Mã số 4316: Lũ dữ lịch sử cuốn phăng nhà cửa, bà con cần giúp ngay gạo ăn, áo ấm Mã số 4316: Lũ dữ lịch sử cuốn phăng nhà cửa, bà con cần giúp ngay gạo ăn, áo ấm , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Đang gồng mình chống dịch Covid-19, người dân Bình Định, Phú Yên lại gánh thêm trận lũ lịch sử khiến nhà cửa, thóc gạo trôi theo dòng nước dữ. Bà con đang cần gạo ăn, áo giữ ấm giữa mùa đông.
Nhà sập mất rồi!
Cơn lũ dữ đi qua, vùng "rốn lũ" Tuy Phước, Bình Định khắp nơi một cảnh hoang tàn.
Dẫn chúng tôi đi vào sâu trong xã, ông Văn Công Chiến - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) - cho biết, đợt lũ vừa qua, cả xã có 9 ngôi nhà sập, hư hỏng. Hầu hết những hộ có nhà sập đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà cũ xuống cấp, không có tiền xây cất chắc chắn nên gặp thiên tai là ngả nghiêng.
Gần cuối xóm Gò Miếu, ngôi nhà che mưa nắng của mẹ con bà Nguyễn Thị Nghĩa (76 tuổi, thôn Kim Đông, xã Phước Hòa) bị đổ sập nằm ngổn ngang. Bà Nghĩa chỉ có một người con trai, sau khi lấy vợ có 2 con thì con trai bà mất do bệnh ung thư, bà sống với con dâu là bà Trương Thị Hạnh (51 tuổi).
Sáng 30/11, nước lũ lớn ùa về rất nhanh nước ngập gần cửa sổ, gió lại thổi mạnh. Ngôi nhà rung chuyển, rồi trong lúc hai mẹ con bà Nghĩa còn chưa định thần, gạch đá đổ ầm xuống.
"Con dâu tôi vừa hô nhà sập vừa cầm tay tôi kéo chạy nhanh ra ngoài thoát thân. Giờ thì cuối đời rồi sống nay chết mai, có ngôi nhà che nắng che mưa giờ cũng bị sập rồi. Tôi già rồi chẳng làm được gì nữa, con dâu thì chồng mất giờ cũng không nghề nghiệp nên không biết lấy tiền đâu xây lại nhà", bà Nghĩa nghẹn ngào.
Ngồi bên khối gạch đá đổ nát ngổn ngang như lòng mình, bà Trương Thị Trốn (60 tuổi, xóm Lộc Ninh, thôn Lộc Hạ, xã Phước Hòa) thẫn thờ: "Nhà sập mất rồi!"
Nói nhà cho sang chứ thực ra chỉ như túp lều rộng chỉ chừng 10 m2, bên trong đặt vừa chiếc giường một, một chiếc kệ bê tông làm bàn, song cũng đủ che nắng che mưa tạm bợ cho người phụ nữ luống tuổi không chồng, không con mấy mươi năm nay. Vậy mà nay đã tan hoang.
Túp lều của bà Trốn dựa vào vách nhà của cha mẹ là ông Trương Sách (90 tuổi) và vợ Nguyễn Thị Lức (82 tuổi, bị bệnh tim). 3 vách tường còn lại xây gạch thô, mái lợp tạm vài tấm xi măng nên khi lũ lớn, gió thổi mạnh túp lều đổ sập.
Chúng tôi hỏi han, bà Trốn lẩm nhẩm, muốn xây lại nhà giờ cũng phải tốn 10-15 triệu đồng, số tiền không tưởng để có được với người đàn bà nghèo lúc này.
Gần nhà bà Trốn, gia cảnh éo le của bà Đặng Thị Thạch (71 tuổi, thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa) cũng éo le. Chồng mất, hiện bà đang chăm sóc một người con bị bệnh nặng đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Ngôi nhà là tài sản quý giá nhất của hai mẹ con bà bỗng chốc đổ sập trong lũ.
Cùng ở xã Phước Hòa, nước lũ cũng xô sập ngôi nhà của vợ chồng ông Đặng Văn Châu (55 tuổi, trú thôn Tân Giản). Ngôi nhà ông Châu rộng chừng 50 m2, được xây từ những năm 2000, nhưng phải mất 5 năm mới xây xong ngôi nhà.
"Thời đó khó, khổ lắm, vợ chồng kiếm ăn từng bữa, làm cái nhà mà chắp vá như cây bánh tét. Làm từng chút từng chút chắp vá, phải mất 5 năm mới xây xong căn nhà này. Giờ nó sập rồi không biết xoay đâu tiền xây lại, hiện vợ chồng tôi và hai đứa cháu ngoại đang phải ở nhờ nhà em gái", ông Châu xót xa.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước - đợt lũ vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho người dân cả huyện. Cả huyện có 13 nhà sập hoàn toàn, riêng ở Phước Hòa có 9 căn nhà sập đều là những gia cảnh khó khăn. Địa phương đã huy động lực lượng giúp dân dọn dẹp, che chắn để người dân ở tạm.
"Huyện cũng báo cáo tỉnh và có kế hoạch hỗ trợ người dân xây lại nhà, cố gắng xây xong trước Tết âm lịch để bà con yên tâm sinh sống", ông Xuân chia sẻ.
