thì cần thiết phải điều chỉnh lại"
Đại đức Thích Hải Hoà - Chùa Dược Sư, Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ: "Về mặt tâm linh, lễ vật dâng lên các vua Hùng không cần to, không cần chạy theo kỷ lục. Những cái đó có chăng chỉ làm cho “người trần mắt thịt” thấy thỏa thê, còn các đấng tối cao không thể thụ hưởng được số vật chất mà chúng ta dâng lên.
Với một lễ hội mang tính quốc gia và chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh như Lễ hội Đền Hùng, điều quan trọng là tấm lòng thành kính, là sự kết nối giữa những trái tim Việt Nam cùng nhau hướng về tổ tiên, tri ân với các bậc tiền nhân. Do vậy, lễ vật nên mang tính bản sắc vùng miền, đặc trưng văn hóa của từng dân tộc, thể hiện cho sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa những người con Việt Nam.
Tôi cho rằng, lễ vật càng nhỏ thì càng quý, càng mang nhiều giá trị trí tuệ và văn hóa thì càng đáng trân trọng. Những kỷ lục sẽ chẳng mang ý nghĩa nếu như bánh chưng dâng lên vua Hùng sau đó lại phải bỏ đi vì không được bảo quản.
Thay vì chiếc bánh chưng khổng lồ, sao chúng ta không nghĩ đến làm những chiếc bánh chưng nhỏ, rồi phát lộc cho người nghèo, giúp họ vượt qua cái đói trước mắt. Như thế, lễ vật của vua Hùng sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn".
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cũng cho rằng, ý tưởng dâng bánh dày nặng 3 tấn lên vua Hùng mang nặng tính hình thức, thậm chí hơi phô trương và gây phản cảm. Đặt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo việc tổ chức lễ hội đảm bảo tiết kiệm, văn minh, lành mạnh; địa phương còn nhiều khó khăn; các nhà nghiên cứu và cộng đồng đều có ý kiến không đồng thuận với ý tưởng về lễ vật này cũng không phải là điều khó hiểu.
“Muốn thể hiện tấm lòng thành kính trước ân đức Vua Hùng không nhất thiết phải bằng những chiếc bánh dày cỡ lớn đến như vậy. Lễ mọn lòng thành, truyền thống văn hóa của dân tộc không phân biệt lễ to mới bày tỏ sự thành kính…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, Thanh Hoá nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung đang có rất nhiều người nghèo khó cần được giúp đỡ. Vì thế, nếu đổi số gạo làm bánh dày để trao cho người nghèo sẽ ý nghĩa và được trân trọng hơn. Bản thân Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cũng rất hoan nghênh tinh thần của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá và Sở VHTT&DL Thanh Hoá trong việc kiên quyết không đồng ý ý tưởng này.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên một sản vật khổng lồ được thực hiện trong sự nghi ngại và thiếu tha thiết của đông đảo mọi người.
**
Vào năm 2008, một cặp bánh chưng – bánh dày khổng lồ có tổng trọng lượng hơn 3 tấn cũng được một công viên ở TP.HCM làm để dâng lên ngày Giỗ Tổ Vua Hùng với nguyện vọng bày tỏ lòng thành kính với bậc tiền nhân.
Sau rất nhiều ngày đêm và công sức chuẩn bị, khi hai sản vật này vượt qua chặng đường hơn 2000 km từ TP.HCM vào đến tận sân đền Hùng ở Phú Thọ thì bánh chưng đã vữa và lên men, còn bánh dày thì bị phát hiện độn xốp dưới đáy. Sự việc này sau đó đã vấp phải làn sóng chỉ trích của người dân khắp cả nước.
Ngoài ra, không ít lần, BTC Giỗ Tổ Hùng Vương đã phải nói lời từ chối khi được cung tiến những sản vật khổng lồ từ bánh trái đến ly cà phê dung tích hàng nghìn lít, rồi chiếc chiếu dài hàng chục mét. Đến mức cách đây 4 năm, trước phản ứng bức xúc từ dư luận, BTC Lễ hội Đền Hùng đã phải lên tiếng nói “không” với các lễ vật khổng lồ.
Hà Tùng Long
http://dantri.com.vn/van-hoa/dang-banh-giay-3-tan-len-vua-hung-to-tien-chang-ai-thich-tro-nay-ca-2018022709453814.htm