ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, ủy viên thường trực UB Tư pháp. Ảnh: Minh Đạt |
Dự thảo luật tiếp tục để ngỏ
Theo bà Thuỷ, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Một số trường hợp kê khai không đúng nhưng chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai, có thể khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức, chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ.
Muốn tịch thu khối tài sản này thì phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án.
“Một trong những kỳ vọng của cử tri khi sửa luật lần này là giải quyết được vấn đề nêu trên, nhưng dự thảo vẫn chỉ xử lý người kê khai không đúng”, bà Thuỷ góp ý.
Cụ thể như ai được dự kiến bổ nhiệm thì không được bổ nhiệm nữa, bổ nhiệm rồi thì tuỳ theo mức độ bị cách chức, giáng chức. Còn khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý.
Lý do Ban soạn thảo giải thích cho việc không bổ sung là để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước. Tức muốn tịch thu khối tài sản đó, cơ quan nhà nước phải chứng minh chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình.
“Thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp dẫu là vấn đề mới và khó với Việt Nam, nhưng rõ ràng đây là sự chờ đợi của người dân. Các nước đã và đang trải qua khó khăn như chúng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng tự tìm ra cho mình cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng và đang phát huy hiệu quả trên thực tế”, ĐB Thuỷ nói.
Phải thu hồi
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh phải bổ sung tài sản bất minh là tài sản tham nhũng. Có như vậy mới giải quyết 2 vấn đề cốt tử của luật lần này, đó là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản.
ĐB Nguyễn Bá Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: Minh Đạt |
Theo ông, việc chuyển quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, nhưng không vấp phải bất cứ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan nhà nước khiến việc này thành nơi trú ẩn, cất giấu tài sản tham nhũng do mà có. Đây chính là trở ngại trong công tác phòng chống tham nhũng trong nhiều năm qua.
Về trách nhiệm giải trình tài sản, ĐB Đà Nẵng cho rằng, chủ sở hữu tài sản phải có trách nhiệm chứng minh tài sản đó là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì nhà nước có quyền thu hồi. Việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm chứng minh của cơ quan nhà nước.
“Tôi thấy không có gì mâu thuẫn trong trường hợp này. Vấn đề này chỉ ra điểm đứt gãy trong quyền tài sản khi nảy sinh những vấn đề trái pháp luật. Tôi kiến nghị UB Thường vụ QH, QH chỉ đạo ban soạn thảo đưa vấn đề này thành quan điểm trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan phòng chống tham nhũng để làm nền tảng cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật sau này”, ĐB Nguyễn Bá Sơn nói.
Tranh luận lại, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng có nhiều tài sản bất minh nhưng không phải ăn cắp của nhà nước thì làm sao là tài sản tham nhũng. Chẳng hạn như tài sản buôn lậu mà có thì không phải tài sản tham nhũng.
Ông cho rằng, tham nhũng gắn liền với quyền lực và làm phương hại đến tài sản công. Nếu không phải của công thì không phải tham nhũng, nếu không có quyền thì không ai tham nhũng được.
“Tôi nghĩ trước hết chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống pháp luật chứ không chỉ luật Phòng chống tham nhũng, luật này chỉ tập trung vào những người có quyền lực sử dụng quyền lực để tư lợi”, ông nói.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet
http://nghean24h.vn/can-bo-giau-bat-thuong-chi-ky-luat-khong-dung-noi-khoi-tai-san-a500898.html