Độc đáo hội thổi cơm thi làng Thị Cấm Độc đáo hội thổi cơm thi làng Thị Cấm , Người xứ Nghệ Kiev
Thứ Tư, 19/10/2022
(HNNN) - Nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, làng quê Hương Canh (làng Thị Cấm) còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống có từ ngàn xưa. Hội kéo lửa, thổi cơm thi là lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của làng Thị Cấm với màn kéo lửa, giã gạo, thổi cơm thi vô cùng độc đáo. Hội thổi cơm thi Thị Cấm không chỉ là biểu tượng đẹp, đặc trưng của cư dân trồng lúa nước, mà còn gợi nhớ chiến công chống giặc, giữ nước hiển hách của cha ông ta.
Cứ đến mùng 8 tháng Giêng hằng năm, người dân làng Thị Cấm (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) lại có mặt tại đình làng để tham gia Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống.
Tương truyền, đời Vua Hùng thứ 18, quân Thục sang xâm lược nước ta. Tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh chống giặc. Khi dẫn quân qua làng Hương Canh (làng Thị Cấm ngày nay), ông ra lệnh tổ chức nấu cơm thi để tuyển chọn người giỏi việc hậu cần đi theo phục vụ quân đội. Chiến thắng giặc ngoại xâm, tướng quân Phan Tây Nhạc ở lại vùng đất Hương Canh, dạy dân cấy lúa, dệt vải.
Sau khi qua đời, tướng quân Phan Tây Nhạc được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng Thị Cấm mở Hội kéo lửa, thổi cơm thi vào ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm với những phần thi vô cùng độc đáo.
Làng Thị Cấm xưa chia thành 4 giáp, theo nghi lễ cổ xưa sẽ đặt ra 4 đội thi, mỗi đội gồm 10 người cùng tranh tài. Trước hội thi, các đội phải chuẩn bị sẵn các vật dụng như chày, cối, rơm, nồi... để trổ tài nấu cơm nhanh mà vẫn thơm dẻo. Hội thi bao gồm nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ, như giã gạo, kéo lửa, lấy nước, vo gạo, thổi cơm và ủ cho cơm chín đều. Thời gian thi bắt đầu từ khi các đội phát được lửa thổi cơm đến khi kết thúc kéo dài trong 1 giờ. Thóc được dùng trong hội thi được dân làng Thị Cấm gieo trồng và tuyển lựa mang về tế Thánh.
Đầu tiên, các nam thanh niên sẽ đem thóc cho vào cối giã. Thao tác giã gạo phải thật nhanh và khéo để hạt gạo không bị vỡ. Sau đó, gạo được sàng trấu để loại bỏ sạn và vo sạch. Cùng lúc, mỗi đội thi sẽ cử một thành viên chạy khoảng 800 mét từ đình làng ra chỗ lấy nước và quay về đình làng nơi tổ chức hội thi. Đội nào lấy nước nhanh và khéo thì sẽ có thêm thời gian để nấu cơm.
Phần hấp dẫn nhất của hội thi chính là thi kéo lửa. Mỗi đội cử ra 4 nam thanh niên tham gia phần thi này. Để kéo ra lửa, các đội thi lấy hai thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co để cật giang cọ sát vào cật tre nhiều lần tạo ma sát. Khi thấy có khói bốc lên thì dừng lại và thổi cho lửa bùng lên, dùng mồi lửa này để thổi cơm.
Khi các đội thi kéo lửa thành công cũng là lúc không gian đình làng Thị Cấm nghi ngút khói lửa. Không gian mùa xuân vang lừng tiếng trống hội và tiếng reo hò cổ vũ của dân làng cùng du khách, tạo nên khung cảnh vô cùng náo nhiệt.
Phần thi cuối cùng cũng không kém phần hấp dẫn. Khi nồi cơm vừa cạn nước, các đội thi ủ cơm vào đống than rơm để cơm chín đều. Sau một tuần hương, các thành viên của ban giám khảo sẽ đi tìm 4 nồi cơm trong rất nhiều đống tro rơm. Nếu các đội khéo giấu, thời gian ủ cơm sẽ được kéo dài và cơm sẽ chín đều. Nếu giấu vụng, bị giám khảo nhanh tìm thấy thì cơm dễ bị sống.
Sau khi tìm đủ 4 nồi cơm, giám khảo xới 4 bát dẻo thơm để dâng cúng Thành hoàng làng. Cơm thi của các đội sau đó được chấm điểm công khai trước đông đảo dân làng.
Theo quan niệm của người dân làng Thị Cấm, nếu hội thi nấu cơm diễn biến thuận lợi, thời tiết ủng hộ, 4 mồi lửa của 4 đội thi đều lên cao thì đó là điềm báo một năm mới ấm no, đủ đầy. Sau khi công bố kết quả hội thi, dân làng chia nhau những hạt cơm cúng Thành hoàng làng để lấy lộc đầu năm. Người dân Thị Cấm tin rằng, người lớn ăn hạt cơm này thì cả năm sẽ may mắn, trẻ em hay ăn, chóng lớn, học hành tấn tới.
Với những giá trị văn hóa độc đáo, Lễ hội truyền thống - Hội thổi cơm thi Thị Cấm đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trung tuần tháng 9 vừa qua, nhân dân làng Thị Cấm và quận Nam Từ Liêm đã trang trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Hội thổi cơm thi Thị Cấm”.
Bà Nguyễn Thị Lan (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) cho biết, hội thổi cơm thi là nét văn hóa truyền thống có từ ngàn xưa của cha ông ta. Nhân dân làng Thị Cấm rất phấn khởi, tự hào khi hội thổi cơm thi được công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Chúng tôi sẽ gìn giữ, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống và truyền lại cho các con, các cháu để các thế hệ sau này hiểu rõ hơn về ý nghĩa của hội kéo lửa, thổi cơm thi. Từ đó có những việc làm, hành động cụ thể để xứng đáng với truyền thống yêu nước của cha ông ta.
Vũ Thái Sơn, một công dân trẻ của phường Xuân Phương cũng chia sẻ, từ khi còn nhỏ anh đã được ông bà, bố mẹ cho tham dự hội kéo lửa thổi cơm thi. Không gian sôi động của hội thi trong không khí ấm áp, đoàn tụ của những ngày đầu xuân mới là những ký ức không thể quên của mỗi người dân làng Thị Cấm. Vũ Thái Sơn cũng cho biết sẽ cùng các đoàn viên, thanh niên phường Xuân Phương tham gia các hoạt động để gìn giữ, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn phường, qua đó góp phần duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng Thị Cấm.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, trong giai đoạn 2021-2022, UBND quận đã đầu hơn 14,9 tỷ đồng để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời cũng là nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thổi cơm thi Thị Cấm. Trong thời gian tới, quận Nam Từ Liêm sẽ tăng cường tuyên truyền về những giá trị đặc sắc của lễ hội truyền thống Hội thổi cơm thi Thị Cấm để các tầng lớp nhân dân thêm hiểu, thêm yêu truyền thống văn hóa của quê hương; lan tỏa sâu rộng niềm tự hào về di sản văn hóa độc đáo của địa phương. Đó là những việc làm, hành động cụ thể để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, góp phần xây dựng và phát triển quận Nam Từ Liêm.