Tại phiên thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội sáng 1.11, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận đề cập vấn đề thất nghiệp của lao động đã qua đào tạo, ông Hận cho rằng, trong khi có cử nhân tự tay đốt bằng, chạy xe ôm, thì tồn tại một bộ phận công chức cán bộ, công chức năng lực hạn chế.
“Vậy tại sao công chức thì phải là công chức suốt đời, dẫn đến tình trạng chạy đua bằng mọi cách để vào công chức, thế là đã được bao bọc suốt đời, cứ làm việc từ từ, cứ đến tháng thì lĩnh lương, đến năm thì lên lương, đến tuổi về hưu thì có bảo hiểm xã hội?” - đại biểu Nguyễn Quốc Hận đặt vấn đề.
Ông Hận đề xuất phải có cạnh tranh trong công chức, bằng cách sau vài năm đánh giá lại công chức một cách thực chất để từ đó loại ra người không đáp ứng được yêu cầu công việc, từ đó có biên chế để tuyển người có năng lực. Đây cũng là cách giải quyết nạn thất nghiệp đã qua đào tạo.
Nghe qua rất hay, nhưng câu hỏi đặt ra là ai đánh giá được công chức yếu kém, và cũng chẳng có công chức nào chịu nhận mình yếu kém. Đặc biệt là đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, cho dù họ yếu kém thực sự, nhân viên nào dám nói họ không hoàn thành nhiệm vụ? Bi kịch là ở chỗ, chính những người này mới đáng thay.
Có quá nhiều điều để chứng minh sự yếu kém của lãnh đạo, rừng bị phá hết thì lãnh đạo địa phương đó, chi cục kiểm lâm đó xứng đáng cho nghỉ để thay người khác, chưa kể là phải xử lý kỷ luật. Cấp phép các dự án để xảy ra sai sót, phá hoại môi trường, cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm liên quan phải bị cho nghỉ mới đúng. Để địa phương xảy ra các vụ tham nhũng, mất đoàn kết, tai tiếng về tài sản trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, vậy thì không xứng đáng làm lãnh đạo. Có lãnh đạo bị chính cử tri cho rằng không xứng đáng làm đại biểu của dân, thì cũng nên nghỉ để người khác làm. Muốn hạn chế tối đa tình trạng người có năng lực bị người kém hơn chiếm chỗ công chức, thì hãy dẹp “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ”. Tổ chức thi tuyển công chức công khai, minh bạch.