Ngày 30/9, lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định phối hợp với UBND xã Giao Long đã kiểm tra thực tế khu vực bãi bồi ngập mặn Cồn Lu (huyện Giao Thủy) - nơi ghi nhận số lượng ngao lớn trôi dạt vào đây. Bước đầu, cơ quan chức năng địa phương xác định, hiện tượng ngao giấy (loại ngao có kích thước lớn) trôi dạt vào khu vực này là hiện tượng bình thường và đã xảy ra một số lần trước đây sau những trận bão lớn.
Ghi nhận tại khu vực Cồn Lu (xã Giao Long), cách đê biển khoảng 1 hải lý vào lúc gần trưa 30/9 khi trời mưa to cho thấy, nhiều khu vực ở Cồn Lu nước còn ngập sâu 40 - 50cm, nhưng hàng trăm người dân ở các xã Giao Long, Giao Hải, Bạch Long đã kéo về đây để thu gom ngao.
Khu vực bãi bồi ngập mặn Cồn Lu rộng hàng trăm ha gần như phủ kín ngao trên mặt cát. Một số vị trí ngao được sóng biển đẩy vào, chất cao thành đống, kéo dài cả chục mét. Tàu thuyền của ngư dân cũng đã tập trung về đây để chở ngao vào bờ tiêu thụ.
Người dân địa phương xem đây là “lộc biển” nên từ ngày 29/9 đến nay ngày càng có nhiều người ra khu vực Cồn Lu để thu gom ngao, thậm chí không ít gia đình gác lại những công việc khác để đi thu gom ngao. Thời điểm mới phát hiện ngao dạt vào bờ, tỷ lệ ngao còn sống chiếm khoảng 50%, nhất là con ngao khá to nên một số gia đình huy động từ 5 - 7 người nhặt ngao và đã thu được khoảng một tấn ngao/ngày, thu về 7 - 8 triệu đồng/ngày. Tỷ lệ ngao sống giảm mạnh, còn khoảng 20 - 30% vào ngày 30/9 nên nếu chăm chỉ mỗi người chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng/ngày.
Ngao giấy tự nhiên theo sóng biển trôi dạt vào bờ, chất thành đống tại khu vực bãi bồi ngập mặn Cồn Lu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN
Anh Phạm Văn Thuân ở xã Giao Hải cho biết, gia đình anh có 6 người đi nhặt ngao. Trong ngày 29/9, ngao sống nhiều, nhiều chỗ ngao chất thành đống chỉ việc bốc bỏ vào bao, gia đình thu được khoảng một tấn ngao. Tuy nhiên, sáng 30/9 trời mưa lớn cộng với tỷ lệ ngao sống ít dần nên số lượng ngao thu được không nhiều. Nếu sóng biển, nước biển lớn có thể vẫn còn ngao giấy trôi dạt vào bờ những ngày tới.
Ông Trần Hữu Nhạc, Phó chủ tịch UBND xã Giao Long thông tin, ngay sau khi phát hiện có ngao trôi dạt vào khu vực bãi bồi ngập mặn Cồn Lu, có khoảng 500 - 600 người ở các xã Giao Long, Giao Hải, Bạch Long và một số xã lân cận đến thu gom ngao. Ước tính trong 2 ngày 29 và 30/9 có khoảng 1.000 tấn ngao trôi dạt vào khu vực này.
Hiện tượng ngao trôi dạt vào bờ trên địa bàn xã là hiện tượng bình thường. Đây hoàn toàn là ngao tự nhiên trôi dạt từ nơi khác vào địa bàn. Toàn bộ hơn 80 ha ngao nuôi của xã Giao Long không bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Trước đây, sau những cơn bão lớn vào các năm 2005 và 2012, tại khu vực Cồn Lu cũng ghi nhận ngao giấy trôi dạt vào nhưng số lượng không lớn.
Trực tiếp dẫn đoàn công tác xuống kiểm tra thực tế, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định Hoàng Mạnh Hà lý giải, loài ngao giấy có tập tính khi môi trường nước, đất có sự thay đổi thì trồi lên khỏi mặt đất và có xu hướng di cư đi chỗ khác. Do ảnh hưởng của bão số 4, sóng to, nước lớn nên ngao bị trôi dạt vào bờ biển huyện Giao Thủy. Trước đây, hiện tượng này đã được ghi nhận tại khu vực bờ biển tỉnh Nam Định, dù những lần trước số lượng ngao không lớn.
Hiện tượng ngao giấy trôi dạt vào bờ biển chủ yếu ở huyện Giao Thủy, tập trung tại khu vực bãi bồi ngập mặn Cồn Lu (thuộc địa bàn xã Giao Long và Giao Hải). Ở thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) cũng ghi nhận hiện tượng ngao giấy trôi dạt vào bờ biển trong sáng 30/9, song số lượng chỉ khoảng vài tạ.