Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: "Đốt vàng mã quá nhiều là không phù hợp với giáo lý nhà Phật" Tiến sĩ Trần Hữu Sơn: "Đốt vàng mã quá nhiều là không phù hợp với giáo lý nhà Phật" , Người xứ Nghệ Kiev
Tùng Linh Thứ năm, ngày 11/08/2022
"Ngoài những thiệt hại về kinh tế, hoạt động đốt vàng mã quá nhiều còn rất đến những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguy cơ về hỏa hoạn..." - Tiến sĩ Trần hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ với Dân Việt.
Sư ra đời của ngày lễ Vu Lan với nhiều nguồn gốc, ý nghĩa khác nhau
Từng có nhiều năm thực hiện các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn chia sẻ với Dân Việt: "Hiện nay, đa số mọi người quan niệm ngày lễ Vu Lan được bắt nguồn từ đạo Phật. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu của mình, tôi thấy rằng có rất nhiều nguồn gốc khác nhau giải thích cho sự ra đời của ngày lễ Vu Lan. Theo tìm hiểu, tôi biết được ngày lễ Rằm tháng Bảy là một trong những ngày lễ lớn của cư dân phương Nam.
Với đồng bào các dân tộc Tày, Thái... ngày này được gọi là Tết Xíp xí. Vào dịp này, đồng bào các dân tộc tổ chức ăn Tết rất đông vui, hoành tráng và chỉ xếp sau Tết Nguyên Đán ngày nay. Nhờ có chữ viết và biết cách dùng lịch nên người Thái đã lưu giữ được nét văn hóa truyền thống này.
Theo ghi chép của người Thái, tháng Bảy được coi là tháng Giêng và là tháng đầu năm. Cùng với đó, tất cả những nghi lễ trong ngày Tết Xíp xí này đều là những phong tục mừng đón năm mới của người Việt xưa. Có thể kể ra một số phong tục trong ngày này như cho trâu ăn bánh, mặc quần áo cho trâu, sắm quần áo mới cho người già, trẻ nhỏ... Từ đó, tôi đưa ra giả thiết rằng, xưa kia, người Việt cổ đón Tết vào rằm tháng Bảy. Còn lại, việc đón Tết Nguyên Đán sau này là do ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc".
Cũng theo chia sẻ của Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, ngày lễ Vu Lan có thể xuất hiện ở nước ta cùng sự du nhập của văn hóa Phật Giáo. Sự kết hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo cùng truyền thống kính trọng cha mẹ, tổ tiên của người Việt. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Theo truyền thống của Phật giáo, trong ngày này, hoạt động phóng sinh là một nghi thức tốt đẹp được duy trì và thực hiện. Ngày này, người dân thường phóng sinh các loài vật như chim, cá... để thể hiện đức hiếu sinh của nhà Phật. Cùng với đó, lễ Vu Lan còn kết hợp hoạt động cúng chúng sinh trong thế giới quan cổ truyền về sự tồn tại của cô hồn trong tâm thức người Việt. Trong cả một năm, cô hồn thường không được cúng bái nên đây là dịp để mọi người cúng cho cô hồn. Điều này cũng thể hiện truyền thống tương thân tương ái ở nước ta.
Ở nhiều dân tộc khác nhau, hoạt động cúng bái ông bà tổ tiên sẽ được thực hiện trong gia đình và việc cúng cô hồn sẽ được diễn ra ở ngoài trời. Đây là lời khẳng định về một triết lý coi cô hồn cũng là thành viên của một cộng đồng những người mất đi. Đây được coi là một nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc.
"Tên gọi Vu Lan là sự kết hợp giữa Nho giáo và Phật giáo. Điều đó mang ý nghĩa là báo hiếu. Đồng thời, cũng khẳng định truyền thống hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay", Tiến sĩ Trần Hữu Sơn khẳng định.
Nên hạn chế việc đốt vàng mã trong ngày lễ Vu Lan
Trong ngày lễ Vu Lan hiện nay, đa số người dân có thói quen đốt vàng mã gửi tới ông bà, tổ tiên để chứng tỏ lòng thành. Mới đây nhất, một vụ cháy tại phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng liên quan tới tập tục đốt vàng mã. Nhìn nhận về hoạt động này, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho rằng: "Việc đốt vàng mã có nguồn gốc từ thời nhà Hán. Trước đó, việc hiến sinh người, lễ vật theo người chết thường xuyên được diễn ra. Do đó, đến thời nhà Hán, việc sử dụng vàng mã bằng giấy nhằm mục đích tiết kiệm hơn trong đám tang, cúng lễ...
Ở thời điểm hiện nay, việc đốt vàng mã đã diễn ra phổ biến. Trong văn hóa Phật giáo, việc đốt vàng mã cũng là tương đối hạn chế. Do đó, hoạt động đốt vàng mã quá nhiều cũng là việc làm không đúng với giáo lý nhà Phật.
Có thể lấy ví dụ thực tế từ di tích đền bà chúa Kho với số lượng vàng mã được đốt hàng năm có giá trị khoảng 300 – 400 tỷ đồng. Theo tôi, đây là việc làm không nên. Ngoài những thiệt hại về kinh tế, hoạt động đốt vàng mã quá nhiều còn rất đến những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguy cơ về hỏa hoạn... Vì vậy, ta nên hạn chế và điều chỉnh việc đốt vàng mã trong ngày lễ Vu Lan để vừa giữ được nghi thức nhưng đồng thời cũng đảm bảo cho sự phù hợp, an toàn với đời sống".