"An cư mới lạc nghiệp" - là quan niệm mà đại đa số người dân, đặc biệt là lớp trẻ luôn hướng tới. Tuy nhiên, câu chuyện về nhà ở ngày càng trở nên xa vời với lao động nghèo, thu nhập thấp.
Đây cũng là nỗi lo thường trực của công nhân lao động và là vấn đề "nóng" liên tục được đặt ra qua các lần đối thoại của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với người lao động.
Những năm gần đây, nguồn cung bất động sản trên địa bàn Hà Nội dần trở nên khan hiếm, thiếu hụt ở hầu hết các phân khúc, nhất là nhà ở xã hội. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp, các ngành và doanh nghiệp "cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin; đảm bảo từ nay đến năm 2030 cả nước đạt mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội" theo Đề án đã đề ra.
Bài 1: Nhà ở xã hội vắng bóng, nhà trọ lên ngôi
Công nhân là lực lượng nòng cốt để phát triển kinh tế-xã hội. Chăm lo nơi ăn, chốn ở cho công nhân không chỉ có lợi đối với doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội về vấn đề an sinh. Nhưng con số hơn 70% số công nhân Thủ đô vẫn phải đi thuê trọ để ở đang là vấn đề cấp thiết, chưa được giải quyết mặc dù đã được các cấp, ngành thấu hiểu, sẻ chia.
Nguồn cung như "muối bỏ biển"
Hà Nội hiện đã và đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghiệp cao với tổng diện tích gần 3.500ha; trong đó, 9 khu công nghiệp, khu chế xuất có tổng diện tích 1.264 ha, đang hoạt động ổn định với khoảng 162.000 lao động.
Đề cập đến vấn đề nhà ở của công nhân lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết hiện thành phố có khoảng trên 70% số công nhân đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư.
Một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ, tiền điện, tiền nước cao... gây khó khăn và không đảm bảo chất lượng sống của người lao động.
Lý do phải thuê ở tại những phòng trọ cấp 4 chật hẹp (diện tích chỉ 9-10 m2/phòng), nhiều "không" (không nước máy, không internet, không an toàn) được những công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ tại các quận, huyện Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh… chia sẻ dù phải ra ngoài thuê trọ ở nhà dân dù chật chội, thiếu thốn và đông đúc nhưng phù hợp với số đông công nhân trẻ hoặc mới lập gia đình, chưa có đủ khả năng tài chính để mua nhà.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, có quá ít người lao động may mắn mua được căn hộ giá rẻ dành cho công nhân.
Hiện toàn thành phố Hà Nội mới có 3 Khu công nghiệp là Thạch Thất-Quốc Oai, Bắc Thăng Long (Đông Anh) và Phú Nghĩa (Chương Mỹ) xây nhà ở cho công nhân. Nhưng ngay tại những khu công nghiệp có nhà ở cho công nhân thì hệ thống hạ tầng xã hội như khu thể thao, vui chơi giải trí, trường mẫu giáo… cho con em công nhân còn quá thiếu.
Đơn cử, tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa có khoảng 1.000 công nhân lao động sinh sống tại khu nhà ở công nhân, chưa kể những người từ các khu công nghiệp khác đến ở gây ra nhiều phiền toái.
Hay dự án nhà ở phục vụ công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, Đông Anh) xảy ra tình trạng công nhân chuyển ra ngoài thuê trọ vì không có phòng để ở hoặc cơ sở hạ tầng xuống cấp.
Số lượng căn hộ không đủ đáp ứng nhu cầu và chất lượng nhà ở không còn được đảm bảo sau thời gian dài sử dụng, trong khi nhu cầu nhà ở của người lao động còn rất lớn chẳng khác gì "muối bỏ biển," ông Trần Anh Tuấn ví von.
Đồng cảm với khó khăn về nhà ở của người lao động, bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh cho biết trên địa bàn huyện có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp; trong đó, có gần 22.500 công nhân đang thuê trọ.
Riêng xã Kim Chung có khoảng 800 nhà dân có nhà cho thuê trọ và rải rác ở các xã lân cận như Kim Nỗ, Đại Mạch, Võng La, Hải Bối…
Từ thực tiễn kiểm tra việc phòng, chống đại dịch COVID-19 cho thấy, việc ăn ở, sinh hoạt của người lao động tại các khu nhà trọ còn chưa được đảm bảo. Đa số người lao động sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, không có không gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động một cách tốt nhất - bà Tám bày tỏ.
Chủ trương đúng nhưng triển khai chậm
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương có tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và mạnh, nhưng trên thực tế, mục tiêu về quỹ đất cũng như số lượng căn hộ nhà ở xã hội được xây dựng đều chưa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động.
Mong mỏi về một khu nhà ở văn minh, hiện đại, phù hợp với túi tiền của công nhân vẫn đang là một giấc mơ xa. Điển hình như Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 mới đạt 26,24% kế hoạch xây nhà ở xã hội và đến nay số lượng mới đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu.
Đánh giá về thực trạng này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Luyện Văn Phương cho rằng, thiếu quỹ đất là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "khát" nhà ở xã hội của người dân.
Trong khi đó, theo quy định, mỗi dự án nhà thương mại, khu đô thị đều phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội, nhưng tại Hà Nội nhiều dự án không chấp hành nghiêm túc quy định này.
Hay ở giai đoạn trước đây, các dự án đã được lựa chọn chủ đầu tư không có 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy chỉ có các dự án bị thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư khác thì mới bố trí tiếp nhà ở xã hội. Từ thực tế đó, dự án bố trí nhà ở xã hội không nhiều - ông Luyện Văn Phương lý giải.
Không chỉ do quỹ đất hạn hẹp, ở nhiều khu đô thị, doanh nghiệp dường như có xu hướng không muốn triển khai nhà ở xã hội do sản phẩm này có lợi nhuận thấp lại phải đầu tư nhiều vốn.
Cá biệt có những trường hợp chây ỳ, không có trách nhiệm với cộng đồng dù cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở. Có dự án chuyển sang nhà ở thương mại trái quy định; thậm chí có không ít dự án bỏ hoang, một số dự án xây xong rồi nhưng xa trung tâm nên khó bán.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, các nguồn vốn ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo về vấn đề phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, pháp luật về nhà ở cũng có những chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội.
Đặc biệt, sau ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID - 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ - CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, với diễn biến tăng giá bất thường từ thị trường chung cư Hà Nội trong quý I/2024 và những vướng mắc còn đang hiện hữu, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội của cả nước trong năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nhiều thách thức./.