- Là người đứng đầu cơ quan quản lý dân cư cấp tỉnh, ông đánh giá sao về quyết định xoá bỏ sổ hộ khẩu của Chính phủ khi đây vốn dĩ là một loại giấy tờ quan trọng với ngành mình?
- Bỏ một số giấy tờ không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý. Công tác quản lý vẫn được tiến hành một cách bình thường, thậm chí chặt chẽ hơn, trên cơ sở các số liệu về dân cư được các cấp các ngành, đặc biệt là Bộ Công an đang tiến hành trực tiếp hoàn thiện.
Do đó, yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, với yêu cầu quản lý chặt chẽ xã hội, không mâu thuẫn với nhau. Đây là một quá trình đã được chuẩn bị rất chu đáo và đến thời điểm hiện nay, bỏ như thế là hoàn toàn hợp lý.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An
- Hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được cập nhật đến đâu?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đã được hoàn tất toàn bộ và Bộ Công an đang triển khai chủ trương làm căn cước công dân. Hiện Hà Nội đang làm, các tỉnh sẽ triển khai ngay khi có chủ trương của Bộ Công an, có nghĩa là hiện nay cơ sở dữ liệu quốc gia đã rất đầy đủ, nên bỏ bớt giấy tờ cũng không ảnh hưởng gì.
- Giảm bớt thủ tục cho người dân là xu thế tất yếu trong quản lý nhà nước nhưng nếu chỉ là đơn giản hoá giấy tờ thì liệu có nhiều ý nghĩa khi mà cách thức quản lý bằng hộ khẩu thường trú, tạm trú… vẫn duy trì, thưa ông?
- Hiện cách mạng công nghệ 4.0 phát triển rất mạnh, trong đó áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư đã được triển khai. Tôi thì tôi quan niệm thế này, trong quản lý xã hội thì quản lý con người là khó nhất, nhưng mà có công nghệ thông tin, chúng ta có thể tích hợp rất nhiều dữ liệu, chứ không đến mức ra đường phải mang đủ loại giấy tờ. Với những người làm công tác quản lý, tôi nghĩ không áp lực với việc này đã được lường trước, nhiều vấn đề đã chuẩn bị chu đáo rồi.
- Bộ trưởng Công an giải thích, bỏ giấy tờ không có nghĩa là bỏ hình thức quản lý hộ khẩu. Nhưng như vậy, quy trình kiểm tra các loại giao dịch, tài sản liên quan trực tiếp đến tài sản vẫn thực hiện trước nay như mua bán nhà đất có thể đảm bảo?
- Khi có nghi ngờ trong công tác làm thủ tục thì cơ quan chức năng sẽ thẩm tra, xác minh, chứ không phải bỏ sổ hộ khẩu đi là không kiểm tra. Việc kiểm tra, xác định sự thật là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, còn người công dân thì người ta chỉ xuất trình thế thôi. Với phần chuẩn bị chu đáo rồi, cơ quan quản lý có thể trích xuất thông tin, trả lời ngay rất chính xác các vấn đề. Tôi lấy ví dụ, ở Nghệ An chúng tôi, tất cả dữ liệu liên quan đến chứng minh nhân dân chúng tôi có thể lên máy tính tra cứu, không có khó khăn gì.
- Vậy theo ông, cái được nhất của việc xoá bỏ được sổ hộ khẩu sau nhiều chục năm áp dụng hình thức quản lý tại Việt Nam, phải chăng chỉ là việc tiết kiệm chi phí?
- Cũng không biết chính xác được là việc này giúp tiết kiệm được bao nhiêu nhưng chắc sẽ không ít. Ví dụ làm sổ hộ khẩu, thì riêng tiền giấy đã rất lớn, hay làm giấy chứng minh nhân dân, ngoài giấy mực, còn công sức anh em, chi phí đi lại, thời gian của người dân... Về mặt kinh tế mà nói, có thể thấy tác động là rất lớn.
Tuy nhiên, khi bỏ cái cũ sang cái mới, bao giờ cũng cần thời gian. Việc chuyển đổi cần có thời gian.
Chủ trương Bộ Công an đã cho làm hàng loạt căn cước công dân, chỉ cần địa phương triển khai nữa là xong. Hiện Hà Nội đã đang làm quy trình này và theo tôi biết, chắc sang năm công an tất cả các địa phương sẽ triển khai.
Ở Nghệ An, chúng tôi đã triển khai đến tất cả các xã rồi, người ta làm xong dữ liệu truyền lên và tỉnh sẽ quản lý. Tôi nghĩ việc triển khai cũng sẽ nhanh thôi.
Cơ bản nhất, chủ trương đề ra là hoàn toàn hợp lý. Với quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an, chúng ta sẽ cố gắng làm sớm để quản lý xã hội một cách thuận lợi.
Bỏ sổ hộ khẩu - triển khai phải đồng bộ mới hiệu quả
Ở mặt khác, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) chorằng việc bỏ sổ hộ khẩu có thể làm nhanh, làm sớm, dù nền tảng áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước còn hạn chế, kể cả về nguồn lực, cơ sở vật chất, con người.
Việc bỏ sổ hộ khẩu có thể dẫn đến phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật khác, nhưng chủ yếu là văn bản dưới luật, như Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công an. Nếu có luật khác liên quan về lĩnh vực quản lý hành chính,thì cũng không nhiều và trách nhiệm rà soát sẽ thuộc 2 bộ Công an, Tư pháp.
Vấn đề khó nhất là khắc phục tình trạng hạ tầng không đồng nhất giữa các địa phương, bộ ngành. Phải tạo được hệ thống cơ cở dữ liệu đồng nhất thì việc này mới thuận lợi cho người dân, còn nếu làm kiểu “xôi đỗ” thì khó mang lại hiệu quả như mong muốn.
P.Thảo (ghi)
http://dantri.com.vn/chinh-tri/bo-so-ho-khau-khong-ap-luc-vi-da-chuan-bi-chu-dao-201711061404147.htm