Còn rất nhiều thủ tục rơi rớt lại từ thời quan liêu bao cấp sẽ dần được từ bỏ. Nhưng cái sổ hộ khẩu được Chính phủ xóa khỏi thủ tục hành chính là một tin vui cho 90 triệu người, từ nay mọi người sinh ra đều có quyền không cần… hộ khẩu.
Hôm trước một người bạn rủ đi ăn ở một nhà hàng có tên "Quán cơm Mậu dịch" ở gần hồ Trúc Bạch.
Người chủ trang trí nội thất khá giống với thời bao cấp, từ mầu tường quét vôi vàng vàng, cửa sổ sơn xanh, vài cái bi đông và xe đạp cũ kỹ, cô bán hàng áo blue trắng, đội mũ, hỏi có thích món cơm nguội chan nước phở 25 ngàn, bỗng nhiên cảm giác thời bao cấp trờ về sau hơn ba mươi năm.
Các món ăn khá ngon nấu kiểu "phở mậu dịch, kịch tivi", chúng tôi ôn kỷ niệm dù anh bạn khi đó mới vài tuổi, chỉ nhớ mẹ bắt đi xếp hàng mua nước mắm, cãi nhau với lũ đồng lứa, còn tôi thì suốt một đời tuổi trẻ ôm sổ hộ khẩu và sổ gạo, quên cả lấy vợ.
Hai anh em bảo nhau, sổ gạo đã bỏ được 30 năm, nhưng bao giờ đến lượt hộ khẩu. Rồi thầm mong, chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm gì đó thật thiết thực, đó là biết từ bỏ những não trạng "bao cấp, xin cho" tồn tại từ thế kỷ trước, trong đó có cuốn sổ nhỏ bé làm khổ biết bao gia đình.
Nếu như sổ gạo tồn tại sau hòa bình 1975 giúp người chủ hộ và những người ăn theo được đong gạo theo tiêu chuẩn để sống qua ngày thì sổ hộ khẩu như thần hộ mệnh cho cả gia đình có trước đó mấy chục năm.
Cụ Hồ từng tuyên bố trong ngày 2-9-1945 rằng, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, nhưng không có hộ khẩu và sổ gạo thì khó được coi là người, nhất là ở thành phố.
Do bên công an cấp, sổ hộ khẩu là phương thức quản lý xã hội theo hộ gia đình, mọi quyền lợi như phân nhà, sổ gạo, tem phiếu, việc làm, cho con cái đi học, đều phụ thuộc vào có tên trong hộ khẩu hay không?
Thay đổi nơi cư trú, lập gia đình mới, đều liên quan đến hộ khẩu, tách ra, nhập vào, biết bao cửa ải. Nhiều người có vợ ở quê, bản thân làm ở Hà Nội mấy chục năm, nhưng con theo hộ khẩu của mẹ, nên muốn đưa các con ra thành phố để học hành có điều kiện nên người nhưng không có hộ khẩu nên chịu.
Cách đây vài hôm, có cô hàng xóm nhờ tôi hỏi thủ tục về bảo hiểm xã hội. Chả là cô đi nước ngoài nhưng sợ mất việc khi về bơ vơ nên cố đóng bảo hiểm hàng tháng để phòng khi "trái gió trở giời" thì mình về nước vẫn có lương hưu.
Bên bảo hiểm bắt cung cấp sổ hộ khẩu và sổ bảo hiểm của chủ hộ. Chủ hộ và cô đã ly dị từ lâu rồi, mà ông ấy không đóng bảo hiểm, phó mặc số phận cho "giời". Tôi bảo cô, liên quan đến thủ tục hộ khẩu thì chịu rồi.
Hồi cháu lớn nhà này từ Mỹ về Việt Nam chơi vài tháng. Lúc đó cháu đủ 14 tuổi nên muốn làm chứng minh thư (CMT) vừa là quyền công dân vừa để cho cháu có cảm giác làm người Việt Nam vì cháu đã có thẻ xanh và sắp thi vào công dân Mỹ.
