25/06/2021
(HNMCT) - Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh là gương mặt trẻ tài năng của âm nhạc cổ điển nước nhà. Song song với công việc giảng dạy tại khoa Piano, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, anh cũng là thành viên sáng lập Maestoso - nhóm nhạc quy tụ những tài năng trẻ mong muốn đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt Nam, đồng thời sáng lập Trung tâm Đào tạo và phát triển âm nhạc Insprito School Music.
- Năm 2018 anh trở về nước sau một thời gian dài tu nghiệp ở nước ngoài, từ đó đến nay, công chúng biết đến anh qua nhiều dự án âm nhạc, đặc biệt là Maestoso - nhóm nhạc quy tụ những nghệ sĩ trẻ mong muốn đưa nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng. Anh có thể chia sẻ về ý tưởng của mình?
- Thực ra, Maestoso được thành lập từ trước khi tôi về nước, năm 2017. Chúng tôi đã có những chương trình khá thành công tại Nhà thờ Lớn hay phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Maestoso là đơn vị tiên phong biểu diễn âm nhạc cổ điển trong nhà thờ. Từ trước đến nay ở nước ta, việc biểu diễn âm nhạc trong nhà thờ không có nhiều. Điều này đem đến sự tiếc nuối bởi âm nhạc trong nhà thờ và nhạc cổ điển có mối quan hệ rất gắn bó từ xa xưa trong lịch sử âm nhạc. Việc biểu diễn âm nhạc cổ điển trong nhà thờ gần như là sự kết hợp hoàn hảo.
Sau khi về nước, tôi được rất nhiều người ủng hộ và có được những buổi biểu diễn thường xuyên. Công chúng đón nhận khá nồng nhiệt và đối với họ đây cũng là một không gian mới lạ. Tất nhiên, chất lượng âm thanh khi biểu diễn ở nhà thờ không thể được như trong những phòng hòa nhạc chuyên nghiệp, nhưng nó đem lại cảm giác gần gũi, ấm cúng, trang trọng.
- Ngoài Maestoso, anh còn thành lập Trung tâm Đào tạo và phát triển âm nhạc Insprito School Music dành cho các bạn nhỏ. Dường như anh muốn xây dựng một lớp công chúng trẻ cho âm nhạc cổ điển?
- Sau khi Maestoso hoạt động ổn định, tôi dành thời gian cho công việc giáo dục nhiều hơn. Sau khi về giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi đã đồng sáng lập Insprito School Music hướng đến đào tạo các bạn trẻ, với mong muốn truyền kinh nghiệm mà mình đã được học.
Bên cạnh việc đào tạo, chúng tôi cũng coi trọng việc biểu diễn với những workshop nhỏ về chỉ huy, hòa tấu. Sau đó chúng tôi có những chương trình lớn hơn như dự án “Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc” để biểu diễn thực hành. Chúng tôi chia thành 4 không gian biểu diễn khác nhau, mỗi không gian tượng trưng cho một thời kỳ âm nhạc, từ Baroque đến cổ điển Viên, lãng mạn, rồi sau đó là hiện đại.
Không chỉ tại Viện Goethe, chúng tôi còn mang mô hình này biểu diễn tại VCCA (Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom). Dự án quan trọng nhất trong năm nay là chúng tôi kết hợp với Viện Goethe làm các chuỗi hòa nhạc về âm nhạc hiện đại, đương đại thế kỷ XX.
Chúng tôi cố gắng mang đến một bức tranh toàn diện về âm nhạc, để mọi người hiểu rõ vai trò của âm nhạc trong đời sống. Việc học nhạc rất khó, quan trọng là các em có quyết tâm và cảm hứng. Việc của chúng tôi là cố gắng khơi gợi niềm đam mê đó.
- Thời gian qua, một tín hiệu vui là đã có những buổi biểu diễn âm nhạc cổ điển thu hút đông đảo khán giả. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, anh suy nghĩ thế nào về khó khăn của các nghệ sĩ khi đưa âm nhạc cổ điển đến công chúng?
- Loại hình âm nhạc này chưa có lịch sử lâu dài ở Việt Nam, ở cả hai khía cạnh lịch sử và biểu diễn. Nếu như ở các quốc gia khác, việc đi nghe nhạc ở nhà thờ vào cuối tuần hay mua vé đi nghe nhạc ở nhà hát là một thói quen thì ở nước ta, điều đó vẫn còn khá mới mẻ. Do vậy, nếu cứ giữ nguyên những chuẩn mực, không gần gũi thì khán giả sẽ bỏ qua. Vì thế, không chỉ tôi mà các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này đều cố gắng tìm ra những cách tiếp cận mới mẻ.
Ví dụ, trong những buổi biểu diễn nhỏ, chúng tôi kết hợp biểu diễn tác phẩm với việc giải thích một chút về tác phẩm đó, hay kết hợp biểu diễn âm nhạc trong không gian triển lãm... Một vấn đề nữa là giáo dục âm nhạc trong trường học. Tôi nhớ hồi học tiểu học, hình như trong 5 năm học chỉ có một bài giới thiệu về Moza. Chính sự hời hợt khiến mọi thứ xa lạ với chúng ta ngay từ bé. Muốn tạo ra một lớp công chúng mới thì cần thay đổi từ giáo dục.
- Đối diện với dịch Covid-19, anh và các đồng nghiệp đã chuyển hướng đào tạo và biểu diễn như thế nào?
- Ngày 28-6 chúng tôi sẽ tổ chức online chương trình tiếp theo của dự án “Hành trình qua 4 thế kỷ âm nhạc”. Chúng tôi sẽ công diễn 10 tác phẩm của các nhạc sĩ Hungari, Nhật Bản, Mỹ...
- Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1003619/nghe-si-piano-luu-duc-anh-tim-cach-tiep-can-moi-cho-nhac-co-dien
|