Còn ông Văn Công Chiến - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước Hòa cho hay: "Thông qua Hội Chữ thập đỏ, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân có nhà sập những dụng cụ sinh hoạt cần thiết hàng ngày; và bày tỏ mong muốn: "Qua báo Dân trí, chúng tôi hy vọng các nhà hảo tâm sẽ biết được đến những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn trước mắt".
Người dân cần hỗ trợ gạo để có cái ăn, cần áo ấm mùa đông
Cơn lũ dữ "chưa từng thấy" xảy ra vào ngày 30/11 và 1/12 khiến người dân huyện Sơn Hòa chỉ kịp chạy để giữ mạng sống, còn tài sản gần như phải để lại, mặc lũ tàn phá.
Trở lại ngôi làng Thạnh Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) vào chiều ngày 4/12, phóng viên Dân trí chứng kiến khắp nơi là khung cảnh đổ nát, hoang tàn. Dọc hai bên đường chất đầy "tài sản" như: bàn ghế, chăn màn, quần áo, sách vở… đã bị nước lũ ngâm làm hư hỏng, không thể tái sử dụng được.
Đang dọn dẹp lại đống đổ nát sau lũ, ông Nguyễn Xía (60 tuổi, trú thôn Thạnh Hội) cho biết, người dân ở làng này vẫn chưa hết ám ảnh về cơn lũ dữ vừa qua.
"Nước lũ lên nhanh chưa từng thấy, mới nhìn trước nhìn sau đã ào ào vào nhà, tôi chỉ kịp kéo tay vợ chạy gần 5 km để thoát thân. Còn lương thực, thực phẩm, quần áo, tài sản…đều đành để lại, mặc lũ làm hư hỏng" - ông Xía kể.
Theo ông Xía, người dân thôn Thạnh Hội nói riêng và xã Sơn Hà nói chung hiện tại trong tình cảnh rất thương. Vì gạo lúa, lương thực, quần áo, tài sản… đều bị lũ làm hư hỏng, cuốn trôi. Người dân đang thiếu ăn, thiếu mặc.
Còn theo bà Mai Thị Phấn, trú thôn Thạnh Hội, mền mùng, quần áo phần bị lũ cuốn trôi, phần thì bị ngâm trong nước quá lâu nên bùn non ám vào, dù có giặt nhiều lần nhưng không dùng được nữa.
"Trời bắt đầu trở lạnh, người dân, đặc biệt là người già trẻ nhỏ cần đồ để giữ ấm và gạo ăn để vượt qua mùa đông khó khăn này" - bà Phấn nói.
Cơn lũ dữ "chưa từng thấy" còn nhấn chìm gần như toàn bộ đồ dùng, dụng cụ học tập của các cháu học sinh tại vùng này.
Bà Nguyễn Thị Mai chua xót nói: "Tài sản gần như mất mát, hư hỏng toàn bộ. Thương nhất là sách vở, đồ dùng học tập của 2 đứa cháu bị lũ làm hư sạch. Cha của mấy đứa đều bị bệnh về thần kinh, nên gia đình rất khó khăn, chưa biết kiếm đâu tiền để mua lại cho các cháu."
Tại Thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), nhiều hộ gia đình cũng rơi vào cảnh không còn gì để ăn sau lũ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Chủ tịch UBND thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) cho biết: Do nước lũ lên nhanh, nên bà con hầu như không di dời tài sản đi được, từ đó toàn bộ tài sản tích trữ của bà con bị ngập hư hỏng hết. Người dân hiện đang chồng chất khó khăn.
"Bà con ở Khu phố Đông Hòa, Bắc Lý, Tây Hòa, Tịnh Sơn hiện rất cần lương thực, quần áo, sách vở, đồ dùng học sinh, mền mùng… Người dân khó lắm! Nên mong có nhiều nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ" - Chủ tịch UBND thị trấn Củng Sơn nói.
Ông Phạm Đình Phụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Theo thống kê trên địa bàn toàn huyện có hơn 1.700 hộ dân bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Hầu hết các hộ này đều bị lũ làm hư hỏng tài sản, cuốn trôi.
Về phía chính quyền địa phương đã hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi hộ 15 kg gạo ăn và tiêu độc khử trùng các giếng khơi để người dân sử dụng. Bên cạnh đó sẽ trình danh sách để xây lại một số ngôi nhà bị sập.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân để người dân có gạo ăn, quần áo giữ ấm, lúa giống gieo sạ và sách vở để trẻ được đến trường.
Với tinh thần tương thân tương ái, "một miếng khi đói bằng một gói khi no", Báo Dân trí mong muốn đồng hành cùng bạn đọc, các nhà hảo tâm, các tổ chức doanh nghiệp trên khắp cả nước chung tay ủng hộ đồng bào ở Bình Định, Phú Yên gượng dậy sau cơn lũ lịch sử, để người nghèo khó có thêm động lực dựng lại mái nhà đơn sơ trú mưa, trú nắng; có gạo ăn, có áo mặc giữ ấm mùa đông lạnh.
Mọi đóng góp hảo tâm sẽ được báo Dân trí chuyển tới tận tay các hoàn cảnh, các địa phương một cách nhanh nhất và sớm nhất.