Người ta bảo làm CMT dễ lắm. Vác giấy tờ lên xin thì cô trung úy công an trẻ măng xem xét một hồi và bảo, trong sổ hộ khẩu nhà bác không ghi nơi sinh của cháu. Tôi bảo cháu có hộ chiếu, đề ngày và nơi sinh, có giấy khai sinh cũng đề ngày và nơi sinh. Cô vẫn lắc đầu nói bác phải về bổ sung nơi sinh.
Cô nhìn tôi như tội đồ vì cho rằng khi nhập hộ khẩu cho cháu, chủ hộ phải nhắc công an điền cho chính xác, mà lẽ ra họ phải làm đúng phận sự của mình hơn là bắt dân kiểm tra chéo.
Lại về phường, lại tổ dân phố, rồi qua công an xác nhận, chờ đợi 20 ngày, chưa kể khai sai hoặc do hướng dẫn không kỹ, phải đi lại kha khá.
Cô công an thấy một ông già đi lại nhiều lần có vẻ khinh khinh, cho rằng lão này chả biết thủ tục hộ khẩu là gì. Nhưng là người viết, tôi rất muốn có cảm giác khi bị hành thì như thế nào.
Sau khoảng 10 lần đi lại và sau hai tháng mới có được cái CMT, một biểu tượng làm người Việt của cháu, nhưng khi đó cháu đã qua Mỹ rồi, chưa biết mặt mũi cái CMT ra sao.
Ảnh minh họa: Pháp luật TP.HCM
Tôi ước tính, mỗi người dân bỏ ra 1 ngày trong 1 năm để làm cái việc liên quan đến hộ khẩu thì một năm đất nước này mất 90 triệu ngày làm việc vào những việc vô bổ, kéo theo bao hệ lụy.
Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tính theo sức mua (PPP) khoảng 7000 USD nếu chia đều cho 365 ngày thì trung bình mỗi ngày, một người Việt làm là khoản tiền 20$, 90 triệu người thì số tiền đó là 1,8 tỷ đô/năm chi phí cho những việc hành là chính hơn là an ninh quốc gia liên quan đến hộ khẩu.
10 năm là 18 tỷ, 20 năm là 36 tỷ, nếu 50 năm thì tương đương với một phần tư GDP năm 2016. Tính từ khi có hộ khẩu tới giờ (1960), thủ tục này đã làm thiệt hại cho kinh tế biết bao nhiêu, chưa kể sự phiền hà gây ra, giảm sức sáng tạo trong dân, thì không thể tính được bằng tiền.
Trong đời tôi từng có những giây phút hạnh phúc liên quan đến sổ. Đó là năm 1977 vừa đi làm đã có sổ hộ khẩu và sau đó là cái sổ gạo. Nhưng hạnh phúc hơn là hai cuốn sổ đó đã được xóa bỏ.
Năm 1986 bỏ cái sổ gạo mua gạo mốc, cứ tưởng 10 ngàn nhân viên lương thực Hà Nội mất việc làm nhưng chính họ lập ra chuỗi cung cấp gạo ngon nhất, phục vụ từng nhà.
Cũng chính năm đó có khoán 10, thực chất là sửa sai chính sách HTX, nông dân làm chủ ruộng đồng. Từ một nước dân phải ăn bo bo của Liên Xô chuyên dùng để nuôi bò, vẫn diện tích canh tác ấy, số dân tăng vùn vụt, thế mà Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.
Đổi mới 1986 và 30 năm sau kiến tạo bắt đầu bằng những việc xóa bỏ những cuốn sổ nhưng quan trọng hơn là xóa bỏ não trạng hành dân tiến tới nền hành chính vì dân.
Nếu ai muốn tìm lại khoảnh khắc một thời quan liêu bao cấp, hãy tới nhà hàng ăn một bát phở không người lái, cơm nguội chan nước phở giá 25 ngàn, thì sẽ hiểu bỏ đi một tư duy lỗi thờivà hù dọa "an ninh quốc gia" đôi khi mất nửa thế kỷ.
Chính phủ đang ở thế kỷ 21 của IT hiện đại không thể trả lời dân chúng bằng những câu hỏi từ thế kỷ 20 và tư duy từ thế kỷ 19.
Mới hiểu tại sao người bạn lại mong hộ khẩu được cho vào sọt rác khi ngồi ăn ở nhà hàng kiểu mậu dịch quốc doanh để nhớ một thời đã qua.