(HNMCT) - Gắn bó với nghệ thuật tuồng từ năm 1983 đến nay, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Minh Gái đã gặt hái nhiều huy chương vàng tại các cuộc thi, hội diễn sân khấu... Đặc biệt, vai Hồ Nguyệt Cô trong trích đoạn tuồng cổ “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” không chỉ đóng đinh tên tuổi của bà trong nghệ thuật tuồng mà còn góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống tới bạn bè quốc tế. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với NSND Minh Gái về sự nghiệp sân khấu của bà cũng như nghệ thuật tuồng nước nhà.
- Thưa NSND Minh Gái, nhắc đến bà, nhiều người nhớ ngay đến vai diễn trong trích đoạn tuồng cổ “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”. Lần đầu tiên bà vào vai này là khi nào?
- Tôi rất thích vai nữ tướng Đào Tam Xuân do NSND Bạch Trà thể hiện. Tôi vẫn mong ước một ngày mình được thể hiện vai diễn này trên sân khấu, nhưng rồi tôi lại có duyên với vai Hồ Nguyệt Cô. Tôi vào vai Hồ Nguyệt Cô từ khi còn học trong trường. Năm 1991, lúc chuẩn bị tập để đi thi, tôi yếu lắm, trong khi đó, vai diễn Hồ Nguyệt Cô phải dốc sức nhiều khiến có lúc tôi nghĩ mình không đảm nhận được. Nhưng tôi tự nhủ hãy cố gắng. Tôi vẫn nhớ, sau khi chạy vở diễn, báo cáo trước hội đồng nghệ thuật, NSND Đàm Liên đã chạy lên và nói “Chúc mừng cháu! Của cháu rồi”. Trích đoạn này đã được rất nhiều thế hệ nghệ sĩ diễn, tôi chỉ có một quyết tâm là hãy cố gắng hết sức.
- Khi ấy bà lấy cảm xúc như thế nào để nhập vai?
- Đây là một vai văn pha võ, đòi hỏi người diễn xuất cũng phải có ý chí. Mình phải hiểu được không đơn giản từ một con cáo biến thành một con người. Người đấy phải khổ luyện như thế nào? Vẻ đẹp của nhân vật chính ngây thơ, trong trắng thì tình yêu cũng rất trong sáng. Trong sáng nên mới yêu mù quáng, say đắm và trao hết cho người mình yêu, để cuối cùng lại phải trả giá cho sai lầm đó. Giống như chúng ta tin vào một điều gì một cách tuyệt đối, khi vỡ lẽ ra không phải thì đau đớn như thế nào. Nhân vật của tôi cũng đau khổ lắm. Sự đau khổ của người từng trải, qua rèn luyện cũng sâu lặng, tê tái từ trong gan ruột. Tôi cứ nghĩ như vậy và thể hiện vai diễn ấy bằng cảm xúc của chính mình, qua các trình thức múa, diễn, hát của nghệ thuật tuồng.
Đến bây giờ, sau bao nhiêu năm thể hiện vai diễn này, nhưng mỗi lần diễn xong, tôi phải thay áo luôn vì mồ hôi vã ra như tắm. Các bạn đừng nghĩ nghề diễn viên nhàn hạ. Không! Không những mệt về thể xác mà cả tâm hồn! Đó gọi là dốc ruột gan ra hát. Một mình trên sân khấu thể hiện vai đó, nếu diễn đúng thì hết gần 30 phút. Người diễn phải tiết chế làm sao từng đoạn diễn phải đúng mức để đến lúc cao trào, câu than khóc cuối cùng của Hồ Nguyệt Cô như một tiếng kêu vang vọng khiến người xem lay động.
- Bà từng chia sẻ mong muốn trẻ hóa nghệ thuật tuồng. Phải chăng đó cũng là động lực thôi thúc khi bà tham gia vào các dự án nghệ thuật kết hợp cổ truyền và đương đại?
- Nghệ thuật dân tộc như một viên ngọc, mỗi người nghệ sĩ phải cố gắng mài giũa để nó sáng hơn. Cuộc sống luôn thay đổi, xã hội ngày càng phát triển thì nghệ thuật cũng vậy thôi. Nghệ thuật truyền thống do cha ông ta tạo nên, được giữ gìn, phát huy qua hàng trăm năm. Chúng ta muốn làm cho nó đẹp hơn, phù hợp hơn với đời sống.
Tôi may mắn được tham gia với nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Một lần nữa, tôi được sáng tạo nghệ thuật tuồng thông qua các chương trình biểu diễn. Đây cũng là cách làm cho tuồng được trẻ hóa. Ví dụ, tôi từng hát “Diễn tấu thùng nước mưa”, một tác phẩm thơ đương đại Đức. Biểu diễn, hát thơ bằng nghệ thuật tuồng mang lại nhiều cảm hứng cho tôi. Tôi nghĩ rằng, quảng bá nghệ thuật tuồng không gì khác ngoài tâm huyết, tình yêu nghệ thuật tuồng, qua nhiều năm tháng học tập, sáng tạo để gửi đến khán giả.
- Theo bà, làm thế nào để giữ được nguồn cảm hứng sáng tạo liên tục?
- Làm nghệ thuật là phải xem, học hỏi rất nhiều để từ đó đưa lên sân khấu những động tác, cách thức thể hiện đẹp hơn, phong phú hơn, vai diễn sẽ lấp lánh nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng người diễn viên phải “thử”. Mỗi lần như vậy họ sẽ rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm hơn. Càng sáng tạo nhiều vai thì kỹ năng của người diễn viên càng thành thục. Tôi vẫn nhớ thầy của tôi là NSND Bạch Trà lúc dạy vở “Đào Tam Xuân” vẫn thường hỏi chúng tôi: “Thế này đẹp chưa?”. Tại sao thầy vẫn còn hỏi học sinh? Tôi mới nhận ra rằng cô vẫn luôn sáng tạo, tìm tòi để vai diễn được đẹp hơn, hấp dẫn hơn và truyền lại cho học trò.
- Trân trọng cảm ơn NSND Minh Gái!
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/1002245/nghe-si-nhan-dan-minh-gai-nghe-thuat-dan-toc-nhu-vien-ngoc-phai-co-gang-mai-giua-de-no-sang-